Chi tiêu quốc phòng trên thế giới cao kỷ lục

Trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn bởi xung đột khu vực, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc và sự gia tăng của các mối đe dọa phi truyền thống, chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

Ukraine tăng chi tiêu mạnh nhất thế giới năm 2024

Từ chiến sự ở Ukraine đến căng thẳng leo thang tại châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông, các quốc gia lớn nhỏ đều đẩy mạnh ngân sách quân sự như một cách để đảm bảo an ninh và củng cố vị thế chiến lược. Năm 2024, theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã đạt mức kỷ lục mới, với tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong vòng 15 năm qua. Trong bức tranh ấy, Ukraine nổi lên như quốc gia có mức tăng chi tiêu mạnh nhất, mà một phần nguyên nhân là sự hỗ trợ quy mô lớn từ các nước phương Tây, với những tính toán đáng lo ngại.

Điểm nổi bật nhất trong bức tranh chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2024 là việc Ukraine trở thành quốc gia có mức tăng chi tiêu cao nhất. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Ukraine đạt 64,8 tỷ USD, chiếm tới 34% GDP - tỷ lệ cao nhất thế giới trong năm vừa qua. Sự bùng nổ chi tiêu này phản ánh sự thay đổi chiến lược, trong đó Ukraine với sự hỗ trợ của phương Tây đang trên đà trở thành một trung tâm sản xuất và thử nghiệm vũ khí.

Trong cấu trúc chi tiêu quốc phòng của Ukraine năm 2024, phần lớn ngân sách được dành cho ba lĩnh vực trọng yếu: mua sắm vũ khí và trang bị quân sự hiện đại, đào tạo và duy trì lực lượng vũ trang, và đầu tư vào chiến tranh công nghệ cao. Việc mua sắm vũ khí tập trung vào những hệ thống có khả năng thay đổi cục diện chiến trường như pháo phản lực tầm xa, hệ thống phòng không hiện đại, xe tăng chiến đấu chủ lực và UAV tấn công. Đặc biệt, Ukraine đẩy mạnh mua sắm các loại tên lửa hành trình, tên lửa phòng không đa tầng, cũng như đầu tư lớn vào hệ thống phòng thủ chống UAV. Song song với đó, việc duy trì và mở rộng quy mô quân đội trong điều kiện chiến sự kéo dài đòi hỏi ngân sách khổng lồ để trả lương, trang bị, huấn luyện và cung cấp hậu cần cho hàng trăm nghìn binh sĩ.

Nguồn cung quan trọng cho chi tiêu quốc phòng kỷ lục của Ukraine là viện trợ quân sự quốc tế ồ ạt. Năm 2024, Ukraine tiếp tục nhận được hàng chục tỷ USD viện trợ từ Mỹ, châu Âu và các đối tác khác. Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất, cung cấp đa dạng từ hệ thống tên lửa phòng không Patriot, pháo tự hành M777, xe bọc thép Bradley, xe tăng Abrams, cho đến các loại đạn pháo và UAV chiến thuật. Mỹ cũng hỗ trợ đáng kể về tài chính để duy trì ngân sách hoạt động cơ bản cho chính phủ Ukraine.

Sự hỗ trợ đáng tin cậy của chúng tôi vẫn đang tiếp tục và hơn thế nữa - và, tôi có thể thông báo rằng trong vài ngày qua, chúng tôi cũng đã có thể cung cấp thêm 30 tên lửa dẫn đường Patriot từ kho dự trữ của mình cho các hệ thống Patriot mà chúng tôi đã chuyển giao cho Ukraine.

Ông Boris Pistorius - Bộ trưởng Quốc phòng Đức.

Liên minh châu Âu, đặc biệt là Đức, Pháp, Ba Lan, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho Ukraine các hệ thống vũ khí tiên tiến. Đức cung cấp xe tăng Leopard 2, hệ thống phòng không IRIS-T, và pháo tự hành PzH 2000; trong khi Pháp đóng góp pháo tự hành Caesar và tên lửa SCALP-EG tầm xa.

Anh chuyển giao tên lửa hành trình Storm Shadow, và cũng là một trong những đối tác lớn trong đào tạo binh sĩ và tư vấn chiến lược cho Kiev. Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch không chỉ viện trợ thiết bị quân sự mà còn hỗ trợ kỹ thuật để Ukraine duy trì và sửa chữa vũ khí trên thực địa.

Thay vì chỉ viện trợ thiết bị như giai đoạn đầu chiến sự, các tập đoàn quốc phòng lớn của Mỹ và châu Âu – như Rheinmetall (Đức), BAE Systems (Anh), Lockheed Martin và Northrop Grumman (Mỹ) – đang xúc tiến thành lập các nhà máy sản xuất tại chỗ trên lãnh thổ Ukraine. Mục tiêu là vừa rút ngắn chuỗi cung ứng, vừa biến Ukraine thành một “xưởng lắp ráp tiền tuyến”, nơi vũ khí có thể được sản xuất, thử nghiệm và triển khai ngay trong thực chiến.

Việc đưa nhà máy sản xuất vũ khí sát chiến tuyến mang lại một số lợi ích chiến lược cho phương Tây: giúp giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian cung cấp cho quân đội Ukraine, đồng thời thu thập dữ liệu thực địa về hiệu suất của các hệ thống vũ khí mới. Ukraine trở thành “phòng thí nghiệm” - nơi các công nghệ quân sự được kiểm chứng trong điều kiện chiến đấu thực tế – điều mà các tập đoàn quốc phòng thường không thể thực hiện tại chính quốc do ràng buộc pháp lý và đạo đức.

Một số chuyên gia nhận định rằng Ukraine đang bị cuốn vào vòng xoáy “quân sự hóa phát triển”, trong đó sự sống còn về kinh tế của nước này ngày càng gắn chặt với ngành công nghiệp quốc phòng. Điều này có thể mang lại việc làm và công nghệ trong ngắn hạn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro phụ thuộc và làm lu mờ những định hướng phát triển dân sự khác.

Về phía Nga, Điện Kremlin nhiều lần lên tiếng phản đối xu hướng này, coi đây là hành động leo thang căng thẳng và kéo dài chiến sự. Trong khi đó, giới quan sát quốc tế cảnh báo rằng việc phương Tây biến Ukraine thành “xưởng thử vũ khí” có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, khi các quốc gia đang xung đột trở thành bãi thử cho các cường quốc phát triển công nghệ quân sự mới.

Các cường quốc sản xuất vũ khí hàng đầu

Trên bình diện toàn cầu, năm 2024 ghi nhận mức chi tiêu quân sự cao nhất lịch sử hiện đại. Theo báo cáo của SIPRI, tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt 2.443 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2009, phản ánh tình trạng bất ổn địa chính trị và xu hướng tái vũ trang rộng khắp. Mọi khu vực đều tăng chi tiêu, trong đó nổi bật là châu Âu, châu Á và Trung Đông. Các quốc gia NATO gia tăng ngân sách nhằm tiếp sức cho Ukraine. Đồng thời, châu Á – Thái Bình Dương trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa Trung Quốc và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.

Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới với chi tiêu quân sự 916 tỷ USD, chiếm 37% toàn cầu. Mỹ đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo quân sự, vũ khí siêu vượt âm, không gian quân sự, đồng thời tăng cường hiện diện ở châu Á để kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc chi tiêu khoảng 296 tỷ USD (12% toàn cầu), tập trung mở rộng hải quân, hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và đầu tư vào chiến tranh mạng. Nga đứng thứ ba với 109 tỷ USD, tăng 24%. Ấn Độ chi 83,6 tỷ USD, đứng thứ tư, theo đuổi chiến lược “tự cường quốc phòng” và hiện đại hóa kho vũ khí. Các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức và đặc biệt là Ba Lan tăng mạnh chi tiêu, với mục tiêu nâng cao khả năng răn đe và chủ động hơn trong an ninh châu lục. Trung Đông và Bắc Phi cũng chứng kiến làn sóng tăng ngân sách quốc phòng. Ả Rập Xê Út, Iran, Israel đều đầu tư vào vũ khí hiện đại, hệ thống phòng thủ tên lửa, tên lửa đạn đạo và UAV.

