Cú trượt dài của Boeing - biểu tượng hàng không Mỹ

Boeing - Tập đoàn hàng không số 1 thế giới đang chìm vào chuỗi ngày khủng hoảng. Sau một loạt các sự cố làm lung lay niềm tin vào chất lượng sản phẩm của công ty hồi đầu năm, Boeing giờ đây đang phải vật lộn với tác động của cuộc đình công kéo dài, làm tê liệt các dây chuyền sản xuất.

Boeing lao đao vì đình công kéo dài

Những khó khăn tài chính đã khiến gã khổng lồ của ngành hàng không vũ trụ Mỹ phải cân nhắc bán một số chi nhánh hoặc công ty con để có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng sâu sắc của Boeing dường như vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại khi hàng loạt hãng tín nhiệm cân nhắc hạ mức tín nhiệm đầu tư xuống mức “Rác”, đe dọa đến danh tiếng lâu đời và vị thế của hãng trên thị trường toàn cầu.

Khoảng 33.000 công nhân của Boeing đã đình công kể từ ngày 13/9. Cuộc đình công đã làm tê liệt hoạt động sản xuất dòng máy bay bán chạy nhất 737 Max và dòng máy bay thân rộng 767 và 777 của Boeing, gây thêm áp lực lên tình hình tài chính vốn đã mong manh của hãng sản xuất máy bay Mỹ. Lịch trình giao hàng máy bay vốn đã chậm chạp của Boeing giờ đây gần như dừng hẳn. Trong thời gian này, không một máy bay Boeing nào được sản xuất tại nhà máy ở Everest thuộc bang Washington. Trong khi đó, dữ liệu từ công ty phân tích Aero Analysis Partners cho biết chỉ có một máy bay phản lực 737 và một máy bay phản lực 787 được Boeing giao cho đối tác tính đến giữa tháng 10. Ước tính, sự đình trệ hoạt động sản xuất tại các nhà máy khu vực Bờ Tây nước Mỹ đã khiến Boeing thiệt hại gần 5 tỷ USD và phần lớn tác động do công nhân và cổ đông Boeing gánh chịu, lên đến 3,7 tỷ USD.

“Tôi ở đây để được trả lương xứng đáng. Mọi thứ trên thế giới đều tăng giá và Seattle là một trong những tiểu bang có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất. Chúng tôi cần tăng lương để đủ sống.”

Anh Ruben Zurita, nhân viên Boeing

Trước diễn biến này, Boeing và công đoàn cho biết, các nhân viên công ty sẽ bỏ phiếu trong tuần này cho một đề xuất hợp đồng mới bao gồm mức tăng lương 35% trong 4 năm. Đề xuất mới nhất bao gồm khoản thưởng 7.000 USD, theo đó tăng đóng góp vào các kế hoạch hưu trí của người lao động bao gồm đóng góp một lần 5.000 USD cộng với tối đa 12% đóng góp của chủ lao động. Boeing bày tỏ “mong đợi nhân viên sẽ bỏ phiếu cho đề xuất đã đàm phán”, tuy nhiên, vẫn chưa có gì đảm bảo rằng người lao động sẽ chấp thuận đề xuất sau khi họ đã từ chối đề xuất ban đầu một cách áp đảo.

Boeing giờ đây đang phải vật lộn với tác động của cuộc đình công kéo dài, làm tê liệt các dây chuyền sản xuất.

“Tôi tự hào về 33.000 công nhân đang đình công ngay lúc này, vì các bạn xứng đáng được tôn trọng. Các bạn xứng đáng được hưởng hợp đồng công bằng, mức lương công bằng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và lương hưu”.

