Thách thức bủa vây trước lễ nhậm chức của ông Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hiện bước vào giai đoạn quan trọng trước lễ nhậm chức ngày 20/1. Tuy nhiên, ông đang vướng phải rất nhiều rắc rối pháp lý, mà điều đó không chỉ ảnh hưởng đến tài chính và danh tiếng của ông, mà còn có thể tác động lớn đến quá trình ông điều hành đất nước trong nhiệm kỳ mới.

Tha bổng nhưng không trắng án

Chỉ còn vài ngày nữa, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức. Thế nhưng, những rắc rối pháp lý vẫn bủa vây nhà lãnh đạo 78 tuổi này. Đáng chú ý nhất là vụ án cáo buộc ông làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền bịt miệng ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels trước thềm cuộc bầu cử năm 2016. Ông Trump được miễn mọi hình phạt, nhưng vẫn bị tuyên án có tội, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một Tổng thống Mỹ nhậm chức với một tiền án hình sự. Theo các nhà phân tích, bản án tha bổng nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ mang nhiều màu sắc chính trị và được coi là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của các vấn đề pháp lý mà ông Trump đã và đang phải đối mặt. Dù vụ án đã tạm thời được khép lại, song những rắc rối đằng sau được dự báo sẽ còn kéo dài ngay cả khi chính trị gia này trở lại nắm quyền ở Nhà Trắng.

Hồi cuối tháng 5/2024, bồi thẩm đoàn New York kết luận ông Trump có tội với tất cả 34 cáo buộc liên quan đến làm giả hồ sơ kinh doanh trong vụ án chi tiền bịt miệng trước thềm cuộc bầu cử hồi năm 2016. Đây là trọng tội có thể đối mặt với mức án lên đến 4 năm tù giam. Sau nhiều lần trì hoãn, tòa án ở New York hôm 10/1 đã mở phiên tòa tuyên án ông Trump. Tổng thống đắc cử tham dự thông qua hình thức trực tuyến. Thẩm phán Juan Merchan ra phán quyết “đặc biệt” - “miễn hình phạt vô điều kiện”, tức là ông Trump sẽ không phải ngồi tù, bị quản chế hay chịu bất kỳ khoản tiền phạt nào, nhưng vẫn bị lưu hồ sơ là có tội.

Theo thẩm phán Merchan, dù ông Trump - với vai trò là người đứng đầu Nhà Trắng tương lai sẽ hạn chế các lựa chọn tuyên án nhưng điều đó không thay đổi được thực tế là bồi thẩm đoàn gồm 12 người ở New York đã kết tội bị cáo. Ông Trump lẽ ra phải nhận “bản án nghiêm khắc hơn” nếu ông là một công dân bình thường.

“Tổng thống Mỹ là người chịu trách nhiệm bảo vệ người dân Mỹ và gần đây, người dân đã quyết định rằng, người bảo vệ của họ nên được hưởng một số lợi ích khi ngồi vào vị trí này, trong đó có Quyền miễn trừ của Tổng thống".  

Ông Juan Merchan, Thẩm phán Tòa án New York, Mỹ

Phán quyết trên không phải là diễn biến bất ngờ, vì thẩm phán Merchan đã hé lộ kế hoạch ra quyết định để kết thúc vụ án, mà không làm mọi việc thêm phức tạp. Về phần mình, ông Trump gọi vụ án là “vũ khí hóa chính phủ” và là “một sự xấu hổ đối với New York”. Ông khẳng định, mình không phạm bất kỳ tội danh nào.

"Họ làm thế để làm tổn hại danh tiếng của tôi để tôi thua trong cuộc bầu cử. Nhưng rõ ràng là điều đó không hiệu quả. Người dân Mỹ đã tận mắt chứng kiến điều này. Họ đã theo dõi vụ án, và cuối cùng họ đã bỏ phiếu cho tôi. Thậm chí, tôi đã giành được chiến thắng áp đảo với số phiếu bầu lớn nhất, vượt xa mọi ứng viên tranh cử đến từ đảng Cộng hòa trước đó”.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump

Mặc dù không phải chịu bất cứ hình phạt nào, nhưng vụ án có tác động không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của Tổng thống đắc cử Trump, nhất là khi chỉ còn vài ngày nữa ông sẽ nhậm chức. Ông Trump tuyên bố sẽ kháng cáo để tìm lại sự trong sạch cho bản thân.  Phía ông Trump có thời hạn 30 ngày nộp “thông báo kháng cáo” để tòa phúc thẩm Manhattan thụ lý và xem xét. Quá trình kháng cáo có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí vài năm.

