Tinh hoa nghề đúc đồng Ngũ Xã

Ở Hà Nội có nhiều nghề truyền thống đã trở thành niềm tự hào của mảnh đất kinh kỳ Thăng Long. Trong đó có nghề đúc đồng Ngũ Xã. Trải qua thời gian cùng những biến cố của lịch sử,nghề đúc đồng nức tiếng của kinh thành Thăng Long dần mai một. Tuy nhiên đến nay, vẫn có những gia đình còn gìn giữ duy trì và phát triển nghề đúc đồng Ngũ Xã. Một trong số đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng.

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã nằm ở phía tây thành Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Nghề đúc đồng là một trong bốn nghề quan trọng, nổi tiếng trong đời sống của người dân ở mảnh đất kinh kỳ xưa, được thể hiện rõ nét qua câu "Dệt Yên Thái - Gốm Bát Tràng - Vàng Định Công - Đồng Ngũ Xã".

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống đúc đồng tại làng nghề Ngũ Xã, ngay từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng đã được cha là cụ Nguyễn Văn Tiếp dìu dắt, chỉ dạy về nghề đúc đồng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng bên những tác phẩm tinh xảo của mình

Những năm 1600, triều đình nhà Lê mời 5 thợ đúc có tay nghề cao tại năm xã, huyện về Kinh thành Thăng Long đúc tiền cho triều đình. Nhà vua chiếu chỉ cho các cụ lập nghiệp tại vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch. Sau này, để ghi nhớ về làng quê gốc của mình, người dân đã lấy tên làng là Ngũ Xã, hay Ngũ Xã Tràng. Dân làng Ngũ Xã nhớ ơn người khai sáng ra nghề đúc đồng, nên đã suy tôn Thiền sư Minh Không - ông tổ nghề đúc đồng là thần hoàng làng Ngũ Xã, đúc tượng và xây đình để thờ phụng Ngài.

Thời ấy, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Theo thời gian, nghề đúc ngày càng phát triển với các đồ đúc được dùng phục vụ đời sống hằng ngày như mâm, nồi, chậu đồn hay một số đồ thờ cúng như tượng Phật, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa, bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng… Nhờ vậy, truyền thống đúc đồng Ngũ Xã đã vang danh khắp mọi miền đất nước.

Làng Ngũ Xã nổi tiếng nhờ kỹ thuật đúc tượng đồng, trống đồng, đồ thờ bằng đồng, chuông đồng, tranh đồng vô cùng tinh xảo. Nhiều tác phẩm đã được coi là kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, tiêu biểu như tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, đặt tại đền Quán Thánh và pho tượng Phật Di Đà nặng 14 tấn được đặt tại chùa Ngũ Xã ngay trên đất làng.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ

Hơn 30 năm làm nghề đúc đồng, đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng đã làm ra rất nhiều tác phẩm đúc đồng nghệ thuật, tinh xảo. Vì vậy, các công đoạn làm nên một sản phẩm đúc đồng luôn được người nghệ nhân này ghi nhớ đến từng chi tiết.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, để làm nên một tác phẩm đúc đồng đẹp, tinh xảo, người nghệ nhân phải chú trọng vào tất cả các công đoạn, đồng thời phải đặt trọn tâm huyết của mình vào trong mỗi tác phẩm. Vì vậy, để thành thạo nghề đúc đồng, người thợ cũng phải mất rất nhiều thời gian từ 5-10 năm, thậm chí là 20 năm. Ông luôn khắc ghi lời chỉ bảo của bố để có động lực kiên trì theo đuổi, gìn giữ và phát triển nghề đến hôm nay.

"Nghề đúc đồng này thì khâu nào cũng khó. Cho nên là mình phải học cái đó rất kiên trì. Chứ mà dễ ai cũng làm được thì làm sao gọi là mỹ thuật được." ông Ứng chia sẻ.

Các sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã nổi tiếng với những bức tượng Phật bằng đồng, tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng chân dung những anh hùng dân tộc Việt Nam hay các sản phẩm đồ thờ cúng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng và tác phẩm Quan Thánh của ông.

Trải qua thời gian cùng sự phát triển của các công cụ lao động, các dụng cụ phục vụ cho công việc đúc đồng hiện nay đã có những sự cải tiến hơn trước, giúp những người thợ đúc đồng có thể hoàn thiện tác phẩm trong thời gian ngắn hơn. Không chỉ vậy, nhu cầu sử dụng đồ đúc đồng hiện nay cũng đã có những sự thay đổi và phát triển so với thời xưa. Nhiều người thợ trẻ cũng đã có sự say mê, quyết tâm học nghề để giữ gìn nghề đúc đồng Ngũ Xã.

Đối với người thợ đồng, để cho ra các sản phẩm hoàn mỹ tinh xảo là cả một nghệ thuật được chắt lọc từ nhiều kiến thức khác nhau từ văn hóa, tôn giáo, hội họa, kỹ thuật… và hơn hết là cái tâm của người làm nghề.

Ông Nguyễn Văn Ứng chia sẻ: "Mỗi một nghề truyền thống của Thủ đô đều là niềm tự hào của làng nghề, của ông, tổ nghề. Nếu các cụ mình còn sống thì cũng rất mừng vì con cháu sẽ giữ được nghề. Mình cũng là hậu duệ các cụ, mình giữ được nghề thế này cũng là tự hào, là cũng vui."

Làng Ngũ Xã nổi tiếng với những bức tượng Phật bằng đồng

Tượng đồng Ngũ Xã được tạo nên từ sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật cùng những kinh nghiệm đúc kết từ cha ông ta hàng trăm năm qua. Đối với những người thợ đúc đồng Ngũ Xã, niềm tự hào và tình yêu nghề là động lực để những người nghệ nhân tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề luôn sống mãi.

Với bề dày lịch sử hơn 400 năm, nghề đúc đồng Ngũ Xã không chỉ là niềm tự hào của Thủ đô mà còn góp phần làm phong phú thêm vẻ đẹp giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiếc quạt giấy Chàng Sơn truyền thống đã bắt đầu một hành trình mới, không chỉ là những nếp gấp mang theo làn gió mát, mà còn lan tỏa giá trị văn hóa lịch sử đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề mộc, hơn 50 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Hoàng Doãn Hòa đã tạo ra nhiều sản phẩm mộc độc đáo, trong đó có những sản phẩm đồ thờ mang đậm dấu ấn tâm linh.

Trong không gian đầy thơ mộng và huyền bí của Thủ đô, có một nghệ sĩ luôn tìm cách gom nhặt những khoảnh khắc để đưa Hà Nội vào trong từng bức tranh.

Những ngày đầu xuân Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mặc dù lượng phương tiện tham gia giao thông vắng hơn ngày thường nhưng người dân đi du xuân vẫn nghiêm chỉnh chấp hành dừng đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm... chấp hành nghiêm các quy định an toàn giao thông.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý sinh năm Đinh Tỵ 1977, anh từng làm kiến trúc, viết báo, vẽ tranh trong hơn 20 năm qua. Đồng thời, anh cũng là tác giả của những cuốn sách khảo cứu, tản văn về Hà Nội nổi tiếng. Với sức viết đều đặn và dồi dào, Trương Quý là một cái tên rất quen thuộc trên văn đàn Việt Nam những năm gần đây.

Hà Nội đã trở thành đề tài quen thuộc với nhiều họa sĩ. Mỗi người họa sĩ đều có những cách nhìn và cảm nhận riêng về Thủ đô để phác họa nên bức vẽ của riêng mình. Mỗi nét vẽ không chỉ thể hiện tài năng mà còn gửi gắm trong đó tình cảm và sự gắn bó sâu sắc của người họa sĩ ấy với Hà Nội.