Bà Pramila Jayapal, Nghị sĩ Mỹ

Cổ phiếu của Boeing đã mất hơn 60% giá trị trong 5 năm qua. Công ty cũng đang đối mặt với sự giám sát từ các cơ quan quản lý và khách hàng sau các sự cố về an toàn gần đây. Boeing mới đây thông báo sẽ cắt giảm 10% nhân lực toàn cầu, tương đương khoảng 17.000 người trong vài tháng tới do việc kinh doanh của công ty đang gặp khó. Ngoài ra, Boeing cũng đã nộp báo cáo đăng ký với cơ quan quản lý thị trường Mỹ cho phép nhà sản xuất máy bay này huy động tới 25 tỷ USD thông qua việc chào bán nhiều loại chứng khoán nợ và các loại cổ phiếu khác nhau. Boeing có khoản nợ 11,5 tỷ USD đáo hạn vào ngày 1/2/2026 và đã cam kết phát hành 4,7 tỷ USD cổ phiếu của mình để mua lại Spirit AeroSystems, qua đó tiếp quản khoản nợ của công ty này.

Như vậy, kể từ năm 2019, Boeing đã lỗ thêm 28 tỷ USD và tổng mức nợ hiện nay của Boeing đã lên tới 60 tỷ USD. Các hãng đánh giá tín nhiệm lớn đồng loạt đưa ra cảnh báo nếu đình công kéo dài, họ sẽ hạ xếp hạng trái phiếu của Boeing xuống mức “không khuyến nghị đầu tư”. Với khối nợ ròng hơn 45 tỷ USD, việc hạ xếp hạng sẽ làm tăng chi phí vay và cản trở nỗ lực huy động vốn của hãng sản xuất máy bay Mỹ.

Tác động đến kinh tế Mỹ và thế giới

Cuộc khủng hoảng của Boeing không chỉ là tin xấu riêng cho công ty mà còn là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Mỹ. Là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất đất nước, Boeing đóng góp tới 79 tỷ USD mỗi năm và tạo ra 1,6 triệu việc làm tại Mỹ. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, chỉ riêng cuộc đình công cũng như việc sa thải tạm thời hoặc nghỉ việc theo tuần từ các nhà cung cấp của Boeing, đã làm giảm khoảng 50.000 việc làm trong bảng lương phi nông nghiệp tháng 10 của Mỹ. Thậm chí, cuộc khủng hoảng của Boeing có thể dẫn đến giá vé máy bay đắt hơn và tăng trưởng kinh tế yếu hơn ở đất nước cờ hoa.

Cuộc khủng hoảng của Boeing không chỉ là tin xấu riêng cho công ty mà còn là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Mỹ.

Boeing là một công ty lớn với lực lượng lao động hơn 140.000 nhân viên trên toàn thế giới, tạo ra hàng chục tỷ USD doanh thu mỗi quý. Chỉ riêng sản lượng của Boeing đã chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế Mỹ. Do đó, việc cắt giảm chi tiêu của công ty và các nhân viên bị sa thải sẽ gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là ở Washington. Ngoài ra, hơn 10.000 nhà cung cấp trên toàn quốc cũng sẽ chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng này.

Có cùng nhận xét, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cảnh báo, Boeing là một công ty lớn được tích hợp chặt chẽ vào mạng lưới sản xuất trong nước và việc đình trệ dây chuyền sản xuất có thể “có tác động đáng kể đến nền kinh tế vĩ mô”. Mặt khác, Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, nhu cầu yếu hơn đối với máy bay của hãng có nghĩa là xuất khẩu ít hơn, đóng góp vào tăng trưởng GDP sẽ giảm. Ngoài ra, những khó khăn của Boeing trong nhiều năm qua phần nào tạo điều kiện và sức cạnh tranh cho đối thủ Airbus. Hiện hãng sản xuất của châu Âu vượt qua Boeing để trở thành nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới.

Theo các chuyên gia, dù các hãng hàng không không dễ dàng chuyển đổi nhà sản xuất chỉ sau một đêm, nhưng cuộc khủng hoảng của Boeing rõ ràng đang có lợi cho Airbus. Nếu lượng máy bay Airbus mà Mỹ phải nhập khẩu cho các hãng hàng không trong nước tăng lên, thì đây không còn là câu chuyện của riêng Boeing mà còn là đòn giáng vào sức mạnh và niềm tự hào của nền kinh tế Mỹ.

Với vị thế là một trong hai công ty toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất máy bay, cuộc khủng hoảng của Boeing còn gây ra ảnh hưởng rộng lớn khác, bởi không chỉ Mỹ mà nhiều nước trên thế giới phụ thuộc vào máy bay của Boeing để đi lại, kinh doanh, giao hàng và việc làm.

Sự chậm trễ trong việc giao hàng, mà Boeing và một số hãng hàng không dự đoán khi hãng này trải qua cuộc điều tra liên bang chuyên sâu về quy trình sản xuất hồi đầu năm, cùng với tác động từ cuộc đình công kéo dài thời gian gần đây đã làm giảm số lượng máy bay mà người Mỹ có thể mua và cắt giảm tất cả các lợi ích thúc đẩy nền kinh tế mà hãng thường cung cấp.

“Boeing là một công ty quan trọng đối với ngành hàng không toàn cầu. Cuộc đình công gây ảnh hưởng đến tốc độ sản xuất và làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt nguồn cung trên thị trường hiện nay”.

Ông Ross O'connor, Giám đốc tài chính Công ty cho thuê máy bay Avolon, Ireland

Hồi giữa tháng 10, Boeing tuyên bố sẽ lại lùi lịch giao dòng máy bay mới 777X từ năm 2025 sang năm 2026.  Ngoài ra, hãng này còn dừng sản xuất dòng máy bay vận tải 767 sau khi hoàn thành các đơn hàng đã được ký kết. Trong quý II vừa qua, Boeing đã giao 92 máy bay thương mại, ít hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số máy bay được giao trong nửa đầu năm là 175 chiếc, giảm 34% so với nửa đầu năm 2023 là 266 chiếc.

Reuters dẫn lời các chuyên gia lo ngại cuộc khủng hoảng của Boeing có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt máy bay phản lực thương mại tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Tại Mỹ, Southwest Airlines - với toàn bộ đội bay là Boeing cho biết đã phải giảm số chuyến trong nửa cuối năm. United Airlines thì đang mua thêm máy bay Airbus.

Theo dự báo của công ty tư vấn FCM Consulting, giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Tại khu vực Trung Đông, Emirates Airlines - hãng hàng không hàng đầu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một trong những khách hàng về tàu bay thân rộng lớn nhất của Boeing, với đơn đặt hàng chưa thanh toán là 150 máy bay. Emirates đã bày tỏ sự thất vọng về việc giao hàng chậm trễ của hãng sản xuất máy bay Mỹ. Emirates đã phải triển khai chương trình tân trang trị giá 3 tỷ USD cho 191 máy bay để ứng phó với việc hoãn chuyến. Chương trình này bao gồm việc nâng cấp đội bay Boeing 777 và Airbus A380 hiện có của hãng, lắp đặt ghế ngồi thế hệ mới và đại tu nội thất để mở rộng hoạt động. Do sự chậm trễ kéo dài, hãng hàng không buộc phải kéo dài tuổi thọ của các máy bay phản lực hiện có, làm tăng chi phí bảo dưỡng.

Các hãng hàng không châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về sự chậm trễ của Boeing. Ryanair, một trong những hãng hàng không hàng đầu châu Âu đã hạ dự báo lưu lượng hành khách trong năm tới do tốc độ giao máy bay chậm, thậm chí yêu cầu nhà sản xuất Mỹ bồi thường.

Việc các hãng hàng không thiếu máy bay để vận hành kéo theo giá vé bay tăng cao thời gian qua, đồng thời buộc các hãng bay tăng thời gian sử dụng những chiếc máy bay cũ. Giới chuyên gia cảnh báo, giá vé tăng sẽ chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn cho các hãng hàng không. Bởi khi giá vé tăng, lượng khách hàng sẽ giảm dần. Theo dự báo của công ty tư vấn FCM Consulting, giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Boeing vẫn còn cơ hội phục hồi

