Tương lai Hàn Quốc sau khi Tổng thống bị luận tội

Theo giới quan sát, việc Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu và thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol phần nào làm giảm bớt sự bất ổn chính trị của Hàn Quốc, song nước này sẽ đối diện những mối nguy về ngoại giao và an ninh tiềm tàng.
Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik thông báo thông qua động thái luận tội Yoon Suk Yeol tại tòa nhà Quốc hội ở Seoul vào ngày 14/12.

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua động thái luận tội Tổng thống vào ngày 14/12, ông Yoon Suk Yeol sẽ bị đình chỉ chức vụ cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra quyết định về việc có nên phế truất ông hay không, thời hạn tối đa 180 ngày. Thủ tướng Han Duck Soo đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống.

Trong thời gian này, ông Yoon sẽ mất hàng loạt quyền của nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu nhánh hành pháp.

Các chuyên gia đánh giá việc luận tội ông Yoon thành công đã làm giảm bớt sự bất ổn chính trị trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về cách xây dựng mối quan hệ với chính quyền sắp tới của Mỹ và quan hệ tiếp theo với Triều Tiên.

Ông Troy Stangarone, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và Chính sách công của Quỹ Hyundai Motor-Korea tại Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ) cho rằng, với việc luận tội Tổng thống, hiện có những ranh giới thẩm quyền rõ ràng để các quan chức Mỹ tham gia trong khi Tòa án Hiến pháp xem xét việc luận tội và sau đó là cuộc bầu cử Tổng thống có thể diễn ra.

"Sẽ không có sáng kiến ​​chính sách mới nào có thể được đưa ra cho đến khi chính quyền mới nhậm chức sau cuộc bầu cử, nhưng khi tình hình chính trị bất ổn đã được giải quyết, Mỹ hiện có thể hợp tác với chính quyền của Tổng thống tạm quyền Han Duck Soo để quản lý các khía cạnh quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước", ông Troy nói.

Trước khi Thủ thướng Han Duck Soo đảm nhiệm vai trò lãnh đạo lâm thời, Hàn Quốc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị khi người ta nghi ngờ liệu ông Yoon có thực sự kiểm soát được các vấn đề nhà nước hay không trước sự phản đối ngày càng tăng của xã hội và chính trị.

Khảo sát mới nhất công bố ngày 13/12 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 11%, trong bối cảnh công chúng ngày càng phản ứng dữ dội về tuyên bố thiết quân luật vào tuần trước.

Đánh giá tiêu cực về ông Yoon tăng lên mức cao kỷ lục là 85%, trong đó trong đó 8% số người được hỏi bày tỏ quan ngại về kinh tế và 49% nêu ra cách xử lý tình hình thiết quân luật.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Các nhà quan sát hiện đặt hy vọng vào vai trò tổng tư lệnh tạm quyền của ông Han Duck Soo, chỉ ra kinh nghiệm sâu rộng của ông trong quản lý chính phủ và chính sách đối ngoại bất chấp những thách thức phía trước. Ông từng là Đại sứ tại Mỹ giai đoạn 2009 - 2012, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại, Thư ký Tổng thống về điều phối chính sách, Thủ tướng, Đại sứ tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD và là người đứng đầu các tổ chức nghiên cứu và nhiều tổ chức khác.

Ông Han đã làm Thủ tướng từ khi nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon bắt đầu vào năm 2022. Đây là lần thứ hai ông đảm nhận vai trò. Trước đó, ông làm Thủ tướng dưới thời Tổng thống Roh Moo Hyun vào năm 2007 - 2008.

Ông có kinh nghiệm làm việc với Mỹ - đồng minh quan trọng của Hàn Quốc và đã tham gia sâu vào quá trình ký kết Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn.

"Không có lý do gì để tin rằng quyền Tổng thống Han Duck Soo sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ", cựu sĩ quan tình báo tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ Sydney Seiler cho biết.

Ông Seiler nói thêm: "Tôi nghĩ về mặt bản chất và cách thức thực hiện ngoại giao, ông Han Duck Soo là người phù hợp vào đúng thời điểm".

Ngày 14/12, quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức trong việc điều hành Nhà nước. “Tôi sẽ dành hết tâm sức và nỗ lực để điều hành các công việc Nhà nước một cách ổn định vào thời điểm khó khăn hiện nay”, ông Han phát biểu trước báo giới.

Trước mắt, quyền Tổng thống Hàn Quốc đã ra chỉ thị khẩn cấp yêu cầu quân đội Hàn Quốc tăng cường cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khủng hoảng có thể xảy ra.

Quyền Tổng thống cũng yêu cầu cơ quan ngoại giao duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời thông báo rộng rãi thông qua các đại sứ quan rằng, đường lối đối ngoại của Hàn Quốc sẽ không thay đổi

Thủ tướng Han Duck Soo trở thành Tổng thống tạm quyền của Hàn Quốc sau khi Quốc hội nước này thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc bắt đầu sau khi ông Yoon tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp vào ngày 3/12 để rồi phải thu hồi sắc lệnh vài giờ sau đó theo yêu cầu của Quốc hội. Ông Yoon bảo vệ nỗ lực thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập này "làm tê liệt" các chức năng của chính phủ bằng những gì ông gọi là các hoạt động "chống nhà nước".

Cuộc khủng hoảng chính trị này diễn ra vào thời điểm được cho là không thích hợp khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc cần tham gia vào các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để thiết lập khuôn khổ hợp tác chặt chẽ với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Biến động chính trị cũng xảy ra trong bối cảnh Seoul và Washington ngày càng cần duy trì sự phối hợp an ninh chặt chẽ để ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của Triều Tiên cũng như mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga.

