Trôi theo miền nhớ
Chiều muộn, hai cha con dẫn nhau đi ngắm hoàng hôn, nhìn bầu trời chuyển từ màu xanh sang đỏ hồng rực rỡ. Mặt trời bừng lên tia nắng cuối ngày, đỏ lựng rồi dần ẩn mình vào biển. Lúc này mặt trời không còn chói lóa cao vọi mà hiền hoà gần gũi, như thể chìa tay ra là chạm được vào.
Cha dắt tay con chơi trò đón sóng. Ngọn sóng từ xa ập đến, con không kịp nhảy lên, lóp ngóp giữa lớp bọt trắng phau. Cha bế con lên quay một vòng, cười ha hả. Chơi đến mệt nhoài, hai cha con nằm dài trên triền cát, đếm từng ngôi sao từ từ xuất hiện, nhấp nháy trên nền nhung đen thẳm. Này là sao cha, kia là sao mẹ, xa tít tắp mới là sao con. Con thiu thiu ngủ, cha cõng con, mang theo giấc mơ về nhà.

Cha khéo tay, tự đan lưới đánh cá. Cha đan cho con chiếc võng nhỏ xinh. Võng làm bằng cước, mẹ sợ con gái đau, đem đệm lót. Con không chịu, để mặc da thịt dọc ngang hình mắc lưới. Cha cười, con gái cha chạm trổ lên người à. Chiếc võng ấy, nay đã thủng vài chỗ, con vẫn dùng đu đưa con gái vào giấc ngủ mỗi ngày.
Con nhớ da diết thuở cha cùng các chú trong làng đi đánh cá. Mỗi khi màn đêm buông xuống, trời và biển hoà một màu đen thẫm, cha hào hứng đẩy thuyền thúng ra khơi. Đến khi bình minh thức giấc, cha mang về lưới đầy cá tôm. Mẹ tỉ mẩn gỡ từng con, phân loại đem bán, hoặc phơi khô để dành mùa mưa bão. Hôm nào nghỉ học là con ra bờ biển ngồi, đón cha làm trò trên chiếc thúng trở về.
Hồi con bé xíu, cha cho con lên thúng cùng cha ra biển. Con lắc lư theo nhịp sóng, tiếng cười hoà vào tiếng hát của biển khơi. Con học cấp hai, cha chỉ con cách chèo, làm sao cho thúng không xoay tròn, nhẹ nhàng nhấp nhô trên đầu ngọn sóng. Mẹ phản đối, con gái cần gì biết nghề này. Cha và con thè lưỡi nhìn nhau, ăn ý trong thỏa thuận ngầm. Đợi mẹ đi vắng cha con mình tiếp tục.

Rồi cha bỏ thúng đi thuyền lớn. Cha nói cha muốn khám phá đại dương, quanh quẩn gần bờ không thỏa chí của cha.
Chuyến đầu tiên, hai mẹ con trông ngóng từng ngày. Mong trời yên biển lặng. Hơn tháng sau cha về, niềm vui vỡ oà. Thuyền cha trúng được mẻ cá lớn. Cha vuốt tóc con cười sảng khoái. Con gái lớn tướng, không cõng được. Hai cha con kẻ trước người sau, men theo mùi thơm ngào ngạt của món ngon mẹ nấu lần về.
Nghỉ ngơi chưa được bao lâu, cha tiếp tục ra khơi. Lúc đó vào cuối tháng 11 âm lịch, mùa biển động. Nhiều tàu thuyền chọn cách trú bờ. Cha nói chỉ cần trúng mẻ cá ngừ đại dương, cha về ăn Tết cùng hai mẹ con. Mẹ và con lại thắc thỏm từng ngày, cầu trời phù hộ cha bình an.