Tuy nhiên, trong lúc chờ kháng cáo, các lợi ích kinh doanh của ông Trump có thể đối mặt với các thách thức pháp lý, bởi giờ đây ông là một tội phạm. Giấy phép kinh doanh rượu tại ba sân golf đăng ký dưới tên ông Trump ở bang New Jersey có thể đứng trước nguy cơ bị thu hồi. Theo Văn phòng tổng chưởng lý bang New Jersey, sau khi tòa tuyên án, Cục Quản lý Đồ uống có cồn đang tiến hành đánh giá liệu Tổng thống đắc cử Trump có đủ điều kiện để tiếp tục sở hữu quyền lợi liên quan các giấy phép này hay không. Luật pháp bang New Jersey yêu cầu thu hồi giấy phép nếu bất kỳ ai giữ hoặc là người hưởng lợi chính từ giấy phép đó bị kết án hình sự.

Trong khi đó, theo tờ Politico (Mỹ), việc một Thẩm phán, thuộc đảng Dân chủ tuyên án một tổng thống đắc cử đến từ đảng Cộng hòa tiềm ẩn những yếu tố chính trị. Tuy nhiên, vụ án sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến ông Trump, bởi hiện tại ông đã thắng cử và chuẩn bị nhậm chức. Với quy định giới hạn hai nhiệm kỳ, ông Trump không thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba và sẽ rời Nhà Trắng vào tháng 1/2029, khi đã 82 tuổi. Tại bang Florida, nơi ông sinh sống, ông vẫn có quyền bỏ phiếu cho người kế nhiệm. Mặc dù ông không được phép sở hữu súng, nhưng điều này không thực sự quan trọng vì ông sẽ luôn có sự bảo vệ của Cơ quan Mật vụ Mỹ.

Mỹ có công khai báo cáo điều tra về ông Trump?

Ngoài vụ án chi tiền bịt miệng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump còn phải “đau đầu” với hai vụ án hình sự liên bang liên quan đến nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 và việc mang tài liệu mật đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida khi rời Nhà Trắng. Hai vụ kiện này đã bị hủy bỏ sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, nhưng các diễn biến xung quanh vẫn thu hút sự chú ý của công chúng. Hồi cuối tuần qua, điều tra viên đặc biệt Jack Smith, người phụ trách các vụ án này đã từ chức khỏi Bộ Tư pháp Mỹ sau khi hoàn tất báo cáo điều tra liên quan. Đây là bước đi đã được dự đoán trước, nhưng lại làm dấy lên nhiều tranh cãi về việc liệu báo cáo này có được công khai hay không trong những ngày tới. Nếu được công bố, báo cáo sẽ tiết lộ bằng chứng mà Bộ Tư pháp Mỹ sử dụng để cáo buộc ông chủ Nhà Trắng tương lai can thiệp bầu cử và xử lý sai tài liệu mật.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, điều tra viên đặc biệt Jack Smith đã từ chức vào ngày 10/1, tức là chỉ 10 ngày trước khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức. Động thái này được nhiều quan chức Bộ Tư pháp đồn đoán từ lâu. Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi truy tố điều tra viên Jack Smith vì cách quan chức này xử lý các vụ án liên quan đến mình, thậm chí còn đề nghị trục xuất ông Smith khỏi Mỹ.

Sự ra đi của ông Jack Smith đánh dấu một chương bất thường và hỗn loạn trong lịch sử Bộ Tư pháp Mỹ, dẫn đến những cáo buộc hình sự nghiêm trọng đối với Tổng thống đắc cử Trump. Đến nay, cả hai vụ kiện do ông Smith phụ trách đều bị tòa án ngăn cản, nhưng báo cáo điều tra vẫn còn. Theo hãng tin CNN, báo cáo mà điều tra viên đặc biệt Jack Smith nộp bao gồm hai phần, một phần liên quan đến nỗ lực của ông Trump để lật ngược kết quả bầu cử 2020 và một phần về việc ông lưu giữ tài liệu mật tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.

“Cuộc tấn công vào Tòa nhà Quốc hội vào ngày 6/1/2021 là một cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào trung tâm của nền dân chủ Mỹ. Như đã mô tả trong cáo trạng, cuộc tấn công này được thúc đẩy bởi những lời nói dối - những lời nói dối của bị cáo, nhằm cản trở một chức năng cơ bản của chính phủ Mỹ, quá trình thu thập, kiểm đếm và chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống”.

Ông Jack Smith, Điều tra viên đặc biệt

Bộ Tư pháp Mỹ vốn lên kế hoạch công khai báo cáo này trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, nhưng một thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên đã ra lệnh tạm ngừng công bố tài liệu này và viện dẫn yêu cầu của đội ngũ bào chữa. Hai bị cáo đồng phạm của ông Trump trong vụ án tài liệu mật, gồm trợ lý của ông là Walt Nauta và ông Carlos De Oliveira, quản lý khu Mar-a-Lago, cho rằng việc công bố báo cáo mang tính định kiến không công bằng. Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định giữ lại phần báo cáo về tài liệu mật cho đến khi vụ việc của hai bị cáo Nauta và De Oliveira được xử lý xong. Dù vậy, các công tố viên tuyên bố sẽ tiếp tục công khai phần báo cáo liên quan đến can thiệp bầu cử. Họ đã gửi đơn khẩn cấp lên Tòa án Phúc thẩm Liên bang yêu cầu gỡ bỏ lệnh cấm và cho phép công khai báo cáo.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho biết, ông đang cân nhắc công bố kết quả các cuộc điều tra nói trên theo một cách phù hợp, có thể trước một số thành viên cấp cao trong Quốc hội. Theo tờ Politico, nếu báo cáo không được công khai trước ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào 20/1, vẫn chưa rõ khi nào Bộ Tư pháp Mỹ sẽ chính thức công bố báo cáo này. Thậm chí, một số ý kiến lo ngại, liệu cơ quan Tư pháp Mỹ có thể công bố chúng nữa hay không? Trước đó, ông Trump và các đồng minh của ông đã cảnh báo rằng, các chi tiết trong báo cáo có thể bị rò rỉ nếu Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland chia sẻ với Quốc hội, nhưng những thông tin công khai duy nhất hiện nay đến từ chính ông Trump và đội ngũ luật sư của ông.

Các quy định của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu công tố viên đặc biệt phải hoàn thành báo cáo khi kết thúc nhiệm vụ và theo thông lệ, các báo cáo này sẽ được công khai bất kể nội dung ra sao.

Lịch sử Mỹ đã chứng kiến nhiều báo cáo điều tra đặc biệt được công khai. Gần đây nhất, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã công khai toàn bộ báo cáo do cố vấn đặc biệt Robert Hur thực hiện về cách Tổng thống Joe Biden xử lý thông tin mật và báo cáo của công tố viên John Durham nhằm xem xét cách thức điều tra mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiến hành liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Các vụ kiện chờ đón ông Trump trong nhiệm kỳ hai

Có thể nói, Tổng thống đắc cử Donald Trump là một trong những nhà lãnh đạo vướng vào nhiều vụ án hình sự và dân sự nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Ngay khi chuẩn bị nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ngoài các vụ án bị hủy hoặc đã xét xử, ông Trump vẫn còn đối mặt với nhiều vụ kiện lớn liên quan đến cáo buộc âm mưu lật đổ bầu cử, gian lận tài chính, cho đến tội phỉ báng. Những vấn đề pháp lý này được cho không chỉ ảnh hưởng đến tài chính và danh tiếng của ông Trump, mà còn có thể tác động lớn đến quá trình ông điều hành đất nước trong nhiệm kỳ mới.

Một trong những vụ kiện gây chú ý nhất hiện nay đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump là vụ truy tố âm mưu lật đổ kết quả bầu cử ở bang Georgia. Vụ kiện này được khởi xướng từ tháng 8/2023, khi công tố viên hạt Fulton, Fani Willis, đưa ra cáo trạng đối với 19 người, trong đó có ông Trump. Mặc dù bà Willis đã bị tòa tước tư cách công tố viên do bê bối cá nhân, nhưng phán quyết này không đồng nghĩa với việc hủy bỏ vụ truy tố đối với ông Trump. Bà Willis đã kháng cáo lên Tòa án tối cao bang Georgia và nếu thắng, bà có thể giữ vụ kiện cho đến khi ông Trump mãn nhiệm trước khi đề xuất ngày xét xử. Quy trình này có thể kéo dài trong nhiều tháng, vì không phù hợp để tiến hành khi ông Trump đang đương chức. Tuy nhiên, giới chức Georgia cũng có thể thay thế bà Willis, tạo cơ hội cho một công tố viên mới tiếp tục hoặc hủy bỏ cáo trạng đối với ông Trump.

