Tiếng rao đêm - đặc sản phố cũ
Đêm Hà Nội mỗi góc phố lại mang một nét riêng, nhưng có một điểm chung là dường như tất cả đều lung linh hơn, lãng mạn hơn trong ánh sáng của đèn. Ánh đèn điện từ những con ngõ nhỏ hắt ra dịu vợi trong sương đêm. Những ngôi nhà nối nhau nghiêng bóng, lặng nghe có thể cảm nhận được tiếng rơi nhẹ nhàng của hạt sương đêm vương trên lá. Lạc trong khoảng không yên tĩnh ấy, đâu đó, tiếng côn trùng rả rích, tiếng rao nhọc nhằn của những người bán quà đêm.
Không hoa mỹ, không phô trương - đó là đặc trưng của những tiếng rao đêm ở Hà Nội. Tiếng rao ấy đã đi vào tiềm thức của người dân Thủ đô như một nét đặc trưng riêng của đêm Hà Nội, nhất là những ai sinh ra trong thập kỷ 1950 - 1960 trở về trước. Họ thậm chí còn nhận ra được hàng quà quen nhờ những tiếng rao.
Mỗi tiếng rao đêm như có một nỗi niềm riêng xé toạc vẻ tĩnh mịch của đêm phố, có tiếng rao lanh lảnh thông báo chào mời, có tiếng ngây ngô nhưng ngọng nghịu của người mới vào nghề, đôi khi có những tiếng rao thắt lại như bị bao bọc một nỗi đau vô hình nào đó.
Có lẽ tiếng rao bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội từ thời nhà Lý, khi đất Thăng Long chỉ có một vài chợ lớn như chợ Bạch Mã, xưa kia là chợ Cửa Đông (từ thời nhà Trần được đổi tên thành chợ Bạch Mã do ở gần đền Bạch Mã trên phố Hàng Buồm), chợ Cầu Đông và sau đó là chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng năm 1889.
Khi ấy, nhiều người không có chỗ ngồi ở các chợ lớn, cũng như các chợ phiên cho nên họ phải đi bán rong và để bán được hàng, họ phải cất tiếng rao để mọi người biết họ bán gì. Tiếng rao từ đó gắn với người bán rong, gắn với mảnh đất Kinh kỳ như một thứ âm thanh da diết không thể nào quên, cho dù người bán rong ấy là người Hà Nội hay người đến từ bất cứ miền quê nào chọn kinh đô Thăng Long nhộn nhịp làm nơi mưu sinh.
Nhà nghiên cứu Edmond Nordemann người Pháp từng thống kê trong cuốn "An Nam văn tập" (năm 1894) của mình: "Có 30 tiếng rao trên các con phố Hà Nội. Tới nay, nhiều trong số tiếng rao ấy vẫn còn, nhiều tiếng rao mất đi do mặt hàng hoặc dịch vụ đó không còn và cũng xuất hiện thêm nhiều tiếng rao tương ứng với các món hàng mới".
Thập niên 20 của thế kỷ trước, tiếng rao chủ yếu là của những người bán quà, sang đến thập niên 30 rồi các thập niên sau đó, tiếng rao mở rộng tới cả những người làm dịch vụ, từ thu mua phế liệu, thu đổi đồ điện đến mài dao, hay những người bán các mặt hàng hiếm như xà phòng, cao cấp như tơ lụa... Tiếng rao không chỉ ngày càng phong phú về chủng loại, mà cách rao cũng dần được cải biến, bài rao của người bán rong như một bài ca vần điệu, dễ nghe, dễ nhớ và dễ "bắt chước" đối với lũ trẻ nhỏ.
"Ai xôi không?", "Bánh mì nóng giòn đây", "Ai bánh khúc nào?"… Đó là những tiếng rao quen thuộc hun hút trong đêm vắng. Đêm Hà Nội thường tiếng rao về các thức quà, nhằm phục vụ những người lỡ bữa, người lao động khuya, người lao động sớm. Những tiếng rao giản dị mà da diết, vừa mời gọi vừa khiến người ta nhớ mãi, vừa là những kỷ niệm cùng ký ức không thể nào quên của nhiều người.
Đêm càng khuya tiếng rao càng vang xa, ngân dài từ đầu phố đến cuối phố, nhẫn nại và chậm chạp. Tiếng rao nối những con phố dài, vắng lặng, hun hút với những ánh đèn vàng vọt, leo lét lọt qua khe cửa khiến đêm càng sâu hơn.
Những tiếng rao len lỏi khắp các đường phố, ngõ ngách Hà Nội, vang lên mỗi buổi sớm ban mai, vọng trong đêm thanh vắng, bám theo cuộc sống của những người Hà Nội xưa như một món ăn tinh thần không thể thiếu, rất đỗi thân quen, rất đỗi Hà Nội. Một Hà Nội thiêng liêng mà bình dị, vất vả mưu sinh mà chứa chan cảm xúc...
Đêm càng về khuya, tiếng rao càng nhỏ dần, ai còn thức mới được thưởng thức món quà âm thanh ấy, mới thấy được cái tuyệt diệu nhất của tiếng rao đêm, nhỏ thôi, nhưng vang xa, từng lời nhẹ nhàng cứ thế chìm vào đêm tối, vắng lặng heo hút.
Tiếng rao đêm vẫn còn đó, nhưng giờ đây đã khác, là một hình thái khác, tiếng rao vang xa hơn, to hơn, đều đều trăm tiếng như một, thường phát ra từ những chiếc loa gắn ở đầu xe đạp của người bán hàng. Với những ai đã từng gắn bó với Hà Nội hay hoài niệm về một Hà Nội xưa, họ không khỏi chạnh lòng khi thấy những tiếng rao - một phần của hồn Hà Nội đang lùi dần vào quá khứ...
Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.
0