Thế 'lưỡng bại câu thương' trong đại thương chiến

Chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đối với các nước xuất khẩu hàng hóa vào nước này được xem như châm ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh thương mại ở quy mô toàn cầu. Cuộc chiến có nguy cơ leo thang khi một số quốc gia cũng tăng mức thuế để đáp trả chính sách của Mỹ, và khi những chuẩn thương mại toàn cầu bị phá vỡ, kinh tế thế giới sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái chưa từng có.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất khẩu bằng 200% tổng sản phẩm quốc nội. Do vậy, chắc chắn việc bị xếp vào nhóm nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, lên đến 46%, sẽ khiến nền kinh tế của chúng ta đối mặt rất nhiều sức ép, ảnh hưởng nghiêm trọng mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên năm nay và trong dài hạn.
90 ngày Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng và chỉ áp dụng mức thuế 10% là khoảng thời gian để chúng ta đàm phán thương mại và tìm ra biện pháp hóa giải thách thức. Tọa đàm “Việt Nam khi THẾ GIỚI ĐẠI THƯƠNG CHIẾN” của Đài Hà Nội chỉ ra vì sao Mỹ áp dụng thuế đối ứng; tác động của chính sách thuế đối ứng đối với toàn cầu và Việt Nam, cùng giải pháp ứng phó, với sự tham gia của TS. Vũ Thành Tự Anh – Trường Chính sách công và quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam và bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.

BÀI 1: THẾ LƯỠNG BẠI CÂU THƯƠNG TRONG ĐẠI THƯƠNG CHIẾN

Việc Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế đối ứng sẽ tạo nên một cuộc chiến thương mại và nếu leo thang có thể dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu. Lúc đó, nước Mỹ với tư cách là một nền kinh tế lớn nhất chắc chắn sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất, bởi vì đây là “lưỡng bại câu thương” – đôi bên cùng thiệt, theo các chuyên gia.
Tính thuế đối ứng không theo lý thuyết kinh tế nào

PV: Thưa hai vị khách mời, đến thời điểm này, liệu có thể giải thích cơ sở nào để Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam, hơn nữa chúng ta còn thuộc nhóm chịu mức thuế cao nhất?
TS. Vũ Thành Tự Anh: Thực ra, không phải chỉ Việt Nam mà thế giới cũng sốc trước các mức thuế đối ứng được ông Donald Trump công bố hôm 2/4. Ngay cả giới nghiên cứu kinh tế cũng sốc, bởi vì cách tính tỷ lệ thuế đối ứng thật đơn giản và không tuân theo lý thuyết kinh tế nào. Cụ thể, chính quyền Donald Trump lấy thâm hụt thương mại của một quốc gia với Mỹ chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó vào Mỹ, rồi chia đôi để ra thuế đối ứng. Với cách tính đó, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ nên chịu mức thuế đối ứng 46%.
Vừa rồi, một nhà kinh tế học ở trường đại học Chicago đã có bài phân tích phản đối công thức này (Giáo sư kinh tế Brent Neiman, Đại học Chicago, lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump đã sử dụng sai lệch nghiên cứu của ông và cộng sự để tính toán mức thuế đối ứng áp dụng với 180 đối tác thương mại – PV). Ông nói rằng có hai tham số quan trọng: một là khi áp thuế thì giá nhập khẩu hàng vào Mỹ sẽ tăng và giá tăng như vậy sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu của Mỹ. Với hai tham số đó, lẽ ra hệ số tính phải là 0,95 (tức 95 % mức độ ảnh hưởng của thuế lên giá) song Mỹ lại tính 0,25 (25%).
Vì vậy, nếu tính đúng công thức của các nhà kinh tế này, con số không cao như thế mà chỉ khoảng một phần tư so với con số chúng ta nhìn thấy. Tóm lại, đó là cách tính khá đơn giản và thiếu cơ sở khoa học nên khiến cả thế giới bị sốc.
Liệu cách tính toán ở đây có cảm tính không? Thực ra, với quan điểm “đặt nước Mỹ lên trên hết” của ông Donald Trump thì đúng vậy. Ông Trump còn gọi là “Liberation Day” - ngày giải phóng nước Mỹ (hôm 2/4). Tôi nghĩ đấy là một trong những lý do khiến cả thế giới bàng hoàng. Thực tế đến bây giờ, chúng ta đều biết bản thân Tổng thống Trump cũng cảm thấy mức thuế suất đấy không ổn nên cũng phải đảo chiều chính sách.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Chúng tôi cũng sốc trước mức thuế đối ứng đó. Năm 2024, chúng tôi xuất khẩu 51,7 tỷ USD trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng sang Mỹ gần 120 tỷ USD. Ngành công nghiệp điện tử chiếm khoảng 35% tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành. Về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, ngành điện tử đóng góp khoảng 33%, chiếm một phần ba tổng giá trị xuất khẩu của cả nước ra thị trường quốc tế.
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất nên tác động và ảnh hưởng của chính sách thuế đối ứng vô cùng lớn. Đặc biệt, Việt Nam sẽ không chỉ bị suy giảm đơn hàng mà còn chịu sự cạnh tranh từ các quốc gia có ngành điện tử phát triển ngang ngửa với chúng ta nhưng có thuế suất thấp hơn, ví dụ: Ấn Độ chỉ 26 %; Nhật Bản, Hàn Quốc từ 20-25 %; Brazil chỉ 10%. Nếu mức thuế quan đối ứng này thực sự được áp dụng thì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng rất lớn và nhiều doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng của Việt Nam sẽ bị thu hẹp đơn hàng, có thể dẫn đến phá sản, người lao động sẽ mất việc.

PV: Cụ thể, nếu mức thuế 46% không được hóa giải, áp lực cho xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có hàng điện tử xuất khẩu sang Mỹ là gì?
Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt một số áp lực sau: Thứ nhất là giảm mạnh sức cạnh tranh. Theo mức thuế đối ứng này, chúng tôi dự kiến sẽ tăng khoảng 30-40% tùy từng mặt hàng và đánh mất lợi thế. Và như tôi vừa nói, chúng ta phải chịu sự cạnh tranh của một số nước như Ấn Độ, Indonesia… Thậm chí Indonesia còn chịu mức thuế thấp hơn Brazil.
Thứ hai là mức thuế đối ứng làm gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Họ nhìn thuế ở Việt Nam quá lớn thì sẽ cân đối để phân bổ lại đơn hàng sang những quốc gia có mức thuế thấp hơn. Bản thân chúng tôi cũng đọc rất nhiều thông tin. Ví dụ như hãng Samsung có nhà máy tại Ấn Độ, Mexico và Brazil, đây là những nơi có thuế suất thấp hơn hẳn và cạnh tranh rất lớn với Việt Nam.
Tiếp theo gián đoạn chuỗi cung ứng là nguy cơ mất việc làm cũng rất cao. Ngành điện tử đang tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt trong chuỗi cung ứng của Samsung cũng đã thông báo có đến trên 200.000 lao động hay các chuỗi cung ứng của các ông lớn khác như Apple cũng rất ảnh hưởng.

Từ đó lại dẫn đến áp lực thứ ba là tài chính trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn. Doanh nghiệp ngành điện tử không có đủ tiềm lực tài chính và không thể chuyển hướng thị trường nhanh chóng thì sẽ chịu áp lực rất lớn, dẫn đến thua lỗ. Những vấn đề này không chỉ tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp ngành điện tử mà còn đối với doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.
PV: Nhiều phân tích cho rằng, Việt Nam sẽ giảm 10% tăng trưởng nếu Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46%. Quan điểm của ông Vũ Thành Tự Anh thế nào?
TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi nghĩ chắc chắn thuế đối ứng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng rồi. Tuy nhiên, con số cụ thể bao nhiêu phần trăm còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố quan trọng nhất. Thứ nhất là thuế suất cuối cùng mà chúng ta đàm phán được với phía Hoa Kỳ là bao nhiêu, tất nhiên thuế suất càng cao thì thiệt hại càng lớn. Thứ hai là thời hạn, nếu áp thuế ngay lập tức thì khác mà tích lũy trong nhiều năm sẽ lại khác. Cuối cùng là phản ứng của các quốc gia khác đối với việc áp thuế này. Bởi vì không phải chúng ta là nước duy nhất mà cả thế giới bị áp thuế nên việc tương tác giữa các quốc gia với nhau rất quan trọng. Như chị Thúy Hương vừa nói, các quốc gia xuất khẩu hàng điện tử cạnh tranh với chúng ta lại có thuế suất thấp hơn, thì lúc đấy ảnh hưởng của chính sách thuế đối ứng đối với Việt Nam còn nghiêm trọng hơn.

Nói một cách vắn tắt, nếu như các điều kiện hiện nay vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi một điều là tăng thuế suất của Hoa Kỳ áp lên hàng xuất khẩu của Việt Nam, nếu tăng 46 % như dự kiến ban đầu thì chúng tôi ước tính GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ giảm khoảng 2 đến 2,5 điểm %. Lẽ ra chúng ta tăng trưởng 8% thì bây giờ còn khoảng 5-6%.

Còn nếu như mức thuế “dễ thở hơn” khoảng 20-25%, thì mức tổn thất của GDP cũng từ 1 đến 1,3 điểm %, tức là thay vì tăng trưởng 8% sẽ chỉ còn 6,7-7 %. Đây vẫn là con số tốt nhưng đã giảm đáng kể so với những gì chúng ta có thể đạt được.
Thế “lưỡng bại câu thương”

PV: Vậy còn đối với nước Mỹ, chính sách thuế đối ứng của ông Donald Trump ảnh hưởng trực tiếp đến họ thế nào?
Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Chúng tôi cũng nhìn nhận rằng, thuế quan cuối cùng vẫn là đánh vào tiêu dùng và người tiêu dùng. Người dân Mỹ chính là đối tượng chịu tổn hại ngay và luôn khi mức thuế này được áp dụng, và sức chịu đựng của người tiêu dùng Hoa Kỳ không thể lâu.
Thế nên, nếu thuế quan áp đặt lên các quốc gia quá cao và kéo dài thì lạm phát ở Mỹ cũng sẽ tăng rất cao và dẫn đến bất ổn kinh tế - xã hội. Tôi nghĩ rằng, các cử tri Mỹ sẽ có phản ứng rất quyết liệt với những vấn đề này.

Nếu nhìn nhận ở ở góc độ ngành công nghệ thì ảnh hưởng rất nhiều. Các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ tại Hoa Kỳ cũng rất phản đối và ngay trong nội các của họ cũng mâu thuẫn rất sâu sắc. Bản thân tỷ phú công nghệ Elon Musk cũng có những gây hấn rất rõ ràng trong nội các, khi công ty của ông ấy trong vòng mấy ngày mất đến cả trăm tỷ USD, trong khi ông lớn khác như Apple cũng mất xấp xỉ 700 tỷ USD (vốn hóa).
TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi thấy có hai tác động rất lớn mà chúng ta có thể thảo luận. Đầu tiên là lạm phát như chị Thúy Hương nói rồi, sẽ mất một thời gian nhất định lạm phát mới thể hiện ra ở các siêu thị hay các chỗ mua sắm.
Có thể sẽ có một bộ phận người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Trump. Họ sẽ rất hào hứng nghĩ rằng, đây là một động thái rất quyết liệt của tổng thống để trả đũa hay “dạy cho thế giới một bài học” về việc không công bằng thương mại thì sẽ phải trả giá. Thế nhưng, cái giá phải trả cuối cùng vẫn rơi vào người dân Mỹ, cái đấy cần có thời gian dài hơn (để bị tác động).
Thứ hai, nếu chúng ta nhìn vào bức tranh tổng thể thế giới thì bây giờ trật tự đã thay đổi và các luật chơi cũ không còn nữa. Việc Tổng thống Trump áp đặt mức thuế đối ứng sẽ tạo nên một cuộc chiến thương mại và nếu leo thang có thể dẫn tới suy thoái kinh tế. Lúc đó, nước Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất chắc chắn sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất. Bởi vì là đây là “lưỡng bại, câu thương”, cả hai bên cùng chịu tổn thương. Trung Quốc cũng sẽ tổn thương, Mỹ tổn thương và cả thế giới tổn thương. Đây là cuộc chiến mà không ai được lợi.

Thế nên, tôi nghĩ rằng, thuế đối ứng sẽ tạo ra sức ép lớn hơn rất nhiều cho các phía, không chỉ đối với người dân mà còn với các nhóm lợi ích, lực lượng chính trị, Quốc hội, các doanh nghiệp Mỹ. Tôi tin nó sẽ tác động rất mạnh mẽ tới các động thái chính sách tiếp theo của chính quyền Hoa Kỳ.
PV: Theo số liệu từ Cục Phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng hàng năm gần 20%, đạt 123,5 tỷ USD năm 2024. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con số này chưa tính toán việc Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam những dịch vụ trong các lĩnh vực như: tài chính, giáo dục, hay các ứng dụng xuyên biên giới như Google, Facebook, Netflix... TS. Vũ Thành Tự Anh bình luận thế nào về vấn đề này?
TS. Vũ Thành Tự Anh: Đúng vậy. Khi Tổng thống Mỹ và chính quyền Hoa Kỳ áp đặt thuế đối ứng, họ chỉ sử dụng thuần túy số liệu thương mại hàng hóa mà quên mất là còn một bộ phận rất quan trọng khác là dịch vụ. Chúng ta đang sử dụng rất nhiều các sản phẩm dịch vụ của Mỹ như: Facebook, Google… và có rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang quảng cáo trên các nền tảng này. Đặc biệt ở đô thị, rất nhiều gia đình trung lưu còn đang sử dụng Netflix, bên cạnh đó còn có các dịch vụ của Amazon và các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.
Tôi tin rằng, tất cả dịch vụ này sẽ ngày càng nhiều. Thực tế, số liệu thống kê cho thấy tốc độ xuất nhập khẩu hàng hóa đang tăng trưởng thấp nhưng xuất nhập khẩu dịch vụ đang tăng nhanh và sau này sẽ chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng cán cân xuất nhập khẩu của thế giới, không riêng một quốc gia nào cả. Vì vậy, chính những phần mà Tổng thống Trump và Chính phủ Hoa Kỳ đang không dùng (trong cán cân thương mại - PV) lại là phần quan trọng, chưa kể đến những việc như chúng ta gửi con đi du học, chữa bệnh, du lịch… ở Mỹ.
Tất cả những giao dịch đó đến thời điểm này hoàn toàn không được phản ánh trong công thức tính toán thuế đối ứng. Do vậy, như tôi nói ngay từ đầu là giới khoa học kinh tế cũng sốc, bởi vì dùng một công thức quá đơn giản, quá hạn hẹp để đánh giá một vấn đề quá quan trọng với toàn cầu, chứ không phải chỉ riêng một quốc gia này.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Trước đây có hai cực lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ, thì chúng ta đều tưởng rằng chiến tranh thương mại chỉ diễn ra giữa hai quốc gia này. Một quốc gia thống trị sản xuất và một quốc gia thống trị tài chính. Thông thường quốc gia thống trị tài chính và công nghệ sẽ luôn muốn đóng vai trò dẫn dắt. Nhưng bây giờ phía Hoa Kỳ lại mong muốn đóng vai trò dẫn dắt cả trong sản xuất. Vì thế, khi tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã đưa slogan “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và yêu cầu tất cả công ty đa quốc gia, các ông lớn công nghệ phải quay trở lại đầu tư và sản xuất tại Mỹ. Tức là ông Trump muốn thống trị cả mảng sản xuất.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận định, đấy là mong muốn khá duy ý chí, không dễ thực hiện vì những lợi thế của Hoa Kỳ không nằm ở khâu sản xuất. Người lao động của nước này chưa thích ứng với chuyển dịch sản xuất và chi phí lao động rất cao. Phải mất rất nhiều chi phí để hình thành doanh nghiệp và tổ chức sản xuất tại Hoa Kỳ. Dù chính sách này có thực sự khiến các ông lớn công nghệ chuyển dịch sản xuất về Hoa Kỳ đi chăng nữa thì cũng không dễ thiết lập và vận hành.
Khía cạnh thứ hai là việc xây dựng một cái hệ sinh thái sản xuất đối với bất kỳ quốc gia nào đều cần thời gian nhất định. Người ta cũng phân tích rằng, ngay cả ngành dệt may cũng cần đến 3 năm, còn ngành điện tử của Việt Nam cũng phải kéo dài đến nay là 9 năm thì mới có một hệ sinh thái sản xuất và tạo ra chuỗi cung ứng khá đầy đủ.

Cần chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới

PV: Vì sao đến thời điểm này Mỹ lại phủ nhận chính hệ thống thương mại tự do do họ tạo ra để thay bằng hàng rào thuế quan? Và việc Mỹ đưa ra mức thuế như vậy liệu đơn thuần chỉ là bảo hộ thương mại để giải quyết thâm hụt thặng dư hay còn dựa trên các yếu tố khác như: tái cấu trúc kinh tế; địa chính trị…?
TS. Vũ Thành Tự Anh: Đúng là trật tự thế giới sẽ thay đổi và quan điểm của ông Trump là không hài lòng với trật tự thế giới hiện nay. Một trong những điều khiến ông Trump cảm thấy bức xúc nhất là cảm giác như mình “đang bị chơi không công bằng” khi phải chịu tỷ lệ thâm hụt thương mại quá lớn. Do vậy, ông Trump nên cần thiết lập lại công bằng.

Vừa rồi như chị Thúy Hương nói, nếu chúng ta nhìn vào số liệu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chế tạo, chế biến thì một mình Trung Quốc còn hơn cả Mỹ, Đức, Nhật và Hàn Quốc cộng lại. Thế thì rõ ràng Trump, với tư cách muốn nước Mỹ hoành tráng trở lại, vĩ đại trở lại, sẽ không thể nào chấp nhận thực tế mình lại chỉ “bé” thế này. Trong khi, chỉ một Trung Quốc lại chiếm tỷ lệ lớn trong một khối lượng sản xuất và giá trị gia tăng cao như thế. Đấy là trong những động lực để Mỹ kéo ngược sản xuất về phía họ.
Nhưng việc kéo sản xuất về Mỹ và những chính sách vừa rồi của ông Trump cho thấy sự hiểu biết hạn chế về sự thay đổi của thế giới. Một sản phẩm bây giờ được sản xuất ra không phải chỉ ở một nước A hay nước B. Nó có thể đến từ hàng chục, hàng trăm công ty khác nhau và từ hàng chục, hàng vài chục nước khác nhau trên thế giới, đặc biệt đối với các sản phẩm phức tạp. Chuỗi giá trị toàn cầu thay đổi như vậy nên rất khó có thể nói một sản phẩm nào đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ là 100% của Việt Nam Nam.
Ở Việt Nam không có chuyện đấy đúng không? Chúng ta cũng nhập khẩu từ các nơi để sản xuất và xuất khẩu. Chúng ta không chỉ xuất khẩu riêng sang Mỹ mà còn xuất sang rất nhiều quốc gia khác. Vì vậy, đúng là ông Trump muốn phá bỏ cái trật tự đấy, song nếu dựa trên hiểu biết có phần hẹp hòi và cực đoan thì rất khó để tạo ra một trật tự mới.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là Việt Nam phải chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới. Hệ thống thương mại dựa trên pháp luật quốc tế sẽ bị phá vỡ, có nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị cho một tình thế hỗn loạn hơn rất nhiều trong tương lai. Với tư cách là quốc gia đang phát triển, chúng ta cần một môi trường ổn định để có thể phát triển và tăng trưởng nhanh. Trong kỷ nguyên mới, điều này lại càng quan trọng.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Tôi cho rằng đây là thách thức rất lớn. Chúng ta đang đối mặt với những diễn biến rất khó lường và theo chiều hướng không mong đợi. Các ông lớn đều mong muốn định hình lại trật tự và chúng ta vẫn là một quốc gia nhỏ, chưa có nhiều hành trang trong quá trình đàm phán hoặc đưa ra để đánh đổi. Cho nên đây lại càng là thách thức bội phần đối với Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn thực sự mong muốn bứt phá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành một cường quốc. Do vậy, chúng tôi cũng mong muốn được thảo luận thêm về việc chúng ta sẽ bước tiếp con đường thế nào, theo hướng tự cường ra sao. Tôi cho rằng, đây cũng là thời điểm chúng ta cần phải nhìn nhận lại mình. Chính chúng ta và và thế giới phải nhìn nhận lại vị trí, vai trò của mình ở đâu và bước tiếp con đường thế nào.
Mời quý vị đón xem Bài 2: NHỮNG LỢI THẾ CỦA VIỆT NAM TRÊN BÀN ĐÀM PHÁN VỚI MỸ
Tổ chức sản xuất: Hoàng Hợp – Trần Nam
Biên tập: Minh Hoàn
Đồ họa: Thanh Nga


Trung Quốc có 5.351 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 32,2 tỷ USD, đứng thứ 6/150 đối tác đầu tư.
Thị trường chứng khoán ngày 14/4 bùng nổ khi nhóm cổ phiếu họ Vin – đặc biệt là VIC và VHM đồng loạt tăng kịch trần, góp hơn 8 điểm vào đà tăng mạnh của VN-Index.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, các sản phẩm công nghệ quan trọng từ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế mới trong vòng hai tháng tới.
Giá vàng trong nước sáng 14/4 đồng loạt tăng mạnh, vàng miếng SJC thiết lập đỉnh mới, vượt 107 triệu đồng/lượng.
Becamex IDC - doanh nghiệp hạ tầng lớn nhất khu vực phía Nam đã ra thông báo tạm hoãn đợt đấu giá hơn 300 triệu cổ phiếu ra công chúng.
Giá vàng miếng trong nước ngày 14/4 ổn định với giá mua vào khoảng 103 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 106,5 triệu đồng/lượng tại các thương hiệu.
0