Cuối tháng Chạp, trong lúc hai mẹ con hồ hởi đợi cha về, thì nhận tin dữ. Tàu bị đắm lúc quay về. Cha mất tích. Nỗi đau quá lớn, quá đột ngột. Mẹ ngất xỉu, con gào khóc thảm thiết. Thế nhưng hai mẹ con vẫn nuôi hy vọng vì chưa tìm thấy xác của cha. Chưa thấy xác tức là còn cơ hội, đâu đó giữa đại dương cha vẫn tìm con đường sống trở về.
Mỗi ngày, con ngồi đợi cha trên bờ cát. Ngày qua ngày, hy vọng mong manh theo nắng chiều tắt lịm. Con như quả bóng xì hơi, nước mắt tuôn chảy cùng nỗi đau mất cha.
Cha ra đi, mẹ vẫn ở lại làng chài. Mẹ nói, cha còn lạnh lẽo giữa biển khơi, mẹ ở cạnh bầu bạn. Biết đâu một ngày, thân xác cha tìm đường về, không ai đón thì tội.
Nhiều năm con không đến gần biển. Con ghét biển cướp mất người cha yêu quý của mình. Đến khi con trở thành mẹ của đứa con gái bé bỏng, con mới lần nữa chạm vào. Con đặt tên con gái là Cá, như niềm nhung nhớ về cha, người đàn ông tên Biển.
Con mang Cá đến với biển. Để bé hoà vào niềm vui biển mà cha từng mang đến cho con. Để cha ôm cháu ngoại yêu dấu của mình.
Con sóng đùa nghịch tung nước vào người, khiến con ướt sũng. Giơ tay vuốt giọt nước biển mặn mòi, con thì thầm. Cha yêu biển đến hơi thở cuối cùng. Cha chọn cách gửi mình vào biển. Con sẽ cùng biển lưu giữ những ký ức đẹp đẽ về cha. Như con sóng ngoài khơi rì rào hát mãi…


Con người ta ai lớn lên rồi cũng có cho riêng mình một miền ký ức tươi xanh. Đôi khi vì những bộn bề của cuộc sống hiện tại mà nó bị lãng quên, vùi lấp, đã tưởng nó mất đi. Nhưng không, nó vẫn ở đó. Và trong một trưa đầy nắng, miền ký ức tươi xanh của một người được tắm mát trong tiếng gà cục tác…
Cuộc sống cần có sự kết nối. Con người sống lại càng cần sự kết nối hơn bao giờ hết. Nhưng nhịp sống hiện đại, đặc biệt là sự xuất hiện của thế giới công nghệ, đôi khi lại khiến người ta quên đi sự kết nối, gắn kết với những người xung quanh, lãnh cảm với những gì tồn tại quanh mình. Bởi vậy, mỗi người nên chăng ngắt kết nối với những điều không thực sự cần thiết để kết nối với những điều thực sự thiết thực quanh mình?
Tới bây giờ, có người vẫn chưa thể lý giải nổi tại sao hai thứ không có “họ hàng” gì liên quan lại luôn đi kèm với nhau: Thuốc lào – Chè Thái. Dọc theo đường quốc lộ 1A ở xứ Thanh, rất dễ bắt gặp các quán có biển tên chỉ viết đúng bốn chữ này ở ven đường. Thuốc lào thì không viết rõ địa danh ở đâu, chứ chè thì nhất định phải là chè Thái bởi ý niệm: chè ở Thái Nguyên thì mới ngon nhất.
Les Brown, một nhà diễn thuyết nổi tiếng trên toàn nước Mỹ vì những thông điệp đầy sức sống, kêu gọi con người vượt qua mọi khó khăn để vươn lên và khẳng định chính mình, đã từng nói: “Quá nhiều người trong chúng ta không sống với giấc mơ của mình vì chúng ta sống với nỗi sợ hãi”.
Trước đây khi nghe ai đó nói rằng: "muốn yêu thương người khác, trước hết bạn phải biết yêu thương chính mình", có người thường bỏ ngoài tai và luôn tìm cách biện hộ cho việc không chăm sóc bản thân vì chẳng có thời gian. Khi sức khỏe lên tiếng báo động, cô mới giật mình lo sợ và nhận ra mình đã bỏ quên bản thân từ rất lâu rồi.
Tôi vốn không phải là người thích chạy theo xu hướng, kể cả việc thưởng thức phim. Chắc đó là lý do khi mọi người hào hứng tìm kiếm bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" trên khắp các nền tảng mạng xã hội, tôi vẫn bình thản với hiện tượng đặc biệt này. Dẫu thế, trong một ngày phố phường oi ả, cảm thấy đôi phần kiệt quệ vì đời sống, tôi đã ngồi nghiêm chỉnh xem trọn vẹn bộ phim. Có một người cũng giống như tôi.
0