Ukraine đủ sức cầm cự bao lâu khi Mỹ dừng viện trợ?

Theo giới quan sát, trong vài tháng tới, Ukraine vẫn có thể tiếp tục chiến đấu nếu Mỹ dừng viện trợ, nhưng về lâu dài tác động sẽ rất lớn. Khi nguồn cung vũ khí bị cắt giảm một nửa, tiền tuyến của họ sẽ tiếp tục suy yếu và cuối cùng sẽ tan vỡ.

Vì đâu nên nỗi?

Truyền thông Mỹ ngày 3/3 dẫn lời quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu đình chỉ toàn bộ viện trợ quân sự cho Ukraine. Quyết định được đưa ra sau khi ông chủ Nhà Trắng tổ chức hàng loạt cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia cấp cao. Đây là bước leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Kiev kể từ sau cuộc tranh cãi gay gắt chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Nhà Trắng hôm 28/2. Hai nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ trích rằng, ông Zelensky “chưa sẵn sàng cho hòa bình” và không thể hiện đủ lòng biết ơn đối với sự ủng hộ của Washington.

Theo giới quan sát, với quyết định này, Tổng thống Trump dường như đang muốn dùng quân bài viện trợ để buộc Kiev phải ngồi vào bàn thương lượng với Moscow nhằm nhanh chóng chấm dứt chiến sự.

Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng toàn bộ viện trợ quân sự cho Ukraine là chủ đề chính trong bản tin buổi sáng ngày 4/3 của Ukraine. Trước đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, lệnh đình chỉ sẽ có hiệu lực cho đến khi ông Trump nhận thấy các nhà lãnh đạo Ukraine thể hiện “cam kết thiện chí đối hòa bình”.

Tổng thống Zelensky được cho là đã đưa ra một tuyên bố trên AP, tôi không phải là người hâm mộ lớn của AP, vì vậy có thể đó là một tuyên bố không chính xác, nhưng ông ấy nói suy nghĩ của mình rằng cuộc chiến sẽ diễn ra trong một thời gian dài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan hệ giữa Mỹ và Ukraine đã xấu đi nghiêm trọng từ khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 vừa qua, khi vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đã đảo ngược chính sách của Washington đối với Kiev và Moscow, áp dụng lập trường hòa giải hơn đối với Nga, trong khi gọi Tổng thống Ukraine Zelensky là nhà độc tài.

Ông Trump cũng nhắc lại quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Ukraine là bên khơi mào xung đột đã kéo dài hơn ba năm qua. Quan hệ giữa hai bên càng trở nên căng thẳng sau cuộc khẩu chiến diễn ra tại Nhà Trắng hôm thứ Sáu tuần trước. Ông Trump mới đây còn cảnh báo rằng, Tổng thống Ukraine Zelensky “sẽ không tại nhiệm lâu nữa” nếu không đạt thỏa thuận ngừng bắn với Nga.

Về phần mình, ông Zelensky luôn khẳng định rằng, Ukraine cần đảm bảo an ninh cho một nền hòa bình thực sự và lâu dài. Trong phát biểu mới nhất sau khi Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, việc duy trì “mối quan hệ đối tác bình thường với Mỹ là rất quan trọng” để thực sự chấm dứt cuộc chiến. Ông cũng bày tỏ hối tiếc về cuộc tranh cãi bất thường tại Phòng Bầu dục hồi tuần trước với Tổng thống Donald Trump, đồng thời nói thêm rằng, Kiev sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán sớm nhất có thể.

Chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác mang tính xây dựng và quan hệ đối tác thực sự. Những gì đã xảy ra tại Nhà Trắng thay vì các cuộc đàm phán đã lên kế hoạch của chúng tôi là điều đáng tiếc. Nhưng chúng ta phải tìm ra sức mạnh để tiến về phía trước, tôn trọng lẫn nhau, như chúng tôi luôn tôn trọng nước Mỹ, châu Âu và tất cả các đối tác của mình và cùng nhau hợp tác để đưa hòa bình đến gần hơn. Tôi biết ơn tất cả những người ủng hộ Ukraine trong vấn đề này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Nhà Trắng trước đó thông báo quyết định ngừng viện trợ sẽ có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Donald Trump xác định ông Zelensky đã cam kết tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình, về cơ bản là buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán. Hiện chưa nêu rõ Ukraine phải thực hiện những gì để khôi phục dòng viện trợ quân sự, khiến thời gian và điều kiện nối lại viện trợ vẫn chưa rõ ràng.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/3 cho rằng, việc Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine: “Nếu điều này thực sự xảy ra và nếu các nguồn cung cấp này bị đình chỉ hoặc dừng lại, thì tương ứng, chế độ Kiev sẽ mất hầu hết đạn dược, tất cả thiết bị và tất cả dữ liệu tình báo. Và có lẽ không nên quá lạc quan, nhưng hãy khiêm tốn hy vọng rằng, điều này có thể khuyến khích Kiev hướng tới các nỗ lực giải quyết tình hình bằng các biện pháp hòa bình”.

Tác động tức thời

Kể từ khi xung đột nổ ra cách đây hơn ba năm, Ukraine luôn phụ thuộc rất nhiều vào sự tài trợ mạnh tay về quân sự của Washington. Mỹ không chỉ là nước hậu thuẫn về tài chính và quân sự lớn nhất cho Ukraine mà còn cung cấp cho Kiev các hệ thống vũ khí mà không quốc gia châu Âu nào có thể sánh kịp.

Theo Viện Kiel - Đức, kể từ đầu cuộc xung đột, Mỹ đã phân bổ hơn 67 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong vài tháng cuối nhiệm kỳ, cựu tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, giúp kho dự trữ của Kiev khá đầy đủ trong vài tháng tới. Tuy nhiên, quyết định tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine vẫn gây ra những tác động ngay lập tức.

Hơn 1 tỷ USD vũ khí và đạn dược đang được đặt hàng hoặc đang trong quá trình giao hàng hiện sẽ không được chuyển qua biên giới Ba Lan cho đến khi lệnh tạm dừng viện trợ (nếu có) được dỡ bỏ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ rằng, ông sẽ duy trì lệnh đóng băng cho đến khi ông tin rằng Tổng thống Ukraine Zelensky thực sự cam kết đàm phán với Nga, có lẽ là theo các điều khoản của ông Trump. Hậu quả là, Ukraine sẽ sớm cảm thấy áp lực lớn hơn ở tuyến đầu.

Tác động sẽ rất lớn vì Mỹ cung cấp gần một nửa tổng số viện trợ đã được chuyển giao cho Ukraine, ít hơn một chút so với những gì Liên minh châu Âu đã cung cấp cho quốc gia này. Nhưng phần lớn viện trợ mà châu Âu đã cung cấp là viện trợ tài chính và nhân đạo. Nếu chỉ xét riêng về chi tiêu quân sự, Mỹ đã cung cấp gấp đôi số tiền mà châu Âu có, ngoài ra còn có hỗ trợ tình báo quan trọng nữa. Vì vậy, tác động đối với Ukraine sẽ rất lớn. Tôi không thấy bất kỳ kịch bản nào mà ông Zelenskky có thể giữ vững lập trường hiện tại của mình mà không phải nhượng bộ trước Mỹ.

Ông Marco Duranti - Đại học Sydney, Australia.

Đến nay, Lầu Năm Góc đã gửi cho Ukraine hơn 71 chuyến hàng từ kho dự trữ hiện có trị giá 33,8 tỷ USD, bao gồm hơn ba triệu quả đạn pháo 155 mm, hàng chục nghìn tên lửa pháo dẫn đường và tên lửa chống tăng, hàng nghìn tên lửa phòng không, hàng nghìn xe bọc thép và hàng chục xe tăng.

Ukraine cũng tận dụng các hệ thống quân sự do Mỹ cung cấp - bao gồm hệ thống phòng không Patriot và hệ thống tấn công tầm xa Himars và Atacms - cho phép Kiev phòng thủ chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Nga vào ban đêm. Khi nguồn cung từ Mỹ cạn kiệt, khả năng tiến hành các cuộc tấn công tầm xa hơn và bảo vệ các vị trí phía sau của Ukraine sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã cung cấp 33,2 tỷ USD theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, các khoản tiền mà Kiev chỉ có thể sử dụng để mua phần cứng quân sự mới trực tiếp từ các công ty quốc phòng Mỹ. Theo Lầu Năm Góc, khoản tiền bổ sung 3,85 tỷ USD do chính quyền Biden phê duyệt vẫn chưa được chi, trong khi đã hơn 50 ngày kể từ khi Mỹ công bố gói viện trợ quân sự cuối cùng cho Ukraine.

Đây là một đòn đau, là điều mà Ukraine sẽ cảm thấy khó nuốt trôi. Họ cảm thấy bị bỏ rơi và điều này giúp phía Nga nâng cao tinh thần. Họ sẽ được tiếp thêm năng lượng theo cách mà chính người Ukraine đã được tiếp thêm năng lượng khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp với họ trong ba năm qua.

Ông James Nixey - Giám đốc Chương trình Nga và Á - Âu tại Chatham House.

Ba năm sau cuộc xung đột, Nga hiện đang kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine, chủ yếu ở phía Nam và phía Đông. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), xét đến sức mạnh về nhân lực và hỏa lực vượt trội của Nga, việc Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự và viện trợ tài chính cho Ukraine có nguy cơ sẽ “làm thay đổi cán cân xung đột”.

Liệu châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống?

Theo dữ liệu của Viện Kiel, trong khi Mỹ cung cấp nhiều viện trợ quân sự nhất cho Ukraine, thì các cường quốc châu Âu mới là nguồn viện trợ chính cho Kiev kể từ năm 2022, đóng góp tổng cộng 138 tỷ USD, so với 119 tỷ USD từ Mỹ.

Các quốc gia bên ngoài châu Âu, như Nhật Bản và Canada, cũng đã đóng góp. Mặc dù vậy, một số nhà quan sát cho rằng, nếu không có viện trợ quân sự của Mỹ, Kiev sẽ chỉ tồn tại được 6 tháng và châu Âu không thể thay thế được viện trợ từ Mỹ.

Các nhà lãnh đạo châu Âu mới đây nhóm họp tại London đã tuyên bố sẽ phối hợp để xây dựng một kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, đồng thời đảm bảo an ninh cho Kiev. Trước đó, trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tuần trước, lãnh đạo Anh và Pháp đã bày tỏ sẵn sàng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine nếu đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.

Phản ứng sau quyết định của Mỹ, Thủ tướng Pháp Francois Bayrou cho biết, Liên minh châu Âu có thể thay thế nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể các đợt chuyển giao của Mỹ.

Chúng tôi với tư cách một quốc gia thân thiện với Ukraine có thể thay thế nhanh chóng và hiệu quả nhất cho các đợt chuyển giao của Mỹ để Ukraine không bị sụp đổ. Đối với chúng tôi, đây là nghĩa vụ đối với nền văn minh mà chúng tôi phải thực hiện.

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou.

Các nước châu Âu đang đẩy mạnh chi tiêu quân sự trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump trở nên khó đoán định và ít cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hơn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 4/3 đã công bố kế hoạch “Tái vũ trang châu Âu”, theo đó huy động hơn 840 tỷ USD để tăng cường năng lực quốc phòng, cũng như hỗ trợ Ukraine.

Châu Âu sẵn sàng tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, vừa để đáp ứng nhu cầu hành động cấp thiết trong ngắn hạn và hỗ trợ Ukraine, vừa để giải quyết nhu cầu dài hạn về tự gánh vác trách nhiệm an ninh.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Anh và Pháp hiện đang cung cấp tên lửa Storm Shadow để Ukraine thực hiện các cuộc tấn công sâu bên trong nước Nga. Na Uy cũng đã cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không. Các quốc gia NATO khác, bao gồm Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan đã cam kết cung cấp cho Ukraine thêm hàng chục máy bay, trong khi các quốc gia châu Âu cũng đã gửi hơn 200 xe tăng Leopard 1 và Leopard 2 do Đức sản xuất.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Mark Galeotti, kho vũ khí của châu Âu đang cạn kiệt và chưa đến 1/4 số vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine thực sự được sản xuất tại lục địa này. Trong bối cảnh ấy, nhiều nhà quan sát đã cảnh báo rằng sẽ rất khó để EU có thể lấp đầy khoảng trống hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine mà Mỹ để lại.

Châu Âu đã bước vào khoảng trống do rạn nứt sâu sắc giữa Ukraine và Mỹ tạo ra. Nhưng một kế hoạch ngừng bắn do các cường quốc châu Âu lập ra vẫn cần sự hỗ trợ của Mỹ để có thể trở nên hiệu quả. Tổng thống Ukraine Zelensky cũng cho rằng, kế hoạch của Pháp - Anh về việc triển khai các lực lượng châu Âu tại Ukraine “nên bao gồm sự hiện diện của Mỹ theo cách này hay cách khác”.

Việc Mỹ quyết định tạm dừng viện trợ quân sự báo hiệu thời kỳ đen tối đối với Ukraine. Ngoài việc thiếu đi nguồn cung vũ khí hiện đại, có lẽ đòn giáng lớn nhất đối với Kiev sẽ là việc mất đi khả năng chia sẻ thông tin tình báo từ Mỹ, khiến việc xác định và tấn công các mục tiêu của Nga trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, nếu Washington nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moscow, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga có thể bùng nổ, làm gia tăng thêm áp lực lên Ukraine.

Theo giới quan sát, trong vài tháng tới, Ukraine vẫn có thể tiếp tục chiến đấu, nhưng về lâu dài tác động sẽ rất lớn. Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ước tính rằng Ukraine sẽ cảm nhận được tác động của việc tạm dừng viện trợ trong vòng hai đến bốn tháng tới. Khi nguồn cung vũ khí bị cắt giảm một nửa, tiền tuyến của họ sẽ tiếp tục suy yếu và cuối cùng sẽ tan vỡ. Khi đó, Ukraine sẽ phải chấp nhận một giải pháp hòa bình bất lợi - thậm chí là thảm khốc.

Trước thực tế này, Tổng thống Ukraine Zelensky vừa gửi một lá thư tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó bày tỏ sẵn sàng ngồi vào bán đàm phán về xung đột Nga - Ukraine, đồng thời ký thỏa thuận khoáng sản với Mỹ, cho rằng đây có thể là bước đầu tiên hướng tới lệnh ngừng bắn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này

Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.

Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.

Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.

Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.