Châu Âu thấp thỏm khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Chỉ một ngày sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5/11, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Budapest, Hungary, để bàn về đối sách với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.

Sự trở lại của ông Trump được nhận định sẽ mở ra một kỷ nguyên bất ổn với châu lục này vào thời điểm mà nội bộ EU đang bị chia rẽ sâu sắc, tình hình chính trị tại các nền kinh tế hàng đầu của khối như Đức, Pháp rơi vào bất ổn.

Nhiều nước châu Âu lo ngại

27 nguyên thủ quốc gia của EU cùng với 20 nhà lãnh đạo khác từ Cộng đồng chính trị châu Âu rộng lớn hơn, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày tại Budapest của Hungary. Hãng tin AFP cho biết mối quan hệ châu Âu với Mỹ, xung đột Ukraine và vấn đề NATO là những nội dung chính của cuộc họp này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết họ sẽ làm việc với chính quyền Trump sắp tới về các vấn đề xuyên Đại Tây Dương và an ninh, bất chấp những khác biệt chính trị.

Chúng ta sẽ làm việc với chính quyền Trump mới theo cách tốt đẹp và xem xét những gì sắp tới. Tôi có một số kinh nghiệm làm việc với Tổng thống Trump từ nhiệm kỳ trước của ông, vì vậy có hy vọng xây dựng điều gì đó. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng ta cùng nhau phân tích những lợi ích chung.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng châu Âu cần phải thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ và cần được tôn trọng trên trường quốc tế.

Chúng tôi muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Hoa Kỳ, điều đó rất rõ ràng vì có nhiều điểm chung, nhưng chúng tôi cũng muốn làm chủ vận mệnh của mình, chúng tôi muốn có ảnh hưởng hơn, chúng tôi muốn củng cố nền tảng kinh tế của mình. Và chúng tôi muốn hành động theo cách mà chúng tôi tôn trọng và là đối tác được tôn trọng. Đây là nguyên tắc cơ bản.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

Sở dĩ các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại về kịch bản nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump là vì chính sách lãnh đạo mang tính đối đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ trước đã tạo ra nhiều căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước EU. Trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Trump lại tiếp tục tuyên bố về kế hoạch áp dụng thuế quan toàn diện lên tới 20% đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu và nhấn mạnh EU sẽ trả giá đắt nếu không mua đủ hàng hóa từ Mỹ.

Quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ rất quan trọng với tổng giá trị thương mại và đầu tư song phương đạt kỷ lục 1,2 nghìn tỷ Euro (1,29 nghìn tỷ USD) vào năm 2021.

Các nhà lãnh đạo EU lo ngại việc áp đặt thêm thuế có thể gây áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế của châu Âu, vốn đang đối diện với nhiều thách thức. EU cũng lo ngại bị vạ lây bởi việc ông Trump gia tăng chiến tranh thương mại với Trung Quốc, bởi hiện nay EU đang phụ thuộc nhiều vào đối tác thương mại Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng nếu ông Trump tiến hành một cuộc chiến thương mại mới, khu vực đồng Euro có nguy cơ rơi vào suy thoái hoàn toàn thay vì chỉ tăng trưởng chậm. Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu và phụ thuộc nhiều vào thương mại với Mỹ, sẽ bị tác động nặng nề, đặc biệt nếu có thuế quan áp lên ô tô châu Âu.

Trong hơn một năm qua, các nhà ngoại giao và lãnh đạo châu Âu đã chuẩn bị cho kịch bản này, đồng thời xem xét các chính sách bảo vệ kinh tế châu lục trước nguy cơ xảy ra xung đột thương mại.

Theo các chuyên gia, lãnh đạo EU sẽ cần những biện pháp linh hoạt, tăng cường sự độc lập để ứng phó trước chính sách của ông Trump và duy trì đoàn kết châu Âu. Trước nguy cơ phải đối mặt với những thách thức lớn, việc tăng cường ngoại giao kinh tế và tìm kiếm đối tác mới sẽ là chiến lược quan trọng giúp châu Âu giảm bớt phụ thuộc vào thương mại với Mỹ, từ đó bảo vệ ổn định kinh tế của khu vực.

