Về quê, ôm những yêu thương vào lòng!

Nhiều lần vì nhớ thương mà có người thả trôi ký ức, lạc về chốn quê xưa ăm ắp kỷ niệm. Nhắm mắt lại, đắm chìm trong hương lúa, hương ngô, hương xôi nếp mới cuộn cùng khói chiều bảng lảng bay. Cô thả trôi về những ngày thơ ấu, ngồi trong đôi quang gánh của mẹ chang chang nắng đồng. Thả trôi về những ngày theo lũ bạn chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt cá; cả những khi trốn mẹ, trốn cha dãi nắng trưa hè.

Những sớm tinh mơ của mùa hè năm ấy, cả lũ lau nhau ra đồng khi sương còn đọng trên những ngọn cỏ non. Đứa cầm giỏ, đứa mang xô, khi bắt ốc, mò cua, khi mót lạc, mót lúa. Râm ran tiếng nói, tiếng cười dọc triền đê. Nhớ những tối trăng thanh, gió mát, vẫn lũ nhóc đó lại lén trộm táo, trộm ổi vườn hàng xóm. Nhà không thiếu sao vẫn thấy hoa quả nhà khác ngon nhất để rồi xuýt xoa khi bị mẹ đánh đòn.

Tôi muốn thả trôi mình về những chiều nhạt nắng, vi vút cánh diều trên những triền đê lộng gió. Những đứa trẻ ngây ngô tay cầm cuộn dây chạy ngược hướng diều, vừa giật, vừa thả, diều bay cao vút mang theo tiếng cười trẻ thơ. Cũng triền đê ấy, dáng mẹ gầy gánh cỏ, gánh lúa, gánh rơm ngược chiều gió thổi.

Tôi muốn lang thang nơi ngõ vắng, đắm chìm trong màu xanh ngút ngàn, nghe tiếng vi vu của những rặng tre trưa hè. Tre ngả bóng mát, bốn mùa đu đưa, mặc cho mưa dông, bão táp vẫn một lòng ôm ấp, che chở xóm làng. Màu xanh ấy bao bọc bao ngôi nhà, bao bọc tình làng, nghĩa xóm để mỗi lần đi xa trở về lại bồi hồi khi thấy màu xanh ấy thấp thoáng xa xa.

Bức dại tre che nắng hiên nhà, nơi mẹ cài những chùm tóc rối, khi mẹ dùng đánh cảm, lúc tôi cùng lũ bạn mang đổi kẹo kéo làm quà. Cái rổ, cái rá treo nơi góc bếp, đòn gánh mẹ mang hay đôi đũa cả cha dùng đều được làm từ những thân tre góc ao nhà. Tre gần gũi, tre thân thương để dù lớn khôn, dù làng có đổi thay thì hình bóng tre vẫn rì rào trong ký ức.

Nhớ khoảng sân quê vào mùa, thóc vàng lấp lánh; nhớ những lúc chạy mưa bát cơm chưa kịp và, cha vội cào lúa, mẹ thoăn thoắt tay xúc thóc, cái đói cái mệt chỉ thấy khi mọi việc xong xuôi. Nhớ khu vườn quê với hàng chuối, lá tả tơi rách khi bão tràn qua. Nhớ giàn bầu lúc lỉu quả, lá xanh che nắng một khoảng sân trước nhà. Nhớ hoa mướp vàng rực bờ ao, nhớ cả tiếng dế nỉ non, tiếng chão chuộc đêm hè gọi bạn.

Những khi mất điện, cả xóm quây quần nơi bãi đất trống cùng nghe câu chuyện cảnh giác từ chiếc đài nhỏ. Rồi những câu chuyện đêm khuya khiến lũ trẻ mắt ríu lại vẫn không chịu về ngủ. Cũng khoảng đất trống ấy, đêm trung thu xóm tôi rực rỡ ánh đèn. Điệu múa lân cùng tiếng trống ếch, tiếng vung xoong nồi loảng xoảng tạo nên âm thanh vui nhộn. Câu chuyện chú Cuội mải chơi phải bay về trời, Hằng Nga cùng Thỏ Ngọc năm nào cũng được nghe mà không chán. Khoái nhất lúc phá cỗ, đứa miếng bánh, đứa quả hồng, cùng cười, cùng nói, cùng hát vang để đêm về, trong giấc mộng bỗng mỉm cười thích thú.

Thứ khiến những đứa con của làng như tôi nhung nhớ nhất là những bữa cơm quê. Cơm gạo mới thơm, bùi và ngọt. Khi nồi cơm đang sôi, mở cái nắp nồi làn hương trong trẻo như mùi sữa ngọt lành phả vào mũi. Nồi cơm đầu mùa với những hạt cơm trắng ngần, mây mẩy đều nhau. Thứ ngon nhất vẫn là cơm cháy gạo lúa mới đáy xoong, giòn, thơm, quyện nhẹ mùi khói rơm để anh em tôi lại tranh giành.

Mâm cơm quê của mẹ chẳng có gì cao lương, mỹ vị. Chỉ là đĩa rau muống trong vườn, luộc chấm tương mẹ làm đủ nắng, sánh quyện, thơm lừng, vậy mà ngon, mà lành vị. Ngày hè mâm cơm quê thì không thể thiếu bát canh bầu nấu hến, nấu tôm, hay bát canh cua mẹ nấu đầy gạch cùng mướp, rau đay, mồng tơi, không cần mì chính mà ngọt hậu. Cà mẹ muối nén giòn tan, thêm đĩa đậu rán mâm cơm như đón khách. Những khi cải thiện, nồi cá kho mẹ vùi trấu qua đêm, có cá vạ cơm bao giờ mẹ cũng nấu thêm để các con được ăn thỏa thích. Cơm quê chỉ đôi ba món bình dị, cây nhà lá vườn, nhưng ăn rồi, đi xa thì vấn vương và nhớ.

Nhớ những bữa cơm tối bình yên trước sân nhà. Khi ánh trăng lấp ló trên rặng tre, trải chiếc chiếu cả nhà ngồi lại. Bao buồn vui đồng áng, chuyện đời, chuyện người cứ thế mà rôm rả. Bao mệt nhọc trong ngày như tan biến sau giây phút quây quần.

Nhớ cả những khi nghỉ hè về quê, quà mang theo là bao gạo mới, là buồng chuối xanh, mấy quả đu đủ chín; là gói tép khô, là chai tương mới, dăm ba quả bưởi, quả mít để mỗi lần ăn lại thấy mùi quê thơm thảo. Tất cả những ngọt ngào ấy là yêu thương của cha, của mẹ, của quê hương dành cho mỗi người. Ngay lúc này đây tôi muốn được về quê để ôm những yêu thương đó vào lòng mà quên đi bộn bề của cuộc sống.

Lê Hà

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phở không chỉ là một món ăn mà là một thói quen, một phần không thể thiếu trong nhịp sống hàng ngày của nhiều người đang sinh sống tại Hà Nội, họ ra phố ăn phở chẳng kể sáng, trưa hay chiều, tối.

Kiều bào Việt Nam hướng về ngày Giỗ Tổ; Ngành da giày ứng phó tác động chính sách thuế của Mỹ; Bộ GD&ĐT lý giải cách quy đổi điểm xét tuyển đại học; Hàn Quốc ấn định lịch trình bầu cử Tổng thống;... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 18h30 hôm nay.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức lễ khởi công, khánh thành các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 30/4; Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tặng trang thiết bị, vật tư cứu hộ cho Myanmar; ASEAN cùng nhau thiết lập một thỏa thuận chung để đối phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Nhiều biển số xe máy được đấu giá, từ 5 triệu đồng; Đề xuất lùi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pickup; 7500 xe Volvo lỗi pin có nguy cơ phát nổ;... là những nội dung đáng chú ý trong Bản tin Tàu và Xe hôm nay.

Giỗ tổ Hùng Vương - Biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc; Người dân quay trở lại Hà Nội, nhiều tuyến đường có mật độ phương tiện cao gây ùn tắc cục bộ; Hà Nội kiện toàn tổ công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng; Chứng khoán châu Á đỏ lửa, nhiều thị trường buộc phải dừng giao dịch;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Ở phần này, câu chuyện xoay quanh Khuê - người lính cần vụ của Chính ủy Trung đoàn 5. Sau những trận chiến cam go, Khuê nhận nhiệm vụ mới bên cạnh Chính ủy Kinh - một con người từng trải, từng là cán bộ tuyên huấn dày dặn kinh nghiệm. Ban đầu anh miễn cưỡng, nhưng qua những ngày tháng đồng hành, Khuê dần hiểu hơn về Kinh và chấp nhận trọng trách của mình.