Tổng thống Trump khơi mào 'chiến tranh văn hóa'

Cuộc chiến văn hóa do Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào nhắm vào các phương tiện truyền thông, tổ chức văn hóa, thể thao và nhiều lĩnh vực khác, đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền đảng Dân chủ ở nhiệm kỳ trước.

Giải tán Bộ Giáo dục

Ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm các vận động viên chuyển giới tham gia các môn thể thao dành cho nữ. Ông cũng yêu cầu đã chặn hãng thông tấn AP đến một số địa điểm vì hãng này không công nhận việc đổi tên Vịnh Mexico thành “Vịnh Mỹ” như ông yêu cầu. Mới đây nhất, chính quyền của ông Trump đang tiến hành các bước để giải thể Bộ Giáo dục, chuyển giao một số trách nhiệm từ bộ này sang các cơ quan khác, như trao việc thực thi quyền công dân cho Bộ Tư pháp, chuyển việc cho vay sinh viên cho Bộ Tài chính hoặc Bộ Thương mại; giao việc giám sát quyền của sinh viên khuyết tật cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Bộ Giáo dục Mỹ đã cắt giảm một nửa lực lượng lao động, sa thải 1.300 nhân viên. Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ xóa bỏ hoàn toàn Bộ Giáo dục, gọi đó là sự lãng phí và bị những người theo chủ nghĩa cánh tả chi phối. Nếu Bộ Giáo dục Mỹ không còn, nhiều người lo ngại rằng chính phủ liên bang sẽ không quan tâm đến những sinh viên nghèo, những người vẫn đang học tiếng Anh, sinh viên khuyết tật và các nhóm thiểu số về chủng tộc và dân tộc.

Bộ Giáo dục Mỹ được thành lập vào năm 1980. Một trong những mục tiêu mà Bộ theo đuổi là bình đẳng, xuất phát một phần từ các phong trào chống đói nghèo và dân quyền của những năm 1960 và 1970. Đạo luật thành lập Bộ này mô tả một phần sứ mệnh của Bộ là: "Củng cố cam kết của Liên bang nhằm đảm bảo quyền tiếp cận cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi cá nhân".

Điểm kiểm tra tiếp tục cho thấy nhiều trẻ em đang gặp khó khăn trong học tập. Qua các bài kiểm tra toàn quốc mới nhất, Mỹ có một phần ba học sinh lớp tám thiếu các kỹ năng cơ bản về đọc hiểu; khoảng cách cũng ngày càng lớn giữa học sinh có thành tích cao nhất và học sinh có thành tích thấp hơn. Đó là lý do ông Trump giải thể Bộ này và gửi tiền trực tiếp cho các tiểu bang để chi tiêu. Việc sa thải hàng loạt đang gây bất bình cho nhân viên của Bộ.

"Chúng tôi ở đây để giám sát, đảm bảo rằng các trường công lập nhận được tài trợ liên bang. Chúng tôi thực sự không phân biệt đối xử với trẻ em khuyết tật bằng cách không cung cấp dịch vụ mà các em cần; không phân biệt đối xử với trẻ em gái trong thể thao. Chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng, trẻ em có cơ hội bình đẳng về kết quả giáo dục và có thể trở thành người tốt nhất có thể. Chúng tôi không ở đây để bảo các trường công lập nên dạy gì trong lớp học của họ hoặc không nên dạy gì. Chúng tôi không thúc đẩy hệ tư tưởng thức tỉnh. Chúng tôi không thúc đẩy lý thuyết chủng tộc quan trọng, mà theo tôi biết, thậm chí không được dạy trong bất kỳ trường công nào từ mẫu giáo đến lớp 12.”

Bà Brittany Coleman, Luật sư bị sa thải của Bộ Giáo dục

Giáo dục dành cho trẻ em thu nhập thấp, học sinh học tiếng Anh và những người khuyết tật thường tốn kém hơn, vì đòi hỏi phải giảng dạy chuyên biệt hoặc quy mô lớp học nhỏ hơn. Các quận không có nguồn thu thuế mạnh để tài trợ cho các trường học thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của những học sinh này.

Một số người lo ngại rằng, nếu không có sự giám sát của liên bang, các tiểu bang sẽ sử dụng tiền để thúc đẩy các ưu tiên của riêng họ và có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng.

Lo lắng của xã hội

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Đảng Cộng hòa đã mô tả các trường học như một chiến trường chính trị cần giành lại từ phe cánh tả. Khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump có kế hoạch sử dụng quỹ của liên bang làm đòn bẩy để thúc đẩy tầm nhìn của mình về giáo dục trên toàn quốc. Ông Trump cũng ám chỉ khả năng thông qua luật để thực hiện một số lời hứa của mình, bao gồm cả việc phạt các trường đại học vì các sáng kiến đa dạng. Điều này đã gây ra sự lo lắng rộng rãi trong xã hội Mỹ.