Châu Âu nhất trí tiếp tục ủng hộ Ukraine

Thời gian gần đây, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng bế tắc, ông Trump đã không ít lần lên tiếng cho biết nếu tái đắc cử, ông sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine và đe dọa sẽ rút lại viện trợ của Mỹ đối với các đồng minh NATO. Giới lãnh đạo châu Âu lo ngại nếu những lời này được thực hiện có thể gây ra hậu quả lớn đến an ninh của các quốc gia trên khắp châu Âu, đặc biệt là với khối NATO.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới tham dự Hội nghị thượng định EU tại Budapest trong bối cảnh có lo ngại rằng Tổng thống mới của Mỹ có thể sẽ giảm sự ủng hộ dành cho Kiev và tìm kiếm một thỏa thuận với Điện Kremlin bằng cách đánh đổi sự nhượng bộ của Ukraine. Phát biểu tại hội nghị, ông Zelensky nhấn mạnh châu Âu phải thể hiện sự đoàn kết và áp dụng cách tiếp cận "hòa bình thông qua sức mạnh" để đối mặt với sự ảnh hưởng từ Nga và các đồng minh.

Khái niệm hòa bình thông qua sức mạnh đã chứng minh được tính thực tế và hiệu quả của nó nhiều hơn một lần. Bây giờ nó lại cần thiết một lần nữa và không nên có ảo tưởng rằng bằng cách thể hiện sự yếu kém hoặc bán rẻ một số vị thế của châu Âu hoặc bất kỳ quốc gia châu Âu nào, người ta có thể mua được hòa bình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông Zelensky cho biết đã có cuộc điện đàm chúc mừng ông Trump ngay sau khi ông thắng cử. Ông Zelensky thừa nhận sự không chắc chắn về các hành động trong tương lai của Mỹ nhưng bày tỏ hy vọng về một "nước Mỹ mạnh mẽ hơn" mà châu Âu cần.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump tuyên bố rằng nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong vòng "24 giờ". Điều này được ông ám chỉ một lần nữa trong bài phát biểu chiến thắng sau bầu cử ngày 6/11, khi nói với những người ủng hộ rằng "Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh".

Các nhà phân tích nhận định kế hoạch này có thể bao gồm việc trì hoãn Ukraine gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ít nhất 20 năm, “đóng băng” chiến tranh trên các mặt trận hiện tại và thiết lập một khu vực phi quân sự ở phía Đông. Ngoài ra, châu Âu cũng phải tính đến khả năng ông Trump sẽ rút khỏi các cam kết tài trợ cho NATO.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đa phần thống nhất rằng các nước châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng hỗ trợ Ukraine về tài chính và quân sự nhiều nhất có thể, để bù đắp phần ông Trump có thể cắt giảm. Đồng thời EU cũng cần tự tăng cường năng lực quốc phòng để vô hiệu hoá việc ông Trump mặc cả đảm bảo an ninh trong NATO.

Chúng ta không thể giao phó an ninh của mình cho người Mỹ mãi mãi. Tôi tin rằng điều quan trọng là phải gửi thông điệp rằng chúng ta hiện là nhà cung cấp các giải pháp an ninh. Vì vậy, bất kể chúng ta có phải là thành viên của Liên minh châu Âu hay không, chúng ta phải phát triển và thúc đẩy ưu tiên châu Âu trong sản xuất công nghiệp của mình. Điều này có nghĩa là đưa ra lựa chọn, hỗ trợ khả năng tương tác của NATO.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tuy nhiên, những người khác lại thận trọng hơn, cho rằng thách thức đối với châu Âu là ông Trump thường dễ dàng bất ngờ thay đổi quyết định và quyết sách, rất khó có thể lường trước mức độ biến động, vì vậy EU sẽ cần tìm kiếm đối thoại, nhưng sẽ không từ bỏ các nguyên tắc của mình.

