Cơ hội chấm dứt xung đột Nga - Ukraine đang đến?
Bước tiến trong quan hệ Nga - Mỹ
Cuộc đàm phán tại Ả rập Xê út đánh dấu một bước tiến tích cực của chính quyền hiện tại của Mỹ trong việc cải thiện quan hệ vốn nguội lạnh với Nga, đồng thời mở đường cho cuộc gặp rất được mong chờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đây là cuộc gặp quan trọng nhất giữa hai bên kể từ xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022 và cũng là động thái tiếp theo rất đáng chú ý sau cuộc điện đàm kéo dài một tiếng rưỡi được cho là hiệu quả và hứa hẹn giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga.
Cả Nga và Mỹ đều đã cử các nhà ngoại giao và quan chức ngoại giao hàng đầu của mình đến Ả rập Xê út.
Phái đoàn Nga gồm có Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov, Trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov cùng ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga.
Thành phần phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff. Không có nhà ngoại giao Ukraine hay Liên minh châu Âu (EU) nào tham gia cuộc họp.
Chúng tôi đến để đàm phán với các đối tác Mỹ. Đây là các cuộc đàm phán song phương. Không thể có các cuộc đàm phán ba bên ở Riyadh.
Ông Yuri Ushakov - Cố vấn Chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga.
Theo ông Lavrov, Nga tham gia các cuộc đàm phán chủ yếu để "lắng nghe" quan điểm của Mỹ về cuộc xung đột Ukraine và nối lại đối thoại song phương, vốn đã bị đóng băng trong ba năm qua.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các cuộc thảo luận "tập trung vào việc khôi phục toàn diện quan hệ Nga - Mỹ", bên cạnh việc thảo luận về "khả năng đàm phán giải quyết xung đột Ukraine và tổ chức cuộc gặp giữa hai tổng thống".
Moscow khẳng định rằng không tìm kiếm một lệnh ngừng bắn tạm thời, mà là một giải pháp toàn diện và lâu dài cho xung đột Ukraine, giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng.
Các quan chức Nga nhấn mạnh rằng, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm cam kết của Ukraine về trung lập, phi quân sự hóa, phi phát xít hóa và công nhận thực tế lãnh thổ hiện tại. Ông Lavrov cũng bác bỏ khả năng Nga nhượng bộ lãnh thổ cho Ukraine.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Marco Rubio, người đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào ngày 15/2, nói rằng cuộc gặp nhằm khôi phục liên lạc với Nga.
Cả Washington và Moscow đều nhấn mạnh đây mới chỉ là bước khởi đầu của một quá trình đàm phán có thể kéo dài. Theo ông Lavrov, đoàn đàm phán của Nga và Mỹ sẽ truyền đạt kết quả trao đổi tại Riyadh tới nguyên thủ hai nước, sau đó Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ sẽ quyết định các bước tiếp theo.
Đối với quan hệ Mỹ - Nga, cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào việc chính quyền hai nước không bị ràng buộc bởi những mâu thuẫn, bất đồng trong quá khứ hay tình hình hiện tại, mà tập trung vào việc định hướng cho tương lai và chấp nhận thay đổi.
Các cuộc thảo luận hôm nay với phái đoàn Mỹ rất quan trọng và chúng tôi luôn nói rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ rất quan trọng đối với toàn thế giới. Chỉ khi cùng nhau, Nga và Mỹ mới có thể giải quyết nhiều vấn đề của thế giới, giải quyết các xung đột toàn cầu và đưa ra các giải pháp.
Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga.
Chỉ khi Mỹ - Nga thu hẹp bất đồng, nối lại hợp tác, thì thế giới mới mong có được một nền hòa bình, ổn định chiến lược và phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc cánh cửa đối thoại được mở ra mang lại kỳ vọng về những thay đổi tích cực và thực chất trong quan hệ Mỹ - Nga.
Trong khi đó, phát biểu trước các phóng viên hôm 17/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, Kiev sẽ không công nhận bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được giữa Nga và Mỹ trong các cuộc đàm phán tại Ả rập Xê út. Ông cho biết, Chính phủ Ukraine sẽ chỉ thừa nhận các cuộc đàm phán có đại diện nước này tham gia. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, Ukraine có ít cơ hội chiến thắng nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.
Phản ứng của châu Âu
Việc Liên minh châu Âu vắng mặt tại cuộc đàm phán ở Ả rập Xê út cùng những thay đổi trong chính sách của Mỹ với khu vực này đã làm dấy lên lo ngại rằng lập trường của EU về cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ bị phớt lờ.
Tuy nhiên, đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg đã tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo EU khi tuyên bố rằng, điều này không có nghĩa là “lợi ích của họ không được xem xét”. Ông cũng khẳng định rằng, Mỹ không loại Ukraine ra khỏi đối thoại. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một hội nghị khẩn cấp tại Paris vào ngày 17/2, tập trung vào Ukraine và những thách thức an ninh tại châu Âu.
Tham gia cuộc họp, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khẳng định sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho đảm bảo an ninh châu lục, đồng thời đảm bảo an ninh cho Ukraine. Trên mạng xã hội X, ông Mark Rutte nói rõ các cam kết đã rõ ràng nhưng chi tiết cần được thảo luận thêm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đưa ra thông báo tương tự khi cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí tăng cường quốc phòng và sẽ cung cấp toàn bộ hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Các nước châu Âu đã thống nhất quan điểm việc đạt lệnh ngừng bắn tại Ukraine mà không kèm thỏa thuận hòa bình có thể tiềm ẩn rủi ro. Vì thế, châu Âu sẽ cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine tùy theo mức độ hỗ trợ của Mỹ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định rằng, họ phải có tiếng nói trong các cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine, bất chấp việc cả Washington và Moscow đưa ra thông điệp rằng vẫn chưa có vai trò nào cho họ trong các cuộc đàm phán có thể định hình tương lai của lục địa này.
Tuy nhiên, ba giờ hội đàm khẩn cấp tại Paris không đủ để khiến các nhà lãnh đạo Đức, Vương quốc Anh, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch cùng quan chức NATO và EU có chung quan điểm về khả năng triển khai quân gìn giữ hòa bình ở Ukraine như đề xuất của một số nước, gồm Vương quốc Anh.
Phát biểu với các phóng viên sau hội nghị, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, nước này sẵn sàng gửi quân tới Ukraine, song nhấn mạnh chỉ khi có sự đảm bảo an ninh của Mỹ.
Châu Âu phải đóng vai trò của mình và tôi sẵn sàng cân nhắc việc triển khai lực lượng Anh trên bộ cùng với các lực lượng khác, nếu có một thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay sau cuộc họp khẩn tại Paris. Theo ông Macron, châu Âu sẽ cùng nhau làm việc về vấn đề Ukraine với tất cả các bên, đồng thời sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng họ để đảm bảo chủ quyền, an ninh và khả năng cạnh tranh của châu Âu.
Tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth trong bài phát biểu đã công kích trực diện, đặt câu hỏi về các cam kết an ninh của châu Âu và các nguyên tắc dân chủ cơ bản của châu Âu. Bài phát biểu của ông Vance tại Hội nghị An ninh Munich khiến các nhà lãnh đạo châu Âu thực sự sốc và hoang mang.
Ả rập Xê út khẳng định vị thế trên chính trường quốc tế
Các chuyên gia cho rằng cuộc đàm phán Nga - Mỹ được tổ chức tại Ả rập Xê út là dấu hiệu cho thấy, quốc gia Ả rập này đang tìm cách khẳng định vai trò như một trung gian hoà giải toàn cầu. Với vị thế trung gian đáng tin cậy, mối quan hệ chiến lược với cả Mỹ và Nga, cùng khả năng tổ chức các cuộc đàm phán an toàn, Ả rập Xê út đang nổi lên như một lựa chọn hoàn hảo cho cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Liên bang Nga Vladimir Putin.
Ả rập Xê út đang xây dựng hình ảnh là một quốc gia gìn giữ hoà bình trên toàn cầu. Không chỉ là quốc gia có ảnh hưởng lớn trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Ả rập Xê út còn có vai trò quan trọng ở địa bàn chiến lược Trung Đông và thế giới Ả rập.
Các sự kiện ngoại giao lớn được tổ chức tại đây sẽ giúp nâng cao vị thế của Ả rập Xê út, tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt thế giới Ả rập; củng cố hình ảnh “nhà môi giới hòa bình”; đưa đất nước từ một quốc gia tầm trung vươn lên đóng vai trò địa chính trị đối với toàn cầu.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhờ mối quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Mỹ cùng khả năng đảm bảo tính bảo mật của các cuộc đàm phán, Ả rập Xê út đang trở thành một điểm đến thuận lợi cho các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo thế giới.
Mubarak Al-Aati, nhà khoa học chính trị người Ả rập Xê út cho rằng, quốc gia này có quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ và lợi ích ngày càng tăng với Nga và Mỹ, cũng như được các cường quốc toàn cầu tin tưởng. Ngoài ra, Ả rập Xê út có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các cuộc xung đột lịch sử.
Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn đến thăm Ả rập Xê út trước tiên sau khi nhậm chức vào năm 2017. Điều này đã phá vỡ truyền thống của các Tổng thống Mỹ là ưu tiên các đồng minh chủ chốt ở châu Âu. Mặt khác nó cũng cho thấy ý định của ông Trump trong việc thiếp lập lại quan hệ Mỹ - Ả rập Xê út sau những căng thẳng thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Đến nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Thái tử Ả rập Xê út Mohammed Bin Salman vào ngày 22/1, chỉ hai ngày sau khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Ả rập Xê út muốn đặt một dấu ấn lớn về ngoại giao. Riyadh đang tìm cách hồi sinh mối quan hệ mà Thái tử Muhammad bin Salman đã xây dựng với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Cả Riyadh và Washington đều muốn mở rộng quan hệ dưới thời chính quyền Mỹ hiện tại.
Giáo sư Amin Tarzi - Đại học Nam California.
Mỹ và Ả rập Xê út có mối quan hệ lớn về kinh tế. Trong nhiều năm qua, Ả rập Xê út là khách hàng mua vũ khí lớn của Mỹ. Trong cuộc điện đàm ngày 22/1, Thái tử Ả rập Xê út được cho là đã cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ trong vòng bốn năm.
Ả rập Xê út sẽ đóng vai trò quan trọng đối với một mục tiêu chính sách đối ngoại khác của ông Trump trong việc chấm dứt xung đột ở Gaza. Chính quyền Mỹ đương nhiệm đang cố gắng thuyết phục Ả rập Xê út và Israel hướng tới một thỏa thuận nhằm bình thường hóa ngoại giao. Điều này được cho là có thể định hình lại địa chính trị của Trung Đông và đảm bảo ảnh hưởng vững chắc cho Mỹ tại khu vực này.
Ả rập Xê út cũng có thể tham gia vào kế hoạch tái thiết Gaza của ông Trump cũng như tiếp nhận khoảng hai triệu người tị nạn từ khu vực này. Trước đó, các quốc gia Ả rập đã lên tiếng phản đối đề xuất di dời dời hàng loạt người Palestine ra khỏi Gaza và để họ tị nạn ở các quốc gia láng giềng.
Cũng có ý kiến cho rằng, Ả rập Xê út đã duy trì sự trung lập trong một thời gian dài và không can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Quốc gia vùng Vịnh này không chỉ trích Nga, cũng không tham gia cùng phương Tây trong các hoạt động áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga và không tham gia cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine.
Hoàng Thái tử, Thủ tướng Ả rập Xê út Mohammed bin Salman là một trong số ít nhà lãnh đạo quyền lực trên thế giới duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vào năm 2022.
Vào tháng 10/2024, Tổng thống Putin cũng đã nhắc đến Ả rập Xê út, coi đây là lựa chọn hợp lý để tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Nga coi Ả rập Xê út là quốc gia thân thiện, khen ngợi giới lãnh đạo vương quốc này đã có nỗ lực chân thành để mang lại hòa bình.
Ngày 12/2 vừa qua, Thái tử Ả rập Xê út Mohammed Bin Salman và Giám đốc quỹ tài sản quốc gia Nga Kirill Dmitriev đã tham gia đàm phán về việc Nga trả tự do cho giáo viên người Mỹ Marc Fogel.
Ông Mohammed Bin Salman cũng đóng một vai trò trung gian quan trọng cho cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Mỹ và Nga kể từ Chiến tranh Lạnh vào tháng 8/2024.
Bên cạnh đó, Mỹ, Nga và Ả rập Xê út là ba bên tham gia lớn nhất trên thị trường dầu mỏ. Cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Nga Putin tại Riyadh có thể bao gồm không chỉ các vấn đề chính trị mà còn các cuộc thảo luận về các vấn đề năng lượng, trong đó Ả rập Xê út đóng vai trò chủ chốt.
Cuộc đàm phán ở Ả rập Xê út là bước quan trọng tiếp theo trong việc cải thiện quan hệ Nga - Mỹ, đồng thời là dấu hiệu cho thấy tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine có thể được đẩy nhanh.
Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy việc thiết lập lệnh ngừng bắn vào ngày 20/4. Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine, Keith Kellogg, tuyên bố một kế hoạch hòa bình của Mỹ có thể được công bố trong tương lai gần. Dù còn nhiều rào cản ở phía trước, nhưng những tín hiệu tích cực mới đây đã thắp lên hy vọng chấm dứt xung đột.


Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.
Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.
Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.
Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.
Viên kim cương nặng 2,33 carat, có màu đỏ thẫm là một trong những loại đá quý hiếm nhất trên Trái đất, đã được bổ sung vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ.
Những kiệt tác hội họa mang tính biểu tượng như "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci và “Tiếng thét” của Edvard Munch đã được chuyển đổi thành âm thanh, giúp người khiếm thị có cơ hội cảm nhận và đắm chìm trong nghệ thuật.
0