Báo động khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu
Tìm giải pháp ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học
Để tìm kiếm giải pháp ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, các nhà lãnh đạo môi trường toàn cầu đã tập trung tại Cali, Colombia để tham dự Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16).
Kéo dài đến ngày 1/11 với chủ đề “Hòa bình với thiên nhiên”, hội nghị năm nay quy tụ khoảng 12.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia, bao gồm 140 bộ trưởng chính phủ và hàng chục nguyên thủ quốc gia tham dự, với nhiệm vụ cấp bách là đưa ra các cơ chế giám sát và thúc đẩy tài trợ để đảm bảo có thể đáp ứng được 23 mục tiêu của Liên hợp quốc.
Các đại biểu sẽ có rất nhiều việc phải làm khi chỉ còn 5 năm nữa để đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc vào năm 2030 về việc bảo vệ 30% diện tích đất và biển, và thế giới không còn nhiều thời gian để đảo ngược xu hướng suy thoái.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Susana Muhamad, Bộ trưởng Môi trường Colombia và là Chủ tịch COP16, cảnh báo hành tinh của chúng ta không còn nhiều thời gian nữa và sự thiếu hụt tài chính đang cản trở những nỗ lực cần thiết để bảo vệ đa dạng sinh học. Bà kêu gọi các nước cần tăng cường đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, trong bối cảnh khoảng 1 triệu loài trên toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Một trong những mục tiêu chính của hội nghị là thúc đẩy việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), được thông qua tại COP15 diễn ra ở Canada năm 2022.
Tại COP16, các đại biểu có trách nhiệm tìm ra giải pháp thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu GBF này, bao gồm việc huy động 200 tỷ USD mỗi năm cho công tác bảo tồn. Mặc dù Quỹ GBF được thành lập năm ngoái, nhiều đại biểu tại hội nghị đã bày tỏ lo ngại rằng quỹ này mới chỉ thu hút được hàng triệu USD. Tại phiên khai mạc, đại diện hàng đầu của Brazil, Andre Correa do Lago, đã bày tỏ quan ngại rằng sự thiếu hụt nguồn tài chính đóng góp cho Quỹ GBF đặt ra trở ngại đối với việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các quốc gia phát triển đã cam kết cung cấp 20 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển từ nay đến năm 2025, tăng từ mức 15,4 USD/năm trong năm 2022. Ông Correa do Lago nhấn mạnh rằng cần phải lấp đầy khoảng trống này mà không khiến các quốc gia đang phát triển rơi vào tình trạng nợ nần.
Trước đó một ngày, trong thông điệp bằng video được gửi đến hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng thế giới đang đi sai hướng trong việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2030. Ông kêu gọi các nước “biến lời nói thành hành động”, để sau hội nghị sẽ có những cam kết đầu tư mới đáng kể vào quỹ bảo tồn này.
Bà Laura Rico, Giám đốc chiến dịch tại Avaaz, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động toàn cầu, bày tỏ hy vọng COP16 sẽ là cơ hội để các quốc gia bắt tay vào hành động và tập trung vào các cơ chế thực hiện, giám sát và tuân thủ, sau đó được ứng dụng phát triển tại các quốc gia cũng như kế hoạch quốc gia của các nước.
Về giải pháp, các chuyên gia cho rằng người bản địa đang ở tuyến đầu trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu bởi họ là người đã chăm sóc đất đai, chữa lành đất đai thông qua hệ thống quản lý, hệ thống chăm sóc và lối sống.
Là nước chủ nhà của COP16, Colombia đã cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Bộ trưởng Môi trường Colombia, bà Susana Muhamad, nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự phát triển bền vững và khẳng định rằng bảo vệ đa dạng sinh học không hề mâu thuẫn với phát triển kinh tế.
"Thiên nhiên không phải là nguồn tài nguyên. Thiên nhiên là sợi dây của sự sống giúp chúng ta có thể tồn tại".
Bà Susana Muhamad, Bộ trưởng Môi trường Colombia
Với hội nghị lần này, Colombia - quốc gia có đa dạng sinh học đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, đặt mục tiêu sẽ đi đầu trong việc bảo vệ thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu.
Dù là côn trùng thụ phấn cho cây trồng, thực vật lọc nước ngọt, hay rừng cung cấp gỗ cho xây dựng, thiên nhiên và các sinh vật cung cấp miễn phí một lượng lớn tài nguyên và dịch vụ cho nền kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Thế giới ước tính sự sụp đổ của một số dịch vụ hệ sinh thái, như ngành thủy sản hoặc rừng bản địa, có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2030, tương đương khoảng 2,3% tổng sản lượng toàn cầu.
Quần thể động vật hoang dã ngày càng suy giảm
Báo cáo hai năm một lần Living Planet của Tổ chức Hoang dã thế giới (WWF) và Hiệp hội Động vật học London công bố trong tháng này chỉ ra rằng quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm trung bình 73% trong 50 năm. Báo cáo cho biết khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận mức giảm trung bình 95% về số lượng động vật hoang dã. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do hoạt động của con người như phá rừng, săn bắn, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Báo cáo của WWF thu thập dữ liệu từ 35.000 quần thể của hơn 5.000 loài động vật bao gồm động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá và được công bố ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP16
Theo báo cáo, chỉ số Living Planet của WWF - thước đo tình trạng đa dạng sinh học của thế giới dựa trên xu hướng quần thể các loài động vật có xương sống từ môi trường sống trên cạn, nước ngọt và biển – cho thấy sự suy giảm đa dạng sinh học đang ngày một gia tăng trên toàn cầu.
Cụ thể, chỉ số Living Planet chỉ ra rằng số lượng quần thể được theo dõi đã giảm tới 73% kể từ năm 1970 trên toàn cầu, chủ yếu là do tác động của con người. Nếu xét theo từng châu lục, mức suy giảm trung bình đạt 95% ở Mỹ Latin và Caribbean, tiếp theo là Châu Phi sau đó là Châu Á và Thái Bình Dương.
“Các khu vực chịu mất mát đa dạng sinh học lớn nhất là các khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao nhất, bởi các khu vực này có nhiều loài, với quần thể lớn hơn. Cũng có các khu vực mà sự suy giảm đa dạng sinh học tạo ra sức ép rất lớn, như châu Á và châu Đại dương suy giảm 60%, châu Phi giảm 76%, tập trung chủ yếu quanh lưu vực sông Congo. Tại Mỹ La - tinh và Caribe, sự suy giảm lên tới 95% trong các quần thể được phân tích”.
Chuyên gia Carlos Mauricio Herrera, Giám đốc bảo tồn của văn phòng WWF Tại Colombia
Sự suy giảm về quần thể ít hơn được ghi nhận ở Châu Âu, Trung Á và Bắc Mỹ. Nhìn chung, sự suy giảm lớn nhất được tìm thấy ở quần thể các loài nước ngọt, tiếp theo là động vật có xương sống trên cạn và dưới biển. Tiến sĩ Yann Laurans của WWF Pháp nhận định chúng ta đã làm cạn kiệt 40% sinh khối của các đại dương.
Báo cáo nhấn mạnh vào tính cấp thiết của việc giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan tới biến đổi khí hậu và sự tàn phá thiên nhiên, đồng thời cảnh báo về những “điểm giới hạn” đang gần kề một số hệ sinh thái nhất định.
Sự suy thoái và mất môi trường sống, chủ yếu do hệ thống thực phẩm của chúng ta gây ra, là mối đe dọa được báo cáo nhiều nhất ở mỗi khu vực, tiếp theo là tình trạng khai thác quá mức, các loài xâm lấn và bệnh tật,” báo cáo nhận định. Các mối đe dọa khác bao gồm biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở Mỹ Latin và Caribbean cùng với ô nhiễm, đáng chú ý ở Bắc Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương.
Trong một cuộc họp báo ngày 10/10, Tiến sĩ Kirsten Schuijt, Tổng giám đốc WWF Quốc tế thông báo một tin tốt rằng "chúng ta vẫn chưa vượt qua điểm không thể quay lại". Bà nhấn mạnh vào những nỗ lực toàn cầu bao gồm một hiệp ước mang tính đột phá nhằm bảo vệ 30% hành tinh khỏi ô nhiễm, suy thoái và biến đổi khí hậu vào năm 2030. Hiệp ước này đã được thông qua được tại cuộc họp năm 2022 của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học.
Ngoài ra, các nỗ lực bảo tồn tại một số khu vực cũng đang mang lại tín hiệu tích cực. Ví dụ, loài bò rừng Bison châu Âu đã biến mất khỏi tự nhiên vào năm 1927 nhưng đến năm 2020 lại ghi nhận số lương lên tới 6.800 cá thể nhờ vào hoạt động nhân giống trên diện rộng và tái du nhập thành công, chủ yếu ở các khu vực được bảo vệ.
Thực vật và động vật đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống của thiên nhiên, từ việc tuần hoàn chất dinh dưỡng trong hệ sinh thái đến việc làm thoáng khí đất và điều chỉnh dòng chảy của các con sông. Nếu không có động, thực vật, thế giới không thể là nơi cho con người sinh sống.
Tuy nhiên, theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN), hơn 1/4 số loài được biết đến trên thế giới, tương đương khoảng 45.300 loài, đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bao gồm cá heo vaquita ở Mexico, tê giác trắng phương Bắc ở châu Phi và sói đỏ ở Mỹ.
Diện tích san hô bị tẩy trắng lên mức kỷ lục
Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), hơn 40 quốc gia, với tổng dân số 3,2 tỷ người, phụ thuộc vào hải sản cho ít nhất 20% protein dinh dưỡng. Khoảng 38% nguồn cá đang bị khai thác quá mức, so với khoảng 10% vào giữa những năm 1970.
WWF cho biết việc đánh bắt quá mức cũng làm mất ổn định các hệ sinh thái san hô, nơi cung cấp chỗ trú ẩn, thức ăn và khu vực sinh sản cho 1/4 số loài sinh vật biển trên thế giới. Năm nay là lần thứ tư thế giới chứng kiến thảm họa tẩy trắng san hô hàng loạt. Hơn một nửa diện tích rạn san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ biển cao.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết sự kiện tẩy trắng san hô toàn cầu bắt đầu vào năm ngoái đã nhanh chóng trở thành sự kiện lớn nhất từng được ghi nhận, với diện tích rạn san hô bị ảnh hưởng tiếp tục gia tăng. Điều này có tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển của 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong thư trả lời báo giới ngày 18/10, chuyên gia Derek Manzello tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, từ đầu năm 2023 đến ngày 10/10 năm nay, khoảng 77% diện tích rạn san hô trên thế giới đã phải chịu áp lực nhiệt độ ở mức tẩy trắng. Ông Manzello cho biết sự kiện tẩy trắng này - là lần thứ tư kể từ năm 1998 - đã vượt qua kỷ lục trước đó là 65,7% diện tích san hô chỉ trong một nửa thời gian, và "vẫn đang tăng về quy mô".
"Sự kiện san hô tẩy trắng này vẫn đang gia tăng về phạm vi không gian. Điều này có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với phản ứng cuối cùng của các rạn san hô đối trước các sự kiện tẩy trắng san hô này".
Chuyên gia Derek Manzello, Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA)
San hô là loài động vật biển không xương sống, tồn tại dưới dạng các thể polyp nhỏ giống hải quỳ. San hô có mối quan hệ cộng sinh với tảo, theo đó tảo có được nơi trú ẩn từ san hô, trong khi san hô chiếm lấy một phần năng lượng mà tảo khai thác từ ánh nắng Mặt Trời thông qua quá trình quang hợp. Khi nhiệt độ đại dương quá cao, chẳng hạn như trong các đợt nắng nóng tấn công các khu vực từ Florida (Mỹ) đến Australia trong năm qua, san hô sẽ đẩy tảo ra ngoài và chuyển sang màu trắng, một hiện tượng được gọi là "tẩy trắng" khiến chúng dễ mắc bệnh và có nguy cơ chết dần.
Kỷ lục gần đây nhất được thiết lập trong sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ ba, kéo dài từ năm 2014 đến năm 2017, và sau các sự kiện trước đó vào năm 1998 và 2010.
NOAA giám sát áp lực nhiệt độ đại dương dựa trên các phép đo vệ tinh từ năm 1985 đến nay. Ông Manzello cho biết, kể từ tháng 2/2023, cơ quan này đã xác nhận các báo cáo về tình trạng san hô bị tẩy trắng hàng loạt từ 74 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm ở bán cầu Bắc và Nam của Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), khoảng 850 triệu người trên thế giới dựa vào các rạn san hô để có thực phẩm, việc làm và bảo vệ bờ biển khỏi bão và xói mòn. Các hệ sinh thái này cung cấp nơi trú ẩn cho sinh vật biển, với hơn 25% số loài sinh vật biển coi chúng là nhà.
Đa dạng sinh học có vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, cân bằng hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, bảo tồn đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững. Đa dạng sinh học là sự phong phú về nguồn gen, về giống, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Việc bảo vệ đa dạng sinh học là việc làm cấp thiết mà mỗi vùng quốc gia lãnh thổ nên có những biện pháp để phát triển. Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cũng là điều kiện cần và đủ để việc nâng cao quản lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học được phát triển tốt nhất.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.
Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.
Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.
Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
0