Ngoài vụ kiện tại Georgia, ông Trump còn đang phải đối mặt với một loạt các vụ kiện dân sự khác. Một trong số đó là vụ kiện do Tổng chưởng lý bang New York, Letitia James, khởi xướng vào tháng 9/2022. Vụ kiện này cáo buộc ông Trump gian lận tài chính bằng cách thổi phồng giá trị tài sản để có được các khoản vay ngân hàng và điều khoản bảo hiểm ưu đãi. Thẩm phán New York Arthur Engoron hồi tháng 2/2024 phán quyết ông Trump phải nộp phạt tổng cộng 464 triệu USD. Ông Trump bác bỏ mọi cáo buộc và đệ đơn kháng cáo. Tòa phúc thẩm mở phiên tranh tụng hồi cuối tháng 9/2024 và chưa ra phán quyết.

Ngoài vụ kiện ở New York, ông Trump còn đối mặt với hai vụ kiện phỉ báng từ cựu nhà báo Jean Carroll, người đã kiện ông về các cáo buộc tấn công tình dục. Tòa phúc thẩm đã giữ nguyên phán quyết yêu cầu ông Trump bồi thường 5 triệu USD, trong khi vụ kiện thứ hai, với yêu cầu bồi thường 83,3 triệu USD, vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

Một trong những vấn đề pháp lý nghiêm trọng khác mà ông Trump đang phải đối mặt là các vụ kiện liên quan đến vụ bạo loạn tại Đồi Capitol vào ngày 6/1/2021. Ông Trump vấp phải 8 đơn kiện dân sự từ các nhân viên hành pháp bị thương và các nghị sĩ đảng Dân chủ, những người cho rằng hành động của ông đã dẫn đến cuộc bạo loạn. Ông Trump cho rằng, các hành động của ông khi đó được hưởng quyền miễn tố. Thẩm phán liên bang Washington, Amit Mehta, đang xem xét các lập luận từ cả hai bên. Phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào mùa hè năm nay.

Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump hứa hẹn sẽ là một phép thử lớn đối với chính trường Mỹ. Sự nghiệp chính trị của ông không chỉ đối mặt với những vụ kiện kéo dài mà còn phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong cách nhìn nhận về tiêu chuẩn và đạo đức đối với các vị trí lãnh đạo. Trong khi ông Trump chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức và cam kết bảo vệ Hiến pháp, ông lại phải đối mặt với những cáo buộc pháp lý nghiêm trọng, tạo nên một nghịch lý đáng chú ý. Tổng thống đắc cử Donald Trump đang xây dựng một phong cách lãnh đạo đầy tranh cãi, nơi các chuẩn mực truyền thống bị hoài nghi, đồng thời làm sâu sắc thêm sự phân hóa trong xã hội Mỹ. Dù kết quả ra sao, ông Trump đã chứng minh rằng, dù là một tổng thống hay một nhà lãnh đạo chính trị, việc thay đổi các chuẩn mực và quy chuẩn cũ có thể để lại ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đối với nền dân chủ và tương lai của đất nước.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Số người thiệt mạng trong trận động đất tại Myanmar là 3.301 người, trong khi 4.792 người bị thương và 221 người vẫn mất tích.

Tổng thống Donald Trump quyết định gia hạn thêm 75 ngày để công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance bán các tài sản TikTok tại Mỹ cho một nhà đầu tư không phải Trung Quốc, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/4 báo cáo nguồn cung cấp điện và nước tại Myanmar vẫn bị gián đoạn, làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và tăng nguy cơ bùng phát bệnh tật.

Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết, nước này đã nhận được “kết quả tốt nhất trong một loạt các thỏa thuận khó khăn” từ động thái áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một tuyên bố vào ngày 4/4.

Các Bộ trưởng Ngoại giao NATO đã kết thúc hai ngày họp tại Brussels vào ngày 4/4, tập trung vào công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới tại The Hague.

Bộ tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế 34% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/4.