Chủ tịch An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson, ông Patrick Cronin cho biết: "Hàn Quốc vẫn vững mạnh về mặt nền tảng như trước, nhưng nếu tiếp tục suy yếu về chính trị, nước này sẽ bỏ lỡ cơ hội hợp tác với chính quyền tiếp theo của Mỹ".

"Một chính phủ bị bên ngoài coi là đang dao động sẽ dễ bị Triều Tiên thăm dò khiêu khích", ông Patrick nói thêm.

Hậu quả của lệnh thiết quân luật đã làm dấy lên lo ngại rằng Triều Tiên có thể lợi dụng lệnh này để thực hiện các hành động khiêu khích.

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc đã cảnh báo "bất kỳ thế lực nào" cũng không được lợi dụng tình hình chính trị ở Seoul, trong khi các quan chức khác tái khẳng định cam kết chắc chắn của Mỹ đối với liên minh với Hàn Quốc.

Cựu sĩ quan Sydney Seiler cho biết: "Tôi nghĩ rằng (lãnh đạo Triều Tiên) Kim Jong-un sẽ được một Chính phủ ở Seoul khuyến khích và cổ vũ để cố gắng sử dụng vũ lực hạn chế và một số hình thức khiêu khích nhằm làm suy yếu thêm chính phủ, gia tăng căng thẳng trên bán đảo và về cơ bản là đặt nền tảng cho khả năng quay lại bàn đàm phán".

Theo ông Seiler, những khó khăn chính trị ở Hàn Quốc sẽ không khiến an ninh của nước này trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương do khả năng sẵn sàng phòng thủ của Hàn Quốc, đồng thời lưu ý rằng, ông lo ngại hơn về khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên "tính toán sai" hoặc "đánh giá thấp" Hàn Quốc và liên minh của nước này với Mỹ.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh Seoul cần phải tăng cường phối hợp an ninh chặt chẽ với Washington. "Seoul cần hợp tác chặt chẽ với Washington để đảm bảo không có bất kỳ khoảng cách nào về mặt phòng thủ và răn đe trên bán đảo", Andrew Yeo, Chủ tịch Quỹ SK-Korea tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Viện Brookings cho biết.

"Thông điệp chính trị cũng sẽ rất quan trọng, chứng minh rằng các thể chế dân chủ của Hàn Quốc vẫn còn nguyên vẹn", ông Andrew khẳng định.

Vị học giả từ Viện Brookings lưu ý rằng, dưới sự lãnh đạo của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền, Chính phủ Hàn Quốc có thể thực hiện đường lối chính sách ủng hộ liên minh, mặc dù vẫn chưa biết liệu chính phủ của ông Trump có ưu tiên quan hệ với Seoul hay không.

"Ở cấp độ rộng hơn, Chính phủ hiện tại do PPP lãnh đạo sẽ tiếp tục các chính sách thúc đẩy quan hệ liên minh Mỹ - Hàn và nỗ lực thuyết phục ông Trump rằng Hàn Quốc đang đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Mỹ và liên minh này", ông Andrew cho biết.

"Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền mới của Mỹ có hạ thấp ưu tiên quan hệ với Hàn Quốc cho đến khi tình hình chính trị bất ổn lắng xuống hay không. Nếu đảng Dân chủ đối lập (DP) cuối cùng cũng trở lại nắm quyền, chúng ta có thể thấy một số thay đổi liên quan đến chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên và Trung Quốc", ông Andrew nói.

Còn theo ông Stangarone, cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc đã làm suy yếu khả năng của Seoul trong việc hợp tác sắp tới với chính quyền Tổng thống đắc cử Trump về các vấn đề chính sách quan trọng liên quan đến thương mại, cuộc xung đột Nga - Ukraine và các vấn đề với Trung Quốc.

"Trong trường hợp không có cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại, Hàn Quốc sẽ tích cực tham gia vào chính quyền của ông Trump sắp tới về chính sách thuế quan của mình để đảm bảo được miễn trừ khỏi bất kỳ mức thuế mới nào hoặc giảm thiểu tác động của chúng đối với các công ty Hàn Quốc.", ông Stangarone nói.

Ông Troy Stangarone, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và Chính sách công của Quỹ Hyundai Motor-Korea tại Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ).

Ông Stangarone tiếp tục nói rằng, nếu không có cuộc khủng hoảng, Seoul sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế và công nghệ của Hàn Quốc khi chính quyền Mỹ sắp tới xây dựng kế hoạch áp thuế quan mới hoặc kiểm soát xuất khẩu đối với hàng hoá từ Trung Quốc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quân đội Nga đã kiểm soát 8 khu định cư ở khu vực Donetsk và vùng Zaporozhye trong tuần 29/3-4/4 trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Các tàu của hải quân Nga và Ấn Độ đã thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong cuộc tập trận chung mang tên Indra Navy 2025 tại Vịnh Bengal, miền Nam Ấn Độ và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đang nỗ lực để tìm kiếm ba nạn nhân cuối cùng tại khách sạn Jade City ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un vừa có chuyến thăm căn cứ huấn luyện quân sự của các đơn vị tác chiến đặc biệt thuộc Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Tờ The Hill ngày 4/4 dẫn nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đã dừng việc hoàn tất thỏa thuận bán TikTok cho tới khi Washington và Bắc Kinh đàm phán lại về thuế quan.

Quân đội Israel ngày 4/4 tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công kết hợp vào Dải Gaza, khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương.