'Tội phạm chỉ nộp tiền khắc phục khi bị tuyên án tử'
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng "tù chung thân không xét giảm án" với 8 tội danh, trong đó có Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
Phát biểu sáng 27/5 trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) không đồng tình với đề xuất tại dự thảo. Theo ông, tình trạng tham ô tài sản diễn biến hết sức phức tạp không chỉ lĩnh vực công mà cả lĩnh vực tư nhân, vụ án bà Trương Mỹ Lan ở ngân hàng SCB là ví dụ điển hình. "Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bị cáo đã chi phối, lũng đoạn ngân hàng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đến giờ không thể khắc phục, thu hồi triệt để", đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, trong bối cảnh hiện nay, tội phạm về tham nhũng, kinh tế có chiều hướng ngày càng tinh vi, với quy mô thiệt hại đặc biệt lớn, việc giữ mức án cao nhất là tử hình vẫn cần thiết để răn đe và đảm bảo hiệu quả trong thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Đại biểu dẫn chứng vụ án AVG tại Bộ Thông tin và Truyền thông, khoản tiền hối lộ lên tới 3 triệu USD chỉ được các bị cáo khắc phục sau khi tòa tuyên án tử hình. Tương tự, trong đại án “chuyến bay giải cứu” với tổng số tiền hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng. Cả hai vụ án đều giống nhau ở điểm, gia đình các bị cáo chỉ bắt đầu nộp lại toàn bộ số tiền sau khi bị tuyên án tử. “Rõ ràng, án tử hình có tác dụng răn đe mạnh mẽ. Khi đứng trước bản án cao nhất, bị cáo và gia đình mới nghiêm túc khắc phục hậu quả”, đại biểu nhấn mạnh. Do vậy, đại biểu đề nghị không bỏ án tử hình với tội phạm tham ô nhằm đảm bảo tính răn đe và tạo áp lực buộc khắc phục hậu quả, do đây là bước ngoặt cuối cùng.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đồng tình nên duy trì án tử hình để đảm bảo tính răn đe với tội tham ô, nhận hối lộ. Ông đề nghị xem xét nếu các bị cáo khắc phục toàn bộ thiệt hại thì có thể "giảm án tử hình".

Liên quan đến mức án tử hình đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng như tham nhũng, tham ô, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho biết, thực tế thời gian qua chưa có ai bị thi hành án tử hình đối với các tội danh này. Điều đáng chú ý là, trong nhiều trường hợp, khi mức án chưa tuyên, gia đình bị cáo không có phản ứng gì. Nhưng chỉ vài ngày sau khi tòa tuyên án tử hình, gia đình bị cáo lại chủ động mang tiền đến để khắc phục hậu quả, như một cách “chuộc lại” mức án tử. Đại biểu nhắc đến trường hợp bà Trương Mỹ Lan, người bị cáo buộc gây thất thoát hàng triệu tỷ đồng. “Nếu bà Lan khắc phục được một nửa số tiền, chúng ta đã có thể xây dựng được 50% tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói.
Phát biểu tiếp thu, giải trình cuối phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, trong quá trình đề xuất các nội dung cơ quan soạn thảo dự luật đã cân nhắc kỹ nhiều mặt, trong đó có yêu cầu giảm án tử hình, tăng hình phạt tiền và thực tiễn phòng, chống tội phạm của cơ quan tố tụng.

Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 2024, 142/193 thành viên Liên hợp Quốc bỏ án tử hình trong quy định hoặc có nghĩa là có quy định nhưng không áp dụng trên thực tế. Đối với Việt Nam, Chính phủ đề xuất bỏ 8 tội danh là bước tiến rất dài trong quan điểm về chính sách hình sự đối với một số tội.
Nếu năm 1985, Bộ Luật Hình sự đầu tiên có 44 tội danh tử hình, năm 1999 còn 29, năm 2017 còn 18. Kỳ này nếu Quốc hội cho phép bỏ đi 8 tội danh thì còn 10. "Đây là bước tiến rất dài trong thay đổi chính sách hình sự, đặc biệt với hình phạt nghiêm trọng nhất đó là tước bỏ quyền sống của con người", Phó Thủ tướng nói.
Trước những ý kiến khác nhau, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện và chỉnh lý dự thảo. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự vào ngày 25/6 tới đây.


Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN và GCC đưa các lĩnh vực tăng trưởng xanh và bền vững trở thành trụ cột hợp tác mới của quan hệ, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn,...
Xe ô tô đã suýt đâm phải hai trẻ nhỏ vì sang đường ngay sau khúc cua khuất tầm nhìn.
Một ô tô con đột ngột lao nhanh sang làn đường đối diện không quan sát đã gián tiếp đẩy xe container lao vào dải hộ lan, nổ lốp, vỡ kính.
Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đang được nhiều đại biểu và nhân dân quan tâm. Đặc biệt là đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, trong đó có nhiều tội danh được đánh giá là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, cần xem xét việc nên hay không nên bỏ hình phạt tử hình.
UBND thành phố giao Công an thành phố lập các chuyên án, khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả.
Lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trộm cắp tài sản tại các bãi tắm du lịch.
0