Ngoài các cường quốc, nhiều quốc gia nhỏ và trung bình cũng đang vũ trang với tốc độ chưa từng có. Các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines gia tăng mua sắm vũ khí nhằm đối phó với tình hình Biển Đông. Tại châu Phi, các quốc gia như Nigeria, Ethiopia, Algeria cũng đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng để đối phó với nội chiến, khủng bố và can thiệp nước ngoài. Đáng chú ý, nhiều nước đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực công nghệ cao như chiến tranh mạng, không gian, vũ khí tự động hóa và AI quân sự – cho thấy một bước chuyển rõ rệt trong cách thế giới chuẩn bị cho các cuộc xung đột tương lai.

Xu hướng chi tiêu quốc phòng toàn cầu trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng mạnh, được thúc đẩy bởi ba động lực chính: cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường, bất ổn khu vực kéo dài và sự chuyển dịch bản chất chiến tranh trong thời đại công nghệ. Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga sẽ còn leo thang. Mỹ tập trung ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Á và kiềm chế Moskva tại châu Âu. Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng “quân đội hiện đại hàng đầu thế giới” vào 2049.

Nga tiếp tục coi quốc phòng là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, các điểm nóng khu vực như Đông Âu, Trung Đông, Biển Đông, bán đảo Triều Tiên… khiến các quốc gia trong khu vực đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự. Ba Lan xây dựng lực lượng lục quân mạnh nhất EU; Nhật Bản và Hàn Quốc phá vỡ các giới hạn hiến pháp để tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục. Australia tái cấu trúc hải quân với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh trong khuôn khổ AUKUS.

Xu hướng của ngành công nghiệp vũ khí

Trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu ngày càng phức tạp với sự trỗi dậy của các mối đe dọa phi truyền thống, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc và xung đột vũ trang kéo dài, công nghiệp quốc phòng đang chứng kiến những chuyển biến mạnh mẽ cả về công nghệ, chiến lược lẫn cấu trúc sản xuất. Chiến tranh tương lai sẽ mang tính công nghệ cao, phi truyền thống, đa lĩnh vực. Các nước sẽ tiếp tục đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, chiến tranh mạng, vũ khí siêu vượt âm, không gian quân sự, UAV cảm tử và hệ thống chỉ huy điều khiển tự động. Các công ty công nghệ tư nhân ngày càng đóng vai trò then chốt trong quốc phòng – từ sản xuất chip, thiết kế phần mềm điều khiển UAV đến giám sát vệ tinh.

Một trong những xu hướng nổi bật là sự kết hợp giữa công nghệ quân sự và công nghệ dân sự tiên tiến. Các quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ không gian, robot chiến đấu, hệ thống vũ khí tự hành, mạng lưới cảm biến và điện toán lượng tử. Những công nghệ này không chỉ nâng cao khả năng tác chiến mà còn mở ra hướng tiếp cận mới trong chiến tranh hiện đại – nơi tốc độ xử lý thông tin, khả năng ra quyết định và độ chính xác trở thành yếu tố quyết định.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng các mẫu vũ khí phổ biến nhất trên chiến trường đang được cải tiến nhanh chóng; các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của chúng liên tục được nâng cấp, dựa trên kinh nghiệm thực chiến cũng như sự phát triển của các biện pháp đối phó từ phía đối phương. Các nhà phát triển, bao gồm cả những tập đoàn vũ khí hàng đầu phương Tây, cũng không ngừng cải tiến. Tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo là vô cùng to lớn, và bất kỳ ai làm chủ công nghệ này nhanh hơn – đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự – sẽ nắm lợi thế vượt trội trên chiến trường. Và chúng ta không bao giờ được quên điều đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thứ hai, xu hướng nội địa hóa sản xuất quốc phòng được đẩy mạnh ở nhiều nước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và tăng cường tự chủ chiến lược. Các quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và một số nước châu Âu đang đầu tư phát triển hệ sinh thái công nghiệp quốc phòng riêng, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự và hỗ trợ kỹ thuật.

