Tham vọng sáp nhập Greenland của ông Trump
Mỹ tái khẳng định muốn sở hữu Greenland
Phát biểu của ông Trump trong cuộc gặp với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO vào ngày 13/3 tại Nhà Trắng đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ công chúng Đan Mạch, cũng như các quan chức và học giả nước này.
Trong cuộc họp diễn ra tại Phòng Bầu dục hôm 13/3 với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO Mark Rutte, Tổng thống Mỹ Donal Trump cho biết, ông tin rằng Mỹ sẽ sáp nhập Greenland và đồng thời gợi ý NATO có thể tạo điều kiện cho việc sáp nhập diễn ra thuận lợi.
Trước đây tôi không nghĩ nhiều. Nhưng tôi đang ngồi với một người đàn ông có thể đóng vai trò rất quan trọng. Ông biết đấy, Mark, chúng ta cần đảo Greenland vì an ninh quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Mark Rutte trả lời rằng, ông không muốn lôi NATO vào cuộc tranh luận và lưu ý rằng, vấn đề nên được thảo luận giữa các nước thuộc khu vực Bắc Cực.
Ông Trump lập luận rằng, việc Mỹ kiểm soát Greenland sẽ là một vấn đề "an ninh quốc gia". Theo Tổng thống Trump, Đan Mạch từ chối thảo luận về chủ đề này, nhưng Mỹ có thể sẽ gửi thêm lực lượng để củng cố các căn cứ quân sự của nước này ở Greenland.
Những bình luận này được đưa ra ngay sau cuộc bầu cử nghị viện Greenland vào ngày 11/3 với chiến thắng thuộc về Đảng Demokraatit - đảng ủng hộ việc Greenland độc lập dần dần khỏi Đan Mạch.
Ông cũng gợi ý về các cuộc thảo luận trong tương lai với lãnh đạo Greenland. Tuy nhiên, phát ngôn của ông đã vấp phải sự phản đối từ giới lãnh đạo chính trị, học giả và người dân Greenland.
Chúng ta không thể bị mua chuộc và bản sắc văn hóa của chúng ta, con người của chúng ta, không thể bị mua chuộc. Chúng ta có tổ tiên của mình, đã chiến đấu vì lịch sử này trong một thời gian rất dài. Và thật là thiếu tôn trọng nếu ông ấy phá vỡ điều đó.
Ông Oliver Bech - Thành viên đảng Chính trị Siumut.
Ông Jens-Frederik Nielsen, Chủ tịch đảng Demokraatit của Đan Mạch và là nhân vật lãnh đạo trong các cuộc đàm phán đang diễn ra để thành lập chính phủ tiếp theo của Greenland, gọi những phát biểu của Trump là "không phù hợp". Trong một bài đăng trên Facebook, ông Nielsen kêu gọi người dân Greenland đoàn kết chống lại áp lực bên ngoài.
Thủ tướng đương nhiệm Mute Egede cũng lên án những bình luận của ông Trump, kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Đảng Greenland. Ông Egede viết trên mạng xã hội: "Một lần nữa, Tổng thống Mỹ đã đưa ra ý tưởng sáp nhập chúng tôi. Tôi không thể chấp nhận điều này theo bất kỳ cách nào".
Trong khi đó, các nhà hoạt động Đan Mạch đã có cách tiếp cận sáng tạo và châm biếm để chống lại các mối đe dọa của Mỹ. Hơn 270.000 người Đan Mạch đã ký vào một bản kiến nghị trực tuyến để mua California từ Mỹ và biến nó thành "Đan Mạch mới", chiến dịch Đan Mạch hóa thậm chí còn đề xuất đổi tên Disneyland ở California thành "Hans Christian Andersenland", theo tên của tác giả người Đan Mạch nổi tiếng.
Ông Jan Oberg, một học giả người Đan Mạch và là người sáng lập Quỹ xuyên quốc gia vì hòa bình và nghiên cứu tương lai có trụ sở tại Thụy Điển cũng lên án tham vọng của Mỹ: "Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Bạn không thể nói rằng tôi muốn một quốc gia khác trong khi đây lại là hòn đảo lớn nhất thế giới. Ông ấy muốn chúng ta tin rằng vì ba loại hình kinh tế, chính trị và an ninh thế giới mà ông ấy cần kiểm soát Greenland."
Ông Oberg lưu ý rằng, các tuyên bố chủ quyền của Trump đối với Greenland, Canada và kênh đào Panama không phải là trường hợp cá biệt.
Vào tháng 6/2024, Quốc hội Thụy Điển đã phê duyệt một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ, cấp cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận tất cả các căn cứ quân sự trên khắp Thụy Điển. Các thỏa thuận tương tự tồn tại giữa Mỹ và Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan. Điều này có nghĩa là Mỹ đang thiết lập một vòng cung kiểm soát quân sự trải dài từ Panama đến Scandinavia và Bắc Cực, có khả năng làm leo thang căng thẳng ở các khu vực này.
Mỹ đã muốn có Greenland trong hơn một thế kỷ. Từ các đề xuất mua bắt buộc đến việc thành lập căn cứ quân sự và sự xâm nhập quyền lực mềm, hòn đảo này từ lâu đã nằm dưới cái bóng của các tính toán chiến lược và kinh tế của Mỹ.
Một cuộc thăm dò ý kiến do phương tiện truyền thông địa phương tiến hành vào ngày 28/1 cho thấy, 85% số người Greenland từ chối trở thành một phần của Mỹ, chỉ có 6% ủng hộ và 9% chưa quyết định.
Vì sao ông Trump muốn mua Greenland?
Câu chuyện Tổng thống Mỹ Donal Trump đặc biệt hứng thú với hòn đảo rộng lớn Greenland không phải là mới. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông đã nhiều lần đề cập ý tưởng mua lại hòn đảo này, thậm chí còn cử con trai mình, Donald Trump Jr. tới Greenland để đánh giá thực địa. Ông lập luận rằng/ vị trí của Greenland gần các tuyến vận tải chính và các căn cứ quân sự hiện có của Mỹ khiến nó có tầm quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ.
Greenland, vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch là một trong những khu vực có ít dân cư nhất hành tinh. Có khoảng 56.000 người chủ yếu là người Inuit bản địa sinh sống trên một diện tích lớn gấp ba lần bang Texas của Mỹ. Tuy nhiên, thủ phủ Nuuk của hòn đảo này gần New York hơn là Copenhagen nên từ lâu Mỹ đã muốn sở hữu Greenland. Từ các đề xuất mua lại hòn đảo đầu thế kỷ XX đến việc thiết lập các căn cứ quân sự trong chiến tranh thế giới thứ 2, hòn đảo băng giá này luôn là một yếu tố trong các tính toán của Mỹ bởi vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên phong phú của nó. Trong nhiều thập kỷ, quân đội Mỹ đã vận hành căn cứ lực lượng không gian Pituffik, trước đây gọi là căn cứ không quân Thule, nằm giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Căn cứ này được sử dụng làm tiền đồn quan sát tên lửa đạn đạo. Ông Trump từng đề xuất mua hòn đảo tự trị của Đan Mạch vào năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình và ông đã khơi lại cuộc thảo luận này sau khi tái đắc cử.
Greenland có vị trí chiến lược dọc theo hai tuyến đường tiềm năng qua Bắc Cực, giúp giảm thời gian vận chuyển giữa Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và tránh được tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez và Panama.
Mặc dù những tuyến đường này ít khả thi về mặt thương mại trong nhiều năm, nhưng chúng vẫn đang thu hút sự chú ý.
Greenland không phải là nơi dễ sống khi 80% diện tích của hòn đảo được bao phủ bởi lớp băng dày hơn 3 km và nhiệt độ thường xuyên xuống dưới -30 độ C vào mùa đông. Nhưng đây lại là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Bên dưới lớp băng của Greenland chứa các mỏ tài nguyên tốt, đất hiếm khổng lồ với trữ lượng 36,1 triệu tấn, lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm rất quan trọng cho sản xuất thiết bị điện tử, pin xe điện, công nghệ năng lượng tái tạo và hệ thống quốc phòng. Hòn đảo còn giàu các khoáng sản khác như các kim loại kẽm, vàng, quặng sắt, uranium, coban.
Vùng biển Bắc Cực xung quanh Greenland được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đáng kể. Người ta ước tính có thể có hàng tỷ thùng dầu chưa được khai thác. Ngoài ra, Greenland còn có lợi thế về phát triển thủy điện với nguồn nước ngọt dồi dào từ các sông băng tan chảy.
Người dân Greenland phản đối tham vọng của ông Trump
Trong cuộc bầu cử nghị viện vừa mới diễn ra, người dân Greenland đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử khi bác bỏ ý định "thâu tóm" đảo Greenland của Tổng thống Mỹ Donal Trump. Họ đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ Demokraatit, chủ trương độc lập dần dần khỏi Đan Mạch và cũng là đảng phản đối mạnh mẽ tham vọng của ông Trump. Trong khi đó, đảng Qulleq được xem là thân Mỹ nhất thậm chí không giành đủ phiếu bầu để có một ghế trong cơ quan lập pháp. Chiến thắng của đảng Dân chủ Demokraatit này cho thấy mong muốn của người dân muốn giữ vững quyền tự chủ, đặt ra thách thức lớn cho chiến lược địa chính trị của Mỹ tại Bắc Đại Tây Dương.
Trong cuộc bầu cử ngày 11/3, đảng Dân chủ thân doanh nghiệp Demokraatit của Greenland đã giành chiến thắng với gần 30% số phiếu bầu, một bước nhảy vọt so với vị trí thứ tư và chỉ 9,1% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử trước đó vào năm 2021. Lãnh đạo đảng Demokraatit Jens - Frederik Nielsen, 33 tuổi, người kiên quyết bác bỏ ý tưởng sáp nhập của Tổng thống Trump đã gọi kết quả này là "lịch sử" và thừa nhận đây là điều "chúng tôi không ngờ tới. "Tôi không có bình luận nào ngay lúc này. Chúng tôi vui mừng và tự hào về kết quả".
Những người theo chủ nghĩa dân tộc Naleraq, lực lượng tích cực nhất trong việc thúc đẩy vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch cắt đứt mối quan hệ còn lại với Copenhagen, đứng thứ hai với 24,5% số phiếu bầu.
Liên minh sắp mãn nhiệm gồm người Inuit Ataqatigiit (phe cánh tả xanh) và đảng Dân chủ xã hội ở Siumut lần lượt mất 15,3 điểm và 14,7 điểm so với bốn năm trước.
Đảng cầm quyền Inuit Ataqatigiit, do Thủ tướng đương nhiệm Mute Egede lãnh đạo, đã giành được 21,4% số phiếu bầu đáng thất vọng, giảm hơn 15% so với cuộc bầu cử năm 2021.
Đáng chú ý, đảng Qulleq thân Mỹ không giành được lá phiếu nào. Kết quả này, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 70%, được các chuyên gia xem là sự phản đối thẳng thừng đối với những tuyên bố liên tục của ông Trump về việc muốn "thâu tóm" hòn đảo chiến lược này.
Không có đảng nào giành được đa số phiếu bầu, đảng Dân chủ hiện sẽ phải đàm phán với các đảng khác để thành lập chính phủ liên minh.
Hơn 28.000 cử tri đã đăng ký tham gia cuộc bầu cử tại 72 điểm bỏ phiếu trên khắp Greenland. Có lẽ là dấu hiệu của hiệu ứng Trump đã thúc đẩy cử tri đi bỏ phiếu với tỷ lệ rất cao, ở mức trên 70%. Trạm bỏ phiếu duy nhất ở Nuuk, thủ đô của Greenland đã chật cứng vào ngày 11/3 và phải kéo dài thời gian mở cửa thêm nửa giờ để tất cả cử tri xếp hàng có thể bỏ phiếu.
Đề xuất của ông Trump về việc mua lại Greenland bị cử tri địa phương bác bỏ mạnh mẽ, một số người trong số họ đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Mỹ.
Tôi nghĩ đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử Greenland vì chúng tôi bị các quốc gia khác đe dọa. Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ bỏ phiếu một cách đàng hoàng chứ không phải vì lòng tham. Hãy tránh xa đất nước chúng tôi, ông Trump. Ông không được chào đón ở đây. Ông phải tôn trọng chúng tôi và ông phải tôn trọng văn hóa của chúng tôi trước khi đến đây.
Người dân địa phương.
Chị Aviaja Brandt một giáo viên tại Nuuk thừa nhận mong muốn thay đổi của cử tri: “Khi tôi thức dậy và nhận ra kết quả, tôi hiểu rằng có một mong muốn về một cách tiếp cận khác hoặc sự thay đổi có thể xảy ra”.
Giống như đại đa số người dân, các đảng phái chính của Greenland đều muốn giành độc lập, nhưng họ lại khác nhau về thời gian biểu. Một số đảng muốn điều này diễn ra nhanh chóng - như Naleraq - trong khi những đảng phái khác như hai thành phần của liên minh sắp mãn nhiệm, IA và Siumut (đảng Dân chủ xã hội) lại đưa ra điều kiện là phải dựa trên sự tiến bộ về kinh tế của Greenland.
Về kinh tế, vùng lãnh thổ này phụ thuộc vào đánh bắt cá, chiếm gần như toàn bộ kim ngạch xuất khẩu và vào khoản viện trợ hàng năm khoảng 530 triệu euro do Copenhagen chi trả, tương đương 20% tổng sản phẩm quốc nội địa phương. Đối với những người ủng hộ độc lập thiếu kiên nhẫn nhất, Greenland có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình nhờ vào nguồn tài nguyên khoáng sản của mình. Nhưng ngành khai khoáng hiện vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, chịu sức ép bởi chi phí hoạt động cao.
Greenland là từng là thuộc địa của Đan Mạch và đã trở thành vùng lãnh thổ của nước này kể từ năm 1953. Hòn đảo rộng 2 triệu km² đã giành được một số quyền tự chủ vào năm 1979 khi quốc hội đầu tiên của đảo được thành lập, nhưng Copenhagen vẫn kiểm soát các vấn đề đối ngoại, quốc phòng và chính sách tiền tệ và cung cấp gần 1 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế.
Những bình luận mới nhất của Tổng thống Mỹ Donal Trump đã đẩy Greenland vào một vòng xoáy không mong muốn, đặt ra câu hỏi về giới hạn quyền lực của Mỹ và sức mạnh của các quốc gia nhỏ hơn. Hiện tại, người dân Greenland vẫn kiên quyết được củng cố bởi sự hỗ trợ của Đan Mạch và lịch sử chung về quyền tự quyết. Liệu sự tự tin của ông Trump có biến thành hành động để định hình lại sự cân bằng quyền lực mong manh của Bắc Cực hay chỉ dừng lại ở lời nói?


Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này
Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.
Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.
0