Ukraine sắp mất quân bài mặc cả cuối cùng?

Ảnh hưởng của lực lượng Ukraine tại khu vực Kursk mà Nga kiểm soát đã giảm đi đáng kể, khiến họ có nguy cơ mất đi quân bài mặc cả quan trọng vào thời điểm bước ngoặt của cuộc chiến.

Nga tung đòn quyết định

Cuộc đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga hồi tháng 8/2024 đang đứng bên bờ vực sụp đổ trong những ngày gần đây. Lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành phản công và liên tiếp giành lại lãnh thổ.

Ngày 8/3, quân đội Nga phát động một cuộc tấn công toàn diện theo mọi hướng tại Kursk, buộc quân đội Ukraine phải vội vã từ bỏ vị trí. Trước đó, bản đồ nguồn mở từ Deep State, một nguồn blog quân sự có uy tín của Ukraine, cho thấy hàng nghìn binh sĩ Ukraine đồn trú tại khu vực này đang có nguy cơ bị bao vây hoàn toàn.  Theo giới quan sát, việc bị bao vây và phải rút quân khỏi Kursk sẽ là một đòn giáng mạnh vào Ukraine, khi Tổng thống Zelensky từng hy vọng sẽ sử dụng sự hiện diện quân đội nước này tại Kursk làm đòn bẩy đối với Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.

Ngày 9/3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, quân đội nước này đã giành lại quyền kiểm soát 4 khu định cư ở khu vực Kursk, trong bối cảnh Moscow đang cố gắng đánh bật quân đội Ukraine ra khỏi tỉnh biên giới này. Trước đó, hôm 8/3, các lực lượng Nga cũng đã giành lại quyền kiểm soát ba ngôi làng ở Kursk.

“Xe bọc thép Bradley của Mỹ đã đến đây. Máy bay không người lái của chúng tôi đã bắn trúng nó hai lần và phá hủy hoàn toàn vũ khí của đối phương.”

Binh sĩ Nga

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra sau khi các blogger quân sự và một chỉ huy cấp cao của Nga cho biết hôm 8/3, quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn để giành lại các vùng đất ở phía Tây khu vực Kursk từ tay lực lượng Ukraine.

“Ở mọi hướng của mặt trận Kursk, tất cả các đơn vị đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn. Đối phương đang từ bỏ vị trí của mình.”

Ông Apty Alaudinov, Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Akhmat, Quân đội Nga

Cũng theo ông Apty Alaudinov, các đơn vị Nga, bao gồm các lữ đoàn lính dù, trung đoàn súng trường cơ giới và lực lượng đặc nhiệm Akhmat của Nga đã tham gia vào cuộc tấn công, và tốc độ tiến quân của quân đội Nga là minh chứng cho sự thành công của chiến dịch.

Các blogger quân sự của Ukraine và Nga cũng cảnh báo rằng, quyền kiểm soát của Ukraine ở Kursk đang mong manh hơn bao giờ hết, khi Nga liên tục phát động các cuộc tấn công.

Theo đánh giá của blogger Two Majors, tình hình của quân đội Ukraine tại Kursk “gần như nguy kịch”. Còn phóng viên quân sự của đài truyền hình nhà nước Nga Yevgeny Poddubny nói rằng, chiến dịch giải phóng khu vực Kursk của quân đội Nga dường như “đang bước vào giai đoạn cuối”.

Chiến thuật mới của Nga tại Kursk

Nga phát động chiến dịch phản công tại Kursk không lâu sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tạm dừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo cho Kiev, trong bối cảnh ông chủ Nhà trắng đang muốn gây sức ép buộc Kiev phải đồng ý ngừng bắn với Moscow. Trong đó, việc Mỹ dừng chia sẻ thông tin tình báo khiến Ukraine như bị “bịt mắt” trên chiến trường, khiến Kiev không nắm được các động thái di chuyển lực lượng, phương tiện của Nga trên các mặt trận, không có chỉ thị mục tiêu, cũng như không có khả năng điều khiển vũ khí tấn công tầm xa đánh vào các khu vực hậu phương của quân Nga.

Trong khi Ukraine đang gặp bất lợi, Nga đã nhanh chóng tận dụng “thời điểm vàng” để giành những lợi thế chiến trường. Theo các nhà phân tích, trong chiến dịch tại Kursk, Nga đã áp dụng chiến thuật khiến đối phương bất ngờ, đồng thời đưa vào chiến trường các đơn vị thiết bị bay không người lái FPV (góc nhìn thứ nhất) tinh nhuệ nhất, qua đó hạn chế nghiêm trọng khả năng cơ động và tiếp tế của Ukraine.

Các báo cáo mới nhất cho thấy, Nga đang nhắm tới Sudzha, thị trấn cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 9,5km, cũng là căn cứ chính của quân đội Ukraine tại khu vực nhằm cắt đứt tuyến đường tiếp tế hậu cần quan trọng cho lực lượng Ukraine bên trong Kursk.

Tờ Ukrainska Pravda ngày 9/3 đưa tin, khoảng 100 quân nhân Nga đã xâm nhập vào lãnh thổ do Ukraine kiểm soát gần thành phố Sudzha bằng đường ống dẫn khí đốt để đột kích quân đội Ukraine. Theo ông Yuri Podolyaka - một blogger quân sự thân Nga, gốc Ukraine - lực lượng đặc nhiệm Nga đã di chuyển bên trong đường ống dẫn khí rộng 1,5m, dài gần 16 km và ẩn nấp nhiều ngày trước khi tấn công quân Ukraine từ phía sau, khiến binh sĩ Ukraine bất ngờ.

Hiện chưa rõ quân đội Ukraine sẽ thực hiện những biện pháp nào để đối phó cuộc phản công của Nga ở Kursk.

“Ukraine luôn là kẻ yếu thế trong cuộc chiến này. Việc Mỹ ngừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo là một đòn đau với Kiev. Trong khi đó, điều này lại giúp nâng cao tinh thần của phía Nga.”

Ông James Nixey, Giám đốc Chương trình Nga và Âu Á tại Viện nghiên cứu Chatham House

Không chỉ khiến đối phương bất ngờ, Nga còn tung ra mặt trận Trung tâm Hệ thống Không người lái Tiên tiến Rubicon, một trong những nhóm máy bay không người lái tinh nhuệ nhất của mình, qua đó làm giảm đáng kể lợi thế của Ukraine trong chiến tranh máy bay không người lái.

Với máy bay không người lái được chế tạo tốt và hệ thống điều khiển vô tuyến có khả năng chuyển đổi tần số nhanh chóng, lực lượng Rubicon của Nga đã có thể chống lại được tình trạng nhiễu sóng do Ukraine tạo ra, vốn thường có tác dụng vô hiệu hóa các máy bay không người lái của Nga.

Kết quả, hậu cần của Ukraine tại Kursk đã bị thiệt hại nghiêm trọng do các cuộc tấn công bằng UAV. Thời gian qua, lực lượng Rubicon của Nga đã phá hủy hàng trăm phương tiện của Ukraine, chủ yếu là xe tải tiếp tế, nhưng cũng có cả xe chiến đấu M-2 Bradley và xe tải bọc thép MaxxPro.

Liệu Ukraine có rút quân khỏi Kursk?

Các blogger quân sự từ cả hai bên đều nhận định, Ukraine đang ở thế yếu tại mặt trận Kursk. Đến nay, Nga đã giành lại hơn 2/3 lãnh thổ mà ban đầu Kiev từng chiếm giữ ở Kursk. Tình hình càng tồi tệ với Kiev, khi bản đồ nguồn mở từ chiến trường cho thấy khoảng 3/4 lực lượng Ukraine đang chiến đấu tại Kursk đã bị bao vây gần như hoàn toàn. Khi lực lượng Nga gia tăng áp lực và không gian chiến thuật của Ukraine bị thu hẹp, Kiev đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn: cố thủ tại Kursk hay rút lui để bảo toàn lực lượng?

Trong vài ngày qua, tình hình đã xấu đi nhanh chóng đối với lực lượng Ukraine tại Kursk. Theo Deep State, quân đội Nga đã gần như cắt đôi lực lượng Ukraine tại khu vực, đồng thời tách nhóm chiến đấu chủ lực khỏi các tuyến tiếp tế chính của họ. Lực lượng quân còn lại gần biên giới Nga được kết nối bằng một hành lang dài khoảng 1 km và rộng chưa đến 500 mét tại điểm hẹp nhất. Con đường duy nhất của Ukraine vào Sudzha hiện nằm trong tầm ngắm của máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất và pháo binh Nga, khiến các lực lương Kiev gặp rắc rối về hậu cần.

