Tháng Giêng trong tôi

Những ngày qua, mưa phùn mờ mờ đất trời, mưa giăng mắc trên những lùm nhãn, những cây xoan, những cây cúc tần bên giậu, quấn quýt mờ mịt cả những dây tầm gửi màu vàng cam buông từng chùm như mái tóc búp bê của em bé. Một màu trắng đục, mờ mờ bảng lảng trong không trung, chẳng ra mây cũng chẳng ra mưa, cứ âm ẩm như mùa đông chứ không phải tháng Giêng đang hiện hữu.

Tháng Giêng cất giữ trong lòng mỗi người những ký ức xưa, những câu chuyện cũ, mang theo cả những hy vọng cho một khởi đầu mới, cho những khát vọng hồi sinh.

Tháng Giêng mang theo những cơn mưa phùn rải xuống nhân gian. Mưa làm cho mấy cây nhãn, cây xoài đang ngẩng cao những ngồng hoa đu đưa trong gió giờ nặng trĩu cành, ướt đẫm nước mưa, rủ xuống như ưu tư, như trầm mặc với đất trời.

Bà nội tôi xưa thường nhìn trời như thế, chép miệng, thở dài mà bảo rằng: "Mưa nhiều thế này hỏng hết hoa nhãn, hoa vải thôi!" và theo kinh nghiệm của bà, bao giờ có một trận mưa rào to, trút hết hoa vải, hoa nhãn thì trời mới nắng.

Quả thật, bao nhiêu năm, tôi cứ nhìn vườn cây tháng Giêng mà chiêm nghiệm lời bà nói. Năm nào cũng có những trận mưa rào cuối mùa làm trút sạch cả chùm hoa, trút hết cả những hoa đực và hoa cái không đậu quả, chỉ để lại những chấm xanh bé như hạt đỗ, đó chính là quả xoài, quả vải, quả nhãn trĩu cành sau này. Nếu càng nhiều chấm xanh thì cây càng sai quả. Có những quả khi lớn bằng đầu ngón tay còn thui chột, rụng đi để lại trơ khấc những cành, rồi cành cũng héo và dần rụng nốt.

Trong vườn, những cây chuối chẳng phân biệt mùa màng, bốn mùa vẫn xanh tươi, xòe tay đón gió. Những đêm cuộn tròn trong chăn ấm với bà, sáng sớm tỉnh dậy, việc đầu tiên là tôi lắng tai nghe xem ngoài sân có tiếng gì không, nếu có tiếng lộp độp là hôm đó trời mưa. Mưa nhỏ nhưng cứ tích tụ thành giọt lớn, rơi từ cây cau, cây nhãn gõ đồm độp xuống tàu lá chuối.

Những hạt nước giọt gianh từ mái tranh tí tách rơi xuống sân gạch. Có những buổi chiều mưa, tôi ngồi dưới hàng hiên cả giờ ngắm mưa mà không chán. Những cọng cỏ tranh được nước mưa đọng lại càng ngày càng to, trong suốt như pha lê rồi khi nặng trĩu, nó rơi xuống. Chẳng ai trả lời được tại sao trẻ con lại thích xòe tay hứng những giọt mưa rơi từ mái tranh, hết giọt này đến giọt khác, một cách vui thú đến vậy?

Mưa làm những cây na khẳng khiu trong mùa đông giật mình thức giấc, hé chồi non xanh tươi. Ban đầu, mầm cây bé bằng đầu tăm rồi to dần bằng móng tay, từ từ lớn dần bằng bàn tay em bé. Rồi cây ra hoa, tôi rất thích ngắm những bông hoa na xanh xanh bé nhỏ, mùi thơm là lạ. Ngày ấy, tôi cứ thắc mắc sao bà trồng lắm chuối thế. Bà bảo: "Trẻ trồng na, già trồng chuối, con ạ". Trong đầu óc non nớt của thằng bé chín tuổi, tôi cứ nghĩ cây na lâu được ăn quả hơn cây chuối nên các cụ tuổi cao mới trồng chuối để chóng được thu hoạch. Có lần ngồi nhổ tóc sâu cho bà, bà bảo điều đấy cũng đúng nhưng chỉ đúng một nửa, tôi tròn mắt nhìn bà, bà mắng yêu và giải thích: "Tuổi già, răng rụng hết, chỉ ăn được chuối mềm thôi chứ na chín nhưng răng lợi khủng khiểng, nhằn làm sao được hạt". Thì ra thế! Đôi khi con người có những ý nghĩ cứ mặc định, cứ đóng đinh trong đầu là đúng, là duy nhất.

Tháng Giêng, mưa phùn, đường đất lầy lội và trơn. Trời rét có khi còn đậm hơn mùa đông, vậy mà mẹ vẫn quang gánh vội vã, tất bật đi gánh phân, nhổ mạ, cấy lúa. Năm ngón chân mẹ tòe ra, bấm chặt vào đường đất sét trơn để khỏi ngã mỗi khi gồng gánh ra đồng. Tối về, bàn tay, bàn chân mẹ rét cóng, thâm tím, tôi thường đốt lửa cho mẹ sưởi để xua tan giá rét. Thương mẹ, tôi chỉ biết nấu cơm thật ngon, dọn nhà thật sạch và chiều tối mang dép sẵn ra cầu ao để mẹ về rửa chân. Tôi cũng bớt đàn đúm với lũ bạn, học hành chăm chỉ hơn để mẹ vui lòng.

Tháng Giêng, nhà nào khéo thu vén thì còn nhiều khoai tây và thóc, gạo. Nhà nào đông con, đau yếu một chút là thóc gạo vơi đi từng ngày trong cót, trong bồ. Những điều lo lắng này chỉ cha mẹ mới biết, còn chúng tôi chẳng biết lo lắng gì, tuổi ăn, tuổi ngủ, cứ được ăn cơm độn sắn, độn khoai tây cũng vui vẻ, tối về nằm ổ rơm cũng ngủ ngon lành.

Cuối tháng Giêng, hàng xoan trước ngõ đã bắt đầu vàng lá rồi rụng dần những cành lá già. Bất chợt một ngày, ngẩng lên thấy những chùm hoa tim tím, trăng trắng treo đầy ngọn cây. Hoa xoan không thơm, ngược lại còn hăng hắc, khó ngửi.

Bà nội bảo, cứ mùa hoa xoan là muỗi về nhiều. Tôi chẳng biết hoa xoan có liên quan gì đến muỗi không nữa nhưng thi thoảng, cuối ngày đi làm về, thấy trên quang gánh của mẹ có ít cành lá bạch đàn, mẹ bảo lấy về đốt cho bớt muỗi. Tuy hoa xoan không đẹp nhưng cái màu sắc tim tím, sang sáng ấy khi rụng xuống đường, xuống sân vườn lại in đậm rất sâu trong ký ức tuổi thơ tôi. Hình như, các sắc màu thiên nhiên tạo ra rất hài hòa, ấn tượng và đẹp đẽ chứ không như lũ chúng tôi, khi đi học cứ vẽ bừa, chẳng biết màu nào đi cạnh màu nào. Con người phải học thiên nhiên là thế!

Đầu làng tôi có cây gạo rất to, nó cao hơn tất cả các cây khác trong các vườn xung quanh. Cũng từ cây gạo đó, mọi người trong làng gọi tên cho vùng đất đầu làng ấy là Cây Gạo.

Cuối tháng Giêng, khoảng tháng Ba dương lịch, cây gạo rụng hết lá, trơ trọi những cành khẳng khiu như những nét vẽ nguệch ngoạc lên nền trời u ám. Những nụ hoa gạo to dần trên những cành cây, chúng lớn lên từng ngày với tiếng hót của các loài chim về tụ hội. Rồi một ngày, hoa gạo nở đỏ rực trời như một ngọn đuốc, chúng tôi chỉ biết đứng dưới gốc cây mà ngắm vẻ đẹp ngạo nghễ, rực rỡ, chói lòa của nó.

Dường như tất cả tinh chất từ mạch ngầm của đất được cây hút và dồn hết vào các bông hoa. Hoa gạo to, đỏ thắm như bàn tay người lớn. Khi nó rụng xuống, chúng tôi mới lấy hoa chơi vì cây quá cao, chẳng đứa nào leo trèo lên được. Lúc đó, lũ bạn của Bông lại có dịp ra Cây Gạo chơi những trò chơi của bọn con gái.

Nắng lên, lúa xanh khắp cánh đồng. Hoa bưởi trắng ngần trong kẽ lá, hoa cau tỏa hương thơm dịu dàng lan khắp khu vườn. Tiếng chim hót ríu ran trên ngọn tre. Cây cối tràn đầy nhựa sống, đâm chồi nảy lộc mỡ màng. Cây đào bật mầm xanh non, cây nhất chi mai nở hoa rực rỡ, cây xoài bung những chiếc lá tím nhạt mềm mại như những chiếc nơ "ai vắt lên cây", chậu cúc đại đóa của ông nở vàng tươi, mềm mại. Lúc đó, tôi có cảm giác đất trời mới thật sự sang xuân, khắp nơi ngập tràn một màu xanh ngút ngát, thanh bình, yên ả. Dù đi xa, cứ mỗi mùa xuân, cứ khi nghe tiếng chim gọi bạn, tiếng gà cục tác, lòng tôi lại nao nao, khoảnh khắc ấy thấy mình như hồi còn bé dại, cứ miên man nghĩ tới quê nhà.

Tháng Giêng năm ấy, tôi nhớ có một ngày nắng đẹp, mọi người lo chuẩn bị giỗ anh trai của ông nội. Trưa đó, bà đun cho ông nồi nước tắm bằng các loại lá thơm. Đêm đó, ông bay về trời, ông đi thanh thản nhẹ nhàng như chiếc lá rời cành, bỏ lại bà với mẹ và anh em tôi, để lại khoảng trống mênh mông trong lòng mỗi người.

Cả khu vườn trắng toát những gốc cây, mẹ quét vôi cho chúng và bảo: "Hồi còn sống, ông chăm chút từng cây, giờ ông đi, để cho cây để tang ông". Sau này bà kể lại: "Ông bảo bà đun nước tắm cho ông để ông đi với anh trai, tưởng ông nói vậy thôi, ai ngờ ông đi thật". Phải mất rất nhiều ngày sau đó, mọi người trong gia đình mới quen được sự thiếu vắng ông trong ngôi nhà bé nhỏ của mình. Tôi vẫn hình dung như ông đang ở đâu đây, vẫn dõi theo mọi người.

Mỗi độ tháng Giêng, lòng tôi lại bâng khuâng thương nhớ. Một miền ký ức xa xưa dội về với những vui buồn. Người ta nói rằng, những gì xảy ra không bị mất đi, lãng quên mà tất thảy đều để lại dấu ấn trong lòng vũ trụ. Tôi tin vào điều ấy như tin vào tháng Giêng - tháng đặc biệt khởi đầu của năm mới, nó có phép màu làm vạn vật hồi sinh!

Hà Kim Quy

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

HANOITV News | 04/04/2025

Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra một cú sốc lớn đối với thương mại toàn cầu. Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", ông Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa, bù đắp khoản thâm hụt nợ công của Mỹ. Sâu xa hơn, Mỹ muốn dùng công cụ thuế để gây sức ép, buộc các đối tác thương mại phải đàm phán lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Chiến thuật cứu hộ của Công an Việt Nam được đánh giá cao; Công tác cứu nạn ở Myanmar bước sang giai đoạn mới; Bắt tạm giam Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Ngoài phở, những món sợi nước như bún, miến vẫn luôn được nhiều người Hà Nội tìm đến cho bữa sáng hàng ngày. Với vị ngọt thanh, chua dịu nhẹ đặc trưng của dấm bỗng, bún riêu chính là một lựa chọn phù hợp để bắt đầu một ngày mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài viếng đồng chí Khamtay Siphandone; Bộ Quốc phòng thưởng từ 16 lần lương cơ sở khi cá nhân lập thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc; Bộ Y tế thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga; Tòa án Hàn Quốc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Lãnh đạo cấp cao Đảng Nhà nước viếng đồng chí Khamtay Siphandone; Người Việt Nam tại Mandalay chung tay cứu trợ người dân Myanmar; Doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với mức thuế cao của Mỹ; Tổng thống Mỹ công bố điều kiện giảm thuế đối ứng;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.