Thuế quan mới của ông Trump sẽ áp dụng ngay lập tức
Mặc dù nhiều chi tiết vẫn chưa được tiết lộ, nhưng có thể ngay cả với chính ông Trump, thông báo chính sách thương mại "Ngày giải phóng" được kỳ vọng sẽ là động thái thuế quan mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của vị tổng thống nổi tiếng với việc áp thuế. Ông Trump sẽ gặp gỡ đội ngũ thương mại của mình vào thứ Ba (giờ địa phương) và các mức thuế mà ông công bố trong buổi lễ tại Vườn Hồng vào lúc 4 giờ chiều (giờ miền Đông) vào thứ Tư 2/4 sẽ có hiệu lực "ngay lập tức", người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba.
Ông Trump đã cam kết áp thuế mạnh mẽ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ như một giải pháp tổng hợp cho hầu hết mọi vấn đề. Và Tổng thống đã giữ lời hứa, đến mức khiến các nhà đầu tư, nhà kinh tế, giám đốc điều hành và một bộ phận người dân ngày càng lo ngại rằng các loại thuế nhập khẩu này sẽ gây hại nhiều hơn lợi.
Tuy nhiên, nỗ lực áp thuế của ông Trump cho đến nay có thể sẽ chẳng là gì so với những gì sắp tới. Ông Trump đã nói với các phóng viên vào tối thứ Hai rằng, ông đã "giải quyết" một kế hoạch áp thuế mới toàn diện sẽ được công bố vào giữa tuần, khiến một số quan chức Nhà Trắng bất ngờ: Nếu đúng là Tổng thống đã đưa ra quyết định cuối cùng về các mức thuế, thì điều đó vẫn chưa được chia sẻ rộng rãi trong chính phủ.
Vẫn chưa rõ ông Trump sẽ áp các mức thuế riêng biệt đối với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ hay chỉ áp thuế lên một số quốc gia hay áp một mức thuế toàn diện (có thể lên tới 20%) đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Các cố vấn của ông Trump công khai ủng hộ chương trình thuế quan của ông, nhưng họ có quan điểm khác nhau về cách thức và phạm vi thực hiện.
Một mức thuế toàn diện 20%, kết hợp với sự trả đũa toàn diện từ các quốc gia khác đối với hàng hóa Mỹ, sẽ là "kịch bản tồi tệ nhất" đối với nền kinh tế Mỹ - chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's Analytics Mark Zandi cho biết hôm 1/4.
Một mô phỏng của Moody’s cho thấy, việc leo thang chiến tranh thương mại như vậy sẽ làm mất đi 5,5 triệu việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 7% và khiến GDP của Mỹ giảm 1,7% từ đỉnh điểm xuống đáy.
"Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ gặp một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Đó sẽ là một sự tàn phá đối với nền kinh tế", ông Zandi nói, đồng thời ông nghĩ rằng, Tổng thống Trump sẽ công bố một chế độ thuế quan ít cực đoan hơn để tránh những thiệt hại như vậy.
Có nhiều cách mà thông báo "Ngày giải phóng" của ông Trump có thể diễn ra. Một ý tưởng là các mức thuế đối ứng sẽ bắt đầu với "Dirty 15", hay 15% các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất. Ý tưởng này do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đề xuất. Tuy nhiên, các chi tiết quan trọng của thông báo vẫn chưa được rõ ràng, bao gồm mức thuế sẽ được áp lên bao nhiêu và đối với những sản phẩm nào.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại cho thấy, vào năm 2024, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa cao nhất với Trung Quốc, tiếp theo là Liên minh châu Âu, Mexico, Việt Nam, Ireland, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Italia, Thụy Sĩ, Malaysia, Indonesia, Pháp, Áo và Thụy Điển.

Ông Trump đã phản đối các mức thuế đối với "Dirty 15", thay vào đó, ông đẩy mạnh một điều gì đó rộng lớn hơn nhiều. Điều này gợi ý rằng, các mức thuế "Ngày giải phóng" của ông Trump sẽ không phải là thuế đối ứng mà sẽ là thuế toàn diện, phục hồi một lời hứa trong chiến dịch (mà đã khiến các nhà kinh tế lo ngại) sẽ áp thuế lên tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Nói cách khác, thuế sẽ được áp lên khoảng 3,3 nghìn tỷ USD hàng hóa nhập khẩu, theo dữ liệu thương mại liên bang năm ngoái.
Điều này hoàn toàn khác so với những gì ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Trong suốt bốn năm đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Trump đã áp thuế lên khoảng 380 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu, theo Tổ chức Tax Foundation.


Giới lãnh đạo Iran đồng loạt chỉ trích lập trường của Mỹ về chương trình làm giàu Urani, đồng thời cảnh báo nguy cơ đổ vỡ của các cuộc đàm phán gián tiếp giữa hai bên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm tỉnh Kursk lần đầu tiên kể từ khi Moscow tuyên bố giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát khu vực này, sau cuộc đột kích bất ngờ của lực lượng Ukraine năm 2024.
Vương quốc Anh đã đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại tự do với Israel vào ngày 20/5, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số cá nhân và thực thể ủng hộ bạo lực chống lại cộng đồng người Palestine.
Một ủy ban đặc biệt của Mỹ sẽ xem xét lại quá trình rút quân đầy hỗn loạn của nước này khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021.
Israel đang chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi một thỏa thuận ngoại giao với Tehran.
Đại sứ Ai Cập tại Nga, ông Nazih Elnaggari cho biết, Cairo đang theo dõi sát sao sự phát triển của tuyến hàng hải Bắc Cực và không coi đó là mối quan ngại đối với kênh đào Suez.
0