Các cử tri bỏ phiếu cho sự thay đổi ở Đức
Thất bại cay đắng của đảng SPD
Cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức diễn ra ngày 23/2, sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch ban đầu, sau khi liên minh không được lòng dân của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ vào tháng 11 năm ngoái do xung đột nội bộ. Theo kết quả sơ bộ, Liên minh CDU/CSU giành khoảng 28,4% phiếu; đảng cực hữu Lựa chọn khác cho nước Đức về nhì với khoảng 21% phiếu; đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz chỉ đạt 16,4%. Kết quả này là thất bại nặng nề đối với SPD và đối với bản thân ông Scholz.
Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ về thứ ba, với 16,4% số cử tri ủng hộ và 120 ghế trong tổng số 630 ghế của quốc hội liên bang. Kết quả này cho thấy sự suy giảm lòng tin mạnh mẽ của cử tri đối với đảng SPD trong liên minh cầm quyền, khi số phiếu của đảng này giảm tới 9,3 điểm phần trăm so với cuộc bầu cử liên bang năm 2021. Đây là kết quả bầu cử tồi tệ nhất đối với đảng SPD trong lịch sử hậu chiến ở Đức. Trong phát biểu mới nhất, ông Scholz đã thừa nhận trách nhiệm về thất bại này.
"Đây là kết quả bầu cử cay đắng cho đảng Dân chủ xã hội. Đây cũng là một thất bại trong bầu cử. Tôi nghĩ rằng, điều đó phải được nêu rõ ràng sau một kết quả như vậy. Đối với tôi, điều rất quan trọng là phải nói rằng: đây là kết quả mà chúng ta phải cùng nhau tiến lên".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz
Tuy nhiên, sự thất bại của SPD hoàn toàn nằm trong dự đoán. Cuộc bầu cử diễn ra giữa lúc nước Đức đang đối mặt những thách thức lớn về an ninh, kinh tế, xã hội, đe dọa làm suy yếu nền kinh tế cũng như vị thế của quốc gia này trên trường quốc tế. Theo Cục Thống kê liên bang Đức, nền kinh tế hàng đầu EU đã rơi vào suy thoái 2 năm liên tiếp, người dân phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trước những thách thức này, nhiều cử tri Đức đã lựa chọn thay đổi.
"Tôi đã bỏ phiếu cho CDU và AfD. AfD có thể giúp đỡ nước Đức. Có rất nhiều thông tin trên báo chí, đặc biệt là về các vụ tấn công bằng dao xuất phát từ người di cư. CDU cũng không phải là một đảng tồi. Trước đó đã có một ứng cử viên tốt của đảng này là bà Merkel".
Cử tri Đức
Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, kết quả bầu cử mang lại một ngày tuyệt vời cho nước Đức. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, kết quả bầu cử Đức giống với Mỹ, cho thấy người dân Đức đã mệt mỏi với các chương trình nghị sự của chính phủ hiện tại.
Thách thức trong việc thành lập Chính phủ liên minh
Các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Đức đã bắt đầu. Với việc nền kinh tế Đức trải qua 2 năm tăng trưởng âm liên tiếp, liên minh xuyên Đại Tây Dương đang mong manh hơn bao giờ hết, xung đột Nga - Ukraine đang làm đảo lộn trật tự an ninh châu Âu, mọi con mắt đều đổ dồn vào chính phủ tiếp theo ở Berlin. Và trọng trách đang được đặt lên vai ông Friedrich Merz, lãnh đạo liên minh bảo thủ CDU/CSU.
Lãnh đạo liên minh CDU/CSU của Đức - ông Friedrich Merz, 69 tuổi, là một luật sư đến từ thị trấn Brilon thuộc vùng Westphalia. Ông từng là đối thủ của bà Angela Merkel và đã thất bại trước nữ cựu Thủ tướng Đức trong một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đảng. Ông Merz đã quay trở lại chính trường vào năm 2022 và được bầu làm Chủ tịch CDU, dẫn dắt đảng này với tư cách là ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử liên bang.
Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Merz cho biết, khối bảo thủ của ông đã giành được đủ số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang để xây dựng liên minh với đảng Dân chủ xã hội trung tả (SPD).
"Cùng với 120 ghế do đảng Dân chủ xã hội nắm giữ, chúng tôi có thể nắm giữ 328 trong tổng số 630 ghế của Quốc hội liên bang, nghĩa là chúng tôi đang ở vị thế có thể thành lập chính phủ liên minh đen - đỏ. Và đó chính xác là điều chúng tôi muốn. Các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu trong vài ngày tới. Chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị một giai đoạn chuyển tiếp hợp lý, chắc chắn sẽ mất vài tuần".
