Trời lạnh nên làm gì để giữ sức khỏe?
Giữ ấm cơ thể đúng cách
Thời tiết chuyển lạnh, việc giữ ấm là điều đương nhiên, nhưng không phải ai cũng biết giữ ấm đúng cách. Bạn cần đặc biệt lưu ý một số bộ phận như bàn tay, ngực, cổ, đầu, tuyệt đối tránh nhiễm lạnh các vùng này bằng cách mặc ấm, đội mũ, mang tất, găng tay, quàng khăn hoặc mặc áo kín cổ.
Riêng đối với trẻ em, theo bác sĩ Phí Xuân Thi, khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cha mẹ nên tuân theo quy tắc giữ ấm "4 ấm, 1 lạnh" để phòng bệnh cho con trẻ bao gồm:
Tay ấm: Giữ bàn tay con ấm, không bị lạnh, không đổ mồ hôi
Lưng ấm: Lưng trẻ cần được giữ ấm vừa phải vì nếu đổ mồ hôi ở lưng và không được lau kịp thời, mồ hôi sẽ thấm ngược vào trong cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh. Nếu bố mẹ thấy cổ và lưng của trẻ lạnh, điều đó có nghĩa là con cần được mặc thêm quần áo.
Bụng ấm: Bụng cần giữ ấm sẽ giúp bảo vệ dạ dày của trẻ. Nếu bụng lạnh, dạ dày lạnh sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của con.
Bàn chân ấm: Bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể trẻ vì dưới bàn chân có rất nhiều mạch và huyệt. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần lưu ý giữ ấm đôi bàn chân của trẻ trong những ngày rét, đi tất cho bé dù ở trong nhà, đi thêm giày khi ra ngoài.
"1 lạnh": Không vì trời lạnh mà bố mẹ trùm kín đầu trẻ bằng mũ suốt cả ngày. Theo các chuyên gia, khi ở trong nhà, cần để đầu trẻ thông thoáng, thoải mái, không cần đội mũ. Chỉ khi đi ra ngoài, trẻ mới cần đội mũ để giữ ấm.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Đây cũng là một trong những việc nên làm khi trời chuyển lạnh. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, dọn dẹp nhà cửa và rửa sạch các vật dụng như cốc chén, bát đũa..., nhất là khi có người ốm trong gia đình.
Vào những ngày rét đậm, với trẻ em chỉ cần lau người, rửa chân tay mặt mũi sạch bằng nước ấm trong phòng kín gió, có thiết bị sưởi và ủ ấm ngay để không bị nhiễm lạnh. Nếu tắm gội cần tắm nhanh trong phòng kín. Với người có tuổi nên hạn chế tắm và gội cùng lúc, tránh biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.
Ăn uống đủ dưỡng chất
Nếu như bạn dễ bị nhiễm lạnh, thường xuyên ốm mỗi khi chuyển mùa, thì một phần cũng do cơ thể thiếu chất. Việc thiếu dinh dưỡng sẽ làm cho sức đề kháng suy giảm, hệ miễn dịch yếu kém. Vì vậy, ăn đầy đủ chất cũng là một cách giữ ấm cơ thể hiệu quả. Khi bạn ăn no và đầy đủ chất, quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi, giúp cơ thể đốt cháy calo hiệu quả. Quá trình đốt chất calo sẽ tạo điều kiện để cơ thể sinh nhiệt. Lúc này bạn sẽ thấy ấm hơn.
Vào những ngày này, bạn nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung các vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C và uống đủ nước; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cần uống nước ấm, tránh sử dụng những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Để phòng bệnh tăng huyết áp, người già nên ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ năng lượng; ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa, bột dinh dưỡng; ăn nhiều rau quả tươi; ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ.
Tập thể thao hoặc vận động nhẹ
Khi bị lạnh, cách làm ấm cơ thể nhanh nhất đó chính là vận động. Việc cơ thể hoạt động sẽ tăng cường lưu thông máu huyết, từ đó giúp cơ thể ấm dần lên. Nếu bạn lựa chọn tập thể dục ngoài trời, thì nên mặc đủ ấm trước khi ra ngoài, chọn các bài tập nhẹ nhàng và tránh đi tập vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Ngược lại khi đang ở trong nhà, bạn có thể làm việc nhà, hoặc tập các bài thể dục tại chỗ.
Uống nhiều nước ấm
Một cách giảm lạnh cho cơ thể đơn giản, dễ thực hiện đó chính là uống nhiều nước ấm khi nhiệt độ ngoài trời thấp. Hoặc bạn có thể uống trà gừng, ăn kẹo gừng. Bởi gừng là một thực phẩm sinh nhiệt, giúp cơ thể của bạn sẽ ấm hơn./.
Trong bối cảnh dịch sởi diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu phân bổ vitamin A cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi nhằm tăng hệ miễn dịch ở trẻ.
Sau mùa bão lũ, đặc biệt khi cơ sở vật chất thiếu thốn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước sạch khan hiếm, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau một thời gian, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Sau mưa lũ, do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém nên sẽ làm bùng phát một số bệnh ngoài da. Dưới đây là một số bệnh ngoài da thường gặp và cách phòng, chống.
Kết hôn và sinh con vốn được coi là chuyện quan trọng của đời người. Nhưng với nhiều người trẻ hiện nay, quan niệm về tình yêu, hôn nhân của họ cởi mở hơn rất nhiều.
Mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm nhiều nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho bệnh nhân nữ 55 tuổi bị tái phát nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.
0