Thuở sông không tĩnh lặng

Cách nhau một dải đê, những người sinh ra và lớn lên trên vùng đất cao ráo nơi trung tâm Hà Nội có lẽ sẽ chẳng mấy khi được chứng kiến cái uy thế dữ dằn và mãnh liệt của sông Hồng một thuở không tĩnh lặng.

Cái thuở độ hơn hai chục năm trước và trước nữa, nếu ai đó nhớ không nhầm, mỗi năm tầm cuối hạ đầu thu, lũ đến rồi đi, cuốn theo mọi thứ. Dòng nước đỏ hồng đục ngầu phù sa dâng lên cuồn cuộn, nhấn chìm không gian an cư của bao nếp nhà ở cái nơi mà người trên phố vẫn thường hay gọi là dân đất bãi.

Nhà tôi ở bãi Nghĩa Dũng, nằm trong một ngõ nhỏ đoạn giữa dốc Tân Ấp và miếu Cô Trôi. Ngày nay, nơi này được quy hoạch thành những khu dân cư ngăn nắp, có trường học, bệnh viện, văn phòng… Nhưng thẳm sâu trong ký ức những người con đất bãi có lẽ vẫn chưa quên vài chục năm về trước, mảnh đất này vốn là một bãi bồi ven sông tập hợp đủ loại tệ nạn và bần hàn, cũng là nơi mối hận Thủy Tinh cưỡi trên những con sóng xám xịt trong truyền thuyết đều đặn đến hẹn lại lên. Sông Hồng - dòng sông dịu dàng mang phù sa tốt tươi tưới tắm cả một vùng châu thổ trù phú, đôi khi cũng dữ dội và khắc nghiệt nhấn chìm biết bao mái nhà, bờ bãi.

Sống chung với lũ lâu, người ta cũng gom nhặt được nhiều kinh nghiệm để ứng phó với cơn cuồng nộ từ thiên nhiên. Cứ khi đàn kiến rủ nhau di cư theo những vết nứt men chân tường, khi mưa triền miên đến loang lổ bầu không và lênh láng mặt đường, tôi lại thấy nhà nhà hối hả cho những cuộc dịch chuyển của cả người và vật. Người tay xách nách mang dẫn vợ ẵm con lên phố tá túc cho qua mùa mưa lũ. Kẻ ở lại tất bật đưa hết của nả đáng giá lên những tầng gác cao, còn cẩn thận bọc túi ni lông rồi buộc chặt phòng một mai lũ đến, cả khoảnh sân lẫn tầng một đều sẽ trở thành biển nước. Người dân ngoài đê cứ thế thản nhiên đón những đợt mưa xối xả, tầm tã, ngập lụt mà mỗi năm có khi sẽ diễn ra đôi ba lần.

Ngày còn bé ngây ngô trẻ dại, tôi kỳ thực lại ngóng trông những đợt nước lên. Chúng tôi - những đứa trẻ của thành thị bê tông cốt thép chỉ thấy cảnh tượng nước lên thú vị biết bao. Nước dâng cao, có khi cao tới ngang ngực người trưởng thành, thế là sân nhà bỗng hóa biển cả và chân đê lắc mình thành bến tàu nhộn nhịp xuồng bè. Chỉ với vài nghìn đồng, chị em tôi đã có thể dễ dàng thuê xuồng dạo một vòng quanh đất bãi, nhìn rác rến bơi lẫn với cá tôm dưới làn nước màu nâu đỏ ì oạp vỗ về mạn xuồng. Chúng tôi la cà trên những con sóng cho tới tận giờ cơm mới chịu chia tay cảnh và vật khi ấy bỗng trở nên lùn tịt do bị nước sông ngấu nghiến mất một phần. Rồi đến lúc trở về, chị tôi lớn giọng í ới gọi với lên một câu. Người nhà nghe tiếng, vội thả xuống từ ban công tầng hai cái xô to hay thùng nhựa lớn có quai cầm buộc chắc sợi thừng dày. Chúng tôi lần lượt trèo vào rồi nép mình ngồi thu lu, mặc cho cha chú khỏe tay kéo lên từng đứa, từng đứa. Bà tôi hay đùa, ngư dân người ta thu lưới đều là tôm là cá, còn nhà tôi, mỗi lần buông câu đều bắt được mấy bé heo béo mầm.

Rồi chẳng biết tự bao giờ, nhạt thưa những cơn lũ. Sông Hồng vẫn uốn lượn từ thượng nguồn phương Bắc đổ vào Lào Cai, băng qua Yên Bái, Vĩnh Phúc, tụ về Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam rồi xuôi mãi về Thái Bình, Nam Định trước khi hòa vào biển Đông. Sông mênh mông, rộng lớn với đôi bờ bạt ngàn sắc xanh, với cánh chim chao nghiêng đầu sóng, với bóng mây rơi rớt đáy lòng. Sông vẫn hùng vĩ, tráng lệ, và thêm đôi chút hiền hòa, bao dung hơn đối với người dân các bãi An Dương, Phúc Xá…

Hơn hai thập kỷ đã trôi qua, biết bao mùa mưa nắng dãi dầu, biết bao lần bãi bể nương dâu. Dọc đường sông đi, bên lở bên bồi luân phiên thay đổi, nhưng đã xa rồi cái thuở người dân đất bãi phải chạy lũ, trốn lũ, trơ mắt thất thểu nhìn nhà cửa hoa màu tan tác dưới cơn thịnh nộ của lũ.

Tôi của hiện tại không còn là đứa trẻ ngóng trông lũ về mỗi năm để được thỏa sức vẫy vùng trong làn nước mặn mà phù sa cùng cát đá ngày xưa nữa. Theo dòng chảy cuộc đời, tôi rời đất bãi, chuyển về bên kia sông - nơi những nhịp cầu vắt ngang trung tâm thành phố và vùng đất cửa ngõ phía Đông Bắc Hà Nội. Ngày ngày ngược xuôi qua Long Biên, Chương Dương, ánh vào mắt tôi là những bình minh và hoàng hôn yên ả soi bóng trên mặt sông lấp lánh màu nâu non mỡ màng. Khúc sông ấy đôi khi tưởng hòa phẳng lặng, lúc lại nhộn nhịp những tàu chở cát và thuyền khách, thuyền hàng. Dòng nước mặn mòi mặc đời mà trôi, cuốn đi xa mãi ký ức những bữa cơm đạm bạc mà ấm áp và những đêm cả nhà trải chiếu cùng thiếp đi trong tiếng sóng dập dềnh những ngày lũ lên. Bao kỷ niệm một thuở ấu thơ tan vào dĩ vãng, những lạc hậu, nghèo nàn, tệ nạn từng một thời gắn chặt với vùng đất ngoài đê cũng theo sông mà chìm sâu quá khứ.

Lại một chiều hoàng hôn đỏ ối chân mây, dõi mắt nhìn theo ráng hồng khuất dần nơi mặt sông nuốt chửng mặt trời, tôi bỗng thấy thứ trừu tượng khó hình dung như dòng đời chắc cũng chỉ đến thế. Sông đưa phù sa, cá tôm và những con thuyền ngang qua từng bến bờ xa lạ, đời cũng cuốn ta tới những miền tương lai chưa hiểu, chưa biết. Đời người lắm thăng lắm trầm, đời sông lúc tĩnh lúc không. Cái thuở sông Hồng hung hăng, dữ dội đã lùi xa cũng như những gập ghềnh, trắc trở trong đời mỗi người rồi cũng có lúc đi qua. Người ta đạp gió rẽ sóng mà lên, dẫu không xuôi chèo mát mái nhưng chắc chắn có một ngày, làm chủ dòng chảy của mình sẽ chẳng còn là ước nguyện viển vông.

Thùy Linh

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

HANOITV News | 04/04/2025

Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra một cú sốc lớn đối với thương mại toàn cầu. Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", ông Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa, bù đắp khoản thâm hụt nợ công của Mỹ. Sâu xa hơn, Mỹ muốn dùng công cụ thuế để gây sức ép, buộc các đối tác thương mại phải đàm phán lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Chiến thuật cứu hộ của Công an Việt Nam được đánh giá cao; Công tác cứu nạn ở Myanmar bước sang giai đoạn mới; Bắt tạm giam Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Ngoài phở, những món sợi nước như bún, miến vẫn luôn được nhiều người Hà Nội tìm đến cho bữa sáng hàng ngày. Với vị ngọt thanh, chua dịu nhẹ đặc trưng của dấm bỗng, bún riêu chính là một lựa chọn phù hợp để bắt đầu một ngày mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài viếng đồng chí Khamtay Siphandone; Bộ Quốc phòng thưởng từ 16 lần lương cơ sở khi cá nhân lập thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc; Bộ Y tế thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga; Tòa án Hàn Quốc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Lãnh đạo cấp cao Đảng Nhà nước viếng đồng chí Khamtay Siphandone; Người Việt Nam tại Mandalay chung tay cứu trợ người dân Myanmar; Doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với mức thuế cao của Mỹ; Tổng thống Mỹ công bố điều kiện giảm thuế đối ứng;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.