Vì sao dông lốc liên tiếp giật sập hàng trăm ngôi nhà ở miền Tây?

Dông lốc bất ngờ kéo sập và làm tốc mái hàng trăm nhà dân tại Đồng Tháp vào sáng 23/7. Trước đó đã xảy ra hàng loạt vụ việc tương tự tại An Giang, Cần Thơ. Chuyện gì đang xảy ra tại các tỉnh miền Tây?

Rạng sáng 23/7, một trận mưa lớn kèm dông lốc mạnh bất ngờ quét qua nhiều xã phường của tỉnh Đồng Tháp khiến hàng trăm căn nhà bị sập và tốc mái, 17 người bị thương. Trước đó, hiện tượng này cũng đã diễn ra tại Đồng Tháp và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ như An Giang và Cần Thơ.

Gần 300 căn nhà tại Đồng Tháp bị thiệt hại

Theo thông tin ban đầu từ chính quyền địa phương, vào khoảng 4 giờ ngày 23/7, một cơn mưa kèm theo gió lốc giật mạnh đã làm 105 căn nhà của các hộ dân ở thuộc các Khóm: 12, 14, 15, 16, phường Mỹ Ngãi bị thiệt hại, trong đó sập hoàn toàn 13 căn, tốc mái 92 căn, 9 người bị thương được đưa đi điều trị kịp thời.

Trong khi đó tại xã Ba Sao, dông lốc cũng đã làm tốc mái 5 căn ki-ốt của các hộ tiểu thương khu vực chợ Phương Trà, dọc tỉnh lộ 846, trong đó có căn bị sập hoàn toàn phần mái và vách tôn bị gió cuốn bay xa. Tính đến 11h30 cùng ngày, toàn xã này ghi nhận 162 căn nhà bị thiệt hại, trong đó có 31 căn sập hoàn toàn, 128 căn bị tốc mái.

Đài PTTH Hà Nội
Hiện trường 1 căn nhà ở xã Ba Sao bị sập toàn bộ do dông lốc. Ảnh: Báo Đồng Tháp.

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp về tình hình thiệt hại do mưa và dông lốc từ 16 giờ ngày 22/7 đến 10 giờ 30 phút ngày 23/7 đã có gần 300 căn nhà bị sập. Mưa lớn kèm theo dông lốc đã xảy ra trên địa bàn các xã: Thanh Mỹ, Đốc Binh Kiều, Tân Phú, Ba Sao, Tháp Mười và phường Mỹ Ngãi. Đã có 44 căn nhà bị sập hoàn toàn (trong đó xã Ba Sao 30 căn, xã Tháp Mười 1 căn và phường Mỹ Ngãi 13 căn); 243 căn bị tốc mái (trong đó xã Thanh Mỹ 9 căn; xã Đốc Binh Kiều 12 căn; xã Tân Phú 1 căn; xã Ba Sao 124 căn; xã Tháp Mười 2 căn và phường Mỹ Ngãi 95 căn); làm 17 người bị thương (xã Ba Sao 8 người, phường Mỹ Ngãi 9 người).

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường Mỹ Ngãi (Đồng Tháp), cho biết: "Trước mắt, chúng tôi tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, giúp người dân sửa chữa nhà cửa để ổn định cuộc sống. Sau đó, phường sẽ tiếp tục rà soát, thống kê để tìm nguồn hỗ trợ thêm cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng".

Trước đó, hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra trong những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong hai ngày 20 và 21/7, mưa lớn kèm theo dông lốc xảy ra trên địa bàn các xã Tân Hòa, Vĩnh Bình, Phú Cường, Tân Long, Tân Thạnh, Mỹ An Hưng, Bình Thành, Thanh Bình, Tân Nhuận Đông, Phú Hựu và các phường Gò Công, Mỹ Ngãi đã gây sập và tốc mái 26 căn nhà; gãy 1 trụ điện tại phường Cao Lãnh; đổ ngã 9 cây xanh ven đường; ảnh hưởng khoảng 6 ha cây ăn quả đang chờ thu hoạch.

Dông lốc liên tiếp tại các tỉnh miền Tây

Cùng thời điểm trên, một trận lốc xoáy cũng quét qua huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, làm hơn 30 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Đáng chú ý, đây là đợt thiên tai thứ hai chỉ trong hai ngày tại địa phương này. Trước đó, từ ngày 20-22/7, trên nhiều khu vực thuộc tỉnh An Giang xảy ra mưa dông làm cho 99 căn nhà bị sập và tốc mái. Trong số này có 11 nhà sập hoàn toàn, 88 căn tốc mái tập trung ở xã Tân Hiệp, Nhơn Mỹ, Hà Tiên, Rạch Giá, Núi Cấm và đặc khu Phú Quốc…; 77 cây xanh đổ ngã và 1 tàu đánh cá ở Phú Quốc bị chìm

Trong khi đó, báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cũng thông tin, trong thời gian ảnh hưởng do cơn bão số 3, trên địa bàn một số xã đã xảy ra mưa, dông lốc ảnh hưởng nhà dân và một số đường dây điện 220KV. Trong hai ngày 20 và 21/7, dông lốc xảy ra trên địa bàn các xã Trung Hưng, Thới Hưng, Trung Nhứt, Trường Thành, Phước Thới, Đông Thuận (Cần Thơ) gây tốc mái và sập một phần nhà dân. Có 27 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, trong đó sập hoàn toàn 1 căn nhà và 26 căn bị tốc mái, ảnh hưởng một phần; 2 người bị thương,

Đài PTTH Hà Nội
Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do dông lốc gây ra. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Lý giải nguyên nhân và cảnh báo từ cơ quan khí tượng

Theo Đài Khí tượng Thủy văn hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, nguyên nhân của trận dông lốc kinh hoàng này là do sự phát triển mạnh mẽ của các khối mây đối lưu, gây ra mưa rào và gió giật mạnh đột ngột, dễ hình thành lốc xoáy trong phạm vi hẹp.

Nguyên nhân sâu xa đến từ quá trình biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên làm cho khí quyển chứa nhiều hơi nước và năng lượng hơn. Lượng năng lượng dư thừa này sẽ kích hoạt, tăng tần suất và cường độ của các cơn dông, khiến chúng mạnh hơn, gió giật dữ dội hơn và dễ hình thành các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm như lốc xoáy, đặc biệt khi nó tương tác với các trạng thái thời tiết như bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Miền Tây Nam Bộ, với địa hình bằng phẳng và mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, lại là một môi trường lý tưởng để các khối không khí nóng ẩm tích tụ. Khi có các yếu tố tác động như ảnh hưởng của hoàn lưu bão từ xa hoặc các rãnh áp thấp, nguồn năng lượng và độ ẩm dồi dào này sẽ hình thành nên những cơn dông với diễn biến phức tạp mà trước đây vốn rất hiếm gặp.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong những ngày tới, hiện tượng thời tiết cực đoan tương tự có khả năng tiếp tục xảy ra tại các tỉnh miền Tây. Người dân cần hết sức đề phòng, chằng chống nhà cửa và tìm nơi trú ẩn an toàn khi có dấu hiệu mưa dông, gió mạnh.

Quy mô của đợt thiên tai này ở miền Tây ra sao?

Đây là một đợt thiên tai diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng đến ít nhất 3 tỉnh thành (Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ) và các khu vực lân cận. Hàng trăm ngôi nhà đã bị sập/tốc mái, hàng chục người bị thương, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống.

Tại sao các cơn dông lốc ở miền Tây gần đây lại mạnh và bất thường như vậy?

Nguyên nhân trực tiếp là do mây đối lưu phát triển mạnh. Nguyên nhân sâu xa là do biến đổi khí hậu làm tăng năng lượng và độ ẩm trong khí quyển, khiến các cơn dông trở nên dữ dội và dễ hình thành lốc xoáy hơn.

Dự báo thời tiết những ngày tới như thế nào?

Cơ quan khí tượng cảnh báo hiện tượng dông, lốc, gió giật mạnh có khả năng tiếp tục xảy ra tại các tỉnh miền Tây. Người dân cần tuyệt đối không chủ quan và phải thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, chủ động các biện pháp phòng tránh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời