Cú sốc thuế đối ứng với nền kinh tế thế giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế thương mại toàn diện đối với các đối tác thương mại của Mỹ, vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia và khu vực, gây lo ngại về nguy cơ leo thang cuộc chiến thương mại toàn cầu nếu các đối tác thương mại của Mỹ quyết định thực hiện các biện pháp đáp trả.

Thuế đối ứng là gì? 

Điều mà thế giới lo lắng những ngày qua đã trở thành hiện thực. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố kế hoạch áp thuế thương mại toàn diện từ 10%, cao nhất tới 50% đối với các đối tác thương mại của Mỹ vào cuối ngày 2/4, ngày mà ông gọi là “Ngày giải phóng” của nước Mỹ. Ông Trump gọi đây là thuế đối ứng, nhằm đáp trả mức thuế quan không công bằng của các nước đối với hàng hóa của Mỹ, gây tổn hại đến xuất khẩu của nước này. Động thái này của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia và khu vực, gây lo ngại về nguy cơ leo thang cuộc chiến thương mại toàn cầu nếu các đối tác thương mại của Mỹ quyết định thực hiện các biện pháp đáp trả.

Phát biểu tại Vườn Hồng bên trong Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald giải thích lý do cho quyết định áp thuế “có đi có lại”, hay còn gọi là thuế đối ứng, với các đối tác thương mại của Mỹ:

Mỹ không thể tiếp tục chính sách đầu hàng kinh tế đơn phương. Chúng ta không thể tiếp tục chi trả được thâm hụt với Canada, Mexico và rất nhiều quốc gia khác. Chúng ta từng làm thế. Nhưng giờ chúng ta không thể làm thế nữa. Chúng ta chăm lo cho các quốc gia trên khắp thế giới. Chúng ta trả tiền cho quân đội của họ. Chúng ta trả tiền cho mọi thứ mà lẽ ra họ phải trả. Đến khi chúng ta cắt giảm thì họ tức giận. Nhưng chúng ta phải chăm lo cho người dân của mình trước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thuế quan “có đi có lại”, hay còn gọi là thuế đối ứng là một chiến lược ăn miếng trả miếng của chính quyền Trump nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và các đối tác, có nghĩa là các nước áp thuế với hàng hóa Mỹ, Mỹ cũng sẽ áp thuế với hàng hóa của các nước đó. Tuy nhiên, theo ông Trump, mức thuế đối ứng này là thuế “hữu nghị”, vì chỉ được tính bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đối tác áp dụng cho hàng xuất khẩu của Mỹ.

Theo đó, ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng ở mức tối thiểu 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ của khoảng 60 quốc gia. Với các quốc gia có mức thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, mức thuế sẽ cao hơn nhiều, lên đến 54%.

Biểu đồ mà ông Trump trình bày tại sự kiện cho thấy, hàng hóa từ Campuchia nhập khẩu vào Mỹ chịu mức thuế cao nhất, lên tới 49%, trong khi hàng hóa Việt Nam phải chịu mức thuế 46%.

Trong khi đó, hàng hoá Trung Quốc phải chịu mức thuế 34%, đáp lại mức thuế 67% mà Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa Mỹ. Cộng dồn cả mức thuế 20% mà Trung Quốc đang chịu, thì mức thuế thực tế mà Trung Quốc phải chịu sắp tới đây sẽ là 54%.

Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế 32% đối với Đài Loan (Trung Quốc), bằng một nửa mức thuế mà Đài Loan đang áp dụng với Mỹ.

Đối với Liên minh châu Âu (EU), ông Trump tuyên bố áp mức thuế 20% để đáp trả việc khối này áp thuế 39% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Mexico và Canada không phải chịu thuế đối ứng do tham gia hiệp định thương mại ba nước với Mỹ, nhưng phải chịu mức thuế 25% trước đó đối với nhôm và thép.

Theo một tuyên bố được đăng trên trang web của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cơ quan này đã sử dụng một công thức để tính toán mức thuế quan cần thiết để cân bằng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại của mình. Công thức này đã tính đến nhiều yếu tố có thể khiến các sản phẩm của Mỹ gặp bất lợi, như các yêu cầu về quy định, đánh giá môi trường, sự khác biệt về thuế suất tiêu dùng và thao túng tiền tệ.

Nhà Trắng cho biết, mức thuế quan cơ sở 10% sẽ được áp dụng từ ngày 5/4. Còn mức thuế quan cao hơn áp dụng với các nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ sẽ áp dụng từ ngày 9/4.

Bên cạnh công bố mức thuế đối ứng, ông Trump cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế quốc gia. Ông Trump giải thích rằng, thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm lớn và dai dẳng đã làm suy yếu các cơ sở sản xuất của Mỹ và các chuỗi cung ứng, làm giảm động lực sản xuất tại Mỹ, khiến các cơ sở công nghiệp của Mỹ phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Ông Trump gọi đây là tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia của Mỹ.

Do đó, ông Trump viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia, bằng cách sử dụng chính sách thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ nước ngoài. Việc áp dụng các quyền lực này có thể khiến cho chiến tranh thương mại trở nên kéo dài và khó đoán, khi chính quyền Mỹ có thể thay đổi các mức thuế một cách linh hoạt cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Trump.

Cú sốc đối với thị trường tài chính

Phản ứng đầu tiên của thị trường đối với tuyên bố của ông Trump là chứng khoán Mỹ và chứng khoán châu Âu lao dốc, trong khi giá dầu giảm. Trong khi đó, giá vàng tăng mạnh do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, do lo ngại về những biến động khó lường do chính sách thuế của ông Trump mang lại.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã rung chuyển trong phiên giao dịch ngoài giờ, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức áp thuế đối ứng nhằm vào các đối tác thương mại. Chỉ số tương lai Dow Jones giảm 256 điểm (-0,61%), S&P 500 giảm 1,69%, trong khi Nasdaq 100 lao dốc 2,54%.

Tính từ cuối tháng 1 khi ông Trump công bố các biện pháp thuế quan mới, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất hàng nghìn tỷ đô la Mỹ.

Trong phiên giao dịch sáng 3/4, chỉ số chứng khoán Nikkei tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm xuống mức thấp nhất trong tám tháng qua.

Còn tại Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tuần, mở cửa ở mức 7,3 NDT/USD và thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh. Cụ thể, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,5%, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,05%.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm 2 USD sau khi ông Trump công bố thuế quan mới. Trong khi đó, thị trường vàng bùng nổ do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Hợp đồng tương lai vàng tại New York lần đầu tiên vượt mốc 3.200 USD/ounce, thiết lập mức cao kỷ lục.

Sự biến động mạnh trên thị trường tài chính phản ánh tâm lý lo ngại về tác động của chính sách thuế quan mới, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại leo thang.

Phản ứng của các quốc gia và khu vực

Bên cạnh thuế đối ứng, ông Trump cũng cho biết, thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 3/4. Cùng với những loại thuế mà vị Tổng thống này đã áp dụng trong hơn hai tháng qua, chính sách thuế cộng dồn của Mỹ đã khiến thị trường thế giới chao đảo. Hàng loạt các quốc gia và khu vực đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch áp thuế mới của Mỹ, đồng thời đưa ra cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết quyết định của Trump không chỉ là một "đòn giáng mạnh" đối với nền kinh tế của EU, mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung, khiến các đối tác thương mại quốc tế của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề.

Bà Leyen cho biết Liên minh châu Âu sẽ sàng đàm phán với Mỹ, nhưng cũng sẽ có các biện pháp đối phó nếu Mỹ tiếp tục các chính sách thuế quan này.

Chúng tôi luôn sẵn sàng đàm phán với Mỹ để xóa bỏ các rào cản còn lại đối với thương mại xuyên Đại Tây Dương. Đồng thời, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó. Chúng tôi đã hoàn thiện gói biện pháp đối phó đầu tiên để ứng phó với thuế quan đối với thép và hiện đang chuẩn bị cho các biện pháp đối phó tiếp theo để bảo vệ lợi ích và doanh nghiệp của chúng tôi, nếu đàm phán thất bại.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Trước đó, Liên minh châu Âu đã công bố một loạt các biện pháp trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ trị giá khoảng 26 tỷ euro (tương đương 28 tỷ USD), sau khi chính quyền của Tổng thống Trump áp thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ EU, gói biện pháp này dự kiến sẽ áp dụng vào giữa tháng 4.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 3/4 đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ chính sách thuế quan đối ứng mà Mỹ vừa công bố, cho rằng chính sách này vi phạm quy định thương mại quốc tế. Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, việc áp thuế quan của Mỹ không những không giải quyết được vấn đề thực tế, mà còn làm xói mòn những thành quả đạt được qua các cuộc đàm phán thương mại đa phương kéo dài nhiều năm qua, gây hậu quả cho cả hai bên. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp đối phó mạnh mẽ nếu cần thiết để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân Trung Quốc.

Thủ tướng Canada, ông Mark Carney cho biết, mặc dù một số yếu tố trong mối quan hệ thương mại giữa Canada và Mỹ vẫn được duy trì, nhưng các mức thuế áp dụng đối với fentanyl, thép và nhôm vẫn tiếp tục có hiệu lực, vì vậy Canada sẽ thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Thủ tướng Australia, ông Anthony Albanese cũng lên tiếng chỉ trích quyết định áp thuế của ông Trump là vi phạm nguyên tắc hợp tác của hai quốc gia, đặc biệt sau khi ông Trump công bố mức thuế quan 29% đối với Đảo Norfolk, một vùng lãnh thổ nhỏ của Australia cách bờ biển phía Đông của đất liền 966 km.

Quyết định áp thuế của chính quyền Trump không có cơ sở hợp lý và đi ngược lại các nguyên tắc hợp tác trong mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia. Chúng tôi lo ngại rằng việc áp thuế sẽ làm gia tăng sự bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu và tác động tiêu cực đến chi phí sinh hoạt của người dân Mỹ.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết Nhật Bản "cực kỳ thất vọng" sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế quan toàn diện. Ông Ishiba cho biết sẽ không ngần ngại nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Trump vào thời điểm thích hợp nhất và theo cách thích hợp nhất về vấn đề này.

Lợi bất cập hại?

Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo rằng, các biện pháp thuế quan của ông Trump sẽ khó đem lại những lợi ích như ông Trump mong muốn, mà sẽ phản tác dụng. Biện pháp này không chỉ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu mà còn gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ, đẩy lạm phát lên cao và trở thành ngòi nổ cho một đợt suy thoái kinh tế mới tại Mỹ.

Các chuyên gia lo ngại, hành động áp thuế của ông Trump có thể dẫn đến một chuỗi các biện pháp trả đũa, mở ra khả năng một cuộc đối đầu "ăn miếng, trả miếng" kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu.

Chúng ta nên lo ngại. Lần cuối cùng xảy ra chiến tranh thương mại ở quy mô này là vào những năm 1930, đó là Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley đã dẫn đến suy thoái toàn cầu trên toàn thế giới. Và nếu cuộc chiến thương mại này leo thang, chúng ta có thể thấy nền kinh tế toàn cầu chậm lại ở quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2014 và có thể sâu sắc hơn, đây là mối đe dọa lớn nhất sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Ông Vladimir Tyazhelnikov - Giảng viên cấp cao của Khoa Kinh tế Đại học Sydney.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc tăng thuế quan đáp trả nhau có thể đẩy các quốc gia vào tình trạng lạm phát gia tăng, làm giảm sức mua và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.

Riêng đối với Mỹ, ông Trump lập luận rằng thuế quan sẽ bảo vệ và tạo ra việc làm trong nước, nhưng các nhà kinh tế tin rằng, những chính sách này có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và đẩy lạm phát lên cao vì nhà nhập khẩu chuyển chi phí này sang người tiêu dùng.

Bà Katherine Schmeiser Lande - Giáo sư kinh tế tại Cao đẳng Mount Holyoke cho hay: "Về ý tưởng rằng điều này chỉ giúp tăng thêm rất nhiều tiền, không rõ điều đó sẽ diễn ra như thế nào mà không phải trả giá bằng việc người tiêu dùng Mỹ và một số nhà sản xuất sẽ là đối tượng phải hứng chịu. Giá cả sẽ tăng lên đối với tất cả mọi người. Có thể sẽ có tình trạng mất việc làm".

Những lo ngại về tác động mà mức thuế mới gây ra đang bao trùm nền kinh tế Mỹ. Dữ liệu công bố vào cuối tháng 3 cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021. Goldman Sachs gần đây đã nâng dự báo về khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong 12 tháng tới từ mức 20% trước đó lên 35%.

Đối với ông Trump, thuế không chỉ là công cụ tài chính mà còn là vũ khí kinh tế - chính trị để đưa các đối tác thương mại vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, những hiệu quả mà biện pháp thuế quan mà ông Trump đưa ra vẫn chưa được kiểm chứng. Chỉ thấy rằng trước mắt, những biện pháp này đang làm dấy lên mối lo ngại về sự leo thang cuộc chiến thương mại toàn cầu, trong đó, người chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Mỹ và ở các quốc gia mà ông Trump nhắm tới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.

Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.

Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.

Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.

Viên kim cương nặng 2,33 carat, có màu đỏ thẫm là một trong những loại đá quý hiếm nhất trên Trái đất, đã được bổ sung vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ.

Những kiệt tác hội họa mang tính biểu tượng như "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci và “Tiếng thét” của Edvard Munch đã được chuyển đổi thành âm thanh, giúp người khiếm thị có cơ hội cảm nhận và đắm chìm trong nghệ thuật.