Chính sách ưu đãi cho công nghiệp số còn thiếu rõ ràng
Chiều 9/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho một ngành công nghiệp mới – công nghiệp công nghệ số, lĩnh vực được xem là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong kỷ nguyên kinh tế số.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đã chỉ ra những điểm còn thiếu cụ thể, dễ gây lúng túng khi áp dụng, từ định nghĩa tài sản số đến các chính sách thu hút nhân lực và ưu đãi doanh nghiệp. Các đại biểu cho rằng, để tận dụng các cơ hội thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số, việc chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam là điều tất yếu. Vì vậy, cần tiếp tục khuyến khích đổi mới sáng tạo, ưu đãi thuê mua sắm sản phẩm dịch vụ công nghệ số, đặc biệt là các dự án đặc biệt mang tính dẫn dắt.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: "Về thu hút nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao tại điều 18, có những điểm mới, tiến bộ. Tuy nhiên, để đảm bảo áp dụng chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao đạt hiệu quả cao nhất, trong đó thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ và kỹ năng đáp ứng các tiêu chí theo quy định, cần cân nhắc bổ sung cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng nhân lực cùng với chính sách thu hút, trọng dụng nhân lực công nghệ số tại khoảng 4 điều 18 và khoảng 5".
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng chính sách phát triển công nghệ số là yếu tố "cực kỳ quan trọng", cần cụ thể, rõ ràng, có tính vượt trội nếu muốn Việt Nam theo kịp tốc độ phát triển thế giới. Ông cũng ủng hộ mạnh mẽ quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 50% trong 15 năm, coi đây là động lực lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu: "Cần phải có một chính sách ưu đãi thu nhập doanh nghiệp mang tính đặc thù, vượt trội và khác biệt để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, có khả năng lan tỏa mạnh như thiết kế chip bán dẫn. Mục tiêu là để Việt Nam làm chủ ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai. Bên cạnh đó, cần có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, nhằm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn lành mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phát triển dài hạn. Đây là chiến lược hết sức cần thiết, không chỉ cho giai đoạn từ nay đến năm 2035 mà còn hướng tới mục tiêu xa hơn là năm 2050".
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cho rằng Dự thảo Luật cần làm rõ hơn các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số. Dù đã đề cập trong luật, nhưng hiện mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa có hướng dẫn cụ thể.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho hay: "Cần xây dựng các cơ chế phù hợp để tăng cường hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư hiệu quả hơn vào việc phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp công nghệ. Dù dự thảo luật đã đề cập tới các vấn đề này, nhưng hiện mới chỉ dừng ở mức chủ trương 'thúc đẩy', trong khi chưa làm rõ được thúc đẩy bằng cách nào, cơ chế cụ thể ra sao".
Một trong những nội dung mới nhưng cũng gây nhiều băn khoăn là quy định về tài sản số. Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, cần làm rõ và phân loại chính xác các nhóm tài sản số, để tránh lúng túng khi áp dụng, nhất là trong hoạt động giao dịch, đầu tư và xử lý pháp lý: "Đối với tài sản ảo, căn cứ là tài sản mà được tạo ra bởi các công nghệ kỹ thuật số, nhưng phải gắn với một cái môi trường ảo cụ thể, chứ không nói là tài sản ảo chung chung được. Ví dụ như đất ảo trong Metaverse, hay tài sản là vàng ở trong một trò chơi game. Do đó, nó phải gắn với môi trường cụ thể thì mới xác định được đó là tài sản ảo. Nếu chúng ta nói tài sản ảo chung chung, sau đó phân biệt bằng cách tài sản này có thể được dùng để trao đổi hoặc đầu tư, thì tôi cho là thực thi sẽ rất khó".
Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số – đạo luật tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số Việt Nam. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống hiệu quả, nhiều nội dung vẫn cần làm rõ, từ khung ưu đãi, định nghĩa tài sản số, đến các cơ chế cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và nguồn nhân lực. Đây chính là bước hoàn thiện cần thiết để Việt Nam không chỉ “bắt nhịp” mà còn bứt phá trong cuộc đua chuyển đổi số toàn cầu.


Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hà Nội phối hợp chi cục quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra bất ngờ và bắt quả tang thu giữ gần 2 tấn thực phẩm bẩn là các loại xúc xích, lạp xưởng đang chuẩn bị tiêu thụ đến các cửa hàng, quán ăn nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố.
Việc nhường đường cho người đi bộ là điều nên làm, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều này.
Các loại hóa chất sau khi được đánh lên bằng máy đánh trứng, sẽ được chiết vào các chai nhỏ có dán nhãn mác và in giả xuất xứ “Made in Dubai (UAE)” với mã vạch, rồi bán ra thị trường.
Với nhiều người lao động hiện nay, số tiền trợ cấp còn thấp, không đủ trang trải mức sống tối thiểu của bản thân và chăm lo cho gia đình.
EVN chiều 9/5 thông báo, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,8%. Mức tăng này tương tự hồi tháng 10/2024 và sẽ được áp dụng từ ngày 10/5.
Trung tâm Báo chí Thủ đô phải thực sự là trung tâm “mở” - nơi mọi tiếng nói được lắng nghe, mọi dữ liệu được kết nối, thông tin được chia sẻ 'minh bạch - chính xác - kịp thời". Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại buổi lễ khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô.
0