Tôi tự hào lấy chồng người gốc Hà Nội

Có một người con gái miền Nam làm dâu miền Bắc. Sau nhiều năm, khi đã quen nếp sinh hoạt trong gia đình chồng, cô thầm cảm ơn cha mẹ chồng, những người đã giữ gìn nếp sống của người Hà Nội đến tận bây giờ, để những tính cách tốt đẹp ấy vẫn được truyền lại cho thế hệ sau.

Sau đây là những dòng cảm xúc của Ngọc Thanh - một cô gái miền Nam lấy chồng người Hà Nội.

Tôi là người miền Nam. Đến khi lấy chồng là người gốc Hà Nội. Những ngày đầu về làm dâu, tôi mới cảm nhận được nếp sinh hoạt khác biệt giữa hai miền. Đầu tiên là cách mời trước bữa ăn. Ở nhà tôi, trước khi ăn mời ông bà ba mẹ, đông đủ rồi thì ăn. Nhà chồng lại khác, lên mâm cơm, người nhỏ mời từng người lớn, xong hết mới bắt đầu ăn. Dù các thành viên đã dùng bữa, mình ăn sau vẫn mời. Câu mời phải có đầu có đuôi “con mời bố xơi cơm”, chứ không phải “ba ơi, vô ăn cơm” như ở nhà. Khi ăn nhẹ nhàng từ tốn, tránh gây ra tiếng động, có chuyện gì cũng đợi ăn xong mới nói. Sau bữa cơm, mọi người ngồi lại, uống nước, ăn bánh, thong thả chuyện trò. Bữa ăn đôi khi kéo dài hai ba tiếng.

Người Hà Nội thường giữa thái độ ung dung, đủng đỉnh, không sân si mà coi trọng nhiều về sự bình an, yên ổn. Ảnh minh họa

Mọi người nói chuyện với nhau lễ phép, một tiếng thưa hai tiếng gửi. Đợi người khác nói xong mới đến lượt mình. Lúc nói chậm rãi, không hấp tấp vội vàng. Bố chồng tôi khi kể chuyện luôn mở đầu “chuyện là vầy”, “như thế này nhé”. Đã ngoài tám mươi, nhưng nói chuyện với người ngoài, người nhỏ tuổi hơn ông vẫn “vâng ạ”. Ông bảo người Hà Nội xưa nay vẫn thế. Bố dạy con cháu trong nhà cư xử lịch thiệp trong từng cử chỉ, hành động nhỏ, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, không tranh cãi, không hơn thua. Bố nhắc mọi người từ tốn, chậm rãi trong giao tiếp, trong hành xử cũng như quyết định. Ảnh hưởng phong cách của bố, tôi dần khắc phục được cái tính nhanh nhảu đoảng của mình.

Mọi người thẳng thắn với nhau, không xu nịnh, không lấy lòng cũng tránh mỉa mai. Bố kể chuyện, được mời đi ăn, chủ nhà hỏi, anh thấy ngon miệng không. Nếu ngon thì bố khen ngay, không ngon bố sẽ bảo, rượu ngon, hoặc trà thơm, chứ không khen lấy lệ. Bố dạy con cháu trong nhà đi đứng khoan thai, không đi quá nhanh sẽ khổ cả đời, cũng không rề rà chậm chạp trông kém lanh lợi. Bố chọn lối sống bình dị, nhưng chỉn chu. Mọi người không lòe loẹt theo mốt, ăn mặc đúng tuổi đúng thì đơn giản mà gọn gàng, không để đầu bù tóc rối, áo quần nhăn nheo ra đường. Cánh đàn ông bước ra ngoài thì mặc áo có cổ, quần dài, trời nóng thì mặc quần ngang gối, tuyệt đối không mặc quần cộc, càng không để mình trần ra khỏi phòng.

Lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, chào hỏi trong giao tiếp của người Hà Nội luôn toát lên vẻ tinh tế, nền nã và tôn trọng theo nét riêng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Các bà, các bác trong gia đình đa phần đều giỏi nữ công gia chánh, đặc biệt mẹ nấu ăn rất ngon. Những dịp lễ tết hay khi đại gia đình tập trung, kẻ nấu ăn, người làm bánh, mỗi người một món đủ mâm mỹ vị. Tôi ghiền món bún thang và món phở mẹ nấu. Giờ mẹ không còn, cả nhà vẫn nhắc cái hương vị đặc biệt trong món ăn của mẹ. Những chiếc áo len, đến mùa đông được đem ra, áo này cô Hảo đan, áo kia cô Hương móc. Chồng tôi còn giữ cái áo thun trắng nay đã ố vàng, trên đó vẽ các nhân vật hoạt hình sinh động, do chính tay cô Hồng, em của bố vẽ tặng các cháu.

Bố sống kín đáo, cánh cửa nhà luôn đóng để giữ sự yên tĩnh và riêng tư trong nhà. Mẹ chồng lúc sinh thời thỉnh thoảng qua lại giao lưu với hàng xóm láng giềng, về nhà cũng kể chuyện ông A, bà B ở đầu đường cuối ngõ, nhưng luôn giữ chừng mực cho mình và cho người khác. Câu chuyện sau bữa cơm, nếu con cháu đứa nào có chiều hướng bình phẩm, khen chê, bố sẽ đằng hắng “mỗi người có cách sống riêng của họ”, mọi người lập tức chuyển sang những vấn đề vui vẻ.

Bố là người coi trọng gia đình và truyền thống. Cuộc sống hiện đại, nỗi lo cơm áo gạo tiền kéo mỗi người đi mỗi ngả. Nhưng đến ngày giỗ kỵ mọi người đều quay về, thắp nén hương cho ông bà tổ tiên, để mọi người nhớ cội rễ của mình, để anh chị em, họ hàng được gần gũi, sẻ chia. Sau nhiều năm, tôi đã quen nếp sinh hoạt trong gia đình chồng. Tôi thầm cảm ơn bố đã giữ gìn nếp sống của người Hà Nội đến tận bây giờ, để dẫu có đi xa, những tính cách tốt đẹp ấy vẫn được truyền thừa cho các thế hệ cháu con./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tới bây giờ, có người vẫn chưa thể lý giải nổi tại sao hai thứ không có “họ hàng” gì liên quan lại luôn đi kèm với nhau: Thuốc lào – Chè Thái. Dọc theo đường quốc lộ 1A ở xứ Thanh, rất dễ bắt gặp các quán có biển tên chỉ viết đúng bốn chữ này ở ven đường. Thuốc lào thì không viết rõ địa danh ở đâu, chứ chè thì nhất định phải là chè Thái bởi ý niệm: chè ở Thái Nguyên thì mới ngon nhất.

Les Brown, một nhà diễn thuyết nổi tiếng trên toàn nước Mỹ vì những thông điệp đầy sức sống, kêu gọi con người vượt qua mọi khó khăn để vươn lên và khẳng định chính mình, đã từng nói: “Quá nhiều người trong chúng ta không sống với giấc mơ của mình vì chúng ta sống với nỗi sợ hãi”.

Trước đây khi nghe ai đó nói rằng: "muốn yêu thương người khác, trước hết bạn phải biết yêu thương chính mình", có người thường bỏ ngoài tai và luôn tìm cách biện hộ cho việc không chăm sóc bản thân vì chẳng có thời gian. Khi sức khỏe lên tiếng báo động, cô mới giật mình lo sợ và nhận ra mình đã bỏ quên bản thân từ rất lâu rồi.

Tôi vốn không phải là người thích chạy theo xu hướng, kể cả việc thưởng thức phim. Chắc đó là lý do khi mọi người hào hứng tìm kiếm bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" trên khắp các nền tảng mạng xã hội, tôi vẫn bình thản với hiện tượng đặc biệt này. Dẫu thế, trong một ngày phố phường oi ả, cảm thấy đôi phần kiệt quệ vì đời sống, tôi đã ngồi nghiêm chỉnh xem trọn vẹn bộ phim. Có một người cũng giống như tôi.

Mùa nắng ở Hà Nội, có người thường giữ thói quen cùng người bạn thân dạo quanh những góc phố thân thuộc, ngắm nhìn phố phường Hà Nội óng ánh dưới nắng vàng.

Có một người con luôn tự hào về bố, bởi bố từng là một chiến sĩ giải phóng quân, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời bình, bố là một cựu chiến binh cần mẫn với công việc đời thường và luôn gương mẫu trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Mỗi khi đến ngày lễ 30/4, người con ấy lại nghĩ nhiều về bố, về giá trị của cuộc sống hòa bình.