'Thiên đường' ẩm thực ngõ chợ Đồng Xuân

Dạo quanh khu phố cổ, hẳn ai đi qua khu chợ Đồng Xuân cũng bị thu hút bởi một con ngõ nhỏ mang tên Đồng Xuân - một góc nhỏ giữa lòng Thủ đô đong đầy bao hương vị, bao kỉ niệm. Ngõ chợ Đồng Xuân làm biết bao người nhung nhớ theo một cách rất riêng bởi những món ăn bình dân, đậm đà bản sắc Hà Nội.

Ngõ Đồng Xuân là ngõ nhỏ, nhưng không theo kiểu bình yên, nhẹ nhàng như bao ngõ nhỏ, phố nhỏ của Hà Nội đã đi vào thơ, vào nhạc. Ngõ chợ Đồng Xuân làm biết bao người nhung nhớ theo một cách rất riêng bởi những món ăn bình dân, đậm đà bản sắc Hà Nội.

Từ phố Cầu Đông đi vào khoảng 50m là ngõ ẩm thực chợ Đồng Xuân. Con ngõ nhỏ chỉ dài khoảng 200m, lối đi vừa đủ để lách qua nhau, là nơi tập trung những hàng quán xếp nối nhau san sát. Từng nồi nước dùng khói bốc lên nghi ngút quyện với màu sắc mời gọi của đủ các món như bún chả, bún riêu, bánh tôm vàng rộm, những khay nộm và âu chè đủ màu sắc dịu mắt… Tất cả như đang mời gọi bước chân bộ hành dừng lại, lân la trải nghiệm từng quầy hàng cách nhau chỉ mấy bước chân để cảm nhận cái tình, cái hồn của Hà Nội.

Những người bán hàng ở ngõ chợ Đồng Xuân ai cũng thân thiện và niềm nở, miệng lúc nào cũng nở nụ cười tươi cùng những đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt bày biện.

Bà Phạm Bích Liên - chủ tiệm chè truyền thống tại đây đã nhiều năm, vừa nhanh nhẹn phục vụ từng cốc chè cho khách vừa nhỏ nhẹ trò chuyện, hỏi han khách hàng: "Cô là đời thứ 3 bán hàng ăn ở ngõ này, vì nhà cô có truyền thống từ đời bà nội, bán từ thời Pháp thuộc. Nghề truyền thống của gia đình là hàng ăn. Nói chung là duy trì lâu và chất lượng hàng ổn định, lượng khách là không phải lo".

Ngõ chợ Đồng Xuân thu hút người dân nhờ các món ăn hấp dẫn. (Ảnh: Vietnamnet)

Người bán hàng không vội, người mua cũng chẳng gấp. Những chiếc ghế nhựa nhỏ, những bàn ăn xếp san sát nhau, khách hàng tới ngồi trò chuyện rôm rả, nhấm nháp từng miếng ăn ngon lành. Trước kia ngõ chợ Đồng Xuân chỉ phục vụ cho tiểu thương buôn bán, rồi dần dà, nơi đây trở thành điểm hẹn quen thuộc của mỗi người dân địa phương và du khách đến thăm Hà Nội.

Nằm ở vị trí thuận lợi, cách Hồ Gươm không xa, phía Tây là phố Đồng Xuân, phía Bắc là phố Hàng Khoai, phía Nam là phố Cầu Đông, ngõ chợ Đồng Xuân với hàng loạt quầy hàng thu hút đông đảo những người sành ăn đất Hà Thành cùng du khách nước ngoài đến trải nghiệm ẩm thực. Với giá cả phải chăng từ 5.000 - 45.000 đồng/1 suất ăn, phù hợp với túi tiền của nhiều người, nên nơi đây còn được mệnh danh là "siêu ngõ ẩm thực". Khi hỏi tên ngõ có từ bao giờ không phải ai cũng biết, dù là người bán lâu năm trên con phố này.

Mở cửa thuộc hàng sớm nhất ở ngõ chợ Đồng Xuân, có lẽ là hàng bún ốc của bà Đào Thị Thúy. Bún ốc nóng và bún ốc chuối đậu là bữa sáng ngon miệng với rất nhiều người. Buổi sáng sớm, khách chưa quá đông nên bà Thúy vừa bán hàng, vừa chuẩn bị hàng. Bún ốc nóng gắn bó với người Hà Nội từ bao giờ thì không ai rõ. Chỉ biết rằng hương vị của miếng ốc giòn sần sật, vị chua chua của nước dùng, vị thơm của rau, vị cay của ớt chưng đã theo người Hà Nội, biết bao đời nay. Bà Thúy bán bún ốc đến nay cũng đã gần 30 năm.

Món bún ốc nức tiếng ngõ chợ Đồng Xuân. (Ảnh: Linh Trang)

Điều thú vị, các quán hàng kê san sát nhau có thể khiến du khách dễ dàng trải nghiệm các món ăn. Dường như nắm bắt tâm lý thực khách vào đây để trải nghiệm nhiều món nên các chủ quán khá thoải mái và dễ tính nếu khách chỉ gọi với số lượng ít. Ngõ hẹp chỗ chật, bởi thế, những người bán hàng ở đây thường phải ngồi một chỗ, những việc khác có người phụ giúp.

Nếu lần đầu ghé nơi đây, chắc thực khách sẽ có chút bỡ ngỡ bởi sự nhộn nhịp hiếm có tại một con ngõ nhỏ lại không hề tạo cảm giác chật chội. Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây luôn được chọn làm điểm dừng chân, đơn giản là để cùng chia sẻ một món ăn, một câu chuyện.

