Vị thế Tesla suy giảm khi Elon Musk bị phân tâm

Tesla đang phải đối mặt đồng thời với doanh số sụt giảm, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và những lo ngại về sự thiếu tập trung của CEO Elon Musk.

Tesla đã vươn lên từ một nhà sản xuất non trẻ trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong năm nay, doanh số của Tesla đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Nguyên nhân được cho là đến từ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường toàn cầu, những rắc rối liên quan đến các vấn đề chính trị của ông Elon Musk và đặc biệt là chính sách cắt giảm trợ cấp cho ngành công nghiệp xe điện do Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy, điều có thể khiến Tesla mất đi hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính.

Doanh thu từ trợ cấp của chính phủ Mỹ để khuyến khích sản xuất xe điện chiếm ít nhất 38% trong tổng lợi nhuận 7,1 tỷ USD của Tesla vào năm 2024. Trong khi đó, Báo cáo Tài chính quý đầu tiên của năm nay cho thấy, Tesla thu được 595 triệu USD từ các khoản tín dụng theo quy định, cao hơn gần 50% so với lợi nhuận ròng 409 triệu USD. Điều này cho thấy nếu không có khoản trợ cấp đó, Tesla sẽ hoạt động thua lỗ. Tổng doanh thu của Tesla năm 2024 là 98 tỷ USD, trong đó doanh số bán ô tô chiếm 72 tỷ USD.

Tesla đang được hưởng lợi từ khoản ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD cho mỗi chiếc xe điện được bán ra. Với hơn 630.000 xe mà hãng này đã bán tại Mỹ vào năm ngoái, thì tổng số tiền hỗ trợ mà người mua nhận được có thể lên đến 4,7 tỷ USD.

Một số tiểu bang tại Mỹ, dẫn đầu là California, sử dụng chúng để thực thi "lệnh bắt buộc sử dụng xe không phát thải". Theo đó các nhà sản xuất được yêu cầu sản xuất một tỷ lệ xe điện nhất định như một phần tổng sản lượng của họ.

Vì Tesla chỉ sản xuất xe điện nên công ty được cấp hỗ trợ và hưởng lợi nhuận từ việc bán chúng cho các nhà sản xuất xe chạy bằng xăng và dầu diesel, những đơn vị cần chúng để đáp ứng bất kỳ sự thiếu hụt nào so với mục tiêu của tiểu bang.  Khoảng một chục tiểu bang của Mỹ và nhiều chính phủ châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, đang triển khai các chương trình tương tự.

Tuy nhiên, vào tháng 6, Tổng thống Trump đã ký các sắc lệnh tước bỏ quyền đặt ra các mục tiêu bắt buộc của California - một động thái gây nguy hiểm cho các chương trình tương tự ở các tiểu bang khác. Việc cắt giảm trợ cấp là một trong nhiều thách thức mà Tesla và tỷ phú Elon Musk phải đối mặt để thống trị thị trường mà chính họ đã góp phần tạo ra. 

Khoản trợ cấp 7.500 USD mà khách hàng nhận được khi mua một chiếc ô tô điện sẽ không thuộc về Tesla. Nhưng việc loại bỏ khoản trợ cấp này đồng nghĩa với việc giá trị xe Tesla sẽ ngay lập tức tăng thêm 7.500 USD, điều này sẽ có tác động đáng kể đến nhu cầu đối với xe điện".

Ông Gordon Johnson, một nhà phân tích đầu tư.

Cũng theo ông Johson, những thay đổi mà Tổng thống Trump đề xuất có tác động tiêu cực đến nền tảng cơ bản của Tesla. Nếu tất cả các chương trình trợ cấp của chính phủ bị xóa bỏ, Tesla sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, đốt tiền và cổ phiếu sẽ lao dốc.

Bên cạnh đó, Tesla cũng có một mảng kinh doanh năng lượng đang phát triển mạnh mẽ, chuyên bán điện mặt trời cho hộ gia đình và thương mại, có thể bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm khoản tín dụng thuế lên tới 60% chi phí của một hệ thống. Mảng năng lượng của Tesla đã tạo ra doanh thu 10 tỷ USD vào năm ngoái.

Tesla đối mặt với cạnh tranh gay gắt trên thị trường

Cách đây 18 năm, khi chiếc Tesla Roadster đầu tiên ra mắt, những khách hàng yêu thích phương tiện xanh tỏ ra vui mừng, còn các nhà sản xuất ô tô lâu đời của Mỹ lại tỏ ra hoài nghi. Việc ông Musk quảng cáo xe điện chạy bằng pin không chỉ tốt mà còn đáng mơ ước và đáng tin cậy đã mang lại hiệu quả ngoạn mục, phần lớn là nhờ sự nổi tiếng và hồ sơ cá nhân của ông trên mạng xã hội.  Động lực của ông đã giúp công ty vượt qua những thách thức kỹ thuật to lớn để tạo nên một đế chế xe điện bắt đầu từ con số không. Tuy nhiên hiện nay công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Kể từ năm 2024, ông Elon Musk đầu tư vào Tesla và thăng tiến trở thành CEO của hãng xe này. Từ chiếc xe điện đầu tiên trên thế giới, hãng Tesla của ông đã nhanh chóng khai thác những lợi thế của việc đặt sản xuất tại Trung Quốc - nơi toàn bộ ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới điện khí hóa. 

Sự tăng trưởng của Tesla được hỗ trợ bởi các chính phủ trên khắp thế giới cung cấp trợ cấp và giảm thuế cho người tiêu dùng và các công ty để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phương tiện vận tải ít carbon. Đến đầu những năm 2020, công ty đã trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, chiếm 3/4 tổng số xe được bán tại Mỹ. 

Cổ phiếu Tesla cũng được coi là một trong những cổ phiếu công nghệ quan trọng nhất thế giới, biến động của nó có thể được kích hoạt bởi những bài đăng trên mạng xã hội của giám đốc điều hành cũng như các bản cập nhật về sản xuất. Vào tháng 12/2024, giá trị thị trường của Tesla đạt đỉnh ở mức hơn 1,5 nghìn tỷ USD, đưa công ty này trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, nhưng thành công không thể chối cãi của công ty đã thúc đẩy các đối thủ bắt đầu cắt giảm thị phần của công ty.  

Trong khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống của châu Âu và Mỹ đã tràn ngập phân khúc xe điện cao cấp của Tesla với sự cạnh tranh gay gắt, thì các loại xe điện Trung Quốc rẻ hơn đáng kể đã vượt qua tất cả các hãng này trong những năm gần đây. Theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, năm ngoái, hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã vượt qua Tesla về thị phần xe chạy hoàn toàn bằng điện trên toàn cầu. Trung Quốc cũng là thị trường quan trọng của Tesla, chiếm hơn một nửa doanh số bán ô tô ngoài Mỹ, nhưng thị phần này hiện đang giảm. 

Những lời kêu gọi tẩy chay ông Musk xuất phát từ sự ủng hộ trước đây của ông dành cho ông Trump cũng khiến doanh số sụt giảm ở các thị trường khác. Doanh số bán hàng trong bốn tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước giảm 58% tại Đức, 44% tại Pháp và 62% tại Australia. 

Định giá của Tesla lao dốc không phanh trong vài tháng đầu năm 2025 sau khi ông Musk gia nhập chính quyền Trump. Đến giữa tháng 3, giá trị thị trường của công ty đã giảm gần một nửa. Mặc dù cổ phiếu đã tăng nhẹ kể từ khi ông Musk lần đầu tiên đề cập đến việc rời khỏi chính phủ, nhưng giá cổ phiếu hiện chỉ bằng 2/3 mức đỉnh điểm vào tháng 12. Các nhà đầu tư khác lạc quan hơn nhiều, cho rằng giá trị của Tesla không chỉ nên được đánh giá dựa trên doanh số và năng suất mà còn dựa trên giá trị tài năng đổi mới của ông Musk, đặc biệt là tiềm năng của AI và công nghệ tự lái mà ông Musk coi là ranh giới tiếp theo cho ngành công nghiệp ô tô.  Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi nghiêm túc về việc liệu ông Musk có phải là người phù hợp để giám sát quá trình chuyển đổi đầy thách thức này hay không.

Ví dụ, dịch vụ taxi robot cuối cùng đã ra mắt vào tháng trước tại Austin, Texas, nhưng với số lượng rất hạn chế và chỉ dành cho khách mời chứ không phải công chúng. Con số này còn kém xa so với Waymo, công ty duy nhất tại Mỹ cung cấp dịch vụ taxi robot có hành khách trả phí. Waymo có hơn 1.500 xe, thực hiện hơn 250.000 chuyến đi mỗi tuần tại San Francisco và Los Angeles, Phoenix và Austin.

Cổ đông Tesla muốn có một CEO toàn thời gian

Vào tháng 1, tỷ phú Elon Musk mô tả năm 2025 là "có lẽ là năm quan trọng nhất" trong lịch sử của Tesla, với mục tiêu đầy tham vọng là ra mắt dịch vụ robotaxi và robot hình người, những dự án đã được hứa hẹn từ lâu. Tuy nhiên, khi các thách thức tại Tesla ngày càng gia tăng, ông Musk lại dành nhiều sự chú ý cho vai trò chính trị cũng như theo đuổi các dự án bên ngoài Tesla như thành lập một đảng chính trị thứ ba và huy động vốn cho công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo AI. Những hoạt động này khiến nhiều cổ đông cảm thấy lo ngại, khi họ mong muốn một CEO toàn tâm toàn ý cho Tesla trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay.

Tesla - nhà sản xuất ô tô có giá trị nhất hành tinh, sử dụng 125.000 nhân viên trên toàn thế giới hiện đang thiếu một thứ mà mọi công ty lớn khác đều có: đó là một ông chủ toàn thời gian tập trung vào tương lai của công ty. Thay vào đó, công ty có một giám đốc điều hành gây chia rẽ đến mức làm giảm doanh số và có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút nhân tài. 

Ông Ross Gerber, CEO của công ty Gerber Kawasaki và là một trong những nhà đầu tư ban đầu vào Tesla cho biết: "Việc một trong những công ty lớn nhất thế giới không có một CEO toàn thời gian là điều chưa từng có".

Một công ty đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng cần một CEO có khả năng tập trung cao độ. Những vấn đề ngày càng gia tăng thậm chí còn khiến một số người vốn lạc quan về Tesla như nhà phân tích thị trường đồng thời là Giám đốc điều hành công ty Wedbush Securities, ông Dan Ives giờ đây cũng tin rằng cần phải có nhiều hạn chế hơn đối với ông Musk. 

Tesla cần ông Musk. Ông Musk là tài sản lớn nhất của họ. Nhưng họ cần một ông Musk tận tụy với Tesla. Họ cần một CEO dẫn dắt Tesla và đó chính là nơi ông Musk thuộc về".
Ông Dan Ives - Giám đốc điều hành Wedbush Securities.

Ông Dan Ives cho biết, hội đồng quản trị nên áp dụng các quy định về thời gian ông Musk phải dành cho Tesla và thành lập một ủy ban giám sát các hoạt động chính trị của ông.

Nhưng không chỉ các nhà phân tích kêu gọi ông Musk phải có mặt tại nơi làm việc. Một số cổ đông của Tesla đã phàn nàn rằng những nỗ lực bên ngoài dường như đã khiến ông ấy mất thời gian và sự chú ý vào việc quản lý hoạt động của Tesla, điều mà bất kỳ giám đốc điều hành nào khác của một công ty đại chúng cũng phải làm và cuộc khủng hoảng hiện tại tại Tesla đã làm nổi bật những vấn đề lâu dài của công ty bắt nguồn từ sự vắng mặt của vị CEO này.

Tesla xâm nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới 

Mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt nhưng Tesla vẫn đang nỗ lực mở rộng hoạt động trên toàn cầu. Mới đây nhất, Tesla đã chính thức bước vào thị trường Ấn Độ với việc khai trương phòng trưng bày đầu tiên tại Mumbai, trung tâm tài chính của quốc gia đông dân nhất thế giới. Đồng thời, hãng cũng ra mắt mẫu xe Model Y với giá niêm yết khoảng 71.000 USD, mức giá cao nhất trong số các thị trường lớn của Tesla. Việc mở rộng hoạt động sang Ấn Độ được xem là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy doanh số và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh.

Mẫu xe Model Y ra mắt tại Ấn Độ với mức giá gây chú ý là 71.000 USD, cao hơn nhiều so với giá khởi điểm khoảng 54.000 USD tại Mỹ, 37.000 USD tại Trung Quốc và 54.000 USD tại Đức.

Tại Ấn Độ, thuế nhập khẩu ô tô cao được cho là nguyên nhân khiến giá xe tăng mạnh, một rào cản mà Tesla và chính ông Musk từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích.

Với kế hoạch bắt đầu giao xe từ Quý III, Tesla đang nhắm đến phân khúc cao cấp trong thị trường xe điện của Ấn Độ - nơi xe điện hiện chỉ chiếm khoảng 4% tổng doanh số bán ô tô. Công ty cũng đang vận động chính phủ Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại song phương giữa Washington và New Delhi vẫn đang diễn ra. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Ấn Độ đã đề nghị xóa bỏ một số thuế quan để tránh đối mặt với biện pháp trả đũa, nhưng phía Ấn Độ khẳng định chưa có thỏa thuận sơ bộ nào được ký kết.

Ấn Độ là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Sự vắng mặt tại Ấn Độ là một thiếu sót với doanh số của Tesla. Các giám đốc điều hành Tesla đã bày tỏ mong muốn xây dựng một nhà máy ở Ấn Độ, nhưng hiện tại các nhà máy hiện có của công ty tại Mỹ, Trung Quốc và Đức đã có công suất vượt quá nhu cầu. Kế hoạch xây dựng một nhà máy khác ở Mexico hiện đang bị trì hoãn.

Tesla đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng khi phải đối mặt đồng thời với doanh số sụt giảm, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và những lo ngại về sự thiếu tập trung của CEO Elon Musk. Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng, nếu không có sự điều hành ổn định và cam kết rõ ràng từ ban lãnh đạo, Tesla có thể đánh mất vị thế dẫn đầu trong ngành xe điện toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời