Vị thế của ông Zelensky sau màn 'đấu khẩu' với ông Trump
Quan chức Mỹ kêu gọi ông Zelensky từ chức
Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cuộc tranh cãi nảy lửa với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 28/2, đảng Cộng hòa Mỹ đã gợi ý rằng, ông Zelensky có thể phải từ chức sau khi Tổng thống Donald Trump đột ngột quay lưng lại với ông trong cuộc họp gây tranh cãi tại Phòng Bầu dục.
Cuộc khẩu chiến công khai chưa từng có tại Phòng Bầu dục đã khiến ông Zelensky rời Nhà Trắng mà không ký được hiệp ước sơ bộ về việc chia sẻ quyền khai thác khoáng sản của Ukraine như dự kiến.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz nhấn mạnh mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump là một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Moscow và Kiev, trong đó Ukraine có thể phải nhượng bộ một phần lãnh thổ để đổi lấy đảm bảo an ninh do châu Âu dẫn đầu.

Khi CNN đặt câu hỏi, liệu ông Trump có muốn ông Zelensky từ chức hay không, ông Waltz trả lời: "Chúng ta cần một nhà lãnh đạo có thể làm việc với Mỹ, với Nga, nhằm mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột này".
"Và nếu rõ ràng là động cơ cá nhân hoặc động cơ chính trị của Tổng thống Zelensky khác với việc chấm dứt chiến tranh ở đất nước này, thì tôi nghĩ chúng ta có vấn đề thực sự".
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cũng đặt câu hỏi, liệu Zelensky có phù hợp với công việc này không: "Hoặc là ông ấy cần phải tỉnh táo và quay lại bàn đàm phán để bày tỏ lòng biết ơn, hoặc một người khác cần phải lãnh đạo đất nước".
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham từ Nam Carolina, một đồng minh hàng đầu của Tổng thống Trump và cũng là người ủng hộ Ukraine, đặt câu hỏi liệu Mỹ còn có thể hợp tác với ông Zelensky sau sự việc tại Nhà Trắng hay không?
Trước những lời kêu gọi từ giới chức Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ không dễ dàng để thay thế người lãnh đạo Ukraine.
"Nếu muốn thay thế tôi, xét đến tình hình hiện tại và sự ủng hộ dành cho tôi, việc này sẽ không hề đơn giản. Chỉ cần tổ chức một cuộc bầu cử thôi là chưa đủ, họ còn phải ngăn tôi tranh cử. Điều này sẽ khó khăn hơn".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, ông Zelensky một lần nữa nhấn mạnh, nếu Ukraine được gia nhập NATO, ông sẽ coi như bản thân đã hoàn thành sứ mệnh.
Tương tự, nhiều quan chức Mỹ, đặc biệt là những người ủng hộ đảng Dân chủ cũng phản đối những phát ngôn gợi ý ông Zelensky từ chức, không chấp nhận lập trường của chính quyền ông Trump đối với vấn đề tại Ukraine.
Trong đó, Thượng Nghị sĩ độc lập Bernie Sanders, người có quan điểm ủng hộ đảng Dân chủ, chỉ trích mạnh mẽ ý tưởng yêu cầu ông Zelensky từ chức: "Ông Zelensky đang lãnh đạo đất nước, bảo vệ nền dân chủ của đất nước".
Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy cho rằng, chính quyền ông Trump đang xích lại gần Nga hơn là các đồng minh phương Tây, coi đây là thảm họa đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin ABC News hôm 2/3, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định, Mỹ sẵn sàng quay trở lại nếu Ukraine sẵn sàng thiết lập hòa bình.
Ông Rubio cũng cho rằng, đàm phán với Moscow là điều cần thiết: "Bạn không thể đưa họ đến bàn đàm phán nếu cứ liên tục gọi họ bằng những ngôn từ xúc phạm và khiêu khích".
Tháng trước, ông Zelensky đã ám chỉ rằng, ông sẽ sẵn sàng từ chức nếu điều đó đảm bảo một thỏa thuận hòa bình hoặc đảm bảo cho việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng giọng điệu của ông đã thay đổi sau cuộc đấu khẩu với Trump.
Nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông Volodymyr Zelensky đã kết thúc vào tháng 5/2024, song ông đã từ chối tổ chức các cuộc bầu cử mới với lý do Ukraine đang trong tình trạng thiết quân luật.
Ai có thể thay thế ông Zelensky?
Ông Zelensky vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ trong nội bộ Ukraine. Verkhovna Rada (tức Quốc hội) của Ukraine đã thông qua một nghị quyết vào ngày 25/2, khẳng định vị trí tổng thống của ông Zelensky là hợp pháp và yêu cầu không được tổ chức bầu cử trong thời gian thiết quân luật.
Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết trên sau khi ông Trump khăng khăng rằng, nước này nên tổ chức bầu cử vì ông tin rằng, ông Zelensky có tỷ lệ ủng hộ chỉ 4%. Tuy nhiên, đã có một số cuộc thảo luận về các ứng cử viên tiềm năng thay thế cho ông Zelensky. Đứng đầu danh sách này là đại sứ hiện tại của Ukraine tại Vương quốc Anh, Valery Zaluzhny. Trước khi đảm nhiệm vai trò trong ngành ngoại giao, ông Zaluzhny từng là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine từ năm 2021 đến năm 2024, có nghĩa là ông đã giám sát phần lớn hoạt động phòng thủ của Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Vào tháng 11/2024, hãng thông tấn Ukraine Dzerkalo Tyzhniain đã ca ngợi Zaluzhny là người lãnh đạo linh hoạt để thay thế ông Zelensky, thậm chí còn vượt qua đương kim Tổng thống Ukraine trong cuộc thăm dò với 27% sự ủng hộ so với 16% của ông Zelensky.
Cuộc thăm dò nội bộ do The Economist thu thập cho thấy, mặc dù ông Zelensky vẫn là chính trị gia được ủng hộ tại Ukraine, ông vẫn sẽ thua ông Zaluzhny trong cuộc bầu cử sắp tới với tỷ lệ 30% so với 65%.
Ông Zelensky đã sa thải ông Zaluzhny khỏi đội ngũ quân sự của mình vào năm 2024 và điều chuyển ông này trong một động thái gây nhiều tranh cãi. Một số người coi đây là đỉnh điểm của những căng thẳng âm ỉ từ lâu do bất đồng quan điểm về chiến lược quân sự và thách thức trong việc huy động quân.
Một ứng cử viên nổi bật khác là Thị trưởng thành phố Kiev Vitali Klitschko, người cũng đã có mâu thuẫn với ông Zelensky trong suốt cuộc chiến. Klitschko, một cựu võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, nhậm chức vào năm 2014 sau hai nhiệm kỳ làm phó hội đồng thành phố Kiev.
Năm 2023, Klitschko đã gây chú ý khi cáo buộc ông Zelensky không trung thực về tình hình chiến sự, mà ông cho rằng không phải là "bế tắc" như báo chí mô tả. Ông cáo buộc ông Zelensky nói dối trong khi khen ngợi ông Zaluzhny vì đã nói "sự thật".

Một nhân vật nổi bật khác được đưa ra làm ứng cử viên thay thế tiềm năng là Chủ tịch Verkhovna Rada Ruslan Stefanchuk, người là đồng minh chủ chốt của ông Zelensky trong suốt cuộc xung đột.
Tuy nhiên, ông Stefanchuk đã được ca ngợi ngay từ đầu cuộc chiến là chính trị gia có vị thế tốt nhất để thay thế ông Zelensky nếu tổng thống bị ám sát. Được bầu làm chủ tịch vào năm 2021, ông có xuất thân là học giả pháp lý và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp lý Quốc gia Ukraine.
Ông Stefanchuk gần đây nhất đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đề xuất của ông Trump về việc Ukraine nên tổ chức bầu cử thời chiến. Ông Stefanchuk nói rằng, đất nước của ông cần "đạn dược, không phải lá phiếu".
Ông cũng đã có bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu vào tháng trước, trong đó ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) không chỉ tiếp tục mà còn tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống phòng thủ và máy bay chiến đấu. Ông cảnh báo: "Mối nguy hiểm đang đến gần hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ".

Ukraine có thể phải đối mặt với áp lực tổ chức bầu cử như một điều kiện để nhận viện trợ quân sự từ Washington. Tuy nhiên, ông Zelensky đã chỉ ra rằng, ông sẽ không cân nhắc việc từ chức vào thời điểm này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News chỉ vài giờ sau cuộc tranh cãi với ông Trump, ông Zelensky nói: "Không. Quyết định này chỉ có thể được đưa ra bởi người dân Ukraine. Người Mỹ bỏ phiếu cho tổng thống của họ và chỉ có người Ukraine bỏ phiếu cho người Ukraine."
Theo hãng tin RT, hôm 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, mức độ tín nhiệm của ông Zelensky thấp hơn nhiều so với đối thủ tiềm năng là tướng Valery Zaluzhny, cựu chỉ huy lực lượng vũ trang Ukraine. Cũng theo ông Putin, nếu các nhân vật chính trị khác ủng hộ ông Zaluzhny, cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Zelensky sẽ "hoàn toàn bằng 0".
Lâu nay, Tổng thống Putin đã nhiều lần khẳng định không còn coi ông Zelensky là tổng thống hợp pháp của Ukraine. Và gần đây, Tổng thống Mỹ Trump cũng đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông Zelensky, khi cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine làm bùng nổ xung đột với Nga, cũng như sử dụng sai các khoản viện trợ tài chính của Mỹ.
Ông Zelensky nhận được sự ủng hộ trong nước
Kết quả thăm dò dư luận của Gradus Research cho thấy, tỷ lệ ủng hộ với Tổng thống Ukraine đã tăng 28% sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ. Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ ông Zelensky hiện ở mức 49%. Cuộc thăm dò được Gradus tiến hành vào ngày 1/3 với 1.000 tham gia trả lời câu hỏi.
Cũng theo Gradus, sau những tuyên bố của ông Trump, tỷ lệ người trưởng thành có ý định bỏ phiếu cho Tổng thống Zelensky đã tăng từ 17% lên 23%. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tin Ukraine đang đi đúng hướng cũng tăng mạnh từ 36% lên mức 44% như hiện nay.
Trên đường phố Thủ đô Kiev, hầu hết người dân đều tán thành quan điểm của ông Zelensky trong cuộc tranh luận với ông Trump và bày tỏ ủng hộ với nhà lãnh đạo Ukraine.
Biểu tình tại Mỹ ủng hộ Tổng thống Zelensky
Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền ông Trump nổ ra trên khắp nước Mỹ cuối tuần trước, sau cuộc tranh cãi chưa từng có tại Phòng Bầu dục, trong đó ông Donald Trump và ông J.D Vance đã làm gia tăng căng thẳng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Hàng trăm người biểu tình đã tụ tập tại Waitsfield, Vermont, để phản đối chuyến thăm của Phó Tổng thống J.D Vance đến tiểu bang này trong kỳ nghỉ cùng gia đình.

Cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch vào đầu tuần nhưng những người biểu tình cho biết, họ có động lực tham gia sau khi xem cuộc tranh cãi đầy căng thẳng của lãnh đạo Mỹ tại Nhà Trắng với ông Zelensky vào ngày 28/2.
Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở các thành phố và thị trấn khác trên khắp nước Mỹ, bao gồm New York, Los Angeles và Boston.
Mỹ dừng viện trợ cho Ukraine
Ngày 3/3, Nhà Trắng xác nhận Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine và xem xét lại để "đảm bảo viện trợ của Washington góp phần vào giải pháp hòa bình".
Theo CNN, một nhà phân tích quân sự cho biết, lệnh tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine của Tổng thống Donald Trump có thể tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh với Nga trong tương lai của Ukraine và tác động này sẽ kéo dài "nhiều năm".
Quyết định tạm dừng viện trợ được đưa ra chỉ một ngày sau khi một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ viện trợ quân sự cho Ukraine do chính quyền tiền nhiệm công bố vẫn được thực hiện. Các lô hàng này bao gồm vũ khí chống tăng, hàng nghìn quả đạn pháo và tên lửa. Số vũ khí này được chuẩn bị để chuyển đi trong vòng vài tuần tới, nhưng quyết định của chính quyền ông Trump đã làm thay đổi kế hoạch dự kiến.
Châu Âu xoa dịu căng thẳng giữa ông Trump và ông Zelensky
Các nước châu Âu đang chạy đua với thời gian nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky.
Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine tại London (Anh), Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí thiết lập kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Điều này có thể làm cơ sở để thuyết phục Mỹ đưa ra các đảm bảo an ninh cho Kiev.
Thủ tướng Anh kêu gọi các đối tác tham gia một liên minh tự nguyện để cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine, bước đi mà Thủ tướng Starmer nhấn mạnh cần có sự ủng hộ từ Mỹ để thành công, như ông đã đề cập trước đó với Tổng thống Trump.

Thủ tướng Anh Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố sẵn sàng triển khai quân đội tới Ukraine để giúp gìn giữ hòa bình nếu một thỏa thuận được ký kết nhằm chấm dứt xung đột.
Thủ tướng Vương quốc Anh Keir Starmer cho biết, đã cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhất trí xây dựng một kế hoạch nhằm chấm dứt giao tranh, sau đó trao đổi với Mỹ.
Dù khẳng định châu Âu phải gánh vác trọng trách nặng nề, nhưng Thủ tướng Anh cho rằng, điều này vẫn cần có sự hỗ trợ của Mỹ. Ông Starmer bác bỏ ý tưởng về việc Washington không phải là một đồng minh đáng tin cậy của châu Âu. Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hy vọng phía Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine bởi điều này quan trọng cho an ninh của Kiev nói riêng và châu Âu nói chung.


Từ ngày 28 đến 30/3, lễ hội ẩm thực Pháp tại Việt Nam sẽ được tổ chức tại Công viên Thống nhất trở lại Thủ đô Hà Nội. Điểm đặc sắc của năm nay là lần đầu tiên có thêm sự tham gia của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF; Cơ quan Đại học Pháp ngữ AUF; nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và Tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF).
Tiêm kích SU-35 của Nga đã áp sát và gây nguy hiểm cho UAV MQ-9 Reaper của Pháp vào ngày 2/3, trên không phận quốc tế phía Đông Địa Trung Hải.
Ít nhất 8 người đã bị thương sau vụ thả nhầm 8 quả bom xuống khu vực dân sự, do một máy bay phản lực của Không quân Hàn Quốc gây ra.
Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Lá chắn Tự do", diễn ra vào ngày 10/3.
Lực lượng Nga thuộc cánh quân phía Nam đã sử dụng hệ thống pháo phản lực, phóng loạt (MLRS) BM-21 Grad để tấn công một điểm tập kết tạm thời của quân đội Ukraine tại Kherson.
Các lực lượng vũ trang của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được nhận định là chưa đủ khả năng đối phó với cuộc chiến tranh UAV ngày càng phức tạp.
0