Chuyện kể dưới cổng làng
Cổng làng vốn là một công trình kiến trúc cổ, mang trên mình giá trị văn hóa, lịch sử vừa thực, vừa tâm linh. Làng không cổng chẳng khác gì nhà không cửa.
Dù làng to hay nhỏ thì đều phải có cổng.
Trong một thống kê, tính đến cuối năm 2013, không kể Hà Tây, Hà Nội (cũ) chỉ còn 98 cổng làng. Trong đó, Thụy Khuê là phố có nhiều cổng làng nhất.
Dọc phố Thuỵ Khuê từ chợ Bưởi đi vào, cứ đi vài chục mét, xen giữa những căn nhà hiện đại lại có một chiếc cổng làng rêu phong. Người dân ở đây chẳng ai biết chính xác những chiếc cổng này có từ khi nào.
Ông Nguyễn Văn Dung sinh ra và lớn lên ở phường Bưởi. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn nhớ rất rõ về những chiếc cổng làng khi ông còn nhỏ và những câu chuyện thời các cụ kể về ngôi làng này.
"Nhà tôi ở đây rất nhiều đời. Cổng làng làng Hồ của chúng tôi đẹp lạ. Trong cả phường Bưởi này có năm làng có cổng, nhưng riêng cổng làng Hồ là đẹp nhất" - ông Dung nói.
Sinh sống ở con ngõ 378 Thụy Khuê nhiều năm nay, những người dân làng Hồ Khẩu có nếp sinh hoạt hàng ngày gắn với nhịp sống quanh cổng làng. Với người dân Hồ Khẩu, cổng làng là nơi in dấu biết bao kỉ niệm của họ. Chiếc cổng làng chính là điểm xuất phát và cũng là nơi tìm về của tâm hồn mỗi người con làng Hồ Khẩu.
Tách biệt so với cuộc sống ồn ào ngoài kia, nhịp sống của người dân sau cổng làng Hồ Khẩu trên con phố Thụy Khuê suốt bao năm qua vẫn vậy, không quá ồn ào, không quá bon chen. Đâu đó vẫn là những nếp sinh hoạt xưa cũ của những người dân ở ngôi "làng trong phố" theo một cách riêng.
Ước Lễ, tên nôm là làng Chảy (thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai), là một trong những ngôi làng cổ của xứ Đoài, nằm ở phía Tây Nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 30km.
Trải qua năm thế kỷ, đến nay, cổng làng Ước Lễ vẫn giữ được lối kiến trúc cổ của làng xưa. Không những là nơi chắn giữ, canh phòng về mặt an ninh, cổng làng Ước Lễ còn thể hiện giá trị tinh thần và lẽ sống của người dân nơi đây thông qua các dòng câu đối chữ Hán.
Ước Lễ là ngôi làng duy nhất trong bốn thôn, làng ở Tân Ước có nghề làm giò chả nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.
Từ cổng làng Ước Lễ, bao thế hệ người dân làng nghề đã bôn ba khắp nơi, đem nghề làm giò chả đến mọi miền của đất nước. Nhưng dù đi đâu, họ vẫn nhớ về ngôi làng nơi họ đã sinh ra, lớn lên.
"Cổng làng
Nơi người già thường ngồi kể về quá khứ
Khách vãng lai dừng chân trú nắng trưa nồng
Nơi lũ trẻ trèo leo và chim về làm tổ
Lá rơi nhiều khi gió chớm vào đông..."
Cổng làng đã một thời làm nơi đầu làng chờ cha, cuối làng đón mẹ của biết bao tuổi thơ. Giờ đây, hàng ngày chiếc cổng làng rêu phong, trầm mạc, thân thương ấy vẫn dõi theo vòng quay sinh - trưởng - tụ - về của biết bao con người. Dù đã trải qua biến thiên thời cuộc, mảnh hồn quê ấy vẫn gây thương nhớ, là niềm tự hào của nhiều người.
Mỗi cổng làng đều có nét đặc sắc, riêng biệt tùy theo đặc điểm và biểu trưng cho sự uy nghi nền nếp của mỗi ngôi làng.
Thời gian qua đi, dù nhiều cổng làng được xây lại hoặc mở rộng, không giữ nguyên lối kiến trúc truyền thống, song dân làng vẫn trân trọng và khắc lên đó mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với cuộc sống của người dân trong làng.
Cổng làng Trinh Lương (phường Phú Lương, Hà Đông) nổi tiếng với bốn chữ "Trong ấm, ngoài êm" trên bức đại tự.
Ông Phạm Quang Xiểm là người dân thôn Trinh Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông. Ông luôn tự hào về nơi mình đã gắn bó cả cuộc đời và đặc biệt là chiếc cổng của làng. Trân trọng những giá trị văn hóa cốt lõi của cha ông, ông Xiểm đã cùng bà con gìn giữ để "bốn chữ vàng" vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Nếu ai muốn tìm đường về đây, chỉ cần hỏi làng "trong ấm, ngoài êm" là sẽ đến được nơi cần đến. Thông điệp trong ấm ngoài êm nhiều năm nay đã giúp cho người dân làng Trinh Lương giữ được nền nếp trong mỗi mái nhà.
Dù ngày nay cổng làng không còn chức năng bảo vệ như thành lũy xưa, nhưng trong tâm trí của mỗi người Hà Nội, khi nhìn thấy cổng làng hẳn đều có cảm giác bình yên. Bởi, mỗi người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung đều có một quê hương ngự trị trong tâm hồn.
Chỉ cần bước qua ranh giới cổng làng là cảm nhận được sự khác biệt giữa đi và ở, giữa quê và phố, giữa xô bồ và an nhiên...
"Xuống phố 4" - triển lãm tiếp theo trong seri "Xuống phố" đã chính thức khai mạc, đánh dấu sự trở lại của họa sĩ Phạm Bình Chương.
Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.
Thủ đô ngàn năm văn hiến luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của người dân Việt Nam, nhất là người dân Hà Nội. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện khác nhau. Có những người họa sĩ đã dành cả đời mình để lan tỏa tình yêu Hà Nội.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
Với tâm huyết gìn giữ giá trị truyền thống, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã góp phần hồi sinh nghệ thuật thêu trang phục cung đình tưởng chừng đã mai một.
Giữa cuộc sống hiện đại, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, miệt mài gìn giữ nghệ thuật hát xẩm và đưa xẩm Hà Thành tới gần hơn với người Hà Nội.
0