Châu Âu loay hoay với bài toán năng lượng thời Trump 2.0

Từ đầu năm 2025, các lựa chọn cung cấp khí đốt của EU đã hạn chế hơn sau khi Nga chấm dứt một thỏa thuận cung cấp khí đốt cho EU do hết hạn. Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ có những đòn trừng phạt liên quan đến thuế quan, châu Âu nhận ra càng phải tự chủ về năng lượng.

Thách thức về năng lượng ngày càng lớn ở châu Âu

Kể từ năm 2022 đến nay, trong bối cảnh bất ổn an ninh diễn biến phức tạp, lần đầu tiên châu Âu phải đối mặt với nguy cơ không đủ khí đốt cho mùa đông. Đặc biệt là từ đầu năm 2025, các lựa chọn cung cấp khí đốt của EU đã trở nên hạn chế hơn, sau khi Nga chấm dứt một thỏa thuận cung cấp khí đốt cho EU do hết hạn. Theo nhận định của một số chuyên gia, toàn bộ lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) gia tăng được đưa vào sử dụng trên toàn thế giới sẽ được dùng để bù đắp cho sự thiếu hụt khí đốt của Nga nhằm tránh cho châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2025. Thách thức này có thể thúc đẩy một cuộc tranh giành khí đốt tự nhiên toàn cầu.

Người dân châu Âu đang phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt với giá khí đốt tăng cao và thời tiết lạnh giá kể từ khi Ukraine dừng vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu. Thời tiết lạnh giá đã dẫn đến nhu cầu sưởi ấm tăng cao, trong khi việc đóng cửa các đường ống đã đẩy giá khí đốt tự nhiên lên cao trên khắp châu Âu.

Bố mẹ tôi bảo tôi thỉnh thoảng phải đóng hệ thống sưởi vì nó quá đắt. Ngày nào tôi cũng nghe ai đó phàn nàn về việc giá cả tăng cao.

Chị Saga - sinh viên Bỉ

Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, EU đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, thậm chí còn mua LNG từ Mỹ với giá cao. Tuy nhiên, một nhà phân tích châu Âu chỉ ra rằng vẫn còn nhu cầu về khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga trên thị trường châu Âu, khiến EU khó có thể tách rời khỏi năng lượng của Nga.

EU vẫn đang hưởng lợi từ khí đốt tương đối rẻ của Nga thông qua các đường ống này qua Ukraine. Ukraine cũng đang hưởng lợi thông qua phí trung chuyển. Trong khi đó, cũng có sự phản đối của một số quốc gia thành viên trong EU vẫn nhận được khí đốt của Nga. 

Ông Philipp Lausberg - Trung tâm Chính sách châu Âu, Bỉ

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, EU đã tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Theo số liệu EC công bố, khí đốt Nga chỉ còn chiếm khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu của khối vào năm 2023, giảm mạnh so với hơn 40% hồi năm 2021. Tuy nhiên, trữ lượng khí đốt của châu Âu đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong 5 năm qua do ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá kéo dài. Số liệu mới nhất cho biết dự trữ khí đốt tại châu Âu hiện chỉ đạt 70% công suất, giảm mạnh so với mức 86% cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tình trạng thiếu hụt chưa xảy ra, nhưng việc tái bổ sung nguồn dự trữ sau mùa đông dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây biến động giá khí đốt trong ngắn hạn.

Nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho khu vực, châu Âu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí tự nhiên hóa lỏng vận chuyển bằng các tàu chuyên dụng. Tuy nhiên, thời tiết lạnh giá trong mùa đông bao phủ hầu hết các nước trong khu vực đang khiến nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh và phải lấy từ nguồn dự trữ hiện có. Giới chuyên gia nhận định, với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, châu Âu sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc tái lập mức dự trữ an toàn trước mùa đông năm sau và điều này có thể khiến giá khí đốt tăng mạnh trên thị trường năng lượng quốc tế trong thời gian tới.

Trước viễn cảnh đó, các nhà lãnh đạo khu vực đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp dài hạn nhằm giảm phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Việc châu Âu tăng nguồn cung tất yếu kéo theo việc giành các lô hàng LNG ra khỏi các thị trường yếu hơn.

Nhìn nhận về bức tranh tổng thể, giới chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ dẫn đến việc giá cả tăng cao hơn mức mà Ấn Độ, Bangladesh và Ai Cập có thể chi trả, đồng thời gây áp lực lên sự phục hồi kinh tế của Đức và các quốc gia khác. Dự báo, giá khí đốt tương lai ở châu Âu vẫn cao hơn khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và các hợp đồng đang giao dịch ở mức gấp 3 lần so với mức trước khủng hoảng.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào hôm 21/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thừa nhận giá năng lượng của khối tăng vọt trong thời gian qua do đoạn tuyệt với nguồn cung giá rẻ của Nga, song nhấn mạnh đó là cái giá châu Âu phải trả cho sự tự do.

