Đi làm qua cầu

Mỗi cây cầu ở Hà Nội như người chứng kiến nhịp sống hối hả hàng ngày. Từng ngày qua đi, những hành trình qua cầu lại tiếp tục mang theo biết bao câu chuyện của ngày mới.

Hà Nội – thành phố nằm bên bờ sông Hồng, nơi những cây cầu không chỉ nối liền hai bờ sông mà còn dẫn lối cho hàng nghìn người dân Thủ đô đi làm, đi học, đi thăm người thân. Trên hành trình đó, mỗi người đều có những câu chuyện riêng, những ký ức khó phai về cây cầu thân thuộc đã gắn bó với cuộc sống của họ mỗi ngày. Một ngày của không ít người sống ở Hà Nội bắt đầu từ những nhịp cầu như thế.

Chị Hạnh Nguyên là giáo viên trường học nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Sinh sống ở quận Long Biên nên ngày nào chị cũng đi lại qua cây Chương Dương, có ngày tới vài bận.

Mỗi ngày đi qua cầu, chị đều cảm nhận được từng thay đổi nhỏ. "Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực Long Biên nên thường xuyên phải đi qua cầu, từ khi còn bé cho đến lúc lớn đi làm. Tôi cảm thấy cầu càng ngày càng đông lúc, khi đến giữa tuần sẽ đỡ hơn. Tôi thường phải đi sớm từ 15-20 phút vì đường sẽ tắc khá dài", chị Nguyên nói.

Giữa hàng trăm, hàng nghìn người đi qua cầu mỗi ngày, có những người coi cây cầu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của họ, như mẹ con chị Thúy Linh. Sống ở quận Long Biên nên hầu như ngày nào, hai mẹ con chị cũng cùng nhau qua cầu vào trong nội đô.

"Ngày xưa tất cả phương tiện giao thông đều phải đi qua cây cầu này. Bây giờ Hà Nội đã có rất nhiều cầu. Sắp tới còn có thêm hai chiếc cầu nữa", chị Linh vui vẻ trò chuyện với con trai.

Những âm thanh quen thuộc, tiếng rung lắc của cây cầu mỗi khi tàu xe qua lại... Tất cả đã gắn liến với cuộc sống của nhiều người Hà Nội ở hai bên sông.

Không chỉ đi làm qua cầu, nhiều người như anh Phan Ngọc Đức (Hà Đông) còn coi cây cầu như một điểm đến, nơi lưu giữ những ký ức, hình ảnh đẹp, những khoảnh khắc đáng trân trọng của cuộc sống.

"Mình thường đi làm qua cầu Long Biên. Với đặc thù công việc là phóng viên ảnh, mình thường hay vừa đi vừa chụp, trong đó cầu Long Biên là mình chụp nhiều nhất. Không chỉ là chụp phong cảnh, mình còn dẫn khách chụp ảnh đến cầu để lưu giữ vẻ đẹp cổ kính của cầu. Mình rất thích cầu Long Biên vào mùa thu và mùa đông mờ sương", anh Phan Ngọc Đức cho biết. Ở mỗi khoảng thời gian khác nhau, theo anh Đức, cầu Long Biên lại có những vẻ đẹp khác nhau. Tĩnh lặng như ở quá khứ vào buổi sáng sớm, nhộn nhịp với nét hiện đại trong ngày và lãng mạn khi màn đêm buông xuống.

Những câu chuyện, những hành trình cứ thế tiếp nối. Buổi tối, mỗi cây cầu lại mang dáng vẻ riêng. Nếu như cầu Nhật Tân rực rỡ ánh đèn thì cầu Long Biên lại chìm trong màu tối sẫm huyền ảo.

Mỗi cây cầu lại gắn bó với mỗi người theo một cách riêng. Một ngày qua đi. Ngày mai lại bắt đầu. Những hành trình qua cầu lại tiếp tục mang theo biết bao câu chuyện của ngày mới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phở gà Hà Nội - món ăn chế biến không cầu kỳ nhưng đậm đà, nhẹ nhàng mà thanh tao, một món ăn quen thuộc gợi nhớ về nét đẹp bình dị của Thủ đô.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi (làng sơn mài Hạ Thái, Thường Tín, Hà Nội) đã đưa sơn mài truyền thống vào đời sống qua từng sản phẩm thủ công của mình.

Pha chế đồ uống đang trở thành công việc có sức hấp dẫn đặc biệt với nhiều người trẻ và những lớp học pha chế cũng ngày càng nhiều hơn.

Từ món phở nước cổ điển, người Hà Nội đã tạo ra một phiên bản phở “mới mà quen” - phở cuốn.

Ca sĩ Trịnh Trí Anh - một giọng ca trẻ đầy nội lực đang kể câu chuyện Hà Nội theo cách riêng của thế hệ nghệ sĩ trẻ: trẻ trung, hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên sự sâu lắng, da diết vốn có.

Chụp ảnh về Hà Nội là một cách mà ngày càng nhiều người lựa chọn để thể hiện tình yêu với mảnh đất này.