Di sản của ông Biden sau 4 năm làm Tổng thống Mỹ

Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã thể hiện sự tự tin rằng, di sản của ông sẽ để lại cho chính quyền kế tiếp một nước Mỹ mạnh mẽ và vị thế quốc tế vững chắc hơn.

Joe Biden - nhà quản lý kinh tế có năng lực

Chỉ còn một tuần nữa, Tổng thống Mỹ Joe Biden rời Nhà Trắng. Đây là lúc để nhìn lại những gì ông đã làm được. Có thể nói, cuộc tranh luận thất bại với ông Trump trước ngày bầu cử để lại cho nhiều người dân Mỹ và thế giới hình ảnh của một người lãnh đạo già nua, lập cập. Nhưng theo đánh giá của tờ The Time, những gì mà ông Biden đã đạt được trong bốn năm qua, dựa trên kinh nghiệm chính trị và ngoại giao sâu rộng của mình đã chứng minh rõ ràng rằng, ông là một trong những Tổng thống giỏi trong lịch sử Mỹ dù chỉ đảm nhận một nhiệm kỳ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, ông đã kêu gọi đảng Dân chủ đoàn kết với tốc độ ấn tượng. Không ai nghi ngờ những thành tựu kinh tế mà ông đã làm được cho nước Mỹ. Thế nhưng di sản ngoại giao của ông đang gây nhiều tranh cãi.

Khi ông Joe Biden nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 6,4%. Đến cuối năm đầu tiên của ông tại Nhà Trắng, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 3,9%, gần bằng mức trước đại dịch.

Tổng thống Biden đã ủng hộ Kế hoạch Cứu trợ Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, giảm thiểu hậu quả kinh tế do COVID-19 gây ra; Đạo luật Việc làm Đầu tư và Cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD, sửa chữa những con đường, cây cầu xuống cấp và cho phép đầu tư lớn vào băng thông rộng ở nông thôn; Đạo luật CHIPS giảm sự phụ thuộc vào việc sản xuất chip bán dẫn quan trọng của nước ngoài; và hai trong số những dự luật an toàn súng toàn diện nhất trong gần ba thập kỷ.

Và khi dự luật Xây dựng lại Tốt hơn trị giá 2 nghìn tỷ USD của ông bị bác bỏ, ông Biden đã hồi sinh nó thành Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 800 tỷ USD, được thông qua vào tháng 8/2022. Tất cả các luật đó đều được ban hành mặc dù đa số sít sao nhất tại Hạ viện và ngang ngửa 50/50 tại Thượng viện. Những thành tựu đó khiến ông Biden trở thành Tổng thống lập pháp thành công nhất kể từ Lyndon B. Johnson.

Ông Biden cũng chứng tỏ mình là người quản lý nền kinh tế có năng lực bất chấp những cơn gió ngược lớn. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ, trong khi tăng trưởng GDP vẫn mạnh mẽ. Lạm phát thời đại dịch đã làm giảm bớt di sản kinh tế của ông Biden nhưng ông đáng được ghi nhận vì đã thúc đẩy nền kinh tế

"Ông Joe Biden để lại một di sản hỗn hợp. Tôi nghĩ rằng thật khó để chỉ khen ngợi một số cải cách lớn về mặt chính sách mà ông đã thúc đẩy thông qua như Kế hoạch cứu trợ hoặc Đạo luật giảm lạm phát. Tôi nghĩ rằng chủ yếu người ta sẽ nhớ đến bây giờ là việc ông rút lui khỏi cuộc bầu cử năm 2024 khá muộn, mà nhiều người tin rằng đã không tạo điều kiện cho người tiền nhiệm của ông giành chiến thắng".

Tiến sĩ Nadia Brown, Giáo sư tại Đại học Georgetown

Chiến tranh thương mại gia tăng

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden có nhiều điểm bị chỉ trích, trong đó có việc rút khỏi Afghanistan, liên tục viện trợ cho Ukraine, xử lý hậu quả của sự kiện Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023 ở Trung Đông. Chiến tranh thương mại gia tăng dưới thời của ông có khả năng nghiêm trọng hơn trong những năm tới. Nhưng trong bối cảnh các cuộc cạnh tranh địa chính trị leo thang, Tổng thống Donald Trump và sau đó là Tổng thống Joe Biden sử dụng vũ khí kinh tế một cách có hệ thống hơn. Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã giáng một loạt lệnh trừng phạt vào Nga. Chiến lược Trung Quốc của Tổng thống Biden đã đưa ra các khoản đầu tư trong nước để giúp Mỹ đi trước trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế thế kỷ 21 và áp đặt các hạn chế có mục tiêu, từ đầu tư đến kiểm soát xuất khẩu để ngăn Bắc Kinh bắt kịp Mỹ.

Chiến tranh thương mại đã trở lại vì một lý do rất cũ: sức mạnh kinh tế là nguồn gốc của quyền lực toàn cầu. Sức mạnh quân sự của một quốc gia chỉ là sự phản ánh sức mạnh và sự năng động của nền kinh tế. Ngay cả trong thời bình, ảnh hưởng kinh tế giúp thu phục bạn bè và trừng phạt kẻ thù. Khi cạnh tranh chiến lược trở nên gay gắt, sự cạnh tranh kinh tế càng khốc liệt.

Trong một thế hệ sau năm 1989, nước Mỹ không có đối thủ cạnh tranh thực sự. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như dự định. Trong hơn một phần tư thế kỷ qua, Mỹ đã mài giũa một bộ lệnh trừng phạt sắc bén hơn, có mục tiêu hơn, khai thác quyền kiểm soát các điểm nghẽn trong nền kinh tế toàn cầu. Nhóm của ông Biden không phát minh ra những công cụ này, nhưng họ đã tinh chỉnh và áp dụng chúng rộng rãi hơn so với bất kỳ chính quyền nào trước đây, đặc biệt là chống lại các cường quốc đối thủ.

Lịch sử sẽ ghi nhận rằng, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung thực sự bắt đầu vào tháng 10/2022. Đó là thời điểm ông Biden triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng, sử dụng quyền lực của đồng USD trong tài chính toàn cầu, cũng như vai trò của Mỹ trong một chuỗi cung ứng, cụ thể là thiết kế chất bán dẫn cao cấp, để hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các chip tiên tiến, sản phẩm có vai trò thúc đẩy đổi mới kinh tế và quân sự. Dưới thời ông Trump nhiệm kỳ thứ nhất, Washington đã sử dụng các công cụ đó để nhắm mục tiêu vào một công ty Trung Quốc Huawei, nhưng ông Biden đã mở rộng các hạn chế để nhắm mục tiêu vào toàn bộ kinh tế Trung Quốc.

Chiến lược này được xây dựng dựa trên những gì Mỹ đã làm trước đó với Nga sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, khai thác vị trí trung tâm của đồng USD và ảnh hưởng của Mỹ trong các hệ thống tài chính quan trọng để ngắt kết nối các ngân hàng Nga khỏi thế giới. Washington đã cắt đứt quyền tiếp cận của Nga đối với các chất bán dẫn tinh vi nhất - và sau đó áp dụng cách làm này với Trung Quốc.

Mỹ và các đồng minh của họ cũng sử dụng sự thống trị về tài chính của mình để đóng băng lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của Nga cùng sự thống trị của họ trên thị trường bảo hiểm hàng hải và các dịch vụ quan trọng khác để hạn chế giá dầu mà Nga xuất khẩu ra toàn cầu.

Trong hai cuộc cạnh tranh quan trọng nhất thế giới, ông Biden đã tích cực và sáng tạo sử dụng lợi thế kinh tế bất đối xứng của Mỹ. Hầu như không ai mong đợi các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vào tháng 2/2022 để sau đó có thể chấm dứt được xung đột Ukraine. Mục tiêu thực sự chỉ là làm suy yếu một đối thủ lớn trong một cuộc đấu tranh kéo dài.

Tương tự như vậy, ông Biden không đưa ra bất kỳ yêu cầu cụ thể nào đối với Bắc Kinh khi ông áp đặt lệnh hạn chế bán dẫn hoặc hạn chế đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc. Đó là vì các lệnh trừng phạt này mang tính chiến lược: mục đích chính là cản trở sự đổi mới của Trung Quốc trong các lĩnh vực thiết yếu đối với sức mạnh kinh tế và quân sự.

Đồng thời với lệnh hạn chế chip của ông Biden đối với Trung Quốc là khoản đầu tư của chính quyền vào việc mở rộng sản xuất chip trong nước. Thuế quan của ông Biden đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất song hành với trợ cấp để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện của Mỹ.

“Hôm nay tôi có thể báo cáo với người dân Mỹ rằng, chúng ta đang ở vị thế chiến lược tốt hơn trong cuộc cạnh tranh dài hạn với Trung Quốc so với khi tôi nhậm chức. Tất cả các bạn đều nhớ lại và các chuyên gia tin rằng, chúng ta đã dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua nền kinh tế của chúng ta là điều không thể tránh khỏi, theo nhiều dự đoán, điều đó sẽ xảy ra vào năm 2030 hoặc ngay sau đó. Nhưng không, nếu chúng ta đầu tư vào chính mình, chúng ta sẽ bảo vệ được người lao động và công nghệ của mình, điều đó sẽ không xảy ra. Bây giờ, theo nhiều dự đoán khác nhau về con đường hiện tại của Trung Quốc, họ sẽ không bao giờ vượt qua được chúng ta”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Những biện pháp này đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Các đối thủ, cụ thể là Trung Quốc, đang chạy đua để làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời củng cố các thế mạnh kinh tế của chính mình, chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh lâu dài phía trước.

Một nước Nga bị phương Tây cô lập đã chuyển hướng sang giao thương với phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc. Moscow đã nhanh chóng thích ứng được với các lệnh trừng phạt.

Mỹ và các đồng minh đã cố gắng hạn chế giá dầu Nga. Nhưng không thể loại bỏ dầu Nga khỏi thị trường toàn cầu bằng cách trừng phạt mạnh mẽ những người mua dầu, vì sợ làm xáo trộn mối quan hệ với các quốc gia dao động như Ấn Độ và gây ra sự gián đoạn kinh tế trên diện rộng.

Nga và các nước thân thiện đang xây dựng một hệ thống thanh toán để vượt qua SWIFT do phương Tây thống trị và phấn đấu để tự lực về mặt công nghệ nhằm làm giảm bớt tác động các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, bộ tứ Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên đang phát triển các tuyến thương mại vững chắc về mặt địa lý để thúc đẩy một khối kinh tế Á-Âu nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ.

Những cuộc chiến không hồi kết

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại trên cương vị tổng thống vào năm 2021, ông Biden đã nhắm đến việc gắn kết lợi ích chính sách đối ngoại và trong nước, trọng tâm được cho là tập trung vào Trung Quốc và việc hàn gắn các liên minh. Tuy nhiên, Stephen Wertheim, nhà sử học và là thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định: Mỹ đang ở trong tình thế địa chính trị tồi tệ hơn so với bốn năm trước. Mỹ đang đắm chìm trong một cuộc chiến tranh lớn ở lục địa châu Âu với những rủi ro leo thang nghiêm trọng; họ đang ủng hộ việc ném bom Trung Đông mà không thấy hồi kết.

Ông Biden là người ủng hộ nhiệt tình đối với Ukraine, trở thành tổng thống đầu tiên đến thăm một khu vực xung đột mà quân đội Mỹ không tham gia và chỉ đạo chi hơn 183 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc khiến NATO chi nhiều hơn cho quốc phòng tập thể. Tuy nhiên, cuộc chiến khốc liệt vẫn tiếp diễn ở tiền tuyến mà không có kế hoạch rõ ràng nào cho một thỏa thuận hòa bình. Washington đã hoãn lại thời điểm và cách thức đàm phán sẽ diễn ra với phương châm "không có cuộc thảo luận về Ukraine nếu không có Ukraine tham gia".

Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 khiến hơn 1.200 thường dân thiệt mạng, ông Biden đã nói rõ rằng, Israel có quyền tự vệ, đồng thời với việc đó, chính quyền của ông gửi hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel.

Ngay cả khi Israel phát động cuộc chiến ở Gaza khiến hơn 45.000 người thiệt mạng và dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo, chính quyền Mỹ vẫn không thay đổi lập trường của mình. Cho đến tháng 4/2023, ông Biden mới nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanhayu rằng, sự hỗ trợ trong tương lai của Mỹ đối với đất nước ông phụ thuộc vào việc Israel bảo vệ thường dân và nhân viên cứu trợ ở Gaza.

Thất bại rõ ràng nhất trong chính sách đối ngoại là việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021. Ông Biden đã hứa sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ và đảm bảo với người Mỹ rằng quân đội Afghanistan có khả năng ngăn chặn Taliban lên nắm quyền. Nhưng trái với tuyên bố này, Taliban đã mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ trên khắp đất nước nhanh hơn dự kiến của Mỹ và chiếm Kabul khi chính phủ Afghanistan sụp đổ. Mỹ đã vội vã sơ tán khoảng 125.000 người, bao gồm 6.000 người Mỹ, trong quá trình rút quân cấp tập của mình, nhưng hàng chục người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Hamid Karzai ở Kabul trong lúc hàng nghìn người tìm cách chạy trốn khỏi đất nước.

“Khi tôi nhậm chức, tôi đã có một lựa chọn. Chỉ là tôi thấy không có lý do gì để giữ hàng nghìn quân nhân ở Afghanistan. Tôi có lịch trình của mình. Số người chết và bị thương thực tế đã xảy ra trong cuộc chiến dài nhất của chúng ta. Tiếp tục chi hàng trăm triệu USD mỗi ngày - chúng ta không còn làm như vậy nữa. Theo quan điểm của tôi, đã đến lúc chấm dứt chiến tranh và đưa quân đội của chúng ta về nhà và chúng ta đã làm vậy”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Công dân Mỹ và các đồng minh Afghanistan đã hỗ trợ quân đội Mỹ trong suốt cuộc chiến đã bị bỏ lại phía sau. Hàng nghìn người lo sợ sự trả thù từ Taliban và cảm thấy bị chính phủ Mỹ bỏ rơi. Hình ảnh người dân Afghanistan bám vào máy bay quân sự với hy vọng trốn thoát và vũ khí của Mỹ bỏ lại bị Taliban mang đi diễu hành đã trở thành biểu tượng cho những bước đi sai lầm dẫn đến cuộc di tản hỗn loạn.

Khi ông Joe Biden chuẩn bị rời nhiệm sở, người Mỹ có cái nhìn không mấy thiện cảm về nhiệm kỳ tổng thống của ông so với Donald Trump ở cuối nhiệm kỳ thứ nhất hoặc ông Barack Obama nhiệm kỳ thứ hai. Theo cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng của The Associated Press-NORC, chỉ có khoảng một phần tư người lớn ở Mỹ cho rằng, ông Biden là một tổng thống "tốt" hoặc "tuyệt vời" và chưa đến 1/10 nói rằng ông "tuyệt vời".

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Số người thiệt mạng trong trận động đất tại Myanmar là 3.301 người, trong khi 4.792 người bị thương và 221 người vẫn mất tích.

Tổng thống Donald Trump quyết định gia hạn thêm 75 ngày để công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance bán các tài sản TikTok tại Mỹ cho một nhà đầu tư không phải Trung Quốc, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/4 báo cáo nguồn cung cấp điện và nước tại Myanmar vẫn bị gián đoạn, làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và tăng nguy cơ bùng phát bệnh tật.

Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết, nước này đã nhận được “kết quả tốt nhất trong một loạt các thỏa thuận khó khăn” từ động thái áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một tuyên bố vào ngày 4/4.

Các Bộ trưởng Ngoại giao NATO đã kết thúc hai ngày họp tại Brussels vào ngày 4/4, tập trung vào công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới tại The Hague.

Bộ tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế 34% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/4.