Văn hoá Việt Nam thu hút khách tại Làng Pháp ngữ ở Paris
Thành phố Hà Nội là đại diện của Việt Nam tại sự kiện này, tổ chức không gian văn hóa Việt Nam trong đó có triển lãm với tên gọi "Thăng Long hội tụ". Tại đây giới thiệu những di sản của văn hóa Việt Nam gồm những di sản vật thể, di sản phi vật thể, di sản tư liệu thế giới, cùng với các địa danh như công viên địa chất toàn cầu, khu sinh quyền được UNESCO công nhận.

Một trong những hoạt động hút khách nhất là giới thiệu những tinh hoa của làng nghề Việt Nam tại đất Thăng Long Hà Nội, với những sản phẩm gốm, lụa; tương tác trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ và hoa văn trên bia tiến sĩ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) cho biết, trong những ngày vừa qua, không gian văn hóa Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn bè quốc tế tới tham quan Làng Pháp ngữ, nhất là không gian văn hóa nghệ thuật với cây đàn bầu, vốn là một bản sắc đáng tự hào của Việt Nam.

Khi tới không gian văn hóa của Việt Nam, Thủ tướng Luxembourg đã được nghe tiếng đàn bầu và nhớ lại những kỷ niệm về chuyến thăm Việt Nam, được Thủ tướng Phạm Minh Chính đón tiếp, cũng như cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam.
Bộ trưởng Văn hóa Congo bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với văn hóa và không gian triển lãm về con người Việt Nam.

Không gian triển lãm văn hóa Việt Nam thu hút được tình cảm của đông đảo bà con kiều bào và các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam đang theo học tại Pháp. Mọi người đều có cảm xúc tự hào về tinh thần và văn hóa Việt Nam được trưng bày tại Làng Pháp ngữ.
Bà Karine Yris, Giám đốc phụ trách phát triển thương mại và bảo trợ văn hóa - nghệ thuật, cho biết: "Trung tâm 104 Paris là một trong những trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật hàng đầu của thủ đô Paris. Sự hiện diện của Việt Nam tại Làng Pháp ngữ là một vinh dự đối với chúng tôi. Các bạn đã có những màn trình diễn nghệ thuật vô cùng đặc sắc với nhiều loại nhạc cụ âm nhạc nhạc truyền thống độc đáo. Thật thú vị, hôm nay tôi cũng có dịp được trải nghiệm làm tranh Đông Hồ của Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân Việt Nam".
Trong khung cảnh đầy màu sắc tại Làng Pháp ngữ, khách tham quan có thể giao lưu với đại diện của mỗi quốc gia, khám phá sự phong phú của chương trình đa ngành kết hợp sân khấu, hòa nhạc, trải nghiệm sống động, nghệ thuật kỹ thuật số, nhiếp ảnh, điện ảnh...
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các cuộc hội thảo, tọa đàm cùng những buổi giao lưu tại các gian hàng quốc tế và địa phương đã tạo nên một không gian "đượm màu Pháp ngữ."

Được khởi xướng vào năm 2008 tại Hội nghị thượng đỉnh tại Québec (Canada), từ đó đến nay, Làng Pháp ngữ luôn được nước chủ nhà tổ chức cùng Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp. Đây không chỉ là nơi người dân địa phương có cơ hội khám phá sự đa dạng văn hóa của cộng đồng Pháp ngữ mà còn là điểm gặp gỡ và kết nối các nền văn minh trên thế giới.
Là một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra tại Pháp sau 33 năm, Làng Pháp ngữ năm nay được tổ chức tại Trung tâm 104 ở Paris (trung tâm văn hóa, nghệ thuật và triển lãm). Tham dự có đại diện của hơn 30 quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ.
Tại Làng Pháp ngữ, mọi người có cơ hội khám phá những không gian triển lãm độc đáo, những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, những buổi giao lưu trao đổi, hội thảo, hội nghị góp phần củng cố hơn nữa tình đoàn kết giữa các quốc gia Pháp ngữ.
Với chủ đề "Sự hòa nhập văn hóa toàn cầu", Làng Pháp ngữ được thiết kế theo phương thức quy tụ nhiều hoạt động đa chiều và đầy màu sắc, góp phần làm nổi bật di sản của mỗi nước tham gia, cũng như khả năng kết nối với thế giới hiện đại và kỹ thuật số, phương tiện tương tác mới cho các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp trong bối cảnh hiện nay.


Những bàn tay tài hoa của người thợ làng Bát Tràng, Vạn Phúc tạo nên những sản phẩm không chỉ mang giá trị nghệ thuật cao mà còn phản ánh chiều sâu văn hóa của dân tộc.
Một không gian nghệ thuật ý nghĩa tại Hà Nội đã trưng bày gần 200 tác phẩm gốm đặc biệt, được sáng tạo từ bàn tay các nghệ sĩ thuộc Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam và Câu lạc bộ Gốm mỹ thuật Sài Gòn.
"Tinh hoa Bắc Bộ" - sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam, đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng sau buổi diễn đầu tiên của năm mới Ất Tỵ 2025.
Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình 06 của Thành uỷ Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có mục tiêu phát triển văn hoá đọc, phát triển các mô hình đọc sách, hướng đến xây dựng thư viện là điểm đến của nhân dân.
Sáng 16/2, trong không khí mùa xuân mới, quận Ba Đình tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh Thượng Đẳng Phúc Thần - Huyền Thiên Hắc Đế năm 2025.
Tối 15/2, show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đã mở đầu năm mới 2025 với chủ đề “Khai xuân trẩy hội tinh hoa”, bán hết toàn bộ 1.600 vé.
0