Có người đến đây để tìm lại hương vị xưa cũ, có người đến để khám phá cái mới, nhưng tất cả đều chung niềm vui, sự háo hức khi được trải nghiệm và dư vị của sự hài lòng còn đọng lại trong ấn tượng của mỗi thực khách.

Ngõ ẩm thực chợ Đồng Xuân mở bán hàng từ 7 giờ đến khoảng 18 giờ mỗi ngày, trong đó cao điểm là từ 11-13 giờ và khoảng 17 giờ. Vào giờ cao điểm, hàng quán trong ngõ đều kín chỗ, nhiều thực khách phải xếp hàng đợi mới tới lượt.

Chỉ dài khoảng 200m nhưng ngõ Đồng Xuân lại là nơi hội tụ biết bao món quà nức tiếng của Hà Nội, nào là bún chả, nào là chè, bánh tôm, bún ốc… Buổi trưa là lúc bận rộn nhất, sôi động nhất của con ngõ này.

Ngõ chợ Đồng Xuân tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách. (Ảnh: Hồng Phúc)

Vừa nói chuyện, bà Đào Thị Thúy vừa nhanh tay làm hàng cho khách và giải thích về lý do khách đến chợ giảm đi. Đó là sự phát triển của công nghệ bán hàng online nên khách đến các khu chợ truyền thống giảm nhiều. Chợ Đồng Xuân cũng nằm trong số đó, các hàng quán của con ngõ chợ này hiện nay phục vụ chủ yếu là khách du lịch.

Ngày trước chỉ qua trưa thì khách ăn ở ngõ chợ Đồng Xuân sẽ thưa thớt, người bán hàng sẽ dọn hàng, còn bây giờ 4-5 giờ chiều cả ngõ vẫn tấp nập. Người bán hàng vẫn bán, người dọn hàng vẫn dọn. Một vài người già đã nhặt rau chuẩn bị cho bữa tối. Ngõ trong ngõ, người Hà Nội cùng nhau sống trong các không gian đa dạng. Bao năm nay, sự nhộn nhịp của ngõ Đồng Xuân cũng là sự nhộn nhịp của cuộc sống bên trong ngõ.

Dù là lần đầu đặt chân đến ngõ ẩm thực Đồng Xuân nhưng thực khách sẽ không thể quên được hương vị của những món ăn nơi đây. Đó là vị của món ngon Hà thành được chế biến công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, tạo nên vị ngon riêng cho các món ăn Hà Nội. Các món ngon nơi đây còn là ký ức tuổi thơ của nhiều người.

Chị Nguyễn Khánh An (phố Lò Đúc, Hà Nội) chia sẻ: "Đây là con ngõ đã lưu lại tuổi thơ của tôi với bà nội, khi bé tôi thường được theo bà đi chợ rồi xế chiều lại được bà dẫn đi ăn quà. Khi thì cái bánh gối, lúc thì bát chè sắn khoai dẻo. Những ký ức ấy tôi sẽ không bao giờ quên vì mỗi lần thưởng thức đồ ăn ở con ngõ này lại khiến tôi nhớ về bà, về tuổi thơ của mình, dù một thời khó khăn nhưng đầy niềm vui và hạnh phúc".

Ngõ ẩm thực chợ Đồng Xuân vốn tự thân đã có thể thu hút nhiều thực khách nhưng trong bối cảnh công nghệ phát triển, con ngõ nhỏ này đã có sự chuyển mình để bắt nhịp với cuộc sống hối hả. Hầu hết các quầy hàng đều đã triển khai mã QR code để khách hàng có thể dễ dàng thanh toán. Bên cạnh đó là những dịch vụ ship hàng, bán hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử chuyên mục đồ ăn để tiếp cận với nhiều hơn các đối tượng khách.

Mỗi quầy hàng đều có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là điểm quan trọng để khách hàng tin tưởng và có thể lui tới nhiều lần, từ đó tạo thêm nguồn khách hàng thân thiết và giới thiệu được món ăn đến khách du lịch trong và người nước, tạo dựng hình ảnh cho ngõ ẩm thực chợ Đồng Xuân.

Mới đây, khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và phố cổ vừa được UBND thành phố Hà Nội công nhận là khu du lịch cấp thành phố. Những sản phẩm trải nghiệm như foodtour chợ Đồng Xuân, xe điện… góp phần thu hút thêm nhiều du khách khi tham quan, khám phá phố cổ Hà Nội. Chắc chắn phải cần rất nhiều lần ghé tới mới có thể thưởng thức hết các món ăn Hà Nội ở con ngõ ẩm thực này. Và còn cần thêm nhiều lần ghé tới hơn nữa khi đã trót tìm ra được hương vị ẩm thực yêu thích của mình trong một món ăn nào đó ở đây.

Vì là ngõ chợ, bàn ghế có chút tuềnh toàng chứ chẳng được cao ráo, sang trọng như trong nhà hàng hay các quán khang trang. Mùa hè, dù có mấy chiếc quạt thổi nhưng ăn xong bát bún cũng thấy mồ hôi đầm đìa. Ngày mưa, vừa ăn còn phải vừa tránh nước mưa hắt vào. Ấy thế nhưng ngõ chợ chẳng mấy khi vắng vẻ, âu cũng là do văn hóa ẩm thực ngõ chợ đã tồn tại nhiều năm nay. Và những người yêu Hà Nội vẫn tìm đến đây, để tìm lại cho mình hương vị thân thương của ký ức, của một Hà Nội xưa hòa trong cảnh sắc và hương vị của Hà Nội nay.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.

Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.