Nhìn chung, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại ở châu Âu không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở "lục địa già", mà còn tạo ra những tác động sâu rộng đến thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu. Sự thiếu hụt nguồn cung và sự gia tăng giá cả có thể dẫn đến một cuộc tranh giành khí đốt giữa các quốc gia trên thế giới. Điều này có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Động lực theo đuổi tự chủ năng lượng dưới thời Trump 2.0

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất ở châu Âu. Vào năm 2023, lượng LNG từ Mỹ chiếm 46% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của châu Âu, tăng gần gấp đôi so với lượng năm 2021. Đến năm 2024, châu Âu đã trở thành khách hàng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Mỹ, chiếm 55% tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã cảnh báo EU rằng họ phải cam kết mua một lượng lớn dầu khí của Mỹ hoặc phải đối mặt với việc tăng thuế.

Rủi ro về nguồn cung năng lượng phụ thuộc vào những biến động chính trị càng thôi thúc châu Âu đẩy mạnh mục tiêu tự chủ về năng lượng.

Mỹ - nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới đã nỗ lực cứu châu Âu khỏi tình trạng thiếu khí đốt. Hiện tại, châu Âu là điểm đến lớn nhất của LNG của Mỹ, trong đó Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức là những điểm đến chính. Các dự báo cho thấy, xuất khẩu LNG của Mỹ có thể tăng khoảng 15% trong năm 2025 nhờ việc mở rộng sản xuất.

Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia EU có nền kinh tế hướng đến xuất khẩu đã phải đối mặt với chi phí năng lượng cao hơn do chiến tranh ở Ukraine và sự chậm lại trong thương mại với Trung Quốc. Do đó, họ không thích ý tưởng về một mặt trận mới với Mỹ. Trước sự trở lại của ông Donald Trump kèm theo những lời đe dọa thuế quan, sự tự chủ về mọi mặt trong đó có năng lượng là nhu cầu cấp bách của châu Âu.

Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/1, Tổng thống Pháp Emmanuel nhấn mạnh rằng, sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, hơn bao giờ hết, người châu Âu và cả hai nước Pháp và Đức cần phải đóng vai trò củng cố một châu Âu thống nhất, mạnh mẽ và có chủ quyền. Một châu Âu gắn liền với quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đồng thời cũng nhận thức được lợi ích của chính mình và biết cách bảo vệ lợi ích đó bằng các giá trị và công cụ của mình là điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu cần xây dựng.

Châu Âu đang đứng trước nhu cầu khẩn cấp về đầu tư và giảm sự phụ thuộc vào các ngành quan trọng như trí tuệ nhân tạo, lượng tử, công nghệ sinh học, năng lượng, không gian và tất nhiên là ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron 

Về phần mình, Thủ tướng Đức khẳng định, châu Âu sẽ sẵn sàng đối mặt.

Ngay từ tuần này, chúng ta đang phải đối mặt với một chính quyền mới của Mỹ. Đây sẽ là một thách thức. Tuy nhiên, châu Âu sẽ không cúi mình và ẩn núp, mà sẽ là một đối tác xây dựng và quyết đoán.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump dường như báo hiệu sẵn sàng làm rung chuyển các lĩnh vực chính sách cả trong và ngoài nước Mỹ. Một ngày sau, ông nhắc lại lời đe dọa áp thuế với hàng hóa của EU vào Mỹ, tuyên bố EU "rất, rất tệ với nước Mỹ".

Kinh nghiệm mà EU đã rút ra được từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump là chỉ trích Tổng thống Mỹ quá công khai không phải là cách hiệu quả và thậm chí có thể đối mặt những phản ứng đáp trả không mong muốn. Châu Âu dường như đã sẵn sàng ứng phó với những biến động trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực chuẩn bị nào cũng có hạn chế nhất định bởi tới nay, chưa có nhiều sự đồng thuận trong EU về cách mà khu vực này sẽ ứng phó với Washington.

Thách thức với tham vọng năng lượng xanh của EU

Độc lập về năng lượng là trọng tâm quan trọng trong chương trình nghị sự tự chủ chiến lược của EU, với những tiến bộ đáng kể đạt được thông qua kế hoạch REPowerEU. Đến tháng 8 năm 2024, EU đã giảm thành công sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga tới 80% so với mức của năm 2021, một con số đáng chú ý do lịch sử phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Mức giảm này đạt được thông qua sự kết hợp giữa đa dạng hóa nguồn năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và đẩy nhanh triển khai các công nghệ năng lượng tái tạo. Bất chấp những kết quả này, vẫn còn những thách thức trong việc theo đuổi độc lập năng lượng của EU.

Ông Jose Maria Cofreces là chủ một khách sạn nhỏ ở phía tây bắc Galicia, một trong những vùng đẹp như tranh vẽ của Tây Ban Nha và là điểm thu hút khách du lịch. Đây cũng là một trong những vùng thu hút các nhà phát triển năng lượng gió, với sự xuất hiện của các tua-bin gió khổng lồ có thể cao hơn các tòa nhà cao 50 tầng. Đây là một trong 72 dự án phát triển điện gió ở Tây Ban Nha, với tổng công suất khoảng 2 gigawatt (GW), dựa trên khoản đầu tư hơn 2 tỷ euro đã được chính quyền địa phương chấp thuận.

