Thảnh thơi làm dâu Sài Gòn
Sài Gòn đón tôi bằng cái nắng dịu dàng và những cơn gió nhẹ nhàng, man mát. Ngồi trên taxi, tôi nhờ bác tài mở cửa sổ để tôi có thể lắng nghe những thanh âm thân thuộc của quê hương. Dù nơi đây còn cách mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tôi cả ngàn cây số nhưng khi đi càng xa, khái niệm quê hương dường như càng lớn.
Với tôi, Việt Nam là quê hương, nên đứng ở đâu trên dải đất hình chữ S, tôi cũng cảm thấy mình đang được ôm ấp và che chở. Cảm giác ấm áp ấy đã tự nhiên làm dịu đi sự bồi hồi, lo sợ trong tôi. Bước chân vào nhà, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự tối giản khác hẳn so với những ngôi nhà ở miền Bắc.
Căn nhà không có nhiều nội thất, mọi thứ đều bố trí cho tiện sinh hoạt. Tôi để ý từng ngóc ngách không có một hạt bụi. Ở ngay cửa chính, mẹ đã để sẵn cho chúng tôi hai đôi dép theo hướng thuận xỏ chân. Vào tới cầu thang lên tầng lại có hai đôi dép khác để thay. Hơn hai mươi năm trong đời, đây là lần đầu tiên tôi được ai đó chuẩn bị sẵn đến cả đôi dép đi trong nhà một cách tinh tế, chu đáo như vậy. Đối với tôi, đó không phải là đôi dép bình thường mà là đôi dép của riêng tôi ở nhà chồng, một nơi sẽ trở thành gia đình thứ hai của tôi. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi chúng tôi về nhà ba mẹ, những đôi dép dành riêng cho chúng tôi vẫn luôn được mẹ để sẵn ở cửa như một nghi thức chào đón con cháu của mẹ trở về.
Sau màn chào hỏi đơn giản, mẹ kêu chúng tôi lên phòng nghỉ ngơi, lát mẹ gọi xuống ăn trưa. Dù mẹ nói vậy và dù tôi cũng mệt nhừ sau chặng đường dài nhưng tôi vẫn lò dò xuống bếp để phụ mẹ nấu ăn. Lần đầu về ra mắt, tôi nào dám ngồi không chờ mẹ chồng phục vụ. Đã nghe kể nhiều câu chuyện mẹ chồng nàng dâu, là một fan của phim Hàn Quốc, tôi còn cho rằng biết đâu mẹ đang thử con dâu tương lai. Thế nhưng mẹ kiên quyết không cho tôi làm gì, một hai bảo tôi lên nhà nghỉ ngơi. Mẹ bảo con chưa biết làm đúng ý mẹ. Tôi đành đi lên phòng, trong lòng đầy lo lắng. Sau gần chục năm làm dâu của mẹ, mỗi dịp về thăm nhà, tôi cũng chưa bao giờ phải làm gì vẫn vì một lý do như ngày đầu tiên, con không biết làm đâu.
Một lát sau, mẹ gọi hai đứa xuống ăn sầu riêng. Trời đất như quay cuồng với tôi vì tôi không ăn được thứ quả ấy. Mẹ nhất định kêu tôi ăn thử. Mẹ nói ở Sài Gòn thì phải ăn được sầu riêng. Để lấy lòng mẹ, tôi đành nhắm mắt, nín thở nuốt chửng một miếng. Đây là lần thứ hai tôi ăn thử loại quả được mệnh danh là vua của các loại trái cây và vẫn như lần đầu, tôi chẳng thể yêu nổi nó. Thực vậy, có những thứ dù hấp dẫn với rất nhiều người nhưng lại chẳng có chút giá trị nào trong lòng ai đó. Tình yêu vốn không phải thứ cố mà có được. May mắn thay, mẹ không giận, cũng không ép tôi, yêu sầu trở thành dâu Sài Gòn.
Đến bữa trưa, trước khi ăn, mẹ nhìn tôi cười và nói, mẹ không giỏi nấu ăn nên con ăn tạm nhé. Nghe vậy, tôi thấy thương mẹ quá chừng, khoảng cách mẹ chồng con dâu dường như đã hoàn toàn biến mất. Những món mẹ nấu thực sự đơn giản như cách mẹ sống vậy. Để nấu món canh cá thu, mẹ chỉ bắc nồi nước lên bếp, chờ sôi rồi thả cá đã ướp gia vị, cà chua, rau cần tây, ớt và nêm nếm cho vừa ăn. Khi canh sôi sùng sục trở lại, mẹ múc ra tô và rắc thêm ít tiêu lên trên.
Bao nhiêu năm làm dâu, mẹ không cho tôi vào bếp và cũng chỉ tự mình nấu những món quen thuộc. Những ngày sau, mẹ đổi vị cho cả nhà bằng món gỏi gà, vịt nướng, thịt quay… mẹ mua ở quán quen. Mẹ bảo nhà mình ít người lại ăn uống đơn giản, cần gì bày ra nấu nướng cho mệt. Các con muốn ăn gì cứ nói mẹ mua là được. Từ đó, quan điểm về ăn uống của tôi cũng thay đổi theo mẹ. Rồi tự nhiên lại thấy thương sao những người mẹ, người vợ khác, cả ngày quanh quẩn bên bếp núc nấu ăn, phục vụ chồng con ngày này qua ngày khác. Ở miền Bắc quê tôi, vào những ngày Tết, những người phụ nữ luôn phải tất bật đầu bù tóc rối với nấu nướng và dọn dẹp cỗ bàn, đâu còn thời gian để nghỉ ngơi hay ngồi thong thả chuyện trò với bạn bè, con cái.
Ăn xong, mẹ không cho tôi rửa bát luôn. Mẹ ép tôi phải lên ngủ trưa, chiều dậy rồi rửa. Quy trình này sau gần chục năm vẫn không thay đổi. Ba giờ chiều, trời nắng nóng, khi tôi xuống nhà để rửa bát thì chén bát, xoong nồi đã được mẹ xếp ngay ngắn ngoài sân kèm một chiếc ghế nhỏ và quạt đã cắm sẵn dây điện. "Tối nay trên phố sẽ đông lắm đó, con bảo anh gọi taxi đi vào quận Nhất chơi nhé. Đi xe máy mệt lắm. Đêm chơi về muộn hoặc tắc đường thì vào khách sạn ngủ rồi hôm sau về", mẹ thủ thỉ bên cạnh trong lúc tôi rửa bát. Miệng tôi bất giác nở một nụ cười, thầm biết ơn ông trời đã cho tôi được làm dâu của mẹ.
Vào những ngày lễ của mẹ như ngày 8/3, 20/10 và ngày sinh nhật, mẹ đều không cần tôi mua quà cho mẹ. Trái lại, mẹ nhắc tôi đòi quà của chồng và kêu chồng dẫn đi ăn nhà hàng. Mẹ bảo đồ con mua mẹ không cần dùng tới, mẹ để đó vừa lãng phí lại làm con buồn. Các dịp lễ Tết về thăm nhà, mẹ đều đuổi bọn tôi đi chơi.
Còn nhớ Tết âm lịch đầu tiên sau khi cưới, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý ăn Tết nhà chồng. Sau khi được nghỉ làm, tôi mua một giỏ quà to, đẹp mang về nhà ba mẹ. Ai dè, ba nói mua làm gì cho tốn kém, lần sau cũng không cần giỏ hay gói đẹp đẽ làm gì cho thêm rác, còn mẹ chỉ cho hai vợ chồng ở lại hết mùng 1 Tết.
Mẹ bảo tranh thủ mấy ngày Tết phố xá vắng vẻ, tụi con đi chơi cho thoải mái. Cả năm con ở trong này rồi thì chỉ cần về mẹ vào dịp Noel, Tết dương lịch còn Tết âm lịch con cứ ăn Tết ngoài Hà Nội. Bên ngoài, tôi bình thản cười mỉm, nói "dạ mẹ" mà trong bụng như có trống đánh tưng bừng, tôi thực muốn lao vào ôm chầm lấy mẹ và nhảy múa rộn ràng như trẻ thơ. Kể từ đó, cứ Tết Nguyên đán, tôi lại được ra Bắc ăn Tết với bố mẹ đẻ trong sự động viên và chống lưng của mẹ chồng.
Mẹ chồng tôi còn đặc biệt thích viết giấy nhắn, viết thư tay, mẹ thích giữ lại những bài viết hay trên báo để gửi cho các con đọc. Buổi sáng đầu tiên thức dậy, xuống dưới nhà tôi đã thấy mẹ để sẵn hai chiếc bánh mỳ Hà Nội kẹp thịt, kèm hai caramel tàu phớ nóng hổi, bên cạnh là mẩu giấy mẹ viết dặn dò hai con ăn sáng. Vợ chồng tôi ở xa, mẹ muốn dặn dò gì đều viết ra giấy và nhờ ba chồng chụp gửi cho các con. Mấy năm trở lại đây, mẹ bắt đầu dùng điện thoại nhắn tin nhưng lại không biết gõ tiếng Việt. Sợ tôi không dịch được, mẹ phải nhắn thêm một tin nói mẹ không biết gõ dấu nên con chịu khó đọc nhé. Mẹ vẫn luôn vậy, chu đáo và tinh tế trong mọi tình huống.
Mẹ chồng tôi khó tính vì mẹ là người sống theo nguyên tắc cá nhân. Ví dụ như không ai được phép thay đổi vị trí đồ đạc mà không hỏi ý mẹ, làm gì trong nhà cũng đều phải theo quy trình mẹ đặt ra. Chính mẹ cũng biết mình khó tính nên mẹ không muốn sống cùng con cái. Mẹ muốn được tự do trong căn nhà của mình và mẹ cũng muốn tôn trọng quyền tự do của con cái trong nhà của chính các con như thế. Cho nên, dù mẹ có nhiều quy tắc, tôi cũng không cảm thấy cuộc sống làm dâu của mình khó khăn hay nặng nề.
Trái lại, mẹ còn rất tâm lý và thoáng với đứa con dâu thích bay nhảy như tôi. Năm nay, dù đã 74 tuổi nhưng mẹ luôn đọc báo và xem Youtube để cập nhật kiến thức, xu hướng sống hiện đại. Vì vậy, khi tôi sinh em bé, hai mẹ con không bị mâu thuẫn về việc nuôi và chăm sóc con nhỏ, dù tôi nuôi con kiểu hiện đại, chẳng hạn như: nuôi con bằng sữa mẹ, ăn uống tự do, hạn chế kháng sinh, dạy con tự lập... Trái lại, mẹ còn ủng hộ và thường xuyên động viên, khen ngợi con dâu.
Tết vừa rồi, khi từ Hà Nội vào Sài Gòn, gia đình tôi ghé về thăm ba mẹ. Căn nhà và nếp sinh hoạt vẫn không có gì thay đổi ngoại trừ một tờ giấy mẹ viết, dán sẵn ở cửa phòng của vợ chồng tôi. Mẹ dặn khi nào mẹ mất, các con hãy hỏa táng mẹ rồi đem tro cốt rắc trên dòng sông kế bên mảnh đất nhà mình. Đám tang của mẹ cũng không được tổ chức ầm ĩ kèn trống, không cần báo cho ai tránh làm phiền mọi người. Hãy để mẹ ra đi trong yên lặng và nhẹ nhàng.
Đọc những dòng này, khóe mắt tôi chợt rưng rưng mà miệng lại cười to trách mẹ lo xa, nghĩ quẩn. Mẹ còn sống với bọn con lâu nữa. Mẹ cười, bảo mẹ già rồi, biết đâu đến ngày mai. Tôi quay mặt đi, đưa tay quệt vội giọt nước mắt, sống mũi tự nhiên cay cay chẳng dám nghĩ tới ngày trở về Sài Gòn không còn dáng mẹ.
Bao năm qua, tôi cũng đã yêu một Sài Gòn dịu dàng như cách mẹ chào đón tôi như thế.
Đan Ngọc


Hera trở thành giám đốc công ty Gold Shoes, giả vờ làm theo mọi việc mà mẹ con Jung Hô yêu cầu, lấy được lòng tin của họ. Mời các bạn đón xem tập 22 của bộ phim "Số phận và sự giận dữ", phát sóng lúc 12h ngày 5/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Mời các bạn đón xem tập 22 của bộ phim "Thần Thám đại tài", phát sóng lúc 20h ngày 5/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Luôn đối chọi với nhau trong những lần giáp mặt, nhưng Vũ Phi lại bất ngờ xuất hiện bên cạnh Khánh Sinh với vai trò là cố vấn tài chính. Phải chăng cô đã thay đổi? Mời các bạn đón xem tập 8 của bộ phim "Vượt lên bão tố", phát sóng lúc 13h ngày 5/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Na Kơng gặp Chi Jong và muốn nuôi con của cô. Chê Úc tức giận khi biết Na Kơng đòi nuôi con của Chi Jong. Mời các bạn đón xem tập 3 của bộ phim "Lời hứa của tình yêu", phát sóng lúc 21h ngày 5/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Sáng sớm nay, sương mù khá dày xuất hiện ở hầu hết các khu vực trong thành phố, mưa rào rải rác báo hiệu khối không khí lạnh tăng cường đã tràn về khu vực Bắc Bộ. Nhiệt độ ngoài trời là 20-21 độ, độ ẩm trên 90%.
Điều chỉnh thời gian hoạt động phố đi bộ hồ Gươm; Lịch sử hào hùng được tái hiện qua điện ảnh; Phòng nguy cơ lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện; Không ra đề thi tuyển sinh lớp 10 quá khó; Nghĩa tình lực lượng cứu hộ Việt Nam tại Naypyidaw;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
0