Tỷ phú Elon Musk và những quyền lực gây tranh cãi

Tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới và là lãnh đạo của một tập đoàn tư nhân khổng lồ, đã được Tổng thống Donald Trump trao quyền lực đặc biệt để cải tổ bộ máy Chính phủ Mỹ. Quyết định chưa từng có này đã khiến dư luận dậy sóng về sự giao thoa giữa quyền lực tư nhân và quyền lực chính phủ.

Những quyết định gây tranh cãi

Đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ, “viên chức chính phủ đặc biệt” và “không hưởng lương” - Elon Musk đang thực hiện hàng loạt cải cách sâu rộng về chính sách và quy trình hành chính. Điều này không chỉ khiến ông trở thành một trong những nhân vật quyền lực mới trên chính trường Mỹ, mà còn làm dấy lên nhiều lo ngại về mức độ ảnh hưởng của một cá nhân trong bộ máy chính phủ tại nền kinh tế số 1 thế giới.

Chỉ trong 3 tuần ngắn ngủi từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ mới hôm 20/1, nước Mỹ đã chứng kiến một làn sóng thay đổi táo bạo dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Elon Musk. Mang phong cách làm việc đặc trưng của Thung lũng Silicon tới Washington, vị tỷ phú 53 tuổi và đội ngũ của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) - chủ yếu gồm các kỹ sư trẻ, tuyên bố có thể làm việc với cường độ cao, thậm chí làm việc xuyên đêm và cả các ngày nghỉ cuối tuần.

Được sự ủng hộ trực tiếp từ Tổng thống Trump, ông Elon Musk đã được trao quyền tiếp cận các hệ thống dữ liệu và tài chính then chốt của Nhà Trắng, từ đó thâm nhập và cải tổ nhiều cơ quan liên bang. Một trong những cải cách đáng chú ý mà nhóm của ông Musk thực hiện là áp dụng các phương pháp cắt giảm chi tiêu nghiêm ngặt, tương tự như cách tỷ phú này điều hành các công ty tư nhân. Đặc biệt, biện pháp “ngân sách dựa trên số 0” đã được triển khai, trong đó mọi khoản chi tiêu của các chương trình hay hợp đồng sẽ bị giảm xuống còn con số 0. Sau đó, các bên sẽ bắt đầu thảo luận về mức chi tiêu tối thiểu cần thiết, với mục tiêu tối ưu hóa ngân sách và giảm sự lãng phí.

Điển hình là tại Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) - trung tâm điều hành nhân sự của chính phủ Mỹ, hàng loạt thư điện tử được gửi đến toàn bộ nhân viên OPM, kêu gọi họ từ chức với lời hứa trả lương đến hết tháng 9. Điều này giống hệt với cách thức sa thải các cựu nhân viên của Twitter sau khi ông Elon Musk mua lại nền tảng mạng xã hội này vào năm 2022 và đổi tên thành X.

Tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), tình hình còn căng thẳng hơn. Dù Tổng thống Trump đã đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài, song ông Elon Musk còn muốn đi xa hơn thế. Toàn bộ ban lãnh đạo USAID bị sa thải, trong khi hơn 2.000 nhân viên trên toàn cầu nhận được thông báo “nghỉ phép hành chính” và có 30 ngày để trở về Mỹ.

Tại Tổng cục Dịch vụ (GSA), đơn vị quản lý bất động sản và mua sắm cấp liên bang, những thay đổi được ông Elon Musk thúc đẩy dù diễn ra âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt, tập trung vào “hiệu quả” và “giá trị cho người nộp thuế”.

Theo một số nguồn tin, các văn phòng của GSA được yêu cầu cắt giảm 50% chi phí kinh doanh, trong khi khoảng 3.000 hợp đồng thuê ngắn hạn trong tổng số 7.000 hợp đồng thuê của GSA trên toàn nước Mỹ sẽ bị hủy bỏ.

Tại Bộ Tài chính Mỹ, DOGE được cấp quyền truy cập đầy đủ vào hệ thống thanh toán. Tỷ phú Musk từng công khai chỉ trích quy trình thanh toán hiện tại của Bộ Tài chính Mỹ, khi cho rằng các nhân viên của bộ này “không bao giờ từ chối một khoản thanh toán nào, kể cả với các nhóm khủng bố hoặc lừa đảo”.  DOGE đã yêu cầu nhân viên Bộ Tài chính Mỹ phải thường xuyên cập nhật danh sách “Không thanh toán”, mạng lưới cơ sở dữ liệu giúp xác định những cá nhân và thực thể liên quan đến hoạt động lừa đảo, không được phép nhận tiền từ ngân sách chính phủ.

“Liệu chúng tôi có được phép vào Bộ Tài chính không? Chúng tôi chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của mình và cần câu trả lời về lý do tại sao tỷ phú Elon Musk, người không được dân bầu, lại có quyền truy cập thông tin nhạy cảm của các cử tri?”

Ông Maxwell Frost, Nghị sỹ đảng Dân Chủ đại diện bang Florida

Chưa dừng lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/2 tiếp tục ủy quyền cho tỷ phú Elon Musk và Bộ Hiệu quả Chính phủ rà soát chi tiêu tại Lầu Năm Góc – trụ sở Bộ Quốc phòng, và Bộ Giáo dục.

“Tôi đã chỉ thị cho Elon Musk kiểm tra Bộ Giáo dục và Lầu Năm Góc. Một số điều có thể bị vạch trần. Chúng ta sẽ tìm thấy hàng tỷ, hàng trăm tỷ đô la bị gian lận và lạm dụng”

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Việc kiểm toán chi tiêu tại Lầu Năm Góc, cơ quan quản lý ngân sách quân sự lớn nhất của Mỹ, sẽ là một thách thức lớn. Lầu Năm Góc tiêu tốn hơn 800 tỷ USD mỗi năm và chưa bao giờ vượt qua được các cuộc kiểm toán tài chính.

Giữa ồn ào dư luận, hồi cuối tuần qua, tạp chí Time danh tiếng đã đăng hình ảnh “chế” tỷ phú giàu nhất thế giới ngồi sau chiếc bàn làm việc quyền lực của Tổng thống Mỹ trong Phòng Bầu dục. Đặc biệt, đây là lần thứ hai trong vài tháng qua, ông Elon Musk xuất hiện trên bìa tạp chí Time.

Trước đó, vào tháng 11/2024, ông được tạp chí này gọi là "Công dân Musk", mô tả ông như một “nhà tạo dựng quyền lực” trong cuộc bầu cử tổng thống.

Các bìa báo này ám chỉ rằng tỷ phú Elon Musk, thay vì Tổng thống Trump, mới là người thực sự nắm quyền lực đằng sau hậu trường của chính quyền Mỹ. Đây là một thông điệp có thể khiến Tổng thống Trump không hài lòng, vì ông vốn rất coi trọng Time và không muốn chia sẻ quyền lực với bất kỳ ai.

Tổng thống Trump đã từng hai lần được Tạp chí Time lựa chọn là “Nhân vật của năm” và cũng thường xuyên xuất hiện trên bìa tạp chí này kể từ khi quay lại Nhà Trắng. Nếu tờ báo lần này có chủ đích khiêu khích, thì đây cũng không phải là lần đầu tiên tạp chí Time dùng hình ảnh trên trang bìa để tạo ra mâu thuẫn giữa ông Trump và những cộng sự thân cận

Năm 2017, cựu chiến lược gia Steve Bannon của Nhà Trắng cũng từng xuất hiện trên bìa Time, với những bài viết cho rằng ông Bannon là người thực sự thao túng quyền lực trong chính quyền Trump. Điều này đã gây mâu thuẫn lớn giữa Tổng thống Trump và ông Bannon, dẫn đến việc ông Bannon bị sa thải.

Đáng chú ý, mặc dù tỷ phú Elon Musk là người nổi tiếng với việc chia sẻ mọi hoạt động của mình trên mạng xã hội, nhưng đến nay ông vẫn chưa lên tiếng về lần xuất hiện này trên bìa tạp chí Time. Sự im lặng của ông Musk trong bối cảnh này càng làm tăng thêm sự tò mò và nghi ngại về vai trò của ông trên chính trường Mỹ.

Thiếu vắng sự giám sát công khai

Khi được giao nhiệm vụ cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ liên bang, tỷ phú Elon Musk cam kết sẽ thực hiện công việc một cách minh bạch, thậm chí có thể phát trực tuyến để công chúng theo dõi. Tuy nhiên, hơn ba tuần sau khi Tổng thống Trump quay lại Nhà Trắng, các nhà phân tích cho rằng mọi việc diễn ra không như kỳ vọng, với sự thiếu minh bạch trong quá trình làm việc của ông Elon Musk và nhóm của ông.

Hồi năm ngoái, tỷ phú Elon Musk đã cam kết rằng công việc của ông trong chính phủ sẽ không phải là “một thứ gì đó bí mật trong phòng kín”. Thay vào đó, ông khẳng định sẽ làm mọi thứ minh bạch. Tuy nhiên, kể từ khi ông Elon Musk bắt đầu tham gia chính phủ, các hoạt động của ông và Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) không hề có sự giám sát công khai. Ông không trả lời các câu hỏi từ báo chí và cũng không tham dự bất kỳ phiên điều trần nào với các nhà lập pháp.

Trong ba tuần đầu tiên, nhóm của ông Elon Musk đã thâm nhập vào nhiều cơ quan liên bang, từ Bộ Cựu chiến binh, Bộ Tài chính cho đến Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia. Tuy nhiên, các hoạt động này diễn ra một cách lặng lẽ. Các nhân viên sự nghiệp trong các cơ quan kể trên thường phải tìm hiểu về sự xuất hiện của nhóm DOGE qua những dấu hiệu không chính thức. Sự thiếu minh bạch này khiến nhiều người trong chính quyền liên bang lo ngại về tác động của Elon Musk và đội ngũ của ông đối với các cơ quan và nhân viên làm việc tại đây.

Một số nhà phân tích chỉ trích rằng Tổng thống Trump đã cho phép ông Elon Musk thực hiện quyền lực và thẩm quyền chưa từng có đối với các hệ thống chính phủ, trong khi các hoạt động của ông Musk lại diễn ra trong sự bí mật tối đa, không phải chịu trách nhiệm. Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã cố gắng triệu tập ông Elon Musk ra điều trần về nhóm DOGE, nhưng bị đảng Cộng hòa ngăn cản. Các nhà lập pháp Dân chủ chỉ trích ông Musk không phải là quan chức được bầu, nhưng quyền lực của ông trong việc cải cách chính phủ lại lớn hơn nhiều đại diện được cử tri lựa chọn, mà không chịu sự kiểm soát nào từ Quốc hội.

“Một tỷ phú không được dân bầu, không phải chịu trách nhiệm với công việc mình làm, nhưng lại dường như đang có quyền lực vô hạn đối với dữ liệu cá nhân của người Mỹ và tiền thuế của người dân. Mỗi giờ trôi qua lại có thêm những thông tin về các mối đe dọa mới mà Elon Musk gây ra cho người lao động”.

Ông Greg Casar, Nghị sỹ đảng Dân Chủ đại diện bang Texas, Mỹ

Theo hãng tin AP, dù ông Elon Musk gia nhập chính quyền với tư cách là nhân viên chính phủ đặc biệt, nhưng không rõ liệu ông có tuyên thệ trước Hiến pháp như các công chức liên bang khác hay không. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là việc ông Elon Musk nắm quyền kiểm soát các cơ quan giám sát chính các công ty của mình. Điều này tạo ra những lo ngại về xung đột lợi ích, đặc biệt khi xét đến các mối quan hệ kinh doanh rộng lớn của ông, bao gồm cả các hợp đồng của tập đoàn SpaceX với Lầu Năm Góc.

Chính quyền Tổng thống Trump cam kết rằng ông Elon Musk sẽ tránh các lĩnh vực có xung đột lợi ích, nhưng vẫn chưa có thông tin rõ ràng về cách đánh giá điều này.

Đến nay, Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì công khai ủng hộ ông Elon Musk, gọi ông là “người thông minh” và “làm rất tốt”. Tuy nhiên, hàng nghìn người dân đã xuống đường biểu tình phản đối các cải cách của ông Elon Musk. Ít nhất 4 vụ kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang thách thức thẩm quyền của tỷ phú 53 tuổi này.

Elon Musk có thẩm quyền để đóng cửa cơ quan Chính phủ?

Mặc dù Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Elon Musk đã đưa ra những quyết định mạnh mẽ nhằm giảm chi phí chính phủ, nhưng theo Hiến pháp và các quy định pháp lý hiện hành, việc đóng cửa các cơ quan chính phủ hoặc cắt giảm ngân sách mà không có sự đồng thuận của Quốc hội là hành động vi phạm quyền lực lập pháp. Theo các chuyên gia, điều này không chỉ tạo ra các thách thức pháp lý và chính trị lớn, mà còn mở ra một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa làm suy yếu quyền lực và thẩm quyền của nhánh lập pháp trong tương lai.

Một trong những vấn đề lớn được đặt ra là tính hợp pháp và thẩm quyền của Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) trong việc đóng cửa các cơ quan chính phủ. Các nhà lập pháp như lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, Chuck Schumer, đã chỉ trích mạnh mẽ hành động của DOGE, cho rằng đây là một "chính phủ đen tối " và không có quyền lực hợp pháp để đóng cửa các cơ quan hoặc thay đổi chi tiêu. Theo Điều 1 của Hiến pháp Mỹ, quyền lực phân bổ ngân sách và quản lý chi tiêu thuộc về Quốc hội.

“Tôi thực sự lo ngại về tiền lệ được thiết lập ở đây. Theo quan điểm của tôi, đây là sự lạm quyền nghiêm trọng của nhánh hành pháp. Tôi cho rằng DOGE không có thẩm quyền này, nếu họ không có sự đồng ý của Quốc hội”. 

Giáo sư Donald Moynihan, Đại học Michigan, Mỹ

Thêm vào đó, Đạo luật Kiểm soát Tịch thu năm 1974 quy định rằng Tổng thống có thể cắt giảm chi tiêu, nhưng chỉ khi đưa ra đề xuất và Quốc hội phải xem xét trong vòng 45 ngày. Trong trường hợp của DOGE, các quyết định của cơ quan này rõ ràng đi ngược lại những quy định này, đặc biệt khi Quốc hội chưa phê duyệt bất kỳ hành động cắt giảm nào.

Về phía chính quyền Trump, họ khẳng định DOGE hoạt động hợp pháp và tuân thủ các quy định của luật liên bang. Nhà Trắng cho biết ông Elon Musk và các lãnh đạo khác của DOGE là “nhân viên chính phủ đặc biệt”, và vì vậy họ có quyền thực hiện các biện pháp cải cách trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý lại cho rằng "nhân viên chính phủ đặc biệt" không có quyền lực vượt qua giới hạn pháp lý mà Quốc hội đã ấn định.

Cuối cùng, nếu Quốc hội không kịp thời phản đối hành động của DOGE, điều này có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, khiến thẩm quyền của Quốc hội trong việc quản lý ngân sách và các cơ quan chính phủ bị xâm phạm.

Cuộc cải tổ của tỷ phú Elon Musk trong chính phủ liên bang đại diện cho một thử nghiệm chưa từng có về việc áp dụng phương pháp quản lý kiểu doanh nghiệp vào khu vực công. Dù cuộc thử nghiệm này có thể mang lại một số hiệu quả về mặt kinh tế, song những lo ngại về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và xung đột lợi ích vẫn còn hiện hữu. Hơn nữa, việc tập trung quyền lực quá lớn vào tay một cá nhân, đặc biệt khi đó là một tỷ phú không được dân bầu, tiềm ẩn những hậu quả không thể lường trước.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Những biện pháp này không chỉ châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại, mà còn làm lung lay niềm tin vào hệ thống thương mại tự do mà Mỹ từng dẫn dắt.

Các cơ quan liên quan của Myanmar đã có buổi làm việc với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar về kết quả tìm kiếm cứu nạn và giai đoạn tiếp theo trong chiều tối muộn ngày 3/4, tại Thủ đô Naypyidaw.

Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.

Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.

Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.

Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.