Thương mại toàn cầu sẽ thay đổi nếu ông Trump tái đắc cử

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump cam kết thúc đẩy một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng với trọng tâm là áp dụng mức thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Tờ Wall Street Journal nhận định, nhiệm kỳ thứ hai của chính trị gia 78 tuổi này ở Nhà Trắng sẽ khiến mức thuế quan của Mỹ lên cao nhất lịch sử và thương mại toàn cầu sẽ thay đổi một cách căn bản.

Chiến lược thuế quan của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump 

Gần một thế kỷ trước, việc Mỹ áp thuế gần như hoàn toàn các mặt hàng nhập khẩu đã để lại hậu quả nghiêm trọng khi thương mại toàn cầu đình trệ và xuất khẩu của Mỹ suy giảm mạnh do các quốc gia khác trả đũa bằng các mức thuế tương đương. Những chính sách này làm trầm trọng thêm cuộc "đại suy thoái", cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, các mức thuế quan theo Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 dường như vẫn chưa là gì so với các mức thuế mà cựu Tổng thống Donald Trump dự định áp đặt nếu ông tái đắc cử.

Trong lịch sử nước Mỹ có lẽ không chính trị gia nào yêu thích thuế quan như ông Donald Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử năm nay. Theo một phân tích của Viện Chính sách Tax Foundation, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã áp thuế quan lên khoảng 380 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ. Hàng nghìn sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ quần áo, xe đạp cho đến tivi và giày thể thao, phải chịu thuế quan đến hai chữ số. Ngoài ra, ông Trump còn nhắm vào thép, nhôm, máy giặt và tấm pin mặt trời của các nước khác.

“Thuế quan là một trong những từ đẹp nhất. Bạn biết đấy! Nếu các chính trị gia khác không thích thuế quan, thì chúng tôi sẽ áp dụng thuế quan, chúng tôi sẽ đánh thuế Trung Quốc. Trung Quốc đã bị tôi đánh thuế hàng trăm tỷ đô la trong vài năm qua khi tôi còn điều hành đất nước. Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay đã không thể loại bỏ họ vì họ kiếm được quá nhiều tiền”.

Ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ.

Giờ đây, ứng cử viên đảng Cộng hòa đang cân nhắc xây dựng các hàng rào thuế quan mới. Nếu đắc cử, cựu Tổng thống Trump cho biết ông sẽ tăng thuế 20% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tối thiểu 60% đối với các sản phẩm từ Trung Quốc và 100% đối với các quốc gia không sử dụng đồng USD trong giao dịch. Đây là mức tăng mạnh so với mức trung bình hiện nay là 2% cho hàng công nghiệp, mà một nửa trong số đó hiện đang được miễn thuế hoàn toàn.

Theo hãng tin CNN, một yếu tố nổi bật trong chiến lược thuế quan của ông là giảm bớt vai trò của Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu. Trong khi đương kim Tổng thống Joe Biden áp dụng chiến lược có chọn lọc hơn, bao gồm việc áp thuế quan 100% lên xe điện và 50% đối với chip bán dẫn Trung Quốc kể từ năm 2025, thì các chính sách của ông Trump sẽ có phạm vi rộng hơn. Ước tính, các chính sách của Tổng thống Biden chỉ ảnh hưởng khoảng 18 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, còn kế hoạch đánh thuế của ông Trump sẽ tác động đến khoảng 427 tỷ USD hàng nhập khẩu từ đất nước tỷ dân, cao gấp 24 lần.

(Từ trái sang): Ông Enrique Pena Nieto (khi đang đương chức Tổng thống Mexico), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau ký Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) tại Buenos Aires, Argentina ngày 30/11/2018. Ảnh: AFP.

Ngoài Trung Quốc, các đồng minh và đối tác hàng đầu của Mỹ tại châu Á cũng như châu Âu đều có thể vào tầm ngắm thuế quan của ông Trump. Mexico - nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ - cũng là một đối tác có nguy cơ chịu thiệt hại nhiều nhất. Trong 8 tháng năm 2024, Mexico xuất khẩu tổng cộng 334,7 tỷ USD hàng hoá sang Mỹ. Khi chuỗi cung ứng xích gần về Mỹ hơn, thặng dư thương mại hàng hoá của Mexico với nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng gần 40% kể từ năm 2020. Phần lớn hàng hoá mà Mexico xuất khẩu sang Mỹ là ô tô và các mặt hàng nhạy cảm khác như nhôm và thép. Hiện tại, Mexico, Canada và Mỹ là thành viên của thoả thuận thương mại USMCA. Các hàng hoá đáp ứng điều khoản của thoả thuận đều được miễn thuế quan. Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, hiệp định này có thể bị xoá sổ khi ba bên đàm phán lại vào năm 2026.

Đức và Nhật Bản - lần lượt là nước xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 4 và thứ 5 sang Mỹ - cũng bất an bởi cựu Tổng thống Trump từng nhắc đến việc áp thuế 100% đối với một số loại xe ô tô nhập khẩu.

“Các công ty Đức đều lo lắng về chủ nghĩa bảo hộ. Họ đều có một gánh nặng chung, đặc biệt là nếu ông Donald Trump đắc cử. Ông ấy đã tuyên bố muốn áp đặt thuế quan cao”.

Ông Clemens Fuest - Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế IFO, Đức.

Tờ New York Times đánh giá, thuế quan phủ rộng mà ông Trump dự định áp lên hàng hóa từ tất cả các quốc gia khác có thể gây ra thiệt hại lớn đối với thương mại quốc tế. Kế hoạch áp thuế này không phân biệt giữa các nền kinh tế đối thủ hay đồng minh của Mỹ, giữa hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu, giữa những ngành công nghiệp đang yếu hay đang mạnh, hay giữa những quốc gia tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận thương mại và những nước vi phạm. Mặt khác, ông Trump cũng chưa bao giờ đưa ra được mục đích cụ thể của việc áp thuế quan và liệu thuế quan đó sẽ được dỡ bỏ với điều kiện như thế nào.

Một lo ngại khác là, dù ông Trump từng khẳng định sử dụng ý tưởng thuế quan mạnh tay như một chiến thuật đàm phán để buộc các đối tác thương mại của Mỹ phải nhượng bộ, nhưng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Canada, Mexico và Ấn Độ đã “ăn miếng trả miếng” bằng cách áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ. Sự đáp trả tương tự rất có thể sẽ tái diễn nếu ông Trump tái đắc cử và triển khai chiến lược thuế quan của mình.

Hệ lụy khó lường đối với kinh tế Mỹ và thế giới

Hầu hết các nhà kinh tế đều không ủng hộ chiến lược thuế quan của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì chúng đánh vào hàng nhập khẩu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước, cũng như các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Một số nhà kinh tế còn cảnh báo rằng, các đề xuất thuế quan của ông Trump, nếu được áp dụng, sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy lạm phát tại Mỹ và trên thế giới lên cao. Mặc dù các dự đoán về thiệt hại từ chiến lược thuế quan của ông Trump có thể khác nhau về quy mô và mức độ, nhưng hầu hết các dự báo đều cho thấy tác động tiêu cực.

Bức tranh thương mại toàn cầu sẽ thay đổi căn bản nếu ông Trump tái đắc cử. Ảnh: AFP.

Theo phân tích của NBC News, các chính sách thuế quan của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump là nhằm hạn chế các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa từ nước ngoài, đồng thời khuyến khích tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, tình thế “tiến thoái lưỡng nan” xảy ra khi doanh nghiệp Mỹ không thể tìm được nguồn hàng trong nước với giá tương đương, khiến chính những người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả của chính sách thuế quan.

Phó Tổng thống Kamala Harris chỉ trích chiến lược thuế quan của ông Trump là một loại “thuế tiêu dùng mới đối với người dân Mỹ”, và dự báo rằng mỗi gia đình Mỹ sẽ phải chi tiêu thêm 4.000 USD mỗi năm nếu ông Trump lên nắm quyền.

“Ông Donald Trump sẽ không chỉ áp dụng mức tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu là 4.000 USD một năm. Kế hoạch thuế quan của ông ấy là làm gia tăng lạm phát vĩnh viễn, phá vỡ việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ và gây tổn hại cho công nhân sản xuất nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác”.

Ông Joseph Costello - Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà Harris.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với quan điểm của Phó Tổng thống Kamala Harris. Theo chuyên gia kinh tế Adam Hersh tại Viện Chính sách Kinh tế (Mỹ), mỗi gia đình tại “đất nước cờ hoa” sẽ phải trả thêm 2.500 - 3.000 USD nếu ông Donald Trump áp dụng các chính sách thuế quan trên.

Tổ chức Tax Foundation cho biết, chính sách thuế quan trước đây của ông Trump đã gây thiệt hại 1,4 tỷ USD mỗi tháng cho người tiêu dùng Mỹ. Và với kịch bản ông Trump tái đắc cử, ước tính các chính sách thuế quan mới sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ xuống 0,8%, và cướp đi hơn 684.000 cơ hội việc làm cho người lao động.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington viết trong một báo cáo gần đây nhận định, nếu hàng rào thuế quan tiếp tục tăng cao, điều này “sẽ làm mất lòng các đồng minh và đối tác của Mỹ, khơi mào cuộc chiến thương mại toàn cầu”.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ ước tính, chỉ riêng việc áp đặt thuế 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 1 điểm phần trăm vào năm 2026, thời điểm mà các mức thuế này có thể được thực hiện hoàn toàn. Trong đó, lợi nhuận của các công ty sẽ giảm trung bình 6%, và các chỉ số chứng khoán toàn cầu cũng sẽ giảm mạnh, đặc biệt là ở châu Âu, Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến quỹ hưu trí và các khoản tiết kiệm đầu tư của người dân.

Theo Ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan, châu Âu sẽ là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến thuế quan của ông Trump. Nếu Mỹ tăng thuế lên 10% cho tất cả hàng hóa, GDP của khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) sẽ giảm khoảng 1-1,5%,  tương đương với mức thiệt hại trong cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022.

Phần lớn các nhà dự báo đều đưa ra dự đoán tiêu cực nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng và áp thuế quan mới. Ảnh: Asia Times.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới công bố gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ chịu nhiều tác động nếu các mức thuế cao hơn được áp đặt trên toàn thế giới. Thậm chí, trong một “kịch bản nghiêm trọng” với việc tăng thuế quan và hạn chế thương mại xảy ra trên diện rộng, GDP toàn cầu có thể giảm tới 7% trong dài hạn. Con số này tương đương với mức giảm gần bằng GDP hàng năm của Đức và Nhật Bản cộng lại.Giáo sư Petros Mavroidis, Trường Luật Columbia, Mỹ, đồng thời là một cố vấn kỳ cựu cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dự báo một kịch bản còn tồi tệ hơn: “Lịch sử cho thấy, sẽ không thực tế nếu cho rằng chúng ta có thể duy trì hòa bình thế giới mà không có kết nối thương mại. Thế giới cần được kết nối cả về kinh tế lẫn xã hội. Nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá”.

Một số ý kiến cho rằng, các nước khác sẽ không chỉ trả đũa bằng việc áp thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ mà còn có thể đánh thuế hàng hóa nhập từ các nơi khác để bảo vệ thị trường nội địa khỏi lượng hàng hóa ban đầu nhắm tới thị trường Mỹ. Bằng chứng là trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi ông Trump áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm vào tháng 3/2018, Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng bằng cách áp thuế với một số sản phẩm thép chỉ 4 tháng sau đó, nhằm kiểm soát hạn ngạch nhập khẩu. EU cũng đáp trả trực tiếp với hàng hóa Mỹ, áp thuế hơn 3 tỷ USD lên các sản phẩm từ rượu, thuốc lá cho đến xe mô tô phân khối lớn. Gần đây, EU đã tăng thuế với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn làn sóng ô tô giá rẻ chiếm lĩnh thị trường châu Âu, sau khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden áp thuế 100% đối với xe điện từ cường quốc châu Á. Ông Andre Sapir, thành viên cấp cao tại Tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, nhận định: “Các biện pháp thương mại của Mỹ có thể khơi mào một vòng xoáy các biện pháp tương tự từ các nước khác”.

Liệu chính sách thuế quan của ông Trump có khả thi?

Các nhà lãnh đạo kinh tế những ngày qua đã dành nhiều thời gian để đánh giá về những tác động tiềm tàng đối với hệ thống tài chính toàn cầu từ việc cựu Tổng thống Donald Trump có thể trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11. Bất chấp những lo ngại này, các chuyên gia của tờ Wall Street Journal cho rằng, kể cả nếu đắc cử, cựu Tổng thống Trump sẽ gặp một số rào cản để áp dụng chính sách thuế quan của mình.

Ông Trump dọa đánh thuế siêu khủng với Liên minh châu Âu nếu đắc cử. Ảnh: Getty Images.

Theo Hiến pháp Mỹ, quyền quyết định các chính sách về thương mại thuộc về Quốc hội Mỹ. Trong bối cảnh Đảng Dân chủ được dự báo sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử tới, chính sách thuế quan của ông Trump có thể khó thành hiện thực.

Mặt khác, ông Trump cũng có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế từ “các mối đe dọa bất thường từ nước ngoài” qua Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA). Tuy nhiên, để có thể tuyên bố toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài là vi phạm Đạo luật IEEPA là một điều vô cùng khó khăn. Ngoài ra, nếu ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ông có thể gặp trở ngại từ phía Tòa án Tối cao Mỹ. Trên thực tế, Tòa án Tối cao đã từng bác bỏ những chính sách về kinh tế nằm quá quyền lực của tổng thống, như đạo luật xóa nợ học phí trị giá 400 tỷ USD của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Bất chấp những rủi ro tiềm tàng, chính sách về thuế quan vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cử tri Mỹ. Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vào tháng 9 vừa qua, có tới 56% cử tri Mỹ ủng hộ kế hoạch của ông Trump, vì họ tin rằng thuế quan sẽ bảo vệ việc làm trong nước.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng thuế quan cao về tổng thể sẽ là “lợi bất cập hại”. Các vòng trả đũa về thuế cuối cùng sẽ gây tổn hại cho mọi quốc gia do hạn chế giao thương, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Liệu các mối đe dọa thuế quan có trở thành hiện thực hay không là điều không ai có thể đoán trước được trước ngày bầu cử 5/11. Tuy nhiên, hiện nhiều nước, đi đầu là EU đang chuẩn bị “sẵn sàng kế hoạch phản công” cho vòng hai của cuộc chiến thương mại trong trường hợp ông Trump đắc cử. Trong khi đó, các tổ chức tài chính cũng đang xây dựng kịch bản cho giai đoạn biến động của hệ thống thương mại toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.

Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.