Tiếng pháo giữa trời xuân

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. Trong số những món đặc trưng ngày Tết được kể đến trong hai câu đối quen thuộc, thứ gợi cho tôi nhiều cảm xúc nhất là pháo.

Không chỉ vì tiếng pháo giòn giã đón chào năm mới vắng bóng từ lâu khiến ta hoài niệm, mà vì pháo hiện diện cùng tuổi thơ tôi, gợi tôi nhớ không khí Tết rộn ràng qua thanh âm của pháo.

Pháo thường được đốt vào ngày cuối cùng của năm, thời khắc giao thừa và sáng mồng Một Tết. Ở quê tôi, nhà nhà đốt pháo từ ngày hăm ba tháng Chạp, khi bày xong mâm cỗ đưa ông Táo về trời. Năm nào pháo nổ một tràng, má nói ông Táo đi đường thuận lợi. Những năm pháo đì đẹt trái nổ trái không, má kêu, năm nay ông Táo có khi bị tắc đường rồi, không biết có kịp dự buổi chầu với Ngọc Hoàng. Trí óc non nớt của tôi lúc bấy giờ, có chút lo lắng cho ông Táo nhà mình.

Tôi còn nhớ cảm giác nhấp nhổm vào những ngày này. Đứa trẻ tôi cùng đám bạn ngồi trong lớp học mà mắt để ngoài cửa sổ, tâm hồn rượt đuổi theo tiếng pháo đì đùng, chỉ mong tan học sớm để ùa ra khỏi lớp, tranh nhau lượm mấy trái pháo lép, pháo xịt trên đường về. Nhìn thấy trái pháo còn nguyên là mừng khấp khởi, như lúc má đi chợ về cho quà bánh.

Anh em tôi mong đợi từng ngày đến ba mươi, tới ngày này thì canh từng giờ để được đốt thanh pháo má mua về. Dây pháo đỏ chót đung đưa trước sự háo hức của hai anh em. Chờ má thắp xong nén nhang, anh em tôi châm ngòi, say mê ngắm dây pháo lắc lư nổ, nhả ra làn khói trắng xanh cùng mùi diêm nồng nặc. Chúng tôi hít hà gọi đó là mùi Tết.

Không thiết gì tới ăn uống, hai anh em cùng mấy đứa trong xóm tụ lại, kéo nhau đi khắp đầu làng cuối ngõ, canh me nhà nào đốt pháo xong là nhào vào lượm pháo lép. Pháo nhặt về, anh Hai đổ thuốc pháo dồn thành quả lớn, đốt lên nổ cái đùng nghe rất đã. Tôi luôn là người xí phần đốt, thập thò mãi mới châm đúng ngòi khiến anh Hai sốt ruột la oai oải. Thấy pháo bắt lửa thì ba chân bốn cẳng chạy ra xa bịt tai lại, rồi nhảy cẫng hò reo cùng tiếng pháo.

Giây phút hồi hộp nhất là thời khắc giao thừa. Má luôn để dành thanh pháo to nhất đốt vào giờ phút thiêng liêng này. Trên dây pháo kèm thêm bốn trái pháo đại, lúc nổ xen lẫn tiếng đùng nghe sướng tai. Hai đứa tôi cứ ngó đồng hồ rồi dậm chân dậm cẳng, sao chậm quá vậy. Nghe tiếng pháo lẹt xẹt xa xa lại nhìn xem đồng hồ nhà mình có chạy chậm không. Niềm vui khấp khởi lúc kim chỉ mười hai giờ. Tiếng pháo giòn giã cùng xác pháo đỏ rực bung tỏa khắp sân, thắp lên mong ước một năm mới ấm no hạnh phúc. Những lo toan muộn phiền của năm cũ gác lại, người người cởi mở, vui vẻ hơn, hàng xóm tươi cười chúc nhau năm mới an khang thịnh vượng. Hương vị Tết nhuốm lên từng gương mặt, từng ánh mắt, bồng bềnh chảy trên nhành cây ngọn cỏ, tưng bừng rộn rã.

Dứt tiếng pháo, những đứa trẻ ham chơi chúng tôi bị ba má lùa đi ngủ, dù vẫn còn say sưa bới tung xác pháo trước hiên nhà. Chúng tôi ngoan ngoãn nghe lời, bởi sáng mồng Một, còn màn đốt pháo không kém phần hấp dẫn để chào ngày đầu tiên của năm mới, cùng những phong lì xì mê hoặc.

Xác pháo đỏ rực khắp sân ngoài ngõ. Má tôi không bao giờ quét xác pháo, má nói càng nhiều màu đỏ càng may mắn. Những ngày Tết, nhà cửa, ngõ ngách được trải tấm thảm rực rỡ, thơm tho mùi pháo. Mỗi khi cơn gió thổi qua, cuốn theo vụn giấy tung bay, tạo thành cơn mưa màu đỏ, đẹp mắt.

Hỏi về nguồn gốc của pháo, bà ngoại tôi kể pháo bắt nguồn từ Trung Quốc, hơn 2.000 năm trước. Theo truyền thuyết thì ban đầu người ta đốt cây trúc, không khí giãn nở làm nứt ống, gây ra tiếng nổ.

Ngày mồng Một đầu năm, khi gà vừa gáy, mọi người trở dậy đốt ống trúc để xua đuổi tà ma quỷ dữ, cầu mong bình an trong năm mới. Đó là loại pháo đầu tiên, pháo bộc trúc. Càng về sau pháo càng cải tiến và đa dạng, không chỉ dùng trong ngày Tết mà các ngày trọng đại, đặc biệt là ngày cưới. Hình ảnh pháo nổ tưng bừng mừng đón cô dâu về nhà chồng hẳn còn đâu đó trong tâm tưởng của những người thuộc thế hệ 8X về trước.

Pháo mang đến nhiều niềm vui, cũng không ít nỗi buồn. Biết bao tai nạn thương tâm từ pháo, người ra đi vĩnh viễn, kẻ tật nguyền suốt đời. Để ngăn ngừa thảm trạng, pháo bị cấm hoàn toàn. Tôi nhớ năm 1995, Tết đầu tiên im tiếng pháo, lũ trẻ chúng tôi nào biết chuyện gì, chỉ ngơ ngác như lạc mất người thân, cảm thấy Tết không còn tươi vui hào hứng.

Rồi mọi người cũng dần quen với việc đón Tết thiếu xác pháo đỏ tươi, vắng tiếng đì đùng không dứt, cũng như quen với hình ảnh dưa hấu bánh mứt có quanh năm, không chỉ dành riêng cho Tết.

Tết ngày nay, có nhiều thay đổi cho phù hợp với nhịp sống hiện đại. Tết được giản lược, dành thời gian cho hoạt động vui chơi. Thay vì Tết ở mỗi nhà, thì nay Tết chung cả phố. Đường hoa, hội vui xuân, chợ Tết, không gian Tết có mặt khắp các nẻo đường, người người hớn hở du xuân, những điểm vui chơi, luôn ken đặc người, vô cùng náo nhiệt.

Tết ngày nay, cũng không thiếu pháo. Đó là khoảnh khắc bắn pháo hoa đêm giao thừa. Người người cùng nhau đếm ngược, đón chào năm mới với màn pháo hoa bừng nở. Hồi má còn khỏe, năm nào tôi cũng chở má ra trung tâm, tìm cho hai má con chỗ thông thoáng để chiêm ngưỡng màn trình diễn pháo hoa đặc sắc. Sau đau yếu không đi được, má mở tivi xem hết phần bắn pháo hoa mới thôi. Niềm hân hoan của hàng ngàn con người cộng gộp, lan tỏa, thành niềm vui Tết rộn ràng.

Vài năm gần đây, pháo hoa được phép bán cho người dân. Nhiều người vui niềm vui Tết cùng pháo, chỉ khác là pháo nổ thay bằng pháo hoa. Pháo bắn lên cao tỏa ra chùm sáng rực rỡ, kèm theo tiếng chíu chíu, đì đoàng, xua đi mọi ưu phiền của năm cũ, cầu mong một năm mới an lành, nhiều tài lộc.

Tết xưa hay Tết nay, tiếng pháo đêm giao thừa, tiếng pháo sáng mùng Một Tết luôn đem đến cho chúng ta niềm hân hoan và ngập tràn hy vọng…

Ngọc Thanh

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hera trở thành giám đốc công ty Gold Shoes, giả vờ làm theo mọi việc mà mẹ con Jung Hô yêu cầu, lấy được lòng tin của họ. Mời các bạn đón xem tập 22 của bộ phim "Số phận và sự giận dữ", phát sóng lúc 12h ngày 5/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Mời các bạn đón xem tập 22 của bộ phim "Thần Thám đại tài", phát sóng lúc 20h ngày 5/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Luôn đối chọi với nhau trong những lần giáp mặt, nhưng Vũ Phi lại bất ngờ xuất hiện bên cạnh Khánh Sinh với vai trò là cố vấn tài chính. Phải chăng cô đã thay đổi? Mời các bạn đón xem tập 8 của bộ phim "Vượt lên bão tố", phát sóng lúc 13h ngày 5/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Na Kơng gặp Chi Jong và muốn nuôi con của cô. Chê Úc tức giận khi biết Na Kơng đòi nuôi con của Chi Jong. Mời các bạn đón xem tập 3 của bộ phim "Lời hứa của tình yêu", phát sóng lúc 21h ngày 5/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Sáng sớm nay, sương mù khá dày xuất hiện ở hầu hết các khu vực trong thành phố, mưa rào rải rác báo hiệu khối không khí lạnh tăng cường đã tràn về khu vực Bắc Bộ. Nhiệt độ ngoài trời là 20-21 độ, độ ẩm trên 90%.

Điều chỉnh thời gian hoạt động phố đi bộ hồ Gươm; Lịch sử hào hùng được tái hiện qua điện ảnh; Phòng nguy cơ lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện; Không ra đề thi tuyển sinh lớp 10 quá khó; Nghĩa tình lực lượng cứu hộ Việt Nam tại Naypyidaw;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.