“Chiến sự vẫn đang diễn ra. Tôi còn có thể nói gì hơn? Bom chùm, tên lửa, máy bay không người lái liên tục bay trên đầu. Chẳng có gì dễ chịu hay đáng mong đợi về điều này cả.”

Xạ thủ bí danh Cliff, Lữ đoàn cơ giới số 14 của Ukraine

Nhiều báo cáo trên phương tiện truyền thông cho rằng, quân đội Ukraine đang trên bờ vực bị bao vây, với khoảng 6.500 đến 10.000 binh sĩ có nguy cơ bị cô lập hoàn toàn. Tất cả các cây cầu ở khu vực lân cận Sudzha được cho là đã bị phá hủy, trong khi thiệt hại nặng nề đối với cơ sở hạ tầng đường bộ đang cản trở khả năng tiếp tế và khả năng rút lui khỏi khu vực của lực lượng Ukraine.

“Tình hình của Ukraine tại Kursk rất tệ. Bây giờ không còn nhiều thời gian cho đến khi lực lượng Ukraine bị bao vây hoặc buộc phải rút quân. Việc rút quân có nghĩa là họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, liên tục bị đe dọa bởi máy bay không người lái và pháo binh Nga.”

Ông Pasi Paroinen, Nhà phân tích quân sự của Black Bird Group, Phần Lan

Cũng theo ông Pasi Paroinen, nếu lực lượng Ukraine không thể nhanh chóng khôi phục lại thế trận, họ có thể bị bao vây và chiến dịch ở Kursk cuối cùng sẽ bắt đầu khép lại.

Tháng 8/2024, Ukraine triển khai hàng nghìn binh sĩ tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, cuộc tấn công vào Kursk giảm bớt áp lực cho quân đội Ukraine đang chiến đấu ở mặt trận phía Đông khi buộc Moscow phải chuyển hướng nguồn lực để bảo vệ lãnh thổ của mình, đồng thời trao cho Kiev một con bài mặc cả tiềm năng trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Tuy nhiên, kể từ khi phát động cuộc tấn công vào Kursk, Ukraine đã dần mất đi lợi thế vào tay quân đội Nga. Đến nay, Nga đã giành lại khoảng 70% lãnh thổ Kursk bị Ukraine kiểm soát, tương đương hơn 800km2.

Vấn đề nằm trên bàn nghị sự cuộc đàm phán Mỹ - Ukraine

Nếu lực lượng Ukraine bị bao vây hoặc buộc phải rút lui khỏi Kursk, đó sẽ là một thất bại đáng kể đối với Kiev. Bởi cuộc xâm nhập vào Kursk không chỉ là một hoạt động thúc đẩy tinh thần cho binh sĩ Ukraine, mà việc nắm giữ lãnh thổ ở Nga còn mang lại cho Ukraine một quân bài mặc cả tiềm năng trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào. Việc rút lui có thể làm suy yếu vị thế mặc cả của nước này vào thời điểm Tổng thống Trump đang cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột.

Theo kế hoạch, ngày 10/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Riyadh để gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, sau đó cuộc đàm phán giữa phái đoàn Ukraine và Mỹ sẽ diễn ra tại Jeddah vào 11/3. Đây sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên của hai bên kể từ sau cuộc tranh luận căng thẳng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Nhà Trắng vào ngày 28/2.  Viết trên X trước thềm chuyến thăm, ông Zelensky cam kết Ukraine sẽ có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với đại diện Mỹ về một giải pháp hòa bình tiềm năng.

Ông Zelensky sẽ không tham gia các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine. Thay vào đó, phái đoàn Ukraine tham dự cuộc đàm phán gồm Ngoại trưởng Andrii Sybiha, Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov; trong khi phái đoàn Mỹ gồm đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Trung Đông Steve Witkoff, Ngoại trưởng Marco Rubio và cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz.

