Thế giới liệu có 'bợ đỡ' Donald Trump?

Từ đầu tháng 4 này, Tổng thống Donald Trump làm cả thế giới và chính nước Mỹ đảo điên vì những phát biểu và chính sách thay đổi liên tục. Hàng chục ngàn tỷ đô la mất đi chỉ sau một lời tuyên bố của ông và cũng có hàng ngàn tỷ đô la quay lại chỉ sau một lời tuyên bố khác!
Khi ông tuyên bố áp mức thuế cao cho hàng chục nền kinh tế, ngay lập tức nhiều thị trường bấn loạn. Ngay như ở một thị trường chứng khoán còn nhỏ yếu như thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư cũng khốn khổ với vài ngày giá xuống tận đáy, muốn bán không ai mua, rồi thăng hoa với một ngày mọi thứ lên trần, muốn mua không ai bán.

Điều đó có thể nói lên rằng, Tổng thống Mỹ vẫn là nhân vật chính trị quan trọng hàng đầu thế giới và nước Mỹ vẫn có tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn. Nhất cử nhất động đều có thể làm nổi sóng khắp các châu lục. Đó là quốc gia có một số vốn rất lớn, tích lũy sau hàng chục năm nước Mỹ đứng đầu kinh tế thế giới, nắm giữ đồng tiền quan trọng nhất và khả năng can thiệp quân sự vào mọi nơi.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Trump tuyên bố hoãn áp thuế 90 ngày, thị trường chứng khoán toàn cầu lại thăng hoa, khi mọi chỉ số lên kỷ lục, tăng hết biên độ. Và mọi người thấy rằng dù đương kim Tổng thống Mỹ nói gì thì cũng chưa có gì chắc chắn cả.

Bên cạnh sự thay đổi liên tục trong chính sách của ông Trump và những tác động ở phạm vi toàn cầu, còn có câu chuyện về mức thuế đặc biệt mà Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng hóa của nhau với mức không tưởng. Vào ngày 9/4, ông Trump áp mức thuế tổng cộng 104% lên hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Trung Quốc đáp trả bằng cách nâng thuế từ 34% lên 84% đối với hàng hoá Mỹ. Với những điều chỉnh đó, nếu thực hiện, thực tế giao thương hai nước sẽ tiến tới đóng băng, vì rất ít món hàng nào chịu nổi mức thuế trên 100% như vậy.

Nhưng vấn đề là thế giới bây giờ đã kết nối chặt chẽ và nền kinh tế Trung Quốc không còn nhỏ yếu nữa. Xét về GDP tính theo sức mua tương đương, kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ hàng chục phần trăm và sẽ sớm cao hơn gấp đôi. Cụ thể, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2024, GDP theo sức mua của Trung Quốc đạt khoảng 35,3 nghìn tỷ USD, trong khi Mỹ là 26,9 nghìn tỷ USD.
Trên thực tế, GDP của Mỹ hiện nay cũng cao nhưng chủ yếu do mảng dịch vụ và trong mảng dịch vụ này thì chủ yếu là dịch vụ nội địa. Vậy nên thị trường Mỹ cũng không quá lớn và chi phối quá mạnh mẽ cả thế giới ở mức độ như trong ba thập niên qua.
Ngược lại, Trung Quốc lại là nước rất mạnh về sản xuất, từ cây kim đến trạm vũ trụ, đều rẻ hơn người khác nhiều lần với chất lượng tương đương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch chiến lược lưu thông kép cho kinh tế Trung Quốc, tức là hàng hóa của họ sẽ được tiêu thụ trong nước đến một số lượng cực lớn đủ để các chi phí khấu hao gần hết và khi đem xuất khẩu thì thực tế không ai cạnh tranh nổi về giá.

