Tội phạm chiếm đoạt nghìn tỷ của 13.000 người như thế nào?
Thủ đoạn giả danh cán bộ Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Dù cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục thông tin cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này, song nhiều người dân vẫn “sập bẫy."
Vừa qua ngày 22/1, Công an tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Công an; Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cảng vụ hàng không miền Nam, các hệ thống ngân hàng, nhà mạng, cửa khẩu và công an nhiều tỉnh, thành phố đã thành công triệt xoá đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao, với thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tổ chức lừa đảo này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử (thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia). Thủ đoạn chính các đối tượng sử dụng là giả danh công an cấp phường, cấp huyện... yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế… Mục đích cuối cùng là dẫn dụ bị hại truy cập vào đường link có chứa mã độc. Sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

Tổ chức ổ nhóm lừa đảo này gồm ba bộ phận, được gọi là: cào 1, cào 2, cào 3. "Cào 1 đóng giả làm công an phường, xã các cấp, yêu cầu người dân lên công an quận, huyện cập nhật thông tin… Sau đó Cào 2 đóng giả công an cấp quận huyện để hướng dẫn người dân truy cập vào link chứa mã độc. Ngay khi người dân ấn vào link, Cào 3 sẽ chiếm quyền sử dụng điện thoại rồi xâm nhập vào ngân hàng của người dân để chuyển tiền đi", đối tượng Đỗ Văn Nghĩa, quản lý của công ty lừa đảo ở Campuchia khai nhận.
Một trong những nguyên nhân khiến người dân sập bẫy chính là những kịch bản lừa đảo hoàn hảo được các đối tượng xây dựng rất chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của nhóm người nước ngoài từ Campuchia. Người dân sẽ bị dẫn dụ trong một vòng tròn khép kín, rất khó để thoát ra. Trong đó Phạm Thị Huyền Trang là đối tượng quản lý cấp cao, có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện các Cào 1, Cào 2, Cào 3.



“Khi vào công ty thì ông chủ thấy cách diễn đạt của mình ổn. Ông chủ viết lại kịch bản lừa đảo theo ý của ông ấy, rồi yêu cầu mình dịch sang tiếng Việt sao cho sát nội dung nhất. Những kịch bản này sẽ có các chi tiết đánh vào tâm lý của người dân, liên tục cập nhật xu hướng, sự thay đổi của các thủ tục hành chính tại Việt Nam. Ai cũng sẽ có một điểm yếu riêng, đối với phụ huynh học sinh người ta quan tâm đến con cái. Đối với người cần sử dụng giấy tờ quan tâm tới giấy tờ", đối tượng Huyền Trang nói.
Cũng theo một đối tượng trong tổ chức lừa đảo này, những kịch bản được quản lý phổ biến sẽ yêu cầu các đối tượng phải học thuộc trong 7 ngày.

"Một tháng lừa được một trăm triệu thì được 2,5% một tháng. Số đỏ lương có thể từ 60-100 triệu", đối tượng Nguyễn Đức Toàn khai mức lương trong tổ chức lừa đảo. Trong số 60 đối tượng bị bắt giữ, có đối tượng nhận được tiền lương lên tới 2 tỷ đồng mỗi tháng.
Trong số 60 người bị bắt giữ, cơ quan điều tra xác định những nghi phạm có vai trò chính gồm Nguyễn Văn Mạnh (36 tuổi, quê Quảng Ninh), Đỗ Văn Nghĩa (25 tuổi, quê Bắc Giang), Đinh Như Quỳnh (23 tuổi, quê Phú Thọ), Nguyễn Đức Toàn (32 tuổi, quê Hải Phòng) và Phạm Thị Huyền Trang (26 tuổi, quê Hải Phòng).

Không chỉ được đào tạo kịch bản lừa đảo chuyên nghiệp mà các đối tượng còn được học cách đối phó với cơ quan chức năng trong trường hợp bị triệu tập làm việc.
“Từ những ngày đầu khi tham gia vào tổ chức lừa đảo, các đối tượng đã được học rất kỹ lưỡng về pháp luật để sẵn sàng ứng phó với cơ quan công an. Vì thế, khi bị triệu tập, bắt giữ, đưa về cơ quan điều tra, các đối tượng vẫn tỏ ra bình tĩnh, lì lợm, ngoan cố, cương quyết không khai nhận hành vi phạm tội”, Đại úy Nguyễn Duy Hòa, Phó đội trưởng Đội An ninh điều tra cho biết.
Với thủ đoạn đó, từ tháng 5/2024 đến nay, gần 60 đối tượng bị công an bắt giữ đã chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13.000 bị hại trên cả nước. Trong đó có những nạn nhân bị chiếm đoạt lên đến 12 tỷ đồng.
Hiện cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Bắc Ninh đã phong toả số tiền trong tài khoản của các đối tượng lừa đảo. Tuy nhên, đa phần số tiền người dân bị chiếm đoạt đều được chuyển về số tài khoản của đối tượng cầm đầu là nguời nước ngoài, nên việc lấy lại tiền bị lừa là rất khó khăn.
Dựa trên những chứng cứ thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm rõ, xác định có 42 đối tượng đủ căn cứ để khởi tố bị can, trong đó ra quyết định tạm giữ hình sự 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và Tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan. Cơ quan chức năng cũng đang phối hợp với công an nước bạn để tiếp tục truy bắt một số đối tượng đã về Việt Nam còn đang lẩn trốn.
Cơ quan Công an đề nghị, những ai là bị hại từ những thủ đoạn trên thì liên hệ ngay Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh để phối hợp điều tra, giải quyết; đồng thời yêu cầu các đối tượng liên quan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.


Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị, tổ chức lễ diễu binh, duyệt binh nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Belarus của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam và Belarus ký kết Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam coi Belarus là đối tác quan trọng ở khu vực và mong muốn mối quan hệ này không ngừng phát triển vì lợi ích của hai dân tộc.
Một chiếc xe bán tải trong lúc cố tình lấn làn để vượt đã phải lao vào vệ đường để tránh tai nạn.
Một nam thanh niên đã bất ngờ bị tài xế xe ôm công nghệ cầm nón bảo hiểm đánh vào đầu trên đường Linh Trung, thành phố Thủ Đức (TP.HCM), xuất phát từ sự cố nhỏ trong lúc đặt xe qua ứng dụng.
Sau nhiều ngày lẩn trốn, đối tượng dùng hung khí chém lìa bàn tay người dân ở Lâm Đồng đã đến cơ quan công an đầu thú.
0