Theo giới quan sát, cuộc họp giữa Ukraine và Mỹ tại Saudi Arabia có ý nghĩa rất quan trọng để hiểu rõ các bước tiếp theo của Mỹ liên quan đến Ukraine. Bên cạnh đó, một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận nguồn tài nguyên đất hiếm ở Ukraine có thể sẽ nằm trên bàn đàm phán.

“Tôi nghĩ Ukraine sẽ ký thỏa thuận khoáng sản, nhưng tôi muốn họ muốn hòa bình ngay bây giờ. Họ chưa thể hiện điều đó ở mức độ mà họ nên làm. Ngay bây giờ họ chưa thể hiện, nhưng tôi nghĩ họ sẽ thể hiện. Và điều đó sẽ trở nên rõ ràng trong hai hoặc ba ngày tới.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Thỏa thuận khoáng sản này đáng lẽ đã được ký kết vào ngày xảy ra cuộc tranh cãi giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng. Sau đó, ông Zelensky đã ra hiệu rằng Kiev vẫn sẵn sàng ký thỏa thuận. Các chuyên gia tin rằng Ukraine thực sự có ý định đạt được thỏa thuận trong cuộc họp ở Ả Rập Xê Út, ít nhất là ở cấp độ cố vấn.

Ngoài ra, tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, Mỹ có thể gây sức ép buộc Ukraine phải nhượng bộ về lãnh thổ, mặc dù cho đến nay Kiev vẫn chưa cho thấy họ sẵn sàng làm điều đó.

Đặc phái viên Mỹ về Nga và Ukraine Keith Kellogg trong một cuộc phỏng vấn mới đây đã nói rằng, chính quyền Trump đang chờ đợi cái mà ông gọi là “bản điều khoản” của Ukraine để chấm dứt xung đột, và cho biết Washington đã nhận được phiên bản của Nga.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce, Ngoại trưởng Rubio đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine rằng, “tất cả các bên” đang thực hiện các bước để đảm bảo một nền hòa bình bền vững, qua đó gợi ý về một sự nhượng bộ từ Ukraine. Không rõ liệu Nga có phải đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào hay không.

Đặc phái viên Kellogg cho biết, Tổng thống Trump đã nói về khả năng Ukraine lấy lại lãnh thổ từ Nga, nhưng ông cũng thừa nhận rằng Tổng thống Mỹ không nêu rõ lãnh thổ nào, cũng không rõ Mỹ sẽ làm gì để gây áp lực lên Nga. Ông Trump từng cảnh báo sẽ cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng và ngân hàng của Nga, nhưng sau đó lại nói rằng việc Nga tăng cường tấn công Ukraine trong thời gian Mỹ tạm dừng viện trợ là điều “bất kỳ ai cũng sẽ làm”.

Các bước tiến trên chiến trường của Nga tại khu vực Kursk, cùng với việc Mỹ, lực lượng hậu thuẫn quân sự lớn nhất của Ukraine thay vì đóng vai trò là đồng minh của Kiev lại trở thành người kiến tạo hoà bình, đang khiến Kiev phải bước vào cuộc đàm phán ở Ả Rập Xê Út với ít quân bài hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh ấy, những tuần sắp tới có thể mang tính quyết định trong việc định hình cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 năm này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hơn 100.000 người biểu tình đã đổ về thủ đô Belgrade của Serbia vào ngày 15/3, cảnh sát chống bạo động được huy động để đối phó với đám đông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục các đồng minh phương Tây đưa ra "lập trường rõ ràng" về các đảm bảo an ninh, bao gồm việc đưa lực lượng quân đội nước ngoài đến Ukraine với sự hỗ trợ của Mỹ.

Mỹ đã phát động một chiến dịch quân sự lớn chống lại lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen. Tổng thống Trump muốn làm trung gian cho một thỏa thuận với Iran để ngăn chặn nước này sản xuất vũ khí hạt nhân, để ngỏ khả năng hành động quân sự nếu Iran từ chối đàm phán.

Số lượng bướm ở Mỹ đã giảm hơn 20% trong thế kỷ này, theo kết quả của một nghiên cứu gần đây.

Hội chợ các giống hoa cẩm chướng tại Colombia thu hút sự chú ý của công chúng, với nhiều mẫu mã ấn tượng về sắc thái và màu sắc.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa châu Âu và Mỹ có nguy cơ xảy ra, sau khi chính quyền Trump áp thuế 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu.