Tìm về cội nguồn tấm giấy sắc phong

Nghề làm giấy sắc phong không chỉ là nghề truyền thống của dòng họ Lại ở phường Nghĩa Đô mà đã vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình, dòng họ, trở thành nét văn hoá của dân tộc Việt Nam một thuở.

Theo gia phả và sử sách ghi chép, vào thời Lê Trung Hưng, đời thứ 9 của dòng họ Lại có cụ Lại Thế Giáp làm quan trong triều, được chúa Trịnh Tráng gả con gái là công chúa Phi Diệm Châu thì họ Lại giành được đặc ân chuyên sản xuất giấy sắc, cung cấp cho triều đình để viết sắc phong.

Cho đến nay, dòng họ Lại còn duy nhất một người theo nghề làm giấy sắc là ông Lại Phú Thạch. Từ khi 6 tuổi, ông đã được tiếp xúc với nghề nên công thức cũng như quy trình làm ra một tờ giấy sắc ông Thạch rất thông thuộc. 

Nghệ nhân Lại Phú Thạch

Theo Bảo tàng Hà Nội, giấy sắc là loại giấy đã được vua chúa thẩm định kỹ lưỡng và đều thuộc loại quý hiếm. Giấy sắc không chỉ mịn như lụa mà còn bền dai như tơ, rất hút mực khi viết, khi vẽ... Có những sắc phong trải qua gần 400 năm mà nét chữ, màu sắc, họa tiết vẫn tươi nguyên như thuở ban đầu.

Xưa kia, giấy sắc là quốc bảo, dân gian không ai dám tự tiện mua dùng. Giấy sắc có nhiều loại như nhất gấm, nhất cáo sắc, nhị cáo sắc và tam cáo sắc. Các loại khác nhau về kích cỡ và đường nét hoa văn trang trí.

Nghề làm giấy dó đã công phu, nghề làm giấy sắc còn công phu gấp bội. Muốn có được một tờ giấy sắc phải qua một số công đoạn phức tạp. Chọn dó làm giấy sắc phải chọn loại tốt, chất lượng cao. Giấy dùng để phong cho hàng nhất phẩm phải có 5 thợ cùng làm một lúc mới seo nổi một tờ. Giấy dùng để phong sắc cho hàng phẩm trật thấp hơn, từ nhị phẩm xuống đến cửu phẩm, cũng phải ba người seo một tờ. Khi seo xong phải dùng que dò để cuốn, khi can cũng phải có hai người, phải dùng thép can trát bóng bôi lên tường mới dính được giấy để phơi. Giấy khô, dùng da trâu bò nấu kỹ gọi là nước keo, nước keo phải có phèn chua, dùng thép bồi giấy thép lên hai mặt, mỗi mặt hai lần.

Sau khi giấy khô thì bắt đầu nhuộm màu bằng nước hoa hòe. Nhuộm sắc phải có hai màu chính là màu da thị và da đồng, nhưng muốn có màu da đồng thì nước chưng hoa hòe phải có thêm hồng đơn, một chút bột điệp. Mỗi mặt thép hai lần nước màu. Nhuộm xong đến công đoạn nghè, nền nghè là một phiến đá lớn có mặt phẳng nhẵn bóng. Đặt giấy lên, hai người dùng chày đập đều đặn lên lần lượt khắp mặt giấy, lúc đầu giấy xốp, tiếng chày nghe bình bịch, đập đến khi nghe tiếng chày đanh thì mặt giấy rất mịn và bền chắc. Sau đó dùng bản in khắc gỗ để in bo viền xung quanh và các chữ triện.

Một bản sắc phong thời Nguyễn.

"Các công đoạn để làm giấy sắc được giữ bí mật và chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái. Từ khâu chọn dó, nấu dó, nghiền lọc thành bột đến khâu seo giấy, ép giấy và vẽ đều đòi hỏi người thợ có tay nghề cao, dày dặn kinh nghiệm.

Tiêu chuẩn về nguyên liệu phải cao cấp thì khi sản xuất tờ giấy sẽ mịn màng và đẹp đẽ hơn. Những người thợ trong dòng họ tôi yêu cầu rất cao về mặt nguyên liệu để làm được một tờ giấy đẹp, nhẵn nhụi.

Seo giấy dó để làm sắc phong thì bản rất to, nên 1 người không thể bê được khuôn và liềm seo vì dài trên 1m, rộng 60-70 phân. Khi người ta xúc bột dó ở trong tàu seo vào, 1 người không thể bê được. Muốn seo được một tờ giấy tối thiểu cần từ 4 – 5 người. Ngày xưa, các cụ làm chỉ xúc 1 lần và lắng nước 1 lần, giấy có độ dày nhất định thì không bong nên độ bền khác với bây giờ seo. Làm được những bước như vậy rồi, để tờ giấy đẹp thì ta nhuộm màu", nghệ nhân Lại Phú Thạch kể.

Một vài giấy sắc phong của triều Nguyễn, triều Lê mà ông Thạch đang làm.

Để bề mặt giấy đanh lại, người thợ phải tiếp tục tiến hành các bước xử lý giấy. Thứ nhất là phải có nguyên liệu chống mốc, mối. Thứ hai là làm tăng độ dai của giấy. Lúc ấy, tờ giấy rất sần sùi, cứng như là mo nang. Khi phơi khô kiệt rồi, người thợ đưa tờ giấy lên một viên đá phẳng, dùng chày gỗ bắt đầu nện, mà từ xưa gọi là nghè. Nghè kỹ thì mặt giấy rất nhẵn, lúc đấy mới viết được. 

Trải qua các công đoạn sản xuất vô cùng công phu tỉ mỉ như vậy nên giấy sắc phong có độ bền đáng kinh ngạc. Vượt qua sự bào mòn của thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết, giấy sắc qua hàng trăm năm vẫn giữ được màu sắc, hoa văn nguyên vẹn như lúc ban đầu.

Trải qua năm tháng không sản xuất giấy sắc nữa, gần đây, nhiều gia đình và một số cơ sở thờ tự có giấy sắc bị hư tổn, người ta tìm đến dòng họ Lại ở Nghĩa Đô tìm gặp cụ Lại Phú Bài. Cụ là một trong những người bỏ nhiều công lao kết nối, tìm hiểu và làm lại giấy sắc. Ông Lại Phú Thạch rất tự hào dòng họ mình có một nghề đặc biệt, nên ông quyết tâm tìm hiểu nghề làm giấy sắc.

Ông Lại Phú Thạch kể: "Đến bây giờ, con cháu trong dòng họ Lại rất tự hào, đi đâu đến cũng được hỏi: ông họ Lại – Nghĩa Đô à? Ở nơi đấy có một cái nghề rất quý, nghề ấy là nghề độc quyền từ thời vua Lê chúa Trịnh, tức là chỉ có dòng họ Lại - Nghĩa Đô mới được sản xuất giấy sắc cho nhà vua".

Từ đường của dòng họ Lại, dòng họ đặc biệt có hoành phi viết chữ  “Vạn thế vĩnh Lại”. Giấy sắc phong, năm 2006 được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Theo nghệ nhân Lại Phú Thạch: "Tính đến nay, nghề làm giấy dó của họ Lại đã có lịch sử hơn 600 năm. Bản thân tôi là đời thứ 26 lưu giữ công thức làm giấy. Dòng họ Lại ở trong thôn rất đông, đa phần ai cũng biết làm giấy dó, nhưng làm được giấy sắc chỉ duy nhất gia đình ông Thạch".

Vì thế tuổi gần 70, người nghệ nhân cuối cùng của dòng họ Lại luôn đau đáu nỗi lo thất truyền khi không còn ai tiếp nối.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 hứa hẹn sẽ là một "bộ phim dã sử cổ trang" tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng, "giải mã" những giá trị tinh hoa rực rỡ của Cố đô Hoa Lư.

Tối 29/10, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã khai mạc tuần lễ “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Sự kiện nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước".

"Chuyện phố Hàng" là tên gọi của chương trình thực cảnh nằm trong dự án xây dựng chuỗi hoạt động biểu diễn tại phố cổ Hà Nội, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản của khu phố cổ Hà Nội.

Qua những góc độ tiếp cận đa dạng về Trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1925-1945, hội thảo “Trường Mỹ thuật Đông Dương: Sứ mạng lịch sử” đã thảo luận về vai trò và những đóng góp của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến nền mỹ thuật Việt Nam, nhìn nhận những giá trị lịch sử và văn hóa của ngôi trường này trong hành trình phát triển mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Từ ngày 1/11 tới đây, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được xây dựng tại phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan và miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024.

Tiếp nối thành công của lễ hội năm 2023, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, ngày 29, 30/11 và 01/12, tại Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.