Ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông công cộng
Theo sở Giao thông vận tải, hiện thành phố Hà Nội có 8 triệu phương tiện cá nhân, trong đó khoảng 6,7 triệu xe máy, 1,1 triệu ô tô, còn lại là xe điện. Chưa kể tham gia giao thông tại Hà Nội còn khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành khác nhau.
Thực tế, nhiều năm qua cho thấy hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng "chới với đuổi theo" lượng phương tiện cá nhân. Tốc độ gia tăng phương tiện ô tô khoảng 10%/năm, xe máy tăng khoảng 3%/năm. Trong khi đó, hạ tầng giao thông mỗi năm chỉ tăng khoảng 0,5%. Với tốc độ tăng trưởng như trên thì hạ tầng giao thông quá tải vì "đuổi theo không kịp".
Ùn tắc dường như đã trở thành căn bệnh "kinh niên" của thành phố. Thống kê sơ bộ năm 2023, toàn thành phố có 37 điểm ùn tắc. Với nhiều nỗ lực và giải pháp triển khai, đến cuối năm thành phố đã xóa được 15 điểm ùn tắc, nhưng lại phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới. Người dân đã quá quen với tình trạng ùn tắc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không còn giới hạn ở khung giờ cao điểm cố định.

Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án về lĩnh vực giao thông đô thị, trong đó có Chương trình số 03 về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030"; Nghị quyết số 04 về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Các đề án, chương trình đã đề ra các nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, ưu tiên phát triển giao thông công cộng nhằm khuyến khích người dân sử dụng, giảm dần phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp được coi là căn cơ và bền vững để giảm ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khung, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông đô thị, tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Mạng lưới giao thông công cộng của thành phố hiện về cơ bản vẫn là hệ thống xe buýt thường. Ngoài ra, còn có thêm một tuyến xe buýt nhanh BRT Kim mã – Yên Nghĩa, 10 tuyến xe buýt điện và một tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Giai đoạn 2020-2023, thành phố đã phát triển thêm được 28 tuyến buýt trợ giá. Đến nay, với 154 tuyến, mạng lưới đã phủ kín 30/30 quận huyện.
Tuy nhiên, vận tải hành khách công cộng hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 19,2% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi, mục tiêu đặt ra theo qui hoạch là đáp ứng từ 30-35%. Theo giám đốc Sở GTVT Hà Nội, sau dịch Covid 19, thói quen đi lại của người dân đang dần thay đổi theo hướng giảm đi phương tiện công cộng mà chuyển sang phương tiện cá nhân. Do đó, muốn người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, phải áp dụng đồng thời nhiều biện pháp cả hành chính và kinh tế. Nhưng trước tiên, bản thân các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, chất lượng phương tiện cũng cần đổi mới. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, thành phố đã thực hiện đầu tư và thay mới 744 xe buýt, tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch 277 xe, chiếm 13,6%.
Thời gian tới, mạng lưới xe buýt cũng sẽ tiếp tục được tổng rà soát, hợp lý hóa luồng tuyến để tăng cường hiệu quả hoạt động, đảm bảo kết nối giữa các loại hình giao thông đô thị.

Thành phố cũng đang tập trung triển khai ba nội dung quan trọng, trong đó có rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Dự thảo đề án đang được thành phố công bố, lấy ý kiến của 30 quận huyện, thị xã và 8 tỉnh thành giáp ranh với Hà Nội về mục tiêu phát triển không gian đô thị và hạ tầng giao thông vận tải.
Trong dự thảo, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030-2045, vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 40-60% nhu cầu đi lại của người dân. Để đạt được mục tiêu này, phần khung "xương sống" chính sẽ là đường sắt đô thị và xe buýt. Trong đó, mạng lưới đường sắt đô thị sẽ dài tổng cộng 413km với 10 tuyến theo qui hoạch trước đó và đề xuất bổ sung thêm 6 tuyến.
Bên cạnh đó là hệ thống đường sắt khối lượng nhẹ một ray monorail chiều dài 44km, 3 tuyến và 11 tuyến buýt nhanh BRT với tổng chiều dài khoảng 316km. Đến nay, hầu hết các tuyến này đều chưa được đầu tư. Tuy nhiên, Thành phố vẫn xác định đa dạng hóa các loại hình vận tải hành khách công cộng sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân, từ đó, dần từ bỏ phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông.


Hơn 30 năm phát triển phong trào hiến máu tình nguyện và 25 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện thực sự là cuộc cách mạng, thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về nghĩa cử hiến máu.
Liên tiếp 6 trận động đất đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong vòng 1 giờ, từ 11 giờ 31 phút 23 giây đến 12 giờ 32 phút 51 giây ngày 4/4.
Tỉnh Phú Thọ yêu cầu các cơ quan, công sở trên địa bàn treo cờ rủ; dừng, hoãn tổ chức các chương trình nghệ thuật, hoạt động vui chơi, giải trí công cộng trong hai ngày Quốc tang.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã có vi phạm nghiêm trọng tại dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2.
TikToker Phạm Thoại đã công bố kết quả kiểm toán từ công ty độc lập về quỹ từ thiện hỗ trợ bé Bắp, khẳng định số tiền quyên góp hơn 16 tỷ đồng được sử dụng đúng mục đích.
Đoàn kiều bào gồm gần 50 đại biểu trở về từ 20 quốc gia đã dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
0