Vả lại, thế giới hiện nay đã khác, nền kinh tế Trung Quốc đã như biển lớn, dù có đánh thuế đến thế nào đi nữa, hàng hoá vẫn đi theo những con đường khác nhau một cách tự nhiên, có thể vượt qua được những hàng rào thuế quan hay phi thuế quan.
Đáng chú ý chính Mỹ là nước từng yêu cầu mọi quốc gia gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và thúc đẩy việc hình thành WTO, một tổ chức có nhiệm vụ cao nhất là gỡ bỏ mọi hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Ý tưởng này của người Mỹ dựa trên lý thuyết lợi thế cạnh tranh tương đối của David Ricardo từ thế kỷ XIX: Thương mại quốc tế vẫn có thể diễn ra giữa hai quốc gia mà lợi thế tuyệt đối dồn hết về một phía. Một nước có hiệu quả sản xuất thấp hơn (chi phí cao hơn) trong sản xuất hầu hết các loại sản phẩm thì vẫn có thể tham gia vào phân công lao động quốc tế và trao đổi ngoại thương, thông qua chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế so sánh.
Ví dụ: Trung Quốc vẫn có thể hợp tác tốt với Mỹ dù Mỹ có năng suất lao động cao hơn hẳn, và Trung Quốc sẽ chỉ đi trồng lúa, nuôi heo, còn Mỹ sản xuất ô tô, làm tàu vũ trụ.
WTO sinh ra để làm điều đó và nó không sai trong sự vận động kinh tế suốt những thập niên qua, song không may là Trung Quốc lại là nước có thể làm nhiều thứ rẻ hơn và tốt hơn, mà lại có thị trường lớn hơn. Sau vài chục năm vào WTO, Trung Quốc đã dồn Mỹ vào thế suy yếu về sản xuất và chỉ còn mạnh về dịch vụ, các sản phẩm văn hóa và quân đội.
Ông Trump có lẽ hiểu rằng không thể cứ kéo dài thế này mãi, mà phải làm một điều gì đó, thà là một kết thúc khủng khiếp còn hơn một sự khủng khiếp mãi không kết thúc. Vậy nên ông mới bắt đầu cuộc đại thương chiến trên phạm vi toàn cầu, nhưng tập trung vào Trung Quốc.

Có thể còn rất nhiều năm nữa, cuộc thương chiến mới ngã ngũ kết quả. Song điều có thể thấy rõ ràng là “con rồng đã ra khỏi hang” trong bối cảnh mà cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đang làm cả thế giới thấy rõ bản chất tiêu chuẩn kép của phương tây.
Nước Mỹ có những giá trị vĩ đại không thể phủ nhận. Nền kinh tế Mỹ còn hùng mạnh nhiều chục năm nữa. Tuy nhiên, nhiều dân tộc khác cũng có sức mạnh riêng, cũng có những giá trị thiêng liêng riêng, đã đến lúc con người phải tập chung sống với nhau, hướng đến những giá trị chung của nhân loại.
Thế giới vẫn cần Mỹ, nhưng không chắc sẽ theo cách “bợ đỡ” Tổng thống Trump, càng không “kissing my ass” như cách ông nói với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa.
Nội dung: Thiên Lương
Đồ họa: Thanh Nga


Tập đoàn công nghệ Rostec của Nga đã chuyển giao cho quân đội Nga lô xe BMP-3 mới với lớp giáp bảo vệ được nâng cấp đáng kể.
Đối mặt với mức thuế quan cao chưa từng có của Mỹ, Trung Quốc không những không tìm cách đàm phán mà còn đáp trả Washington bằng mức thuế tương ứng.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố Berlin hiện không thể cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine, với lý do cạn kiệt nguồn vũ khí đánh chặn này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo, Moscow sẽ phân bổ 100 tỷ USD để đóng tàu chiến mới nhằm ưu tiên hiện đại hóa lực lượng hải quân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc “không sợ hãi” trong bình luận công khai đầu tiên về cuộc chiến thương mại đang leo thang với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Iran sẽ "phải trả giá đắt" nếu không từ bỏ chương trình hạt nhân.
0