Lãnh đạo liên minh CDU/CSU
Nếu các cuộc đàm phán thuận lợi, một chính phủ liên minh bao gồm liên đảng CDU/CSU và đảng SPD sẽ là kịch bản hoàn hảo nhất. Theo giới phân tích, điều này đồng nghĩa với việc tân chính phủ Đức sẽ giảm thiểu được nhiều bất đồng nội bộ và có khả năng phản ứng nhanh hơn trước những vấn đề chính trị, kinh tế đang và sắp xảy ra. Dựa trên những kết quả sơ bộ, nhiều khả năng ông Friedrich Merz sẽ trở thành tân Thủ tướng Đức tiếp theo.
Tuy nhiên, phía SPD đã đáp lại lời kêu gọi trên một cách thận trọng và khẳng định rằng, việc thành lập chính phủ liên minh với phe bảo thủ không phải là điều chắc chắn.
"Liệu một Chính phủ có được thành lập hay không, hay liệu SPD có tham gia vào một chính phủ hay không, vẫn chưa chắc chắn. Đây là những quyết định sẽ được đưa ra trong những tuần và tháng tới".
Ông Lars Klingbeil - đồng Chủ tịch đảng SPD
Ông Merz có thành công trong việc thuyết phục SPD để thành lập liên minh hay không sẽ là chặng đường dài nhiều thách thức. Nhà lãnh đạo bảo thủ cho biết: "điều quan trọng nhất là tái lập một chính phủ khả thi ở Đức càng nhanh càng tốt". Và các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với quan điểm này.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử của phe bảo thủ đã làm dịu đi mối lo ngại về tình trạng bế tắc chính trị tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, điều này không thể xóa bỏ sự bất ổn xung quanh việc liệu một chính phủ mới có thể thực hiện các cải cách tài chính được coi là quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng hay không. Là quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất EU, những biến động chính trị ở Đức sẽ có tác động đến phần còn lại của châu Âu.
Sự củng cố xu hướng dịch chuyển sang cánh hữu ở châu Âu
Kết quả bầu cử vừa qua ở Đức đã phản ánh sự phát triển nhanh chóng của đảng cực hữu AfD, khi tỷ lệ phiếu của đảng này tăng từ 10,4% vào năm 2021 lên 20,8% trong cuộc bầu cử lần này. Dù chỉ mới thành lập được 12 năm, AfD đã trở thành thế lực chính trị mạnh thứ hai tại Đức. Đây là một bằng chứng nữa củng cố xu hướng dịch chuyển sang cánh hữu ở châu Âu.
Ra đời vào năm 2013 với tư cách là một đảng hoài nghi châu Âu và bài EU, AfD thu hút được nhiều người ủng hộ khi tuyên bố không muốn trả nợ cho Italy và Hy Lạp. AfD lần đầu tiên bước vào Quốc hội Đức cách đây 8 năm sau khi giành được sự ủng hộ vào năm 2015 nhờ các chiến dịch bạo lực phản đối việc tiếp nhận một triệu người tị nạn Syria theo lệnh của Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel.
Trong cuộc bầu cử lần này, AfD lần đầu tiên ra tranh cử với ứng cử viên thủ tướng là bà Alice Weidel, người ủng hộ trục xuất những người di cư bất hợp pháp và chặn việc xuất khẩu vũ khí sang Ukraine. Rõ ràng là, trong bối cảnh kinh tế trì trệ và người dân đã rơi vào hoang mang sau các vụ khủng bố mà nghi phạm là người nhập cư, thì quan điểm này của AfD đã giành được sự ủng hộ đông đảo.
Chúng ta đã đạt được một kết quả lịch sử. Chúng ta chưa bao giờ mạnh hơn trong chính quyền liên bang. Chúng ta đã trở thành lực lượng mạnh thứ hai với tư cách là đảng AfD. Và hiện tại chúng ta đã khẳng định vững chắc mình là một đảng của nhân dân".
Bà Alice Weidel - đồng Chủ tịch đảng AfD
AfD vẫn chưa tham gia bất cứ bộ máy chính quyền nào ở cấp bang hay liên bang bởi các đảng khác đã xây dựng xung quanh AfD, mà theo thuật ngữ chính trị của Đức gọi là “hàng rào lửa”, nhằm ngăn chặn sự lây lan của tư tưởng cực đoan của đảng này. Người đứng đầu liên minh CDU/CSU Friedrich Merz cũng nhiều lần bác bỏ ý tưởng liên minh với AfD.
Trong khi tỷ lệ ủng hộ mà đảng cánh hữu cực đoan AfD giành được có thể nói là ngoạn mục, thì lại có nhiều cử tri Đức lo ngại về xu hướng này.
Dù không có khả năng gia nhập chính phủ liên minh, nhưng đổi lại, với việc có được một tỷ lệ ủng hộ cao hơn, AfD chắc chắn sẽ gây áp lực đối với các đảng phái truyền thống cầm quyền, buộc những đảng này phải đề cập đến một số chủ đề do AfD đưa ra và nhất là những vấn đề về chống nhập cư đã được lãnh đạo đảng bảo thủ CDU đưa ra như một trọng tâm của chương trình nghị sự.
Tăng cường sức mạnh châu Âu và độc lập với Mỹ
Tự giới thiệu mình là một doanh nhân quyết đoán ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, người được trang bị tốt để thực hiện các thỏa thuận trực tiếp với Tổng thống Donald Trump, cựu doanh nhân Friedrich Merz đã buộc phải thay đổi lập trường của mình chỉ trong vòng vài giờ sau khi tổng thống Mỹ tung chiến thuật “đảo ngược” về cuộc xung đột tại Ukraine. Vì vậy, nếu trở thành Thủ tướng, mục tiêu tăng cường sức mạnh châu Âu và độc lập với Mỹ sẽ là thách thức không nhỏ đối với ông Merz.
Ông Merz là một người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương. Ông nói tiếng Anh lưu loát và đã dành nhiều thời gian ở Mỹ, do đó có rất nhiều bạn bè và nhiều mối quan hệ chính trị ở Washington. Nhưng đồng thời, ông cũng là một nhà lãnh đạo có ý tưởng về châu Âu và Liên minh châu Âu mạnh mẽ.
Trong bối cảnh sự đoàn kết của EU đang bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thách thức, ông Merz đã quyết định lựa chọn các giá trị của châu Âu và cả các giá trị về cách tiếp cận đối với Ukraine. Trong bài phát biểu sau chiến thắng, ông Merz khẳng định rằng, một châu Âu đoàn kết phải tự nâng cao khả năng phòng thủ của mình, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự thiếu quan tâm đến việc đảm bảo an ninh cho lục địa này trong tương lai.
"Về chính sách đối ngoại và an ninh. Đáp lại những tuyên bố được đưa ra tại Washington tuần trước, rõ ràng là chúng ta, những người châu Âu, hiện phải có khả năng hành động rất nhanh chóng và chúng ta cũng phải tổ chức năng lực phòng thủ của riêng mình rất nhanh chóng. Đây là vấn đề được ưu tiên tuyệt đối trong những tuần tới".
Ông Friedrich Merz - Lãnh đạo liên minh CDU/CSU
Dù tuyên bố sẽ tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, nhưng ông Merz cho biết vẫn sẵn sàng cho "kịch bản xấu nhất" trong bối cảnh các tín hiệu từ Mỹ cho thấy sự quan tâm của Washington đối với các vấn đề của châu Âu đang dần giảm đi.
"Tôi vẫn hy vọng rằng chúng ta có thể thuyết phục người Mỹ rằng việc tiếp tục duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tốt đẹp là vì lợi ích chung của chúng ta. Nhưng như thường lệ, cũng phải chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất. Nếu những người không chỉ lấy khẩu hiệu 'Nước Mỹ trên hết' mà còn gần như 'Nước Mỹ một mình' làm phương châm của họ, thì sẽ rất khó khăn. Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng chúng ta sẽ thành công trong việc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương".
Ông Friedrich Merz - Lãnh đạo liên minh CDU/CSU
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Merz đặt mục tiêu là tăng cường sức mạnh châu Âu và độc lập với Mỹ. Ông đề xuất giảm phụ thuộc chiếc ô hạt nhân Mỹ, tăng chi tiêu quốc phòng Đức từ 50 tỷ lên 80-90 tỷ euro/năm sau năm 2028. Bên cạnh đó, ông Merz cam kết nâng cao vai trò lãnh đạo của Đức trong EU và NATO, thúc đẩy tăng cường năng lực tự phòng vệ của EU trước các biến động toàn cầu. Đối với NATO, ông Merz cảnh báo rằng, sau Hội nghị Thượng đình của liên minh này vào tháng 6/2025, NATO sẽ “không còn tồn tại”. Theo ông, NATO cần phải cải tổ triệt để trong quan hệ với các thành viên, hoặc các nước châu Âu trong NATO, trong đó dẫn đầu là Đức và Pháp sẽ cùng với Anh lập ra "Quân đội châu Âu" phụ trách phòng thủ châu lục này.
Cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức đã khép lại, nhưng đây chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường rất dài để tiến tới một chính phủ ổn định ở quốc gia này. Sẽ có nhiều thách thức mà ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí Thủ tướng Đức, ông Friedrich Merz cần phải vượt qua để có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo mà nước Đức và châu Âu đang rất cần trong một thế giới đầy biến động.


Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Những biện pháp này không chỉ châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại, mà còn làm lung lay niềm tin vào hệ thống thương mại tự do mà Mỹ từng dẫn dắt.
Các cơ quan liên quan của Myanmar đã có buổi làm việc với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar về kết quả tìm kiếm cứu nạn và giai đoạn tiếp theo trong chiều tối muộn ngày 3/4, tại Thủ đô Naypyidaw.
Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.
Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.
Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.
Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.
0