Thủ tướng Hungary với ván cược vào ông Trump

Cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu bàn về đối sách với chính quyền mới của Mỹ được tổ chức tại thủ đô Budapest của Hungary. Điều đặc biệt là hội nghị này diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người luôn công khai ủng hộ ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đối lập với sự thấp thỏm của đa số các nước châu Âu, ông Viktor Orban bày tỏ vui mừng trước chiến thắng của ông Trump tại cuộc bầu cử Mỹ.

Chỉ vài phút khi ông Trump tuyên bố chiến thắng, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã viết trên mạng X rằng "Một chiến thắng rất cần thiết cho thế giới!".

Ông Orban, người ngày càng bị cô lập trong Liên minh châu Âu (EU) vì mối quan hệ gần gũi với Nga và quan điểm phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, đã ca ngợi ông Trump là "người của hòa bình" và sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh và mở ra thời kỳ hoàng kim cho quan hệ Mỹ - Hungary.

Chúng ta cần nhận thức được việc nếu có một tổng thống ủng hộ hòa bình và nước Mỹ đi theo xu hướng hòa bình, thì châu Âu không thể tiếp tục chiến sự như ở Ukraine. Châu Âu không thể một mình gánh chịu gánh nặng của chiến tranh và nếu người Mỹ chuyển sang hòa bình thì chúng ta cũng cần phải thích nghi, đây là điều chúng ta sẽ thảo luận ở Budapest.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Orban có vẻ đang hy vọng mối quan hệ cá nhân gần gũi với ông Trump sẽ giúp ông nâng cao vị thế ở một châu Âu chia rẽ về chính trị và củng cố lực lượng cực hữu. Sau nhiều năm lãnh đạo, Thủ tướng Orban hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức ở trong nước, với đảng đối lập trở nên mạnh hơn trong khi nền kinh tế trì trệ. Sự trở lại của ông Trump có thể làm giảm áp lực chính trị lên ông Orban từ dư luận trong nước.

Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman nói rằng ông Orban coi cuộc bầu cử ở Mỹ "như một vụ đặt cược", gây rủi ro cho quan hệ liên minh với Mỹ khi ủng hộ ông Trump một cách kiên quyết như vậy.

Ông ấy đã đặt một ván cược rất lớn. Cho dù ông ấy biết mình có thể thua ván bài này, ông ấy không đánh bạc bằng tiền mà bằng mối quan hệ Mỹ - Hungary.

Ông David Pressman - Đại sứ Mỹ tại Hungary.

Một số nhà phân tích cho rằng với chiến thắng của ông Trump, Thủ tướng Orban có thể có cơ hội lớn hơn khi bước vào cuộc tổng tuyển cử năm 2026 khi quan hệ Mỹ - Hungary có thể trở lại thời kỳ hoàng kim cũ.

Tuy nhiên, Hungary có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro trong chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump, trong đó có kế hoạch áp thuế nhập khẩu ô tô, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Hungary. Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, ngành ô tô chiếm 12,3% việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Hungary trong năm 2021, trong đó hai hãng Stellantis và BYD của Trung Quốc có nhà máy đặt tại quốc gia này.

Sự trở lại của ông Trump đang buộc các nước châu Âu phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra và sự ngẫu hứng của ông Trump khi trở lại cầm quyền. Điều này buộc các quốc gia châu Âu phải tính toán kỹ càng các bước đi tiếp theo, đặc biệt là phải thống nhất quan điểm và phối hợp hành động hơn bao giờ hết. Châu Âu đã ý thức được rằng phải tự lực và tự thân vận động để giải quyết mọi vấn đề hiện đang đặt ra và sẽ còn nảy sinh đối với châu Âu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.

Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.