Theo Viện Nghiên cứu Giáo dục tại nhà Quốc gia, số lượng học sinh da màu chọn học tại nhà đã tăng vọt từ 3% lên 20% kể từ năm 2020. Sở Giáo dục Georgia báo cáo rằng, các gia đình da màu hiện là nhóm nhân khẩu học tăng trưởng nhanh nhất trong việc lựa chọn cho con tại nhà, với khoảng 3,7 triệu học sinh trên khắp nước Mỹ.

Cô giáo Andrea Hall, Giám đốc điều hành của Epic Homeschool Network, nói với Reuters rằng, quyết định học tại nhà của cô bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về việc các trường công không hiểu được sự khác biệt về văn hóa.

“Đôi khi, con cái chúng ta bị chụp mũ là một đứa trẻ hư, vì sự khác biệt của trẻ. Và không ai thực sự dành thời gian để tìm hiểu đứa trẻ đó hoặc giúp đỡ đứa trẻ đó."

Cô giáo Andrea Hall - Giám đốc điều hành của Epic Homeschool Network

Vào tháng 1/2025, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để thúc đẩy quyền lựa chọn của phụ huynh trong việc lựa chọn trường học. Cô Hall ủng hộ sáng kiến đó, nhưng lo ngại về một sắc lệnh thứ hai được ký cùng lúc nhằm chấm dứt nguồn tài trợ của liên bang cho chương trình giảng dạy mà ông Trump gọi là "sự nhồi sọ" học sinh, theo các hệ tư tưởng "chống Mỹ" về chủng tộc và giới tính.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm cấm các bé gái và phụ nữ chuyển giới tham gia thi đấu các môn thể thao dành cho nữ, một chỉ thị mà những người ủng hộ cho rằng sẽ khôi phục lại sự công bằng, nhưng những người chỉ trích cho rằng nó xâm phạm đến quyền của một nhóm nhỏ các vận động viên.

Trước khi ký lệnh hành pháp, ông Trump đã phát biểu với đám đông chủ yếu là phụ nữ rằng: "Những người đàn ông, tự nhận là nữ, đã đánh cắp hơn 3.500 chiến thắng và xâm phạm hơn 11.000 cuộc thi dành cho phụ nữ".

Có ý kiến cho rằng, những con số mà ông Trump trích dẫn không chính xác vì có 0,01% người biến thể giới tính đang sống trong toàn bộ xã hội Mỹ, chiếm tỷ lệ rất nhỏ và những con số về thành tích giới tính cũng không chính xác.

Người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về "sự thay đổi cơ bản trong hướng đi" của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, cảnh báo rằng những lời lẽ gây chia rẽ đang lừa dối và gây chia rẽ trong xã hội.

"Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ về nhân quyền trong nhiều thập kỷ, nhờ vào lòng hào phóng và lòng trắc ẩn của người dân Mỹ. Tôi hiện đang vô cùng lo lắng về sự thay đổi cơ bản trong định hướng đang diễn ra trong nước và quốc tế. Điều nghịch lý là các chính sách nhằm bảo vệ mọi người khỏi sự phân biệt đối xử hiện đang bị chụp mũ là phân biệt đối xử. Tiến trình bình đẳng giới đang bị đảo ngược." 

Ông Volker Turk - Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc

Nhìn ra phạm vi toàn cầu, chính quyền của ông Trump cũng đang liên minh với một phong trào rộng lớn hơn nhiều, không chỉ chống lại quyền của người chuyển giới mà còn chống lại các chuẩn mực giới tiến bộ.

Đa dạng, công bằng và hòa nhập dưới thời Trump

Vị Tổng thống 78 tuổi của nước Mỹ quyết tâm giành chiến thắng trong "cuộc chiến văn hóa". Ông hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để đưa chương trình nghị theo khuynh hướng cánh hữu của mình vào mọi ngóc ngách của đời sống người Mỹ. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã rất quyết liệt khi ban hành một loạt các sắc lệnh hành pháp và thay đổi chính sách nhắm vào chính sách "đa dạng, công bằng và hòa nhập" - vốn là khuôn khổ thúc đẩy sự đối xử công bằng và sự tham gia đầy đủ của tất cả mọi người. Ông cũng thay đổi chương trình giáo dục và các cuộc biểu tình chính trị. Các hành động này nhằm mục đích đảo ngược các chính sách được gọi là “thức tỉnh” dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, hướng tới tái cấu trúc xã hội Mỹ.

Thuật ngữ “thức tỉnh” gần đây đã được một số người bảo thủ sử dụng như một thuật ngữ chung cho các giá trị tiến bộ, thường là với hàm ý tiêu cực. Tuy nhiên, thuật ngữ này ban đầu được người Mỹ da màu tiến bộ đặt ra và được sử dụng trong các phong trào đòi công lý chủng tộc vào đầu đến giữa những năm 1900. Theo từ điển Merriam-Webster, "thức tỉnh" về mặt chính trị trong cộng đồng người da màu có nghĩa là người đó được thông tin, được học hành và có ý thức về bất công xã hội và bất bình đẳng chủng tộc.

Ông Trump đã phát biểu qua video với các giám đốc điều hành tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ rằng: “Chính quyền của tôi đã hành động để xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử về đa dạng, công bằng và hòa nhập trong toàn bộ chính phủ và khu vực tư nhân - đây là những chính sách hoàn toàn vô nghĩa”.

Tổng thống Trump cũng có động thái xóa bỏ “ý thức hệ giới tính cấp tiến và lý thuyết chủng tộc quan trọng” khỏi các trường học của quốc gia. Ông đã nhắm mục tiêu vào quyền LGBTQ+, chính thức công nhận rằng chỉ có hai giới tính, đồng thời tìm cách cấm tài trợ hoặc hỗ trợ của liên bang cho việc điều trị xác định giới tính của thanh thiếu niên và cấm những người chuyển giới phục vụ trong quân đội.

Những động thái của ông Trump đã phá vỡ nhiều thập kỷ thành tựu tiến bộ.

Chris Scott, một chiến lược gia của đảng Dân chủ, cho rằng: “Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump đang đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ tiền dân quyền. Mỹ đang trên bờ vực quay trở lại thời kỳ đen tối nhất của đất nước”.

Năm 2017, ông Trump được tạp chí Politico gọi là "Tổng thống chiến tranh văn hóa". Ông đã bổ nhiệm ba thẩm phán tòa án tối cao giúp lật ngược quyền phá thai theo hiến pháp sau nửa thế kỷ.

Dante King, một chuyên gia về "đa dạng, công bằng và hòa nhập", cho rằng: "Ông Donald Trump có một cương lĩnh. Ông ấy ưu tiên những người đàn ông da trắng có giới tình rõ ràng, khỏe mạnh, không chuyển giới và ông ấy quan tâm đến việc tước quyền của bất kỳ ai không sống theo hoặc hành xử dựa trên hệ tư tưởng, lý tưởng, phong tục và tập quán văn hóa của người da trắng".

Mặc dù giành được ít hơn 50% số phiếu phổ thông toàn quốc, ông Trump vẫn tin rằng bản thân có nhiệm vụ áp đặt một sự sắp xếp lại văn hóa cơ bản, không phải bằng cách gia tăng từ từ mà bằng sức mạnh đột ngột và áp đảo.

Chính quyền của ông Trump cho rằng, các sáng kiến chương trình "đa dạng, công bằng và hòa nhập" trong chính quyền liên bang là “phân biệt đối xử”, “phản Mỹ” và được thúc đẩy bởi “chương trình nghị sự cực tả”. Ông đã ra lệnh xóa bỏ tất cả các chương trình này và các văn phòng liên quan, cho nhân viên nghỉ phép và xóa các trang web liên quan vì chúng đại diện cho “sự lãng phí của công to lớn và sự phân biệt đối xử đáng xấu hổ”.

Động thái này không chỉ giới hạn ở chính phủ mà còn lan rộng ra toàn xã hội. Các công ty như McDonald’s, Meta và Walmart được cho là đã rút lui khỏi các chương trình "đa dạng, công bằng và hòa nhập" để ứng phó với áp lực chính trị.

Nhà Trắng của ông Trump đã có động thái xóa bỏ cái mà họ gọi là “tẩy não” khỏi hệ thống giáo dục K-12, đồng thời đe dọa sẽ rút tiền tài trợ liên bang khỏi các trường dạy nội dung bị coi là có tính lật đổ. Ông Trump đang hướng đến mục tiêu chống lại chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường đại học, hứa sẽ truy tố những người vi phạm và thu hồi thị thực cho những sinh viên quốc tế bị coi là “những người ủng hộ Hamas” dựa trên sự tham gia của họ vào các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine.

Các hành động hành pháp của ông Trump thể hiện một động thái mạnh mẽ, không chỉ nhằm hủy bỏ các chính sách của chính quyền tiền nhiệm mà còn đưa chương trình nghị sự "chiến tranh văn hóa" nhiệm kỳ đầu của ông đi xa hơn, bằng cách sử dụng thẩm quyền của Tổng thống để định hình lại đáng kể khuôn khổ xã hội của đất nước.

Ngay từ khi nước Mỹ mới thành lập, nhiều chính phủ dựng lên các rào cản để ngăn chặn sự tham gia của mọi sắc tộc vào "Giấc mơ Mỹ". Để phá bỏ những trở ngại này, nhiều Tu chính án đã được đưa ra để bảo vệ quyền của người Mỹ da màu, người Mỹ bản địa hay người Mỹ gốc Mexico. Mỹ đã có những Tu chính án bảo vệ phụ nữ, người khuyết tật hay trẻ em nghèo. Cho dù được đảng Dân chủ hay Cộng hòa thông qua, tất cả những luật trên đều nhằm mục đích đảm bảo cho sự đa dạng, công bằng và hòa nhập ở Mỹ.

Hiện tại, những chính sách của ông Trump về siết chặt nhập cư hay vấn đề người chuyển giới đang đi ngược lại những điều đó, vấp phải rất nhiều vấn đề kiện tụng và tranh cãi. Các chuyên gia chỉ ra rằng, chiến lược "chiến tranh văn hóa" của ông Trump về lâu dài có thể gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội, thậm chí cản trở sự phát triển của nước Mỹ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này

Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.

Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.

Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.

Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.