Thông tư 29: Bước ngoặt cho một nền giáo dục công bằng | Hà Nội tin mỗi chiều

Ngày 14/2/2025, Thông tư số 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm, sẽ có hiệu lực.

Thế là những bức xúc vốn âm ỉ nhiều năm nay về dạy thêm học thêm trong nhà trường rất có thể sẽ được giải quyết. Nhiều ngày nay, báo chí, những người trong cuộc, dư luận bày tỏ rất nhiều ý kiến về vấn đề này.

Rất nhiều người ủng hộ tinh thần của Thông tư 29, cho thấy quyết tâm lớn của ngành giáo dục nước nhà khi loại bỏ những ồn ào không đáng có xung quanh chuyện học thêm, dạy thêm mà mọi người vẫn nói vui “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Cũng như nhiều thông tư mới đi vào cuộc sống, Thông tư 29 tạo ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Điều này làm chúng ta nhớ tới Nghị định 168 về nâng mức xử phạt hành chính trong vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ đầu năm nay. Ai cũng kêu trời vì mức phạt "thổi bay" cả tháng lương nhưng rồi tình hình giao thông trên toàn quốc đã cải thiện rõ nét khi tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí, ý thức người dân được nâng lên đáng kể. Thế nên, hy vọng rằng, Thông tư 29 là một cột đèn giao thông của ngành giáo dục để đưa môi trường giáo dục trở về với trật tự của nó!

Vì sao chúng ta lại đặt kỳ vọng vào thông tư này như thế? Đơn giản là bởi, hoạt động dạy thêm, học thêm từ chỗ công khai, biến thành hoạt động do cha mẹ học sinh “tự nguyện” viết đơn xin và đứng ra tổ chức; các lớp dạy thêm học thêm dần mang tên các lớp “tăng cường”, “bổ trợ”, “bồi dưỡng”, “nâng cao”, “câu lạc bộ”; kiến thức từ chỗ “thêm” hoặc “bồi” trở thành cốt lõi, nếu học sinh muốn cải thiện điểm số. Từ chỗ như một hoạt động “phụ đạo”, dạy thêm học thêm có lúc như “chính đạo”, thậm chí được ưu tiên hơn, để có kiến thức đi thi.

Nói như vậy không có nghĩa học thêm là tiêu cực. Đối với học sinh có học lực chưa tốt, việc học thêm giúp các em củng cố kiến thức, cải thiện kết quả học tập. Đối với những học sinh có nhu cầu nâng cao, học thêm cũng là một phương án để phát triển khả năng tư duy, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Về bản chất, nếu vì người học một cách chính đáng thì học thêm cũng là một việc nên làm.

Thế nhưng từ việc nên làm, nhiều người đã mặc định đó là việc phải làm. Nguy hiểm hơn, một bộ phận giáo viên ở đâu đó đã biến việc làm này thành “quyền ưu tiên” cho quyền lợi của mình, của những học sinh theo học riêng với mình. Từ đó khiến học thêm vô hình trở thành áp lực với người học, với cha mẹ các em. Nhiều người đặt ra những thắc mắc như vì sao dạng bài tập này phải tới lớp học thêm mới được giáo viên chỉ dẫn mà không phải ở thời khoá biểu trên lớp?

Thông tư 29 sẽ chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, vừa đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, cũng như giáo viên.

Theo đó, việc tổ chức dạy thêm chỉ được thực hiện khi học sinh có nhu cầu thực sự và phải có sự đồng ý của phụ huynh. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng ép buộc học sinh tham gia các lớp học không cần thiết.

Với học sinh tiểu học, dạy thêm bị cấm hoàn toàn nhằm giảm áp lực học tập cho trẻ nhỏ (trừ các trường hợp bồi dưỡng năng khiếu hoặc luyện tập thể chất). Thêm vào đó, là quy định giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài trường cho học sinh của mình. Đây là một trong những quy định quan trọng nhằm tránh tình trạng giáo viên cắt giảm nội dung giảng dạy trên lớp để buộc học sinh phải đi học thêm. Và để tăng cường quản lý về tài chính cũng như phù hợp với các quy định về kinh doanh, thông tư yêu cầu các cơ sở dạy thêm phải có đăng ký, phải công khai học phí, tránh tình trạng thu học phí vô tội vạ, gây áp lực lên phụ huynh.

Những quy định mới này đã đề cập đến những nhức nhối mà báo chí, dư luận và cả những người trong cuộc quan tâm bao nhiêu năm nay. Đó là việc không thể không làm, không thể trì hoãn nếu chúng ta muốn đổi mới giáo dục. Nếu thực hiện được các quy định của Thông tư 29 một cách nghiêm túc, hoạt động học thêm, dạy thêm không chính đáng sẽ không còn tồn tại trong các nhà trường. Học sinh có thêm thời gian, không gian để tham gia các hoạt động cải thiện các kỹ năng mềm, các năng khiếu thể thao, mỹ thuật, âm nhạc và phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm, khả năng hòa nhập xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Mối quan hệ thầy – trò, nhà trường – gia đình sẽ trở về đúng quỹ đạo, đúng kỷ cương.

Một nền giáo dục lành mạnh không chỉ nằm ở việc giảm dạy thêm, học thêm tràn lan mà còn phải đảm bảo cơ hội học tập bình đẳng, bảo đảm môi trường giáo dục văn minh, thực sự vì người học. Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực này, nhưng để thành công, tôi cho rằng cần sự vào cuộc của toàn xã hội, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh đến chính các em học sinh.

Đồng thời, cần có thêm các chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm, để mọi thành phần tham gia hoạt động dạy và học nâng cao ý thức, tự giác thực hiện đúng quy định, thì mới có thể xây dựng một nền giáo dục công bằng, bền vững và thực chất.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

HANOITV News | 04/04/2025

Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra một cú sốc lớn đối với thương mại toàn cầu. Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", ông Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa, bù đắp khoản thâm hụt nợ công của Mỹ. Sâu xa hơn, Mỹ muốn dùng công cụ thuế để gây sức ép, buộc các đối tác thương mại phải đàm phán lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Chiến thuật cứu hộ của Công an Việt Nam được đánh giá cao; Công tác cứu nạn ở Myanmar bước sang giai đoạn mới; Bắt tạm giam Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Ngoài phở, những món sợi nước như bún, miến vẫn luôn được nhiều người Hà Nội tìm đến cho bữa sáng hàng ngày. Với vị ngọt thanh, chua dịu nhẹ đặc trưng của dấm bỗng, bún riêu chính là một lựa chọn phù hợp để bắt đầu một ngày mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài viếng đồng chí Khamtay Siphandone; Bộ Quốc phòng thưởng từ 16 lần lương cơ sở khi cá nhân lập thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc; Bộ Y tế thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga; Tòa án Hàn Quốc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Lãnh đạo cấp cao Đảng Nhà nước viếng đồng chí Khamtay Siphandone; Người Việt Nam tại Mandalay chung tay cứu trợ người dân Myanmar; Doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với mức thuế cao của Mỹ; Tổng thống Mỹ công bố điều kiện giảm thuế đối ứng;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.