Hôm nay, chúng ta tự hào rằng quân đội hùng mạnh của chúng ta đã đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong việc xây dựng và trang bị tất cả các công cụ phòng thủ cần thiết cho đất nước. Trên không, trên bộ và trên biển - máy bay không người lái, thiết bị chiến tranh mà ngay cả kẻ thù cũng không thể tưởng tượng ra - hỏa lực và lực lượng quân sự của chúng ta đã có thể làm chủ công nghệ và các cải tiến mà quốc gia chúng ta yêu cầu.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.

Thứ ba là tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất vũ khí. Nhiều quốc gia lựa chọn phương thức liên doanh, chuyển giao công nghệ hoặc đồng phát triển hệ thống vũ khí mới để giảm chi phí, chia sẻ rủi ro và tận dụng lợi thế công nghệ của đối tác. Ví dụ, các chương trình hợp tác phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới như FCAS (châu Âu) hay GCAP (Anh - Nhật - Italy) cho thấy xu hướng đa quốc gia hóa trong đầu tư quốc phòng.

Chiến tranh thông tin và không gian mạng đang đặt ra yêu cầu mới với công nghiệp quốc phòng. Các hệ thống vũ khí hiện đại không chỉ cần hỏa lực mạnh mà còn phải được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công mạng, đồng thời có khả năng tác chiến điện tử và chống nhiễu hiệu quả.

Trong tương lai, công nghiệp quốc phòng không còn là một lĩnh vực biệt lập mà ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế, khoa học - công nghệ và chính sách quốc gia. Những quốc gia nào làm chủ được xu hướng này sẽ có lợi thế lớn trong việc bảo vệ lợi ích chiến lược và tăng cường sức mạnh răn đe trong một thế giới đầy biến động.

Những biến động này buộc các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược an ninh, vừa bảo vệ chủ quyền, vừa chuẩn bị cho các hình thái xung đột mới. Tuy nhiên, nếu không có các cơ chế kiểm soát và hợp tác quốc tế hiệu quả, làn sóng vũ trang toàn cầu có thể dẫn tới một cuộc chạy đua nguy hiểm, khiến thế giới trở nên bất ổn nhiều hơn thay vì được đảm bảo an toàn hơn trong tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tờ Washington Post ngày 2/5 đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch cắt giảm nhân sự quy mô lớn tại Cơ quan tình báo trung ương và nhiều đơn vị tình báo khác.

Khoảng 2,75 triệu cử tri Singapore đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của quốc đảo này kể từ khi giành độc lập vào hôm nay, ngày 3/5.

Hãng tin Bloomberg đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét gói trừng phạt kinh tế mới với Nga. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm gây áp lực buộc Moscow tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev.

Trung Quốc sản xuất 80% đồ chơi cho Mỹ – nếu không sớm đạt được thỏa thuận thương mại, năm nay người dân Mỹ có thể không có Giáng sinh.

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê duyệt gói huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật F-16 trị giá 310,5 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các nâng cấp và điều chỉnh cho máy bay, đào tạo nhân sự liên quan đến vận hành, bảo trì và hỗ trợ duy trì; cùng với các phụ tùng thay thế.

Phong trào Houthi ở Yemen ngày 2/5 xác nhận đã phóng ít nhất hai tên lửa đạn đạo siêu thanh cùng một máy bay không người lái tấn công lãnh thổ Israel. Quân đội Israel cùng ngày cũng tuyên bố đánh chặn thành công tên lửa phóng từ Yemen.