Vì sao Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị bắt?

Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã bị bắt vào ngày 11/3 theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người - đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc tranh luận về trách nhiệm pháp lý của các nhà lãnh đạo đối với chiến dịch chống tội phạm.

Ông Duterte, 79 tuổi, đã bị bắt khi vừa trở về Philippines từ Hồng Kông (Trung Quốc). Ông Duterte đã bị ICC điều tra về chiến dịch chống ma túy do ông phát động trong thời gian tại nhiệm.

Theo tuyên bố từ Văn phòng Truyền thông Tổng thống, Văn phòng Interpol tại Manila đã nhận được “bản sao chính thức của lệnh bắt giữ từ ICC” vào sáng 11/3.

"Khi ông Duterte đến, Tổng công tố đã đệ trình thông báo lên ICC xin lệnh bắt giữ cựu Tổng thống vì tội ác chống lại loài người. Hiện ông Duterte hiện đang bị chính quyền giam giữ", tuyên bố cho biết.

Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham dự một sự kiện do những người lao động Philippines tại Hồng Kông (Trung Quốc) tổ chức vào ngày 9/3/2025. Ảnh: AP.

Về phần mình, ông Duterte đặt câu hỏi về cơ sở của lệnh bắt giữ.

“Luật pháp là gì và tôi đã phạm tội gì?” - ông nói trong một đoạn video được con gái Veronica “Kitty” Duterte đăng tải trực tuyến.

Cuộc chiến chống ma tuý gây tranh cãi

Ông Duterte có phong cách lãnh đạo khác thường và lời lẽ khoa trương. Ông lên nắm quyền vào năm 2016 với lời hứa sẽ tiến hành cuộc chiến chống ma túy và những kẻ buôn bán ma túy tại Philippines.

Theo dữ liệu của cảnh sát, chiến dịch này đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều, với nhiều trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân trong các khu nhà ổ chuột nghèo khó.

Điều đó đã thúc đẩy ICC mở cuộc điều tra.

Cựu tổng thống Philippines đã nhiều lần bảo vệ chiến dịch trấn áp ma túy, đồng thời phủ nhận việc ra lệnh cho cảnh sát giết các nghi phạm ma túy, trừ khi đó là hành động tự vệ.

Ông Duterte đã rút Philippines khỏi ICC, nhưng theo cơ chế rút khỏi ICC, tòa án vẫn có thẩm quyền đối với các tội ác được thực hiện trong thời gian quốc gia còn là thành viên - trong trường hợp này là từ năm 2016 đến năm 2019, khi việc Philippines rút khỏi ICC chính thức diễn ra.

Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr., người được bầu vào năm 2022, đã ám chỉ rằng ông Duterte có thể bị giao nộp cho tòa án.

Phát biểu với báo giới ngày 10/3, Thứ trưởng Truyền thông Philippines Claire Castro cho biết: “Lực lượng thực thi pháp luật của chúng tôi sẵn sàng tuân thủ những gì luật pháp quy định, nếu lệnh bắt giữ cần phải được thực hiện theo yêu cầu của Interpol”.

Phát biểu tại Hồng Kông (Trung Quốc) một ngày trước đó, ông Duterte đã chỉ trích ICC trong bối cảnh có đồn đoán rằng, cơ quan toàn cầu này sẽ ban hành lệnh bắt giữ ông vì vai trò của ông trong chiến dịch chống ma túy.

“Theo tin tức của tôi, tôi có lệnh bắt giữ… từ ICC hay gì đó”, ông Duterte nói với những người ủng hộ ở Hồng Kông (Trung Quốc), “Tôi đã làm gì sai? Tôi đã làm mọi thứ có thể trong thời gian của mình, để mang lại một chút yên tĩnh và hòa bình cho cuộc sống của người Philippines”.

Trả lời phỏng vấn của báo giới về việc cựu Tổng thống đang bị giam giữ, ông Harry Roque, người phát ngôn trước đây của ông Duterte, cho biết: “Lệnh bắt giữ không có cơ sở vì nó được ban hành vào thời điểm chúng tôi không còn là thành viên của ICC nữa”.

“Những gì đang xảy ra hiện nay là giam giữ bất hợp pháp”, ông Roque nói trong một buổi phát trực tiếp trên Facebook, “Chúng tôi chưa thấy lệnh bắt giữ từ cảnh sát hoặc Interpol”.

