Đề xuất lập quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông
Năm 2023, trên toàn quốc xảy ra hơn 22.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. Đây là thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước, gia đình và xã hội. Nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng để triển khai việc hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, mới đây, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung nội dung quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết: "Mục tiêu để chúng tôi đưa nội dung này vào để thành lập quỹ này để chi trả, hỗ trợ cho nạn nhân, gia đình nạn nhân do tai nạn giao thông đường bộ gây ra. Thứ hai, là hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân trong quá trình tham gia vào việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Chúng tôi cũng đã tham khảo ở các nước, các nước khác đều có cái quỹ này. Cái nguồn hình thành quỹ này đều là nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Nguồn hình thành là do sự đóng góp của các tổ chức cá nhân tài trợ cho quỹ".

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc xây dựng quỹ giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông đã được nhiều quốc gia khác trên thế giới áp dụng lâu nay và phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội hóa ngoài ngân sách nhà nước. Không chỉ hỗ trợ tích cực cho các hoạt động an sinh xã hội đối với nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, mà còn là nguồn hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động nâng cao an toàn giao thông khác nữa. Đặc biệt, quỹ được hình thành trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, từ sự đóng góp của những cá nhân, tổ chức với mong muốn xây dựng, nâng cao trật tự an toàn giao thông của đất nước.
TS Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ An toàn giao thông Quốc gia cho biết: "Về mục đích thì quá tốt rồi, khi chúng ta có cái quỹ này thì chúng ta sẽ có cơ hội để thực hiện công tác xã hội hóa. Rất nhiều tổ chức, cá nhân có điều kiện. Người ta có thể rất là muốn trợ giúp cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông, tham gia vào các hoạt động nâng cao an toàn giao thông. Những hoạt động rất nhân ái, nhân nghĩa. Tôi nghĩ là chúng ta làm được cái này thì rất tốt. Tuy nhiên, nhiều người người ta cũng có cái trăn trở là khi chúng ta có nguồn quỹ rồi thì cách thức chúng ta chi trả như thế nào. Thì tôi nghĩ rằng khi xây dựng cái quỹ này thì các ban chuyên môn thì người ta sẽ xây dựng được quy chế, cách thức sử dụng nguồn tiền từ quỹ này".
Dù mục đích tốt, nhưng cách thức sử dụng quỹ này đang là vấn đề được quan tâm hơn cả. Làm sao để sử dụng nguồn quỹ theo nguyên tắc phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành nhưng cũng phải kịp thời và công khai, minh bạch. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả, cũng như nhận được sự tin tưởng từ các cá nhân tổ chức đóng góp. Bởi điều mà họ quan tâm hơn cả là những sự đóng góp đó có đến được đúng địa chỉ hay không.
Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn cầu cho biết: "Nếu như có nguồn xã hội hóa thì rõ ràng là cũng phải có các cơ chế giám sát mang tính xã hội hóa. Do đó, khi người ta quyên góp thì hoặc là đóng góp vào quỹ thì người ta phải được biết những đồng tiền của người ta được sử dụng như thế nào một cách hiệu quả nhất, đúng đắn nhất và không gây thất thoát và như vậy thì nó sẽ tạo ra niềm tin cho xã hội. Đồng thời ấy là nó thúc đẩy cái sự tự giác của những người tham gia giao thông và cũng là một cái mà an ủi phần nào đối với những nạn nhân trong các cái vụ tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông là vấn nạn của toàn xã hội, mang đến những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, kéo theo những gánh nặng dai dẳng cho những nạn nhân, thân nhân, gia đình của họ, thậm chí có thể gây kiệt quệ về kinh tế, bất ổn về tinh thần. Việc xây dựng quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông, nếu được quy định trong luật sẽ tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng. Nhất là khi luật giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định cụ thể về công tác giải quyết tai nạn, dẫn đến khó khăn trong khắc phục hậu quả, giảm thiểu được những thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra.


Thông tin Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục - những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội - bị khởi tố vì liên quan đến hành vi sản xuất hàng giả đang nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một sự cố vật nuôi "lái xe" đã xảy ra tại Trung Quốc, cảnh báo các tài xế về sự an toàn khi để chó, mèo trên ô tô.
Mạng xã hội ngày 3/4 xuất hiện clip một chiếc xe trộn bê tông ngang nhiên đi ngược chiều trên đường phố Hải Phòng, gây ra không ít lo ngại và bức xúc trong dư luận.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM thông báo ngày 4/4 về việc tiến hành xem xét và thi hành kỷ luật đối với một tổ chức đảng cùng ba đảng viên, do các vi phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Tiktoker Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs bị khởi tố, bắt tạm giam vì có dấu hiệu tội phạm sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
0