Tản mạn tháng Tư
Ôi, bất chợt một đóa hoa. Vậy là mùa xuân đã vội vã ra đi không lời từ biệt. Nắng hè đã ngập ngừng trên cánh hoa nhỏ bé. Sắc tím tháng Tư làm rộn lên những nỗi niềm ly biệt.
Thời chúng tôi đi học, ngôi trường này chỉ có mấy cây xà cừ và hàng phượng đã đứng tuổi. Loài hoa này chỉ tím trong mơ, nở trên những bài thơ chép đi chép lại trong rất nhiều trang lưu bút. Bởi miền trung du này làm gì có bằng lăng. Mà kể cũng lạ, bài “Chào tuổi học trò” của Thuận Hữu viết “Thôi chào tuổi sinh viên, thôi tạm biệt mái trường…”, vậy mà học trò cấp ba cũng cứ “vơ” vào cảm xúc của mình, lại còn thầm cảm ơn nhà thơ đã nói hộ bao điều không thể nói. Cái cảm giác dùng dằng khi giã từ thời áo trắng cứ ngân nga “Bằng lăng ơi tím chi mà tím mãi/ Màu hoa buồn ở lại nhé, tôi đi”.
Tôi đã qua bao mùa hoa tím?
Mang tâm trạng màu hoa ấy, tôi bước vào cửa lớp.

Còn mấy tháng nữa mới thực sự chia tay, nhưng tôi thấy các em đã bắt đầu tiếc nuối đến từng khoảnh khắc. Mỗi ngày lên lớp, tôi đều cảm nhận được tâm trạng ấy qua từng ánh mắt, từng lời nói. Tôi hiểu lắm những hờn giận, thương yêu và lưu luyến rất học trò, khi thời gian cứ bước đi vội vã. Tôi dẫn nhập bài học “Phát biểu tự do” với ý thơ về “cây táo vẫn nở hoa” của Lưu Quang Vũ. Một bạn xin phát biểu với đề tài chia tay. Chưa đầy 5 câu, em ấy đã bật khóc, cả lớp lặng đi trong niềm xúc động. Tôi cũng chực rơi nước mắt. Mỗi năm mỗi mùa, tôi từ biệt một lứa học trò. Cảm xúc vừa quen vừa lạ, vừa buồn vừa vui, và tràn đầy lưu luyến, cả những trống vắng. Các em sẽ phải chia xa, sẽ đi qua thời áo trắng, để lại tôi với tôi, như “ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại”.
Những học trò nhỏ của cô, cứ tự tin bay đến những chân trời mơ ước. Dù ngoài kia, cuộc đời có biết bao thử thách; dù ngoài kia, bầu trời không chỉ có mây xanh, nắng vàng mà còn ẩn tàng lắm giông bão… Những đóa bằng lăng tím của cô, hãy cứ tin yêu và hy vọng, hãy cứ nhân hậu và vị tha, hãy cứ kiên cường nở trong nắng gió của đời!
Tháng Tư. Thêm một mùa ve rộn rã. Sân trường tím đẫm nụ bâng khuâng…


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0