Thế nhưng, việc phát triển điện gió ở khu vực này đang vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Một phong trào phản đối đã nổi lên khi những người biểu tình đã sử dụng tòa án để ngăn chặn các kế hoạch mà họ cho là xâm phạm lối sống của họ.

Một phần những gì đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân ở đây là cảnh quan. Các trang trại gió xuất hiện có nghĩa là phải khoan núi, lấp đầy những chỗ trũng và sử dụng nhiều bê tông, làm biến đổi cảnh quan.

Ông Jose Maria Cofreces - người dân Tây Ban Nha

Ở châu Âu, Tây Ban Nha chỉ đứng sau Đức về công suất phát điện gió, nhưng kế hoạch tăng gấp đôi công suất vào cuối thập kỷ này đã bị chậm lại do sự phản đối của địa phương cũng như tình trạng tắc nghẽn cấp phép. Đây chỉ là một trong các ví dụ nhỏ cho thấy áp lực mà chính phủ các nước châu Âu đang phải gánh chịu trong quá trình hỗ trợ các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng của Liên minh châu Âu.

Không chỉ khó khăn trong việc triển khai các dự án thúc đẩy năng lượng tái tạo, mục tiêu tự chủ năng lượng của châu Âu cũng vấp phải trở ngại khi các quốc gia thành viên ngày càng thể hiện quan điểm khác biệt và ưu tiên lợi ích quốc gia. EU có nguy cơ bị chia rẽ sâu sắc hơn, đồng nghĩa với việc khủng hoảng năng lượng không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là thách thức chính trị lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của khối này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một báo cáo vừa được tổ chức nghiên cứu Ember có trụ sở tại London, Anh, công bố hôm 22/1 cho thấy những tín hiệu khả quan trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở EU. Theo đó, trong năm 2024, lần đầu tiên năng lượng Mặt Trời đã vượt qua than đá trong cơ cấu cung cấp điện của EU, với tỷ lệ tương ứng là 11% và dưới 10%.

Thế giới cần những nhà lãnh đạo về khí hậu hơn bao giờ hết. Và quá trình chuyển đổi ở châu Âu chủ yếu liên quan đến hai điều, theo tôi thấy, đó là tăng cường sự độc lập về năng lượng của châu Âu và thể hiện vai trò lãnh đạo về khí hậu. Và hai điều đó sẽ trở nên quan trọng hơn xét đến bối cảnh ông Trump mới nhậm chức. 

Ông Chris Rosslowe - nhà phân tích cấp cao, Tổ chức nghiên cứu Ember, Anh

Thách thức trong việc theo đuổi độc lập năng lượng của EU còn ở việc cơ sở hạ tầng lưới điện và lưu trữ năng lượng tiếp tục cần đầu tư đáng kể và đổi mới công nghệ. Tính chất không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo đòi hỏi phải phát triển các giải pháp lưu trữ năng lượng quy mô lớn để đảm bảo độ ổn định và độ tin cậy của lưới điện. Ngoài ra, việc hiện đại hóa và mở rộng cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng xuyên biên giới vẫn rất quan trọng để tạo ra một thị trường năng lượng châu Âu tích hợp thực sự.

Như vậy, việc theo đuổi quyền tự chủ chiến lược của EU đã có tác động sâu rộng, định hình lại vai trò của khối này trên trường toàn cầu. Mặc dù những nỗ lực này đã nâng cao khả năng phục hồi và ảnh hưởng toàn cầu của EU nhưng chúng cũng tạo ra những thách thức và trách nhiệm mới. Thành công lâu dài của chiến lược này sẽ phụ thuộc vào khả năng của EU trong việc duy trì sự gắn kết nội bộ, thích ứng với hoàn cảnh toàn cầu đang hợp tác phát triển.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un vừa có chuyến thăm căn cứ huấn luyện quân sự của các đơn vị tác chiến đặc biệt thuộc Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Tờ The Hill ngày 4/4 dẫn nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đã dừng việc hoàn tất thỏa thuận bán TikTok cho tới khi Washington và Bắc Kinh đàm phán lại về thuế quan.

Quân đội Israel ngày 4/4 tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công kết hợp vào Dải Gaza, khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 đã ký sắc lệnh áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, khiến các hãng sản xuất ô tô “đứng ngồi không yên”.

Một máy bay phản lực Eurofighter Typhoon của Anh đã thực hiện thành công chiến thuật quan trọng tiếp nhiên liệu trên không trong khuôn khổ cuộc tập trận Ramstein Flag của NATO.

Nga xác nhận đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một mục tiêu quân sự tại thành phố Krivoy Rog, miền Đông Ukraine vào tối ngày 4/4.