Tòa án yêu cầu EC công khai tin nhắn vụ Pfizergate
Vụ kiện tập trung vào các tin nhắn trao đổi trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19 giữa Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và CEO hãng dược Pfizer, Albert Bourla.
Vụ việc được truyền thông đặt tên là “Pfizergate”, đánh dấu một trong những bê bối minh bạch lớn nhất của Liên minh châu Âu thời kỳ hậu đại dịch. Phán quyết hôm 13/5 được xem là chiến thắng lớn của các nhóm giám sát độc lập nhưng lại là thất bại nghiêm trọng đối với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.

“Pfizergate” là gì?
Vào năm 2021, giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, Liên minh châu Âu (EU) vấp phải khó khăn lớn trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine. Trong khi hãng dược phẩm AstraZeneca không thực hiện đúng cam kết giao hàng, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen được cho là đã có vai trò cá nhân trong việc thúc đẩy thỏa thuận với Pfizer-BioNTech để đảm bảo hàng trăm triệu liều vaccine.
Theo truyền thông châu Âu, bà von der Leyen đã liên lạc trực tiếp với CEO của Pfizer, ông Albert Bourla, thông qua các tin nhắn văn bản, mở đường cho thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay giữa EU và một nhà sản xuất dược phẩm. Thông tin này được chính bà von der Leyen thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với New York Times.
Hợp đồng giữa EU và Pfizer được ký năm 2021 nhằm cung cấp tới 1,8 tỷ liều vaccine, với khoản ứng trước trị giá khoảng 2,7 tỷ euro. Đây là một trong những thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành dược và theo Tòa Kiểm toán châu Âu đây là hợp đồng có phạm vi lớn chưa từng có trong chính sách y tế công của EU.

Tuy nhiên, các chi tiết của thỏa thuận, đặc biệt là cách thức đàm phán và vai trò cá nhân của bà von der Leyen hoàn toàn không được công khai. Năm 2022, nhà báo Matina Stevis-Gridneff của tờ New York Times yêu cầu EC cung cấp các tin nhắn trao đổi giữa bà von der Leyen và Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) từ chối cung cấp thông tin, với lí do các tin nhắn không được xem là “tài liệu chính thức” theo quy định nội bộ. EC cũng tuyên bố không thể truy xuất các tin nhắn trong hệ thống lưu trữ, song không giải thích rõ ràng rằng họ đã xử lý yêu cầu ra sao và đã thực hiện những bước nào để truy tìm các tin nhắn đó. Cách trả lời mập mờ này khiến dư luận nghi ngờ liệu EC có thực sự đã tiến hành một cuộc tìm kiếm nghiêm túc.
Tòa án EU bác bỏ lập luận này, cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) đã vi phạm nguyên tắc quản trị tốt - một chuẩn mực pháp lý được quy định trong luật EU. Phán quyết nêu rõ: “Ủy ban chỉ phản hồi bằng cách tuyên bố rằng các tài liệu được yêu cầu tiếp cận không tồn tại, mà không đưa ra bất kỳ giải thích cụ thể nào về lý do tại sao chúng không thể được tìm thấy”.
Hệ lụy chính trị nghiêm trọng
Đây là một phán quyết mang tính lịch sử cả về mặt pháp lý lẫn chính trị, đặc biệt là đối với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Bà hiện là quan chức quyền lực nhất của EU và là người bảo vệ các hiệp ước của khối. Trong khi đó, CEO của Pfizer Albert Bourla là một trong những doanh nhân quyền lực nhất trong ngành dược phẩm thế giới.
Quan trọng hơn, đây là hợp đồng mua vaccine lớn nhất mà EU từng ký, theo đánh giá của Tòa Kiểm toán châu Âu.
Tiến sĩ Vincent Couronne, chuyên gia luật EU tại Đại học Paris-Saclay, bình luận: “Các vụ kiện liên quan đến quyền tiếp cận tài liệu từ các thể chế EU thường rất nhạy cảm về chính trị. Việc phải ra tòa thường phản ánh rằng một thể chế như Ủy ban châu Âu đang cố tình giấu thông tin có thể gây thiệt hại chính trị”.
Các thẩm phán cũng chỉ trích EC vì đã đòi hỏi người yêu cầu cung cấp bằng chứng chứng minh tin nhắn tồn tại - một yêu cầu “bất khả thi” đối với công dân bình thường.

Tin nhắn có phải là tài liệu chính thức?
Vụ việc đặt ra một câu hỏi gai góc: Liệu tin nhắn có thể được xem là tài liệu chính thức và phải tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin?
“Bất kỳ nội dung nào, bất kể dưới hình thức nào, nếu liên quan đến chính sách của EU, đều có thể được coi là tài liệu”, Tiến sỹ Couronne nói. “Ranh giới giữa tin nhắn, email, WhatsApp, Slack... đang ngày càng mờ nhạt trong môi trường giao tiếp hiện đại”.
Tòa án không khẳng định rằng mọi tin nhắn đều là tài liệu công khai, nhưng khẳng định nếu tin nhắn liên quan đến công vụ thì có thể thuộc phạm vi các quy định về minh bạch.
Phán quyết này là một cảnh báo rõ ràng cho tất cả các cơ quan và cá nhân liên quan đến hoạt động của EU: Sử dụng tin nhắn kỹ thuật số không đồng nghĩa với miễn trừ giám sát.

Ủy ban châu Âu sẽ làm gì tiếp theo?
Theo phán quyết, EC sẽ phải xem xét lại yêu cầu ban đầu, tiến hành tìm kiếm đúng quy trình và nếu không thể công bố tài liệu, phải đưa ra lập luận pháp lý cụ thể hơn. Tòa cũng yêu cầu EC chi trả toàn bộ chi phí pháp lý cho phía New York Times.
EC hiện có hai tháng để quyết định có kháng cáo hay không. Nội bộ Ủy ban châu Âu có thể sẽ phải rà soát lại các quy định và quy trình lưu trữ, cũng như xác định lại tiêu chuẩn về tài liệu chính thức.
Một điểm đáng chú ý là khả năng phục hồi các tin nhắn còn rất mờ nhạt. Phán quyết thừa nhận rằng việc truy xuất các tin nhắn có thể rất khó khăn. Thiết bị có thể đã bị thay đổi, dữ liệu có thể đã bị xóa. Tại phiên tòa, đại diện EC thừa nhận điện thoại của Chủ tịch EC có thể đã được thay thế theo quy định an ninh nội bộ, khiến dữ liệu cũ không còn.
Tuy nhiên, áp lực đang gia tăng buộc EC phải tiến hành tìm kiếm nghiêm túc và cung cấp lập luận rõ ràng nếu tiếp tục từ chối công bố.

Một hướng khác đang được theo dõi sát sao: Văn phòng Công tố viên châu Âu (EPPO) đã mở cuộc điều tra hình sự độc lập về quá trình mua sắm vaccine. Cơ quan này, trong khuôn khổ pháp lý phù hợp, có thể yêu cầu nhà mạng hoặc máy chủ ứng dụng hỗ trợ khôi phục dữ liệu bị xóa.
Sức ép gia tăng với Chủ tịch EC von der Leyen
Các chỉ trích từ cả cánh tả lẫn cánh hữu đã gia tăng trong thời gian qua, nhưng phán quyết lần này đã khiến cả những nhân vật chính trị thuộc giới trung dung cũng phải lên tiếng. Nghị sĩ Hà Lan Raquel García Hermida-van der Walle, thành viên nhóm Đổi mới châu Âu, gọi đây là “một chiến thắng áp đảo cho sự minh bạch”.

Dù vậy, các quốc gia thành viên EU - nơi nắm giữ quyền lực thật sự vẫn chưa có phản ứng mạnh mẽ trước phán quyết này. Điều này cho thấy dù phán quyết có ý nghĩa pháp lý quan trọng và gây tiếng vang, nó chưa tạo ra làn sóng phản ứng chính trị lớn ở cấp liên chính phủ.


Phát biểu tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo bước đi tiếp theo trong đàm phán với Nga.
Một vụ cháy rừng nghiêm trọng tại tỉnh Manitoba, miền Trung Canada đã khiến 2 người thiệt mạng và khoảng 1.000 cư dân phải đi sơ tán.
Tân thủ tướng Friedrich Merz khẳng định chính phủ sẽ cung cấp đầy đủ ngân sách cần thiết, hiện thực hóa mục tiêu biến quân đội Đức trở thành lực lượng quân đội chính quy mạnh nhất châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington đang tiến rất gần tới một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, trong bối cảnh các vòng đàm phán giữa hai bên vừa kết thúc tại Oman.
Tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế trong ngày 15/5 là cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn ba năm qua.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, theo tường thuật trực tiếp của các phương tiện truyền thông nước này.
0