Vi phẫu tìm tinh trùng - Hy vọng cho nam giới vô sinh

Các bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện thành công một ca vi phẫu thuật Micro Tese tìm tinh trùng trong tinh hoàn của nam bệnh nhân từng mắc quai bị, giúp người bệnh thêm hy vọng trên hành trình tìm con.
 Kết hôn đã được thời gian khá lâu nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy có tin vui, vợ chồng anh Đ.A.D (31 tuổi, ở Phú Thọ) quyết định tới Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học để kiểm tra sức khỏe sinh sản.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp lâm sàng rất khó khăn khi xét nghiệm tinh dịch đồ cho kết quả không tìm thấy tinh trùng, tinh hoàn teo nhỏ và nội tiết tố suy giảm. Nguyên nhân được xác định do anh D. từng mắc bệnh quai bị khi đang học lớp 12.
“Nhận thấy đây là một trường hợp khá khó khăn, song bệnh nhân còn quá trẻ để nghĩ đến phương án xin tinh trùng, chúng tôi đã tư vấn để người bệnh thực hiện IVF- MICRO TESE - vi phẫu thuật mổ tinh hoàn tìm tinh trùng. Đồng thời đưa ra phương án 2 là thực hiện đông trứng cho người vợ nếu sau phẫu thuật không tìm thấy tinh trùng” – BSCKI. Hoàng Thị Thu Nga – Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học cho biết.
Với sự nỗ lực của cả ekip thực hiện, ca phẫu thuật kéo dài gần 2 giờ thành công tốt đẹp ngoài mong đợi. Những tinh trùng đầu tiên đã được tìm thấy. Mặc dù toàn bộ số tinh trùng tìm thấy đều bất động nhưng dưới bàn tay khéo léo của các chuyên viên phôi học tại Trung tâm, điều kỳ diệu thực sự đã đến. Vợ chồng anh D. có được tới 7 phôi với chất lượng khá tốt.
Những phôi đợi ngày được chuyển vào cơ thể mẹ.
Chia sẻ thêm về ca bệnh này, BSCKI. Hoàng Thị Thu Nga nói: “Đến thời điểm hiện tại, có thể nói rằng kết quả sau cuộc vi phẫu thuật tương đối khả quan. Chúng tôi đang cân nhắc thời điểm phù hợp khi sức khỏe của người vợ ổn định hẳn sẽ thực hiện bước cuối cùng là chuyển phôi vào cơ thể mẹ. Hy vọng hành trình này sẽ thật suôn sẻ để khát khao có được đứa con của chính mình của bệnh nhân sẽ thành hiện thực”.
Vi phẫu thuật tinh hoàn (MicroTESE) là gì?
Vi phẫu thuật tinh hoàn (MicroTESE) là kỹ thuật hiện đại phân mô tinh hoàn để trích tinh trùng cho bệnh nhân vô tinh, được chuyển giao trực tiếp từ các chuyên gia Nam khoa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (theo chương trình hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa 2 bệnh viện được ký kết năm 2021).
Theo BSCKI. Hoàng Thị Thu Nga, kỹ thuật vi phẫu thuật tinh hoàn đã được thực hiện thành công ở nước ta từ năm 2010 và đến nay vẫn được đánh giá cao với những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp lấy tinh trùng trước đây như: tỷ lệ lấy được tinh trùng cao, ít làm tổn thương tinh hoàn và cho kết quả thụ tinh ống nghiệm tương đương với tinh trùng lấy trong tinh dịch.
Đặc biệt, với những bệnh nhân có tinh hoàn tổn thương quá nặng, tinh hoàn bị teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém như trường hợp của anh D. thì MicroTESE được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng, phục vụ cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Việc thực hiện thành công kỹ thuật này ngay tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã mở ra bước tiến mới trong điều trị vô sinh nam, giúp cho ngày càng nhiều các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có được niềm hạnh phúc làm cha mẹ.
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và khẩn trương điều trị cách ly một nam thanh niên ở Bắc Ninh mắc viêm não mô cầu diễn biến nguy kịch.

Thành phố Hà Nội đã ghi nhận gần 1.400 trường hợp mắc sởi trong ba tháng đầu năm, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.

Cục An toàn Thực phát hiện trong 5 mẫu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Man Plus Gold có chứa Sildenafil, Tadalafil với hàm lượng khác nhau.

Hà Nội ghi nhận gần 200 trường hợp mắc sởi trong tuần qua, nâng tổng số ca sởi của thành phố từ đầu năm 2025 đến nay là 1.250 ca.

Trung tâm Thông tin - Truyền thông thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Chương trình Giao lưu điển hình tiên tiến với chủ đề “Vinh quang đảng viên khoác áo blouse trắng”.

Hà Nội đã hoàn thành tiêm phòng sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi và tiêm phòng bổ sung sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi đạt 98%, vượt kế hoạch đề ra.