Thỏa thuận thương mại Mỹ - EU: Áp lực lên giá
Mức thuế 15% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu có thể khiến giá cả hàng hóa tại Mỹ tăng hoặc doanh nghiệp châu Âu phải giảm lợi nhuận để giữ thị phần.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố một thỏa thuận thương mại quy mô lớn, áp mức thuế 15% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu và dược phẩm tránh được kế hoạch tăng thuế 30% mà Washington đe dọa sẽ áp dụng từ ngày 1/8. Thỏa thuận được công bố trong chuyến thăm của ông Trump tới Scotland. Ngoài ra, EU cam kết mua khoảng 750 tỷ USD khí tự nhiên, dầu mỏ và nhiên liệu hạt nhân từ Mỹ để thay thế nguồn cung từ Nga, đồng thời châu Âu sẽ đầu tư thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, chưa có thông tin chi tiết về nguồn vốn cho khoản đầu tư khổng lồ này. Bà von der Leyen cho biết, hai bên đã đồng ý áp dụng mức thuế 0% cho cả hai phía đối với một loạt các mặt hàng “chiến lược”: máy bay và phụ tùng máy bay, một số loại hóa chất, thiết bị bán dẫn, một số sản phẩm nông nghiệp cũng như một số tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô quan trọng, tuy nhiên, chi tiết vẫn chưa được công bố. Thuế 50% đối với thép nhập khẩu vào Mỹ vẫn được giữ nguyên; hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về việc xử lý tình trạng dư thừa thép toàn cầu, giảm thuế và xây dựng cơ chế hạn ngạch nhập khẩu.
Việc áp dụng mức thuế 15% giúp ngăn chặn khả năng xảy ra chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thuế suất này vẫn cao hơn nhiều so với mức thuế trung bình khoảng 1% trước khi ông Trump lên nhậm chức. Điều này có thể khiến giá cả hàng hóa tại Mỹ tăng hoặc doanh nghiệp châu Âu phải giảm lợi nhuận để giữ thị phần.
Ông Carsten Brzeski - chuyên gia kinh tế trưởng của ING nhận định: “Mức 15%, thoạt nhìn có vẻ ổn, nhất là khi trước đó chúng ta phải đối mặt với nguy cơ 25% hay 30%. Nhưng so với thời điểm đầu năm, 15% vẫn là con số rất lớn. Điều đó cũng có nghĩa là nếu có bên thua thiệt trong các cuộc đàm phán này thì nhiều khả năng đó là châu Âu. Bởi vì thiệt hại kinh tế đối với châu Âu sẽ lớn hơn đáng kể so với tác động lạm phát tiềm ẩn đối với người Mỹ”.
Ủy ban châu Âu đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực từ 1,3% xuống còn 0,9% cho năm nay, một phần do lo ngại về thuế nhập khẩu của Mỹ. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thừa nhận, mức thuế này là “kết quả tốt nhất mà chúng tôi có thể đạt được”, đồng thời nhấn mạnh rằng thỏa thuận mang lại sự ổn định và khả năng dự đoán cho doanh nghiệp hai bên.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz hoan nghênh thỏa thuận giúp tránh “leo thang không cần thiết” trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương, nhưng ông cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều biện pháp giảm thuế hơn nữa. Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) thẳng thắn hơn, cho rằng mức thuế 15% “sẽ gây ra những tác động tiêu cực lớn” đối với ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của Đức.
Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng ING cảnh báo rằng, thỏa thuận hiện tại chưa có văn bản chi tiết và do đó có thể thiếu tính ràng buộc dài hạn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng thỏa thuận này đã giúp loại bỏ rủi ro leo thang vốn có thể tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.