Boeing dường như đang trải qua giai đoạn khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Đây không đơn giản là chuyện của một doanh nghiệp mà còn thu hút sự quan tâm của giới chính khách Mỹ. Mỹ hiện tại không có nhà cung cấp máy bay thương mại lớn trong nước nào thay thế được Boeing. Nếu không có Boeing, mảng kinh doanh đó sẽ thuộc về Airbus và thậm chí là Comac - công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Bởi vậy chính phủ Mỹ, dù muốn ngó lơ những thách thức mà Boeing đang đương đầu, nhưng họ không thể làm như vậy. Vấn đề an ninh quốc gia đòi hỏi Mỹ phải giữ bí quyết trong chế tạo máy bay và linh kiện bán dẫn. Do đó, bất chấp những lo ngại về nguy cơ phá sản của Boeing đang gia tăng, các chuyên gia kinh tế cho rằng kịch bản này khó có thể xảy ra ngay lập tức.

Tiến sĩ Bahram Adrangi, giáo sư kinh tế tại Đại học Portland, bang Oregon (Mỹ), cho biết nguy cơ Boeing phải nộp đơn xin phá sản chỉ ở mức dưới 35%. Điều này có nghĩa rằng, mặc dù tình hình tài chính của hãng đang rất nghiêm trọng, nhưng hãng vẫn còn nhiều cơ hội để phục hồi nếu có những điều chỉnh hợp lý.

Một trong những giải pháp mà Boeing có thể thực hiện là tái cấu trúc hoạt động của mình. Điều này có thể bao gồm việc cắt giảm chi phí, tối ưu hóa các quy trình sản xuất và tìm cách thu hút thêm vốn đầu tư từ các đối tác chiến lược. Bằng cách này, Boeing có thể cải thiện tình hình tài chính của mình và đối phó với các thách thức hiện tại.

Boeing đã chốt thỏa thuận bán một công ty con Digital Receiver Technology chuyên sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ.

Hôm 22/10, Boeing đã chốt thỏa thuận bán một công ty con Digital Receiver Technology chuyên sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ - cho hãng quốc phòng châu Âu Thales, để xoay xở khó khăn tài chính và tránh kịch bản xấu nhất.

Bên cạnh đó, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, Boeing vẫn là một trong những tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới với bề dày kinh nghiệm và khả năng điều chỉnh chiến lược linh hoạt. Hãng đã từng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ, bao gồm sự cố liên quan đến dòng 737 Max và những tác động từ đại dịch COVID-19. Nếu Boeing có thể vượt qua cuộc đình công hiện tại và giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sản xuất, hãng vẫn có khả năng phục hồi và tiếp tục giữ vững vị thế trên thị trường.

Hơn hết, Boeing là một tập đoàn lớn và chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ không để một trong những nhà phân phối quốc phòng hàng đầu của nước này biến mất chỉ vì cuộc khủng hoảng của bộ phận máy bay dân dụng của hãng này. Nếu Boeing cần giải cứu, chắc chắn chính phủ liên bang sẽ có giải pháp vì đây là một nhà thầu quân sự quan trọng của Mỹ và có vai trò đáng kể trong lĩnh vực quân sự và vũ trụ của nền kinh tế. Vận chuyển bằng đường hàng không bao gồm sản xuất máy bay là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, chính vì vậy, việc Boeing sụp đổ sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới ngành sản xuất Mỹ và sẽ có những tác động sâu rộng tới nền kinh tế nước này.

Trong lịch sử hơn 100 năm, Boeing và nước Mỹ đã phụ thuộc vào nhau, cùng nhau tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, đưa nước Mỹ vươn lên bằng những máy bay quân sự hàng đầu và cung cấp máy bay cho toàn thế giới, tạo điều kiện tăng trưởng cho ngành hàng không dân dụng và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, nếu không thay đổi, lợi thế của sự độc quyền sẽ không đủ để cứu Boeing khỏi sự suy thoái trong dài hạn. Bản thân Boeing cũng nhận thức rõ điều này, với tuyên bố rằng những thách thức hiện tại là cơ hội để hãng tái cấu trúc và cải thiện hiệu suất hoạt động. Hãng cũng cam kết sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo ra các cơ hội kinh doanh bền vững trong tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.

Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.