Ông Salvador Panelo, cựu cố vấn pháp lý của ông Duterte, tuyên bố vụ bắt giữ này là bất hợp pháp và chỉ trích cảnh sát vì đã không cho một trong các luật sư của ông Duterte tiếp cận thân chủ tại sân bay.

Các sĩ quan tuần tra sân bay sau khi cựu Tổng thống Rodrigo Duterte hạ cánh xuống Manila, Philippines, vào ngày 11/3/2025. Ảnh: AP.

Trong khi đó, các nhóm nhân quyền hoan nghênh việc bắt giữ ông Duterte và kêu gọi Philippines giao nộp cựu Tổng thống cho ICC.

Hiện tại, ông Duterte được cho là đang bị giam giữ tại một căn cứ không quân ở Manila và an ninh đã được tăng cường nghiêm ngặt ở khu vực này. Vẫn chưa rõ cảnh sát sẽ đưa ông Duterte đi đâu, cũng như liệu ông có được đưa đến châu Âu để giao cho ICC giam giữ? Chính phủ Philippines cho biết, cựu lãnh đạo 79 tuổi này vẫn khỏe mạnh.

Nhà lãnh đạo nổi tiếng với phong cách cứng rắn

Trước khi trở thành Tổng thống Philippines, ông Duterte đã đặt nền móng cho cuộc chiến chống ma túy, trong đó cảnh sát được trang bị vũ khí và được hưởng quyền miễn trừ khi chống lại những người sử dụng ma túy, những kẻ buôn bán nhỏ và các trùm ma túy.

Với tư cách là Thị trưởng thành phố Davao, một đô thị với 1,5 triệu dân trên đảo Mindanao ở phía Nam Philippines, ông Duterte đã xây dựng danh tiếng toàn quốc trong hơn hai thập kỷ nhờ cách tiếp cận nghiêm khắc đối với tội phạm. Ông ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn đối với tội phạm và tuyên bố điều đó đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tội phạm bạo lực trước đây của Davao.

Với tư cách là Tổng thống Philippines, ông Duterte từng có những phát ngôn gây tranh cãi khi ngay sau lễ nhậm chức, ông gọi Tổng thống Mỹ khi đó - ông Barack Obama - là “đồ khốn nạn”, mặc dù sau đó đã xin lỗi và nói rằng ông đang ám chỉ một nhà báo.

Dù sức khỏe đã yếu và phải đối diện với lệnh bắt giữ của ICC, nhưng vào tháng 10/2024, ông Duterte vẫn đăng ký ứng cử Thị trưởng thành phố Davao - quê hương ông. Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm củng cố quyền lực của ông Duterte trong bối cảnh bất hòa giữa con gái ông - Phó Tổng thống Sara Duterte và Tổng thống đương nhiệm Marcos Jr.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mức thuế đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ từ Canada sẽ tăng lên 50% từ ngày 12/3, cao gấp đôi so với mức 25% được áp trước đó.

Iraq đang tìm kiếm nguồn cung khí đốt từ Qatar và Oman, trong bối cảnh Mỹ có thể tiếp tục siết chặt lệnh trừng phạt đối với việc nhập khẩu năng lượng từ Iran.

Một vụ va chạm tàu đã gây cháy lớn tại Biển Bắc (vùng biển phía Đông Bắc Đại Tây Dương), khiến 36 người bị thương, một người mất tích, để lại hậu quả tiêu cực đến môi trường.

Canada đang đứng trước một chương mới trong lịch sử chính trị khi ông Mark Carney sắp trở thành tân Thủ tướng. Ông Carney phải trả lời một câu hỏi quan trọng: Liệu một nhà kỹ trị chưa từng lăn lộn trên chính trường có thể trở thành người chèo lái con thuyền Canada trong thời kỳ sóng gió?

15 container chứa natri xyanua - loại hóa chất cực độc có thể gây chết người, đang có nguy cơ bị rò rỉ ra môi trường sau vụ va chạm giữa tàu chở hàng và tàu chở nhiên liệu ở vùng biển phía Bắc nước Anh ngày 10/3.

Các phái đoàn cấp cao của Mỹ và Ukraine đã tiến hành đàm phán tại Ả Rập Xê Út vào chiều nay, 11/3, theo giờ Việt Nam.