Chính trị Mỹ bị ảnh hưởng như nào trong cuộc xung đột Gaza?

Cuộc xung đột Israel – Hamas đã chứng minh vai trò của nước Mỹ đối với sự tồn tại của Israel nhưng cũng gây căng thẳng nghiêm trọng cho mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Cuộc chiến này cũng đã phơi bày và khoét sâu thêm một số chia rẽ chính trị sâu sắc nhất của nước Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống gay cấn sắp diễn ra vào tháng 11 tới.

Thách thức lớn đối với chính sách đối ngoại của Mỹ

Sau khi xung đột Isarel – Hamas nổ ra vào ngày 7/10 năm ngoái , Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết Mỹ - với tư cách là đồng minh thân cận với Israel - sẽ luôn sát cánh ủng hộ nước này tự vệ trước Hamas. Vào thời điểm đó, không ai biết được hậu quả chính trị trong nước và quốc tế của lời hứa từ ông Biden.

Cách tiếp cận vấn đề Gaza của Tổng thống Joe Biden ban đầu bắt nguồn từ tư duy truyền thống của người Mỹ về Israel, thường có vẻ như là một sự lựa chọn an toàn: Israel có quyền tự vệ, họ có thể dựa vào viện trợ vũ khí và tiền của Mỹ để đảm bảo quân đội Israel giành chiến thắng, và nền kinh tế của Israel sẽ được bảo vệ khỏi hậu quả thảm khốc có thể xảy ra.

“Trong khoảnh khắc bi kịch này, tôi muốn nói với họ, với thế giới và với những kẻ khủng bố ở khắp mọi nơi rằng Mỹ ủng hộ Israel. Chúng tôi sẽ luôn ủng hộ họ."

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo báo cáo dự án chi phí chiến tranh của Đại học Brown, Mỹ được công bố một năm sau khi xung đột nổ ra, Mỹ đã chi ít nhất 17,9 tỷ USD viện trợ quân sự cho Tel Aviv kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Đây là khoản viện trợ quân sự lớn nhất được gửi đến Israel trong một năm. Ngoài ra, Mỹ còn chi thêm 4,86 tỷ USD cho các hoạt động quân sự tăng cường của nước này trong khu vực kể từ sau các cuộc tấn công ngày 7/10/2023 do Hamas tiến hành nhắm vào Israel.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp mặt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) tại Israel hôm 18/10/2023. Ảnh: Reuters.

Mỹ và các đồng minh đã hai lần tham gia các hoạt động chưa từng có để bảo vệ Israel khỏi một loạt tên lửa và máy bay không người lái từ Iran. Mỹ cũng đã nhiều lần không kích lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, sau khi nhóm này tấn công vào các tàu thuyền của Mỹ trên Biển Đỏ sau sự kiện ngày 7 tháng 10.

Mặc dù Tổng thống Biden là người ủng hộ trung thành của Israel trong nhiều thập kỷ nhưng điều này không ngăn cản được sự nghi ngờ và bất đồng ngày càng tăng với Chính phủ Israel. Trong bối cảnh lo ngại toàn cầu về một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông, Mỹ đã lên tiếng về những hành động leo thang của Israel và có những nỗ lực ngoại giao nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.

Nhiều tháng ngoại giao con thoi của Mỹ với sự tham gia của Ngoại trưởng Antony Blinken, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ CIA William Burns và các quan chức cấp cao khác chỉ mang lại tiến triển hạn chế trong việc giải cứu con tin ở Gaza. Dường như Mỹ kỳ vọng vào thỏa thuận ngừng bắn nhiều hơn so với Thủ tướng Netanyahu hoặc thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Tuy nhiên, theo tờ The Conversation, có vẻ như ngày càng có nhiều khả năng Tổng thống Joe Biden sẽ không giành được chiến thắng chính trị nào ở Trung Đông trước cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong họp báo với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 12/10/2023. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần “phớt lờ” lời kêu gọi của ông Biden về việc tiến tới thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Ông Netanyahu cũng phản đối việc ông Biden muốn giảm thiểu chi phí dân sự của cuộc chiến ở Gaza. Kết quả là, vị thế của chính quyền Tổng thống Biden trên trường quốc tế đã bị xói mòn đáng kể và các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ đã bị đe dọa. Hàng loạt diễn biến phản ánh rạn nứt ngày càng lớn giữa Mỹ và Israel. Washington có vẻ đang mất dần ảnh hưởng với Tel Aviv trong nỗ lực kìm chế đồng minh "bất kham" này.

Việc mở rộng chiến dịch của Israel vào Dải Gaza đã phá vỡ hy vọng của Mỹ về một giải pháp hai Nhà nước. Và nó đã trở thành cuộc khủng hoảng đối ngoại lớn nhất của chính quyền Tổng thống Biden vào thời điểm hệ thống toàn cầu do Mỹ dẫn đầu đang tan vỡ trước những thách thức mới.

Một trường học ở Dải Gaza bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel.

Uy tín cá nhân của ông Biden cũng bị tổn hại bởi thái độ bất chấp của ông Netanyahu, người không ngần ngại can thiệp vào chính trường trong nước của Mỹ trong bối cảnh Đảng Cộng hòa nghiêng về cựu Tổng thống Donald Trump.

Sau các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, có vẻ như ông Netanyahu liên tục gặp rắc rối về mặt chính trị, uy tín của ông ở trong nước cũng như ở quốc tế bị suy giảm. Tuy nhiên, việc ông Netanyhu bất chấp duy trì cuộc chiến ở Gaza, đồng thời mở rộng sang các mặt trận khác, có nghĩa là giờ đây gần như chắc chắn ông sẽ tồn tại lâu hơn Tổng thống Biden, người sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 1 năm 2025. Cuộc chiến ngày càng mở rộng tại Trung Đông mà Tổng thống Biden sẽ để lại cho tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo là sự hoen ố trong di sản của một chính khách tự coi mình là chuyên gia về chính sách đối ngoại như ông Biden.

Dư chấn chính trị sâu sắc tại Mỹ

Xung đột Israel – Hamas một năm qua ở Gaza trùng hợp với thời gian diễn ra cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ. Các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường đại học tại Mỹ đã bộc lộ sự chia rẽ trong Đảng Dân chủ, trong bối cảnh đảng này chứng kiến sự biến động chính trị chưa từng có khi Tổng thống Biden từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng và ủng hộ bà Kamala Harris ra tranh cử tổng thống, chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử. Trong cuộc đua mới giữa bà Kamala Harris - đại diện Đảng Dân chủ và ông Donald Trump - đại diện Đảng Cộng hòa, các sự kiện ở Trung Đông tiếp tục gây ra những dư chấn có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử.

Bà Kamala Harris và ông Donald Trump - hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Ảnh: The Boston Globe.

Trước đây, Washington đã nhiều lần tham gia vào việc làm trung gian cho hòa bình Trung Đông. Nhưng lần này, xung đột Israel - Hamas đã trở thành vấn đề chính trị nghiêm trọng tại Mỹ. Cuộc xung đột này đã phơi bày và làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội Mỹ.

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ mặc dù cố gắng ngăn chặn các hành động thù địch leo thang của Israel tại khu vực, nhưng mặt khác lại vẫn tiếp tục tài trợ Israel về mặt quân sự và ủng hộ hành động tự vệ của nước này đã gây ra phản ứng dữ dội của cánh tả chống lại Israel, tạo ra áp lực chính trị nguy hiểm cho Tổng thống Biden và sau đó là bà Harris.

Sự tức giận của những người theo chủ nghĩa tiến bộ đối với Israel và việc chính quyền Tổng thống Biden không kiềm chế được ông Netanyahu đã làm chia rẽ liên minh Dân chủ.

Hàng nghìn cử tri người Mỹ gốc Ả Rập và những người khác đã từ chối ủng hộ Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ. Viễn cảnh họ không tham gia cuộc bầu cử vào tháng tới hoặc bỏ phiếu cho một đảng thứ ba, ngoài Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, đặc biệt là ở một tiểu bang dao động quan trọng như Michigan, có thể hủy hoại hy vọng vào Nhà Trắng của bà Kamala Harris. Từ khi vẫn còn tranh cử tổng thống, Tổng thống Biden đã nhiều lần bị các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine làm gián đoạn và phải đối mặt với sự phản đối vì ông đã không hành động nhiều hơn để cứu thường dân Palestine.

Người biểu tình phản đối Tổng thống Joe Biden vì chiến sự Gaza tập trung bên ngoài Nhà Trắng ngày 8/6.

Theo điều tra của The Conversation, 57% người Mỹ gốc Ả Rập được thăm dò cho biết cuộc chiến ở Gaza sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu của họ. Người Mỹ gốc Ả Rập tạo thành một khối bỏ phiếu quan trọng ở các tiểu bang dao động, chẳng hạn như Pennsylvania (với 126.000 người Mỹ gốc Ả Rập) và Michigan (với 392.000 người Mỹ gốc Ả Rập).

Tỷ lệ người Mỹ gốc Ả Rập ủng hộ Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 là 64% trên toàn quốc và gần 70% tại tiểu bang quan trọng Michigan. Tuy nhiên, đến nay, nhiều cử tri người Mỹ gốc Ả Rập không tin rằng bà Harris có thể tạo ra sự khác biệt so với ông Biden. Trong một cuộc thăm dò tiến hành tại Michigan vào tháng 8, chỉ có 12% cử tri người Mỹ gốc Ả Rập tại tiểu bang này ủng hộ bà Harris.

Bà Harris cho biết “sẽ không dừng lại việc gây áp lực lên Israel và khu vực, bao gồm cả các nhà lãnh đạo Ả Rập”.

Liên minh ngầm của ông Trump và ông Netanyahu

Thủ tướng Israel Netanyahu từ lâu đã có mối quan hệ thân thiết với chính trường Mỹ. Trong thời gian qua, ông Netanyhu đã có nhiều chuyến đi đến Mỹ và có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, nhằm thúc đẩy quan hệ Israel và Mỹ. Quan trọng hơn hết là trong bối cảnh Tổng thống Biden không đưa ra được chính sách đối ngoại nào hiệu quả đối với cuộc chiến của Israel ở Gaza, thì ông Netanyahu lại tìm thấy những lợi ích tiềm năng từ ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Hôm 7/10, trong cuộc gặp với các nghị sĩ Mỹ do Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh trong Đảng Cộng hòa của ông Trump, dẫn đầu tại Jerusalem, ông Netanyhu cảm ơn sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel.

“Chúng tôi đang chiến đấu như những chú sư tử với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và người dân Mỹ, cùng với những đại diện rất tốt ở đây. Tôi muốn cảm ơn cả hai vì sự ủng hộ tuyệt vời của các bạn dành cho Israel trong suốt cuộc chiến."

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Còn ông Trump thường sử dụng cuộc chiến ở Gaza để công kích Đảng Dân chủ, cho rằng Thế chiến thứ III đang có nguy cơ xảy ra dưới tác động của Đảng Dân chủ.

Nhiều báo cáo cho rằng Thủ tướng Netanyahu đã cố tình trì hoãn các cuộc đàm phán ngừng bắn và sử dụng chiến thuật trì hoãn trong suốt mùa hè. Dường như ông Netanyahu đang trông chờ vào sự trở lại của cựu Tổng thống Trump.

Cựu tổng thống phần lớn đã chấp nhận các chính sách của nhà lãnh đạo Israel trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tờ The Conversation cho biết, ông Netanyahu hy vọng sẽ dễ dàng thuyết phục ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, một thỏa thuận lịch sử do chính quyền Obama tạo ra vào năm 2015 để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran nhằm đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

Sự chia rẽ chính trị của Mỹ về ý định này của Israel đã gia tăng gần đây, sau khi Tổng thống Biden nói rằng Israel không nên đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran bằng cách tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Trong khi đó, nhiều người Mỹ ủng hộ ông Netanyahu tin rằng sau khi loại trừ nhiều lãnh đạo hàng đầu của Hezbollah và làm suy yếu năng lực quân sự của nhóm này, bây giờ là thời điểm tốt nhất để Israel ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran mà Mỹ đang lo ngại.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về việc Israel có thể làm chậm chương trình này đến mức nào khi các cơ sở này nằm rải rác và nằm sâu dưới lòng đất. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng một cuộc tấn công như vậy có thể gây ra một cuộc chiến tranh kéo dài trong khu vực.

Nếu bà Harris trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ, bà sẽ phải đưa ra chính sách riêng của mình, khác với cách tiếp cận của Tổng thống Biden, để giải quyết những thách thức mà cuộc xung đột ở Gaza có thể gây ra đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Israel. Trong khi đó, thái độ phản đối của ông Trump đối với sự tham gia của Mỹ vào các cuộc chiến ở nước ngoài - đặc biệt là ở Trung Đông - có nghĩa là ông có thể sẽ ít cởi mở hơn với việc leo thang xung đột nếu ông tái đắc cử, bởi một bước đi như vậy có thể ảnh hưởng đến vị thế chính trị của chính ông. Bất kể điều gì xảy ra vào ngày bầu cử tổng thống tháng 11 tới, nền chính trị Mỹ sẽ vẫn không thể tránh khỏi có những liên quan sâu sắc tới cục diện hiện nay ở Trung Đông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Tư pháp Mỹ và công tố viên đặc biệt Jack Smith đang gấp rút tìm phương án gác lại hai vụ án hình sự cấp liên bang chống lại Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhằm tuân thủ chính sách được bộ này duy trì trong nhiều thập kỷ về việc không truy tố tổng thống đương nhiệm.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol tuyên bố không loại trừ khả năng Seoul cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine. Tuyên bố được đưa ra vào thời điểm xuất hiện các thông tin về việc Triều Tiên triển khai binh sỹ hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Năm 2024 có thể là năm nóng nhất từ trước đến nay và cũng là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng hơn 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là dự báo được Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hôm nay (7/11).

Ngày 7/ 11, các nhà lãnh đạo Trung Đông đã chúc mừng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều nỗ lực hơn nữa hướng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ngày 7/11, truyền thông địa phương đưa tin tại núi Phú Sĩ, biểu tượng của đất nước Nhật Bản, đã có trận tuyết rơi đầu tiên trong mùa. Đây là năm tuyết rơi muộn nhất trong 130 năm qua sau hiện tượng thời tiết ấm bất thường.

Bộ Tư pháp Mỹ và công tố viên đặc biệt Jack Smith đang gấp rút tìm phương án gác lại hai vụ án hình sự cấp liên bang chống lại Tổng thống đắc cử Donald Trump. Điều này nhằm tuân thủ chính sách được bộ này duy trì trong nhiều thập kỷ về việc không